Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 16/04/2020 Về Quy chế xét tặng Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng
- Số hiệu văn bản: 24/2020/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 16-04-2020
- Ngày có hiệu lực: 01-05-2020
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1668 ngày (4 năm 6 tháng 28 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2020/QĐ-UBND |
Lâm Đồng, ngày 16 tháng 4 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI BÁO CHÍ TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 127/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng về Giải thưởng Văn học, nghệ thuật và Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét tặng Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020 và thay thế Quyết định số 181/2004/QĐ-UB ngày 04/10/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Quy chế Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
XÉT TẶNG GIẢI BÁO CHÍ TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm
2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định nguyên tắc, thẩm quyền xét tặng, loại hình, tiêu chí tham dự Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Giải); công tác tổ chức Giải.
2. Đối tượng áp dụng: Các tác giả, nhà báo, phóng viên, nhóm nhà báo, nhóm tác giả, nhóm phóng viên, cộng tác viên báo chí; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là tác giả, nhóm tác giả).
Điều 2. Nguyên tắc xét tặng Giải
1. Việc tham dự xét tặng Giải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.
2. Việc xét tặng Giải đảm bảo đúng pháp luật, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình theo quy định; đảm bảo công bằng, dân chủ, khách quan, công khai, tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 3. Thẩm quyền xét tặng Giải
1. Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định các tác phẩm đạt giải theo đề nghị của Hội đồng xét tặng Giải.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận cho các tác phẩm đạt Giải.
Điều 4. Quyền lợi của người được xét tặng Giải
Tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đạt Giải được nhận giấy chứng nhận và tiền thưởng theo quy định.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Loại hình và tiêu chí tác phẩm tham dự Giải
1. Loại hình:
a) Báo in, gồm các thể loại: Bài phản ánh, xã luận, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.
b) Báo nói (phát thanh), gồm các thể loại: Bài phản ánh, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký.
c) Báo hình (truyền hình), gồm các thể loại: Phóng sự, ký sự, bình luận, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình.
d) Báo điện tử, gồm các thể loại: Bài phản ánh, bình luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.
đ) Ảnh báo chí, gồm các thể loại: Ảnh đơn, nhóm ảnh, phóng sự ảnh.
2. Tiêu chí tác phẩm tham dự Giải:
a) Là những tác phẩm có nội dung phản ánh các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng có tác động tích cực đến đời sống xã hội.
b) Mang tính phát hiện nhân tố điển hình, gương người tốt việc tốt có tác dụng thiết thực, phát huy hiệu quả trong thực tế.
c) Có nội dung gợi mở, định hướng cái mới, có ích cho xã hội; điều tra chống tiêu cực, nhằm mục đích xây dựng và có tác dụng giáo dục cao.
d) Là những tác phẩm đã được đăng tải trên một trong các loại hình báo chí, gồm: Báo in, Báo nói, Báo hình, Báo điện tử, Ảnh báo chí trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc của địa phương từ ngày 02 tháng 6 của năm phát động Giải đến ngày 01 tháng 6 của năm xét tặng Giải. Những tác phẩm chưa được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng muốn tham dự Giải phải có xác nhận của cơ quan báo chí nơi đang công tác (nếu là phóng viên, cộng tác viên) hoặc của Hội Nhà báo (nếu là hội viên).
đ) Tác phẩm tham dự Giải phải đánh máy vi tính trên mặt giấy khổ A4, phía lề trên ghi rõ “Bài tham gia Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng năm...” và đề rõ họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người tham dự Giải. Đối với các tác phẩm Báo nói, Báo hình kèm theo bản ghi âm, ghi hình tác phẩm chứa trong đĩa CD, đĩa CD-ROM, USB, ổ cứng (hoặc thiết bị lưu trữ dữ liệu khác) với định dạng tệp không cho phép sửa đổi.
Đối với ảnh báo chí, người tham dự Giải ghi rõ họ tên, số điện thoại, địa chỉ của tác giả, tên từng tác phẩm và trình bày nội dung từng tấm ảnh theo đúng thứ tự, bắt đầu từ ảnh số 1 trên giấy khổ A4 (kèm theo từng tấm ảnh có chú thích số thứ tự, tên, địa chỉ tác giả ở mặt sau của ảnh dự thi).
e) Không xét Giải đối với các tác phẩm:
- Đã được trao giải thưởng tại các cuộc thi quốc gia, khu vực hoặc giải báo chí chuyên đề.
- Đang có khiếu nại về quyền tác giả và quyền liên quan, về sở hữu trí tuệ.
- Là ảnh ghép, ảnh đã qua xử lý photoshop (hoặc phần mềm khác có chức năng chỉnh sửa ảnh).
Điều 6. Tiêu chí tác giả, nhóm tác giả tham dự Giải
1. Mỗi tác giả, nhóm tác giả được quyền tham dự ở tất cả các loại hình báo chí xét tặng Giải và được gửi tối đa 03 tác phẩm/loại hình để tham dự Giải.
2. Không thực hiện việc xét tặng Giải đối với tác giả, nhóm tác giả đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kỷ luật, vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo theo quy định.
3. Tác giả chịu trách nhiệm về quyền tác giả, các quyền liên quan theo quy định của pháp luật.
4. Thành viên của Hội đồng xét tặng Giải và Tổ Thư ký (do Hội đồng xét tặng Giải thành lập) không được đăng ký tác phẩm tham gia xét tặng Giải.
Điều 7. Cơ cấu giải thưởng, mức tiền thưởng, kinh phí chi thưởng
Thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 127/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng về Giải thưởng Văn học, nghệ thuật và Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng.
Điều 8. Hội đồng xét tặng Giải
1. “Hội đồng xét tặng Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng” (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ và không vượt quá 13 người. Thành phần Hội đồng gồm:
a) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Chủ tịch Hội đồng.
b) Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh: Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
c) Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Phó Chủ tịch Hội đồng.
d) Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông: Phó Chủ tịch Hội đồng.
đ) Đại diện Lãnh đạo Sở Nội vụ: Ủy viên.
e) Đại diện lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Ủy viên.
g) Đại diện lãnh đạo Báo Lâm Đồng: Ủy viên.
h) Đại diện một số cơ quan có liên quan: Ủy viên.
i) Một số nhà báo có uy tín ở Trung ương, địa phương: Ủy viên.
k) Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh: Ủy viên kiêm thư ký.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng:
a) Tổ chức và thực hiện việc xét, tặng Giải hàng năm.
b) Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng.
c) Ban hành Thể lệ Giải hàng năm.
d) Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Giải hàng năm.
e) Tổ chức Lễ trao tặng Giải vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21 tháng 6 hàng năm.
g) Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập Tổ thư ký gồm cán bộ công chức và viên chức của: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Hội Nhà báo tỉnh.
3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng:
a) Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín. Các cuộc họp của Hội đồng được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng có mặt và do Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng (trong trường hợp được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền) chủ trì. Việc thống nhất kết quả được quyết định theo đa số và bằng phương thức bỏ phiếu kín. Hội đồng có trách nhiệm lấy ý kiến đối với thành viên Hội đồng vắng mặt cuộc họp bằng phiếu bầu. Các cuộc họp của Hội đồng đều có biên bản. Biên bản và phiếu bầu phải được lưu giữ đầy đủ.
b) Hội đồng chỉ họp chấm, xét chọn các tác phẩm do Ban sơ khảo đề nghị.
c) Hội đồng được thành lập theo từng đợt xét, tặng và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
4. Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập Ban sơ khảo (chuyên ngành báo chí) trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh. Mỗi Ban sơ khảo có 07 hoặc 09 thành viên.
Điều 9. Khiếu nại, tố cáo
Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm Quy chế xét tặng Giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Hội Nhà báo tỉnh
1. Hội Nhà báo tỉnh: Là Cơ quan thường trực của “Hội đồng xét tặng Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng”, có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất danh sách các thành viên Hội đồng, gửi Sở Nội vụ thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định thành lập Hội đồng;
b) Chủ trì xây dựng trình Hội đồng ban hành quy định về thể lệ, tiêu chí, phương thức chấm điểm, kế hoạch tổ chức và xét Giải hàng năm.
c) Tiếp nhận, tổng hợp danh sách tác phẩm, tác giả tham gia Giải; lập hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ việc tuyển chọn, chấm điểm vòng Sơ khảo, Chung khảo và xét, tặng Giải.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Chủ tịch Hội đồng thành lập Ban sơ khảo để chấm vòng Sơ khảo.
đ) Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí tổ chức Giải hàng năm;
e) Phối hợp với các cơ quan báo chí thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về nội dung liên quan đến Giải và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này;
g) Tham mưu Hội đồng: Giải quyết việc khiếu nại, tố cáo về Giải; quyết định thu hồi Giải và xử lý theo quy định nếu phát hiện có hành vi vi phạm các quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung liên quan đến Giải.
2. Kiểm tra việc thực hiện Quy chế này của các cơ quan, đơn vị liên quan.
3. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Giải theo quy định của pháp luật về báo chí.
Điều 12. Sở Nội vụ
1. Thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định thành lập Hội đồng.
2. Thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận Giải cho các tác giả, tác phẩm đạt Giải theo đề nghị của Hội đồng theo quy định về thi đua, khen thưởng.
Điều 13. Sở Tài chính
Thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí tổ chức Giải trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí Giải theo đúng chế độ hiện hành.
Điều 14. Các cơ quan báo chí địa phương và Cổng Thông tin điện tử tỉnh
Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tuyên truyền các nội dung về xét tặng Giải trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Điều 15. Điều khoản thi hành
Giám đốc các sở; Thủ trưởng ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; các cơ quan báo chí liên quan có trách nhiệm phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện và tạo điều kiện cho các tác giả, nhóm tác giả tham gia xét tặng Giải.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Hội Nhà báo tỉnh - Cơ quan Thường trực Hội đồng xét tặng Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.