Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 28/02/2020 Sửa đổi Quy chế quản lý và giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Lào Cai kèm theo Quyết định 38/2013/QĐ-UBND và Quy trình tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai kèm theo Quyết định 69/2014/QĐ-UBND
- Số hiệu văn bản: 06/2020/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 28-02-2020
- Ngày có hiệu lực: 15-03-2020
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1715 ngày (4 năm 8 tháng 15 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2020/QĐ-UBND |
Lào Cai, ngày 28 tháng 02 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 38/2013/QĐ-UBND NGÀY 04/9/2013 VÀ QUY TRÌNH TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 69/2014/QĐ-UBND NGÀY 27/11/2014 CỦA UBND TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11/11/2011;
Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính;
Căn cứ Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 của Thanh tra Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 121/TTr-TTr ngày 24/12/2019.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý và giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Lào Cai ban hành kèm theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 04/9/2013 của UBND tỉnh Lào Cai như sau:
1. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 21. Trưng cầu giám định:
1. Khi xét thấy cần có sự đánh giá về chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận về nội dung khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại quyết định việc trưng cầu giám định.
a) Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản theo mẫu số 08A-KN ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Thanh tra Chính phủsửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.
b) Quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ ngày, tháng, năm trưng cầu giám định.
2. Việc giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012.
3. Cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có trách nhiệm thực hiện giám định những vấn đề trong phạm vi được trưng cầu. Trình tự thực hiện giám định thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012. Kết luận giám định phải có các nội dung sau:
a) Họ, tên người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định;
b) Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người trưng cầu giám định; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
c) Thông tin xác định đối tượng giám định;
d) Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định;
đ) Nội dung yêu cầu giám định;
e) Phương pháp thực hiện giám định;
g) Kết luận về đối tượng giám định;
h) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.
4. Trong trường hợp trưng cầu, yêu cầu cá nhân thực hiện giám định thì chữ ký của người thực hiện giám định phải được chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện giám định thì người đứng đầu tổ chức phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu chịu trách nhiệm về kết luận giám định.
Trường hợp Hội đồng giám định quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Giám định tư pháp thực hiện giám định thì người quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định.
5. Giám định bổ sung, giám định lại được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012.
6. Thời gian thực hiện giám định được trừ vào thời gian giải quyết khiếu nại. Kết luận giám định được lưu trong hồ sơ giải quyết khiếu nại.
7. Chi phí giám định do cơ quan trưng cầu giám định chi trả trong nguồn kinh phí ngân sách không tự chủ được giao hàng năm theo quy định của pháp luật về chi phí giám định. Trường hợp trưng cầu giám định theo yêu cầu của người khiếu nại, người bị khiếu nại thì chi phí giám định do những người này chi trả”.
2. Bổ sung Điều 21a như sau:
Điều 21a. Các trường hợp không được thực hiện giám định:
1) Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định:
a) Người bị khiếu nại hoặc liên quan đến nội dung bị khiếu nại;
b) Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ việc mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2) Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định:
a) Có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc khiếu nại;
b) Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định.
3. Khoản 1 Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"1. Khi thời hạn xác minh nội dung khiếu nại đã hết mà người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại chưa thực hiện xong việc xác minh thì người được giao nhiệm vụ xác minh gửi Tờ trình (nêu rõ lý do xin gia hạn) và Dự thảo Quyết định về việc gia hạn thời gian xác minh để người giải quyết khiếu nại xem xét gia hạn thời gian xác minh. Thời gian giải quyết khiếu nại sau khi được gia hạn không được vượt quá thời hạn giải quyết khiếu nại.
Quyết định gia hạn thời gian xác minh thực hiện theo mẫu số 04A-KN ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Thanh tra Chính phủ."
4.Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:
“Điều 25. Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại:
1. Trách nhiệm của người xác minh:
a) Đảm bảo tính chính xác, khách quan, hợp pháp của thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được;
b) Trên cơ sở tổng hợp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, kết quả đối thoại, hoàn chỉnh báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại với người ra quyết định xác minh nội dung khiếu nại theo mẫu số 11-KN ban hành kèm theo Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013; dự thảo Quyết định giải quyết khiếu nại theo mẫu số 15-KN hoặc 16-KN ban hành kèm theo số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ. Báo cáo kết quả xác minh của Tổ xác minh phải được các thành viên trong Tổ/Đoàn xác minh thảo luận, đóng góp ý kiến.Trường hợp các thành viên có ý kiến khác nhau về kết quả xác minh thì được quyền bảo lưu ý kiến của mình và ghi rõ trong báo cáo kết quả xác minh.
2. Trách nhiệm của người ban hành Quyết định xác minh nội dung khiếu nại:
a) Xem xét, phê duyệt và ký báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại kịp thời, đảm bảo thời hạn được giao.
b) Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, căn cứ kiến nghị nội dung giải quyết khiếu nại".
Điều 2.Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy trình tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai ban hành kèm theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 27/11/2014 của UBND tỉnh Lào Cai như sau:
1. Điểm a Khoản 1 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Người giải quyết khiếu nại, chủ trì buổi đối thoại;
Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại.
Trường hợp người khiếu nại hoặc người đại diện hợp pháp vắng mặt khi được thông báo bằng văn bản đến lần thứ hai thì người giải quyết khiếu nại lập biên bản chấm dứt đối thoại”.
2. Bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau:
"3. Người chủ trì đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại là:
a) Đối với cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
b) Đối với cấp huyện: Chủ tịch hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
c) Đối với cấp tỉnh: Chủ tịch hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì việc đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan".
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành:
1.Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2020.
2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi
nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |