Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 08/06/2020 Quy định về biện pháp giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
- Số hiệu văn bản: 09/2020/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Ngày ban hành: 08-06-2020
- Ngày có hiệu lực: 19-06-2020
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1619 ngày (4 năm 5 tháng 9 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2020/QĐ-UBND |
Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 08 tháng 6 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG LANG THANG, XIN ĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội;
Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật;
Căn cứ Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội;
Căn cứ Thông tư số 02/2020/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1469/SLĐTBXH-BTXH ngày 26 tháng 5 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định biện pháp giải quyết tình trạng người xin ăn, người lang thang sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng đi lang thang, xin ăn và sinh sống ở nơi công cộng (sau đây gọi tắt là đối tượng).
2. Quyết định này áp dụng đối với các đối tượng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và gia đình, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
3. Quyết định này không áp dụng đối với tu sĩ khất thực có giấy chứng nhận của cơ quan giáo hội Phật giáo Việt Nam có thẩm quyền.
4. Những nội dung khác liên quan đến quy trình, thủ tục tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, dừng trợ giúp xã hội, không quy định tại quyết định này được thực hiện theo quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 103/2017/NĐ-CP) và Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người xin ăn: là những người đi xin dưới bất kỳ hình thức nào như trực tiếp đi xin ăn hoặc kết hợp công việc khác với việc xin ăn như: bán hàng rong, bán sách báo, bán vé số, đánh giày, giả danh khất thực, bị mất cắp trên đường, lỡ tàu xe, giả người bệnh để xin ăn; người hỗ trợ hoặc trực tiếp đi cùng trẻ em, người khuyết tật hoặc mang theo trẻ em, người khuyết tật để bán hàng rong, bán sách báo, vé số, đeo bám chèo kéo người đi đường, khách du lịch.
2. Người lang thang sinh sống nơi công cộng (bao gồm người khuyết tật, kể cả người bệnh tâm thần đi lang thang, người cao tuổi, trẻ em, người ốm yếu không còn khả năng lao động): là những người do bị lỡ tàu, xe, đi tìm người thân nhưng không liên hệ được với người thân nên tạm thời phải sinh sống nơi công cộng; hoặc những người có nơi cư trú, có hộ khẩu thường trú nhưng không sinh sống tại nơi cư trú hoặc nơi thường trú mà thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định sống lang thang, ăn, ngủ và thực hiện các sinh hoạt hàng ngày tại nơi công cộng như vỉa hè lòng- lề đường, quảng trường, công viên, chợ, bến xe, bến tàu, nơi vui chơi giải trí và những nơi công cộng khác.
Điều 3. Biện pháp thực hiện
1. Tập trung đối tượng.
2. Xác minh nơi cư trú.
3. Giải quyết hồi gia, hòa nhập cộng đồng.
4. Đưa đối tượng vào Trung tâm tiếp nhận ban đầu là Trung tâm xã hội và Trung tâm Công tác xã hội để quản lý nuôi dưỡng, phân loại và giải quyết trở về gia đình nếu có thân nhân bảo lãnh, hòa nhập cộng đồng hoặc chuyển về cơ sở bảo trợ xã hội chuyên biệt.
a) Trung tâm Xã hội tiếp nhận đối tượng là người khuyết tật (bao gồm cả trẻ em và người cao tuổi có biểu hiện bệnh tâm thần), người lang thang, xin ăn trong độ tuổi lao động, người tái lang thang, xin ăn trong độ tuổi lao động.
b) Trung tâm Công tác xã hội tiếp nhận đối tượng là người cao tuổi và trẻ em bao gồm cả trường hợp người cao tuổi và trẻ em tái lang thang.
5. Chuyển đối tượng về Trung tâm chuyên biệt đối với đối tượng lang thang, xin ăn không có gia đình, người thân đến làm thủ tục bảo lãnh.
a) Giám đốc Trung tâm tiếp nhận ban đầu có công văn gửi Trung tâm chuyên biệt đề nghị tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng dài hạn, cụ thể như sau:
Đối với đối tượng là trẻ em chuyển về Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu.
Đối với đối tượng là người già chuyển về Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn.
b) Nếu đối tượng được tiếp nhận ban đầu tại Trung tâm Công tác xã hội nhưng phát hiện mắc bệnh truyền nhiễm thì Trung tâm công tác xã hội chuyển đối tượng về Trung tâm xã hội.
c) Trường hợp khi chuyển về trung tâm chuyên biệt mới phát hiện đối tượng có biểu hiện tâm thần, lao hay các bệnh truyền nhiễm khác nếu bệnh nhẹ trung tâm chuyên biệt sẽ tiếp tục quản lý nuôi dưỡng, trường hợp bệnh nặng có ý kiến xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên đơn vị chuyển đối tượng về Trung tâm xã hội.
6. Giải quyết hồi gia, hòa nhập cộng đồng được thực hiện trong thời gian:
a) Tập trung tại các xã, phường, thị trấn;
b) Tại Trung tâm tiếp nhận ban đầu;
c) Trung tâm chuyên biệt.
Điều 4. Tập trung đối tượng
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp với công an cùng cấp và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập trung các đối tượng trên địa bàn quản lý, thực hiện xác minh nơi cư trú, giải quyết hồi gia, hòa nhập cộng đồng hoặc đưa đến các đơn vị tiếp nhận ban đầu theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Quyết định này.
Điều 5. Xác minh nơi nơi cư trú
1. Đối với đối tượng có địa chỉ cư trú ngay tại xã, phường, thị trấn nơi đối tượng bị tập trung, đơn vị tập trung thực hiện xác minh nơi cư trú theo thông tin đối tượng cung cấp, việc xác minh nơi cư trú được thực hiện ngay sau khi tập trung đối tượng:
a) Trường hợp liên hệ được với gia đình đối tượng và người thân đến bão lãnh thì tiến hành giải quyết hồi gia cho đối tượng;
b) Trường hợp liên hệ được nhưng người thân không đến bảo lãnh, đơn vị tập trung trực tiếp đưa đối tượng về nơi cư trú và lập biên bản bàn giao cho gia đình quản lý;
c) Trường hợp đơn vị tập trung không liên hệ được với người thân của đối tượng, thì yêu cầu đối tượng viết cam kết không tái lang thang, xin ăn; giải quyết hòa nhập cộng đồng đối với đối tượng trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động; lập hồ sơ chuyển về Trung tâm tiếp nhận ban đầu đối với đối tượng lang thang xin ăn là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người lang thang trong độ tuổi lao động nhưng không còn khả năng lao động, sức khỏe suy yếu.
2. Đối với đối tượng có địa chỉ cư trú tại các địa phương khác địa bàn đơn vị tập trung đối tượng hoặc chưa xác định được nơi cư trú, không có giấy tờ tùy thân, đơn vị tập trung lập biên bản, lấy mẫu kiểm tra đối với những trường hợp có nghi vấn sử dụng chất ma túy:
a) Đối với những đối tượng không sử dụng chất ma túy: lập hồ sơ chuyển đối tượng đến Trung tâm tiếp nhận ban đầu, chuyển về gia đình hoặc giải quyết hồi gia hòa nhập cộng đồng tùy theo từng đối tượng;
b) Các trường hợp sử dụng chất ma túy: xử lý theo quy định pháp luật có liên quan.
3. Tại Trung tâm tiếp nhận ban đầu: đối với đối tượng tiếp nhận lần đầu Trung tâm thực hiện việc kết nối khai thác thông tin liên hệ gia đình, người thân của đối tượng đến làm thủ tục bảo lãnh, nếu gia đình không đến làm thủ tục bảo lãnh nhưng đối tượng trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động Trung tâm có trách nhiệm giải quyết hòa nhập cộng đồng cho đối tượng.
Việc giải quyết hòa nhập cộng đồng cho đối tượng được thực hiện ngay khi có kết quả kết nối thông tin. Dựa vào thời gian có kết quả kết nối thông tin Trung tâm giải quyết hồi gia, hay hòa nhập cộng đồng cho đối tượng tùy trường hợp cụ thể.
Điều 6. Thời gian tiếp nhận, giải quyết hồi gia, hòa nhập cộng đồng
1. Đối với đối tượng tiếp nhận lần đầu, thời gian chăm sóc nuôi dưỡng, giải quyết hồi gia, hòa nhập cộng đồng tối đa không quá 03 (ba) tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Đối với đối tượng tái lang thang lần thứ 02 (hai) trở lên Trung tâm thực hiện hình thức lao động trị liệu, tư vấn tâm lý, thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm có thể thực hiện tối đa là 03 (ba) tháng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
3. Đối với đối tượng mắc các bệnh xã hội như: lao, HIV và các bệnh truyền nhiễm khác (do Trung tâm Y tế cấp huyện xác nhận) thì thời gian nuôi dưỡng tại Trung tâm theo thời gian điều trị bệnh xã hội trong chương trình quốc gia về phòng chống bệnh xã hội. Khi hoàn thành chương trình hoặc có ý kiến của Trung tâm Y tế cấp huyện trở lên thì Trung tâm giải quyết cho hòa nhập cộng đồng.
4. Đối với đối tượng là người khuyết tật lang thang trong độ tuổi lao động (kể cả người tâm thần), không xác định được nơi cư trú hoặc đối tượng trong độ tuổi lao động nhưng do bệnh tật, tình trạng sức khỏe suy yếu Trung tâm xã hội thực hiện việc quản lý, nuôi dưỡng đến khi đối tượng ổn định sức khỏe, đồng thời liên hệ chính quyền địa phương thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật cho đối tượng. Dựa trên kết quả xác nhận mức độ khuyết tật Trung tâm xã hội chuyển tiếp từ nuôi dưỡng tạm thời sang nuôi dưỡng dài hạn đối với đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng không có gia đình người thân.
5. Định kỳ cuối quý II hàng năm, các Trung tâm có trách nhiệm lập danh sách đối tượng ở các tỉnh, thành phố khác đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm chưa kết nối được gia đình, người thân báo cáo về Sở chủ quản để có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh bạn đề nghị hỗ trợ gia đình đối tượng làm thủ tục bảo lãnh hoặc phối hợp bàn giao đối tượng cho các trung tâm nơi đối tượng có hộ khẩu thường trú.
Điều 7. Quy trình tiếp nhận, quản lý đối tượng.
1. Quy trình tiếp nhận đối tượng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP .
2. Quy trình quản lý đối tượng thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 02/2020/TT-BLĐ-TBXH ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Điều 8. Hồ sơ tiếp nhận đối tượng
1. Hồ sơ tiếp nhận: đơn vị tập trung đối tượng thực hiện hồ sơ theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 3 Điều 40 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP .
2. Thời gian hoàn tất hồ sơ trong vòng 10 ngày theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 41 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập tổ chức hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
3. Hồ sơ chuyển đối tượng về Trung tâm chuyên biệt: đơn vị chuyển đối tượng có trách nhiệm bàn giao tất cả các hồ sơ có liên quan đến đối tượng cho Trung tâm chuyên biệt (Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn).
Điều 9. Thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồi gia hòa nhập cộng đồng cho đối tượng
1. Thẩm quyền tiếp nhận: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP .
2. Thẩm quyền giải quyết hồi gia hòa nhập cộng đồng: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP .
Điều 10. Trách nhiệm thực hiện
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì phối hợp đơn vị có liên quan tổ chức triển khai và thực hiện Quyết định này.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Trung tâm trong việc tiếp nhận, chuyển đối tượng, lập hồ sơ quản lý, sắp xếp nơi ăn, ở, chăm sóc đối tượng trong thời gian nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm, kết nối, tìm hiểu thông tin gia đình đối tượng, giải quyết hồi gia cho đối tượng trở về gia đình, cộng đồng.
c) Thông báo và phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố có đối tượng lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh để chuyển giao đối tượng về các tỉnh quản lý.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan
a) Tổ chức tập trung, lập hồ sơ các đối tượng trên địa bàn đảm bảo tập trung, chuyển giao đúng đối tượng.
b) Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, khuyến khích các tổ chức nhân đạo, từ thiện hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn không nơi nương tựa, dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn có nghề mưu sinh ổn định cuộc sống.
c) Tăng cường công tác quản lý hộ khẩu, các thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng, kiểm tra nhà trọ có người lang thang để vận động, tư vấn, giúp đỡ họ hồi hương, về gia đình và hòa nhập cộng đồng.
d) Tăng cường vận động cơ sở kinh doanh ăn, uống, vui chơi giải trí, các điểm du lịch, đền chùa cam kết không để đối tượng lang thang, ăn xin hoặc kết hợp công việc khác với việc lang thang, xin ăn, đeo bám, chèo kéo khách du lịch trong khuôn viên, địa bàn đơn vị kinh doanh, quản lý; đồng thời tuyên truyền vận động trực tiếp người lang thang, xin ăn để họ tự nguyện trở về gia đình, học nghề hoặc tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân để ổn định cuộc sống. Có biển cấm người lang thang xin ăn và biển kiến nghị khách tham quan du lịch không cho tiền người ăn xin.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu có kế hoạch thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức của người dân không đi lang thang, không lợi dụng trẻ em, người khuyết tật để xin ăn, bán hàng rong hoặc tiếp tay cho đối tượng lang thang, xin ăn (không cho tiền người xin ăn) để người dân hiểu, chấp hành, đồng thuận, cung cấp thông tin và hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác tập trung đối tượng.
4. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kinh phí thực hiện quy định này, theo khả năng cân đối ngân sách và quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
5. Sở Văn hóa và Thể thao tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn khu dân cư.
6. Sở Du lịch phối hợp Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các khu, điểm du lịch, các điểm tổ chức lễ hội nghiêm cấm và xử lý kịp thời tình trạng lang thang, xin ăn, đeo bám chèo kéo khách.
7. Các cơ sở trợ giúp xã hội tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, phát triển cộng đồng, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không cho tiền trực tiếp các đối tượng xin ăn trên đường phố, vận động người dân có lòng hảo tâm nên gửi tiền hoặc hiện vật đến qũy từ thiện của các tổ chức, đơn vị có chức năng làm công tác từ thiện - xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng xã hội.
8. Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố, Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tập trung các đối tượng trên địa bàn. Chỉ đạo, tổ chức việc điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc người khác đi xin ăn.
Điều 11. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí liên quan đến các nội dung tập trung, nuôi dưỡng các đối tượng là người lang thang trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ nguồn dự toán chi đảm bảo xã hội bố trí dự toán hàng năm phân cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
2. Đối với kinh phí liên quan đến hoạt động tuyên truyền, sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên bố trí dự toán hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 6 năm 2020.
2. Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc tập trung nuôi dưỡng các đối tượng là người lang thang, người xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |