Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025
- Số hiệu văn bản: 2269/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 31-12-2021
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2022
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1058 ngày (2 năm 10 tháng 28 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2269/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH ĐẾN NĂM 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Mục tiêu chung:
Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích bao gồm: Dịch vụ viễn thông bắt buộc cho xã hội và dịch vụ viễn thông phổ cập ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Cung cấp dịch vụ viễn thông bắt buộc cho 100% đối tượng sử dụng;
b) Bảo đảm 100% nhà giàn, xã đảo, huyện đảo được cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập;
c) Đạt 100% thôn, bản, làng, ấp, phum, sóc, buôn, bon, đảo có hộ dân sinh sống (gọi chung là thôn) đã có điện thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các khu vực mà doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường được cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất;
d) Đạt 95% thôn đã có điện thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và các khu vực doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường được cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng cố định;
đ) Hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác; ngư dân đánh bắt hải sản trên biển;
e) Hỗ trợ cho 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác trang bị thiết bị đầu cuối phục vụ học tập, thông tin liên lạc;
g) 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo được hỗ trợ cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng công cộng;
h) Hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo và các khu vực khác theo nhiệm vụ của Chương trình.
1. Hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông công ích
a) Hỗ trợ một phần chi phí cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định để phổ cập dịch vụ viễn thông tại các thôn đã có điện thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, khu vực doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2020 còn chưa có các dịch vụ trên và từ năm 2021 trở đi mới được cung cấp dịch vụ (gọi chung là khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông);
b) Hỗ trợ một phần chi phí cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng công cộng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo;
c) Hỗ trợ chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ truyền số liệu để kết nối thông tin từ đất liền ra các đảo, nhà giàn trên biển.
2. Hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích
a) Cung cấp miễn phí cho các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông bắt buộc;
b) Hỗ trợ trang bị một trong hai loại thiết bị đầu cuối sau đây cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông:
- Mỗi hộ 01 máy tính bảng cho 400.000 hộ, ưu tiên hộ có thành viên đang học tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
- Một phần chi phí trang bị 01 điện thoại thông minh cho 400.000 hộ chưa được hỗ trợ máy tính bảng.
c) Hỗ trợ một phần chi phí cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác có nhu cầu sử dụng một trong 02 dịch vụ viễn thông sau đây:
- Dịch vụ viễn thông di động mặt đất.
- Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định (đối với các hộ sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông).
d) Hỗ trợ chi phí cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng tại các điểm cung cấp dịch vụ này cho cộng đồng ở địa bàn các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo và khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông, bao gồm: Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; trạm y tế xã; điểm cung cấp dịch vụ Internet băng rộng công cộng cho cộng đồng dân cư (ở các khu vực đã có dịch vụ này) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025;
đ) Hỗ trợ một phần chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải cho ngư dân đánh bắt hải sản.
3. Thông tin, tuyên truyền; hướng dẫn sử dụng dịch vụ viễn thông công ích; kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Dịch vụ viễn thông công ích được cung cấp theo danh mục, chất lượng, giá cước, đối tượng, phạm vi cho cả giai đoạn hoặc hằng năm phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
2. Các doanh nghiệp viễn thông đóng góp tài chính cho Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để thực hiện Chương trình được hạch toán vào chi phí kinh doanh khoản đóng góp này.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích như sau:
a) Đối với các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định tại các khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông (không qua đấu thầu) và được cung cấp dịch vụ từ năm 2021 trở đi (theo danh sách Bộ Thông tin và Truyền thông xác định) thì được hỗ trợ chi phí cung cấp dịch vụ theo mức do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định theo phương thức đặt hàng; thời điểm được tính hỗ trợ là từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành và doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ;
b) Đối với doanh nghiệp được lựa chọn theo phương thức đấu thầu để cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định tại các khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông thì mức hỗ trợ theo kết quả đấu thầu.
4. Hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích như sau:
a) Hỗ trợ chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông công ích theo mức do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định;
b) Hỗ trợ trang bị thiết bị đầu cuối: Thực hiện theo mức hỗ trợ hoặc thông qua đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp thiết bị theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
c) Đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập, điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng công cộng chỉ được hỗ trợ thông qua một doanh nghiệp viễn thông;
d) Việc hỗ trợ thiết bị đầu cuối, hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác được thực hiện với thứ tự ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
5. Phương thức cung cấp dịch vụ viễn thông công ích
a) Đặt hàng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đối với các nhiệm vụ đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành mức hỗ trợ;
b) Đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại các khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông (trừ những khu vực thực hiện hỗ trợ theo phương thức đặt hàng quy định tại điểm a mục 3 phần này) và thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc Chương trình mà Nhà nước không ban hành mức hỗ trợ;
c) Giao kế hoạch cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong trường hợp không lựa chọn được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như quy định tại điểm a, b mục này; Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định lựa chọn doanh nghiệp để giao kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
6. Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ thông tin, tuyên truyền về thực hiện chương trình; hướng dẫn sử dụng dịch vụ viễn thông công ích.
7. Giao nhiệm vụ cho cơ quan có chức năng quản lý chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.
8. Chương trình được thực hiện với sự tham gia, phối hợp quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan ở Trung ương và các địa phương; sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện công khai, minh bạch chính sách của Nhà nước cho các đối tượng thụ hưởng và xã hội tham gia, giám sát thực hiện.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Kinh phí để thực hiện Chương trình bao gồm:
a) Nguồn thu của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là 12.500 tỷ đồng (bao gồm nguồn kinh phí còn dư của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn trước);
b) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
2. Các doanh nghiệp viễn thông (có hạ tầng mạng và không có hạ tầng mạng) thực hiện đóng góp cho Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; cụ thể:
a) Tất cả dịch vụ viễn thông phát sinh doanh thu trong năm thuộc danh mục dịch vụ tính đóng góp;
b) Mức thu đóng góp là 1,5 % doanh thu dịch vụ viễn thông, thời gian đóng góp theo quy định tại mục 3 phần này.
3. Thời điểm, thời gian đóng góp tài chính của các doanh nghiệp viễn thông cho Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định cụ thể theo nguyên tắc:
a) Đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình trên cơ sở cân đối với nguồn kinh phí còn dư của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn trước chuyển sang;
b) Thời điểm bắt đầu thu đóng góp của doanh nghiệp viễn thông đảm bảo nguyên tắc ưu tiên sử dụng trước nguồn kinh phí còn dư của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn trước chuyển sang;
c) Đảm bảo phù hợp với kế hoạch thực hiện và tiến độ giải ngân của Chương trình;
d) Trường hợp thời gian thu đóng góp không đủ 12 tháng thì tính thu đóng góp của các doanh nghiệp trên cơ sở doanh thu bình quân các tháng trong năm và số tháng thu đóng góp trong năm đó;
đ) Thời điểm dừng thu đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông là khi đã thu đủ theo nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình thực tế, đảm bảo không vượt quá nguồn kinh phí của Chương trình.
V. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH: Đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
1. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình, có trách nhiệm:
a) Ban hành danh mục, chất lượng, giá cước dịch vụ viễn thông công ích;
b) Quy định đối tượng, phạm vi, khu vực được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (bao gồm khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông thông qua đặt hàng, đấu thầu); mức hỗ trợ cung cấp, sử dụng các dịch vụ viễn thông công ích; thứ tự và mức độ ưu tiên thực hiện các chính sách nêu tại điểm b và điểm c mục 2 Phần II Điều 1;
c) Quy định, yêu cầu về chất lượng, tiêu chí kỹ thuật và phương thức hỗ trợ thiết bị cuối cho các đối tượng thụ hưởng thuộc phạm vi của Chương trình;
d) Tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình, dự toán kinh phí sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, phương thức thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và các nhiệm vụ khác của Chương trình; bao gồm thực hiện đặt hàng các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nhiệm vụ nêu tại điểm a mục 1 Phần II theo quy định tại điểm a mục 3 Phần III Điều 1;
đ) Ban hành kế hoạch thu đóng góp tài chính của các doanh nghiệp viễn thông cho Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và phê duyệt quyết toán kinh phí của Chương trình;
e) Trong phạm vi kinh phí của Chương trình quy định tại mục 1 Phần IV Điều 1 Quyết định này, chịu trách nhiệm bố trí, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, bảo đảm khả thi và phù hợp với tình hình thực tế;
g) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan giám sát, kiểm tra thực hiện Chương trình;
h) Tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình sau khi kết thúc Chương trình.
2. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, triển khai, giám sát, kiểm tra thực hiện Chương trình. Một số bộ có trách nhiệm cụ thể như sau:
a) Bộ Tài chính: Chủ trì hướng dẫn thu, nộp hạch toán các khoản đóng góp tài chính của các doanh nghiệp viễn thông cho Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kết hợp, lồng ghép nội dung điều tra thống kê về việc cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích trong các kế hoạch điều tra thống kê;
c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Chương trình đối với các cơ sở và đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Phối hợp quản lý, giám sát việc thực hiện Chương trình trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông;
b) Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương cho nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thông để thực hiện công tác quản lý thực hiện Chương trình tại địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
4. Các doanh nghiệp viễn thông:
a) Thực hiện đóng góp tài chính cho Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông; thực hiện và báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu thực hiện Chương trình; cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đúng đối tượng với chất lượng, giá cước dịch vụ theo quy định;
b) Doanh nghiệp được lựa chọn cung cấp dịch vụ viễn thông di động theo hình thức đấu thầu có trách nhiệm chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông theo quy định của pháp luật có liên quan.
5. Người sử dụng dịch vụ viễn thông công ích có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết, đúng đối tượng được hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước liên quan và cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông khi đề nghị được hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Các nhiệm vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích quy định tại Quyết định số 1159/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ và cũng được thực hiện theo Chương trình này tiếp tục thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp viễn thông, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |