cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 09/2021/TT-BYT ngày 30/06/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

  • Số hiệu văn bản: 09/2021/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 30-06-2021
  • Ngày có hiệu lực: 15-08-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2021/TT-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TRÌNH, THỜI ĐIỂM, SỐ LẦN XÉT NGHIỆM HIV CHO PHỤ NỮ MANG THAI; CHĂM SÓC, ĐIỀU TRỊ ĐỐI VỚI PHỤ NỮ NHIỄM HIV TRONG THỜI KỲ MANG THAI, KHI SINH CON, CHO CON BÚ VÀ CÁC BIỆN PHÁP NHẰM GIẢM LÂY NHIỄM HIV TỪ MẸ SANG CON

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 64/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 71/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai được quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm HIV; chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở y tế khác có cung cấp dịch vụ y tế cho phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Quy trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai

Quy trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các nội dung sau đây:

1. Tư vấn trước xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai về các đường lây nhiễm HIV, sự cần thiết của việc biết tình trạng nhiễm HIV, nguy cơ lây nhiễm HIV cho con và lợi ích của việc điều trị bằng thuốc kháng HIV sớm trong giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

2. Chỉ định xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.

4. Trả kết quả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Đối với phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV khi chuyển dạ, sinh con thì kết quả xét nghiệm HIV được trả cho cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm HIV trong thời gian sớm nhất và không quá 6 giờ kể từ thời điểm nhận mẫu.

5. Tư vấn và xử trí sau xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai:

a) Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV dương tính: Tư vấn về điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và chuyển gửi ngay đến cơ sở điều trị thuốc kháng HIV;

b) Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, sinh con thì phải tư vấn điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV ngay cho mẹ và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV ngay cho cả mẹ và con, chuyển mẫu máu ngay để làm xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV. Trường hợp xét nghiệm HIV của người mẹ có kết quả không xác định, tiếp tục điều trị thuốc kháng HIV cho mẹ và con cho đến khi có kết quả xác định; trường hợp kết quả xét nghiệm HIV của người mẹ được xác định là âm tính thì dừng điều trị thuốc kháng HIV;

c) Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV: Tư vấn dự phòng nhiễm HIV và chuyển gửi phụ nữ mang thai tới cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.

Điều 4. Thời điểm và số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV và đồng ý làm xét nghiệm HIV được chỉ định xét nghiệm HIV trong những lần khám thai định kỳ hoặc khi chuyển dạ, sinh con theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai của Bộ Y tế, cụ thể như sau:

1. Xét nghiệm HIV lần thứ nhất càng sớm càng tốt.

2. Xét nghiệm HIV lần thứ hai cho các trường hợp có hành vi nguy cơ cao quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Phòng, chống HIV/AIDS số 64/2006/QH11 như sau:

a) Có hành vi nguy cơ cao trong vòng 3 tháng trước khi xét nghiệm HIV lần thứ nhất;

b) Có hành vi nguy cơ cao sau khi được xét nghiệm HIV lần thứ nhất.

Điều 5. Chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con và cho con bú; các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai

1. Việc chăm sóc, điều trị cho phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế.

2. Các biện pháp giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2021.

Điều 7. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi toàn quốc.

2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư nay đối với các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban về CVĐXH của Quốc hội (để giám sát);
- Văn phòng Chính phủ; (Công báo, Vụ K.GVX, Cổng TTĐT Chính phủ);
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- BHXH Việt Nam;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các thứ trưởng (để biết);
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các bộ, ngành;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; Cổng TTĐT Bộ Y tế; Cổng TTĐT Cục Phòng, chống HIV/AIDS;
- Lưu: VT, AIDS (03b), PC (02b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên