cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Văn bản hợp nhất số 46/VBHN-BTC ngày 24/11/2020 của Bộ Tài chính hợp nhất Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam

  • Số hiệu văn bản: 46/VBHN-BTC
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 24-11-2020
  • Ngày có hiệu lực: 24-11-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Văn bản này đã hết hiệu lực.

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2020

 

THÔNG TƯ[1]

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ TRONG LĨNH VỰC XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM

Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 41/2020/TT-BTC ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.

Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.[2]

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

2. Thông tư này áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Điều 2. Người nộp phí, lệ phí

1. Công dân Việt Nam khi làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp các giấy tờ liên quan đến hộ chiếu, thông hành, xuất cảnh phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

2. Người nước ngoài khi làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp thị thực hoặc các giấy tờ về cư trú, xuất cảnh, nhập cảnh phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Tổ chức thu phí, lệ phí

Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục An ninh cửa khẩu (Bộ Công an); Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Ngoại giao) là tổ chức thu phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Mức thu phí, lệ phí

1. Mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam được quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài thu bằng đồng Việt Nam, Đôla Mỹ (USD). Đối với mức thu quy định bằng USD thì được thu bằng USD hoặc thu bằng đồng Việt Nam trên cơ sở quy đổi từ USD ra đồng Việt Nam áp dụng tỷ giá USD mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm nộp phí hoặc cuối ngày làm việc liền trước ngày lễ, ngày nghỉ.

Điều 5. Các trường hợp được miễn phí

1. Khách mời (kể cả vợ hoặc chồng, con) của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hoặc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội mời với tư cách cá nhân.

2. Viên chức, nhân viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của gia đình họ (vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi), không phân biệt loại hộ chiếu, không phải là công dân Việt Nam và không thường trú tại Việt Nam không phải nộp phí trên cơ sở có đi có lại.

3. Trường hợp miễn phí theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

4. Người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện công việc cứu trợ hoặc giúp đỡ nhân đạo cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Những trường hợp được miễn phí nêu trên, tổ chức thu phí phải đóng dấu “Miễn thu lệ phí” (GRATIS) vào giấy tờ đã cấp.

Điều 6. Kê khai, nộp phí, lệ phí; hoàn trả phí, lệ phí

1. Chậm nhất là ngày thứ năm hàng tuần, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tuần trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.

3. Trường hợp người nộp lệ phí đã nộp lệ phí nhưng không đủ điều kiện được cấp hộ chiếu và các giấy tờ liên quan thì tổ chức thu lệ phí hoàn trả số tiền lệ phí đã thu khi thông báo kết quả cho người nộp. Các trường hợp khác đã nộp phí, lệ phí nhưng không đủ điều kiện cấp các giấy tờ liên quan hoặc từ chối nhận kết quả xử lý hồ sơ, tổ chức thu phí, lệ phí không phải hoàn trả số tiền phí, lệ phí đã thu.

Điều 7. Quản lý phí, lệ phí[3]

1. Đối với tổ chức thu phí là Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an); Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tổ chức thu phí được trích lại 20% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí bao gồm cả các khoản chi hỗ trợ để thực hiện các nội dung sau:

- Chi mua vé máy bay, ăn ở, thuê phiên dịch, canh giữ người nước ngoài bị lưu giữ; chi khám chữa bệnh khi người nước ngoài bị ốm; áp giải người nước ngoài cư trú trái phép, vi phạm pháp luật về nước. Chỉ sử dụng tiền phí trích lại để hỗ trợ các nội dung chi này khi cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm không chịu kinh phí;

- Chi tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh;

- Chi ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh;

- Chi phục vụ đàm phán, hợp tác đối với đối tác nước ngoài phục vụ công tác cấp thị thực và các giấy tờ liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài;

- Bổ sung thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật (nếu có).

b) Nộp 80% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Đối với tổ chức thu phí là Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh:

a) Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này. Nguồn chi phí trang trải cho thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

b) Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ thì được trích lại 20% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ và Điều 4 Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Nộp 80% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Điều 8. Tổ chức thực hiện[4]

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư số 157/2015/TT-BTC ngày 08 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

2.[5] Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí, lệ phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.; Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

BIỂU MỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ

(Ban hành kèm theo Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB

Stt

Nội dung

Mức thu
(Đồng/lần cấp)

1

Lệ phí cấp hộ chiếu

 

a

Cấp mới

200.000

b

Cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất

400.000

c

Gia hạn hộ chiếu

100.000

d

Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự

100.000

2

Lệ phí cấp giấy thông hành

 

a

Giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào hoặc Việt Nam - Cămpuchia

50.000

b

Giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước có trụ sở đóng tại huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc

50.000

c

Giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cấp cho công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc

5.000

d

Giấy thông hành nhập xuất cảnh cho công dân Việt Nam sang công tác, du lịch các tỉnh, thành phố biên giới Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam

50.000

3

Lệ phí cấp giấy phép xuất cảnh

 

a

Cấp giấy phép xuất cảnh

200.000

b

Cấp công hàm xin thị thực

10.000

c

Cấp thẻ ABTC của thương nhân APEC

 

 

- Cấp lần đầu

1.200.000

 

- Cấp lại

1.000.000

4

Lệ phí cấp tem AB

50.000

5

Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi nội dung của hộ chiếu, giấy thông hành

25% mức phí tương ứng cùng loại

6

Trẻ em đi cùng thân nhân có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu

25% mức phí tương ứng cùng loại

Ghi chú:

- Thẻ ABTC là thẻ đi lại ưu tiên của doanh nhân APEC (APEC Business Travel Card)

- Tem AB là một loại giấy miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông đi công tác nước ngoài.

II. Mức thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài

Stt

Nội dung

Mức thu

1

Cấp thị thực có giá trị một lần

25 USD/chiếc

2

Cấp thị thực có giá trị nhiều lần:

 

a

Loại có giá trị đến 03 tháng

50 USD/chiếc

b

Loại có giá trị trên 03 tháng đến 06 tháng

95 USD/chiếc

c

Loại có giá trị trên 06 tháng đến 01 năm

135 USD/chiếc

d

Loại có giá trị trên 01 năm đến 02 năm

145 USD/chiếc

e

Loại có giá trị trên 02 năm đến 05 năm

155 USD/chiếc

g

Thị thực cấp cho người dưới 14 tuổi (không phân biệt thời hạn)

25 USD/chiếc

3

Chuyển ngang giá trị thị thực, thẻ tạm trú, thời hạn tạm trú còn giá trị từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới

5 USD/chiếc

4

Cấp giấy miễn thị thực

10 USD/chiếc

5

Cấp thẻ tạm trú:

 

a

Có thời hạn từ 01 năm đến 02 năm

145 USD/thẻ

b

Có thời hạn từ 02 năm đến 05 năm

155 USD/thẻ

c

Đối với người nước ngoài được Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực nhiều lần ký hiệu LĐ, ĐT thời hạn trên 01 năm

5 USD/thẻ

6

Gia hạn tạm trú

10 USD/lần

7

Cấp mới, cấp lại thẻ thường trú

100 USD/thẻ

8

Cấp giấy phép vào khu vực cấm, vào khu vực biên giới; giấy phép cho công dân Lào sử dụng giấy thông hành biên giới vào các tỉnh nội địa của Việt Nam

10 USD/người

9

Cấp thị thực cho khách quá cảnh đường hàng không và đường biển vào thăm quan, du lịch (theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Luật số 47/2014/QH13)

5 USD/người

10

Cấp thị thực tại cửa khẩu có giá trị không quá 15 ngày trong trường hợp người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi nhập cảnh trở lại Việt Nam cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam chưa đến 30 ngày

5 USD/người

11

Cấp giấy phép xuất nhập cảnh cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam không có hộ chiếu

200.000 Đồng/lần cấp

12

Cấp giấy phép cho người đã nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu bằng giấy thông hành biên giới đi tham quan các địa điểm khác trong tỉnh

10 USD/người

Ghi chú: Đối với trường hợp bị mất, hư hỏng các giấy tờ nêu trên phải cấp lại áp dụng mức thu như cấp mới./.

 



[1] Văn bản này được hợp nhất từ 02 Thông tư sau:

-  Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

-  Thông tư số 41/2020/TT-BTC ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 (Sau đây gọi là Thông tư số 41/2020/TT-BTC).

Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Thông tư nêu trên.

[2] Thông tư số 41/2020/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại;

Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.”

[3] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư số 41/2020/TT-BTC , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.

[4] Điều 2 Thông tư số 41/2020/TT-BTC quy định như sau:

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.”

[5] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Thông tư số 41/2020/TT-BTC , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.