Quyết định số 45/2021/QĐ-UBND ngày 31/08/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang quy định về phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- Số hiệu văn bản: 45/2021/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang
- Ngày ban hành: 31-08-2021
- Ngày có hiệu lực: 16-09-2021
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1166 ngày (3 năm 2 tháng 11 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2021/QĐ-UBND |
Bắc Giang, ngày 31 tháng 8 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 123/TTr-SNN ngày 09 tháng 8 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định việc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đã được đưa vào khai thác, sử dụng và vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
2. Đối với các công trình, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác, việc tổ chức quản lý, vận hành do chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu quyết định trên cơ sở vận dụng quy định tại Quyết định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 2. Đối tượng điều chỉnh
Quy định này được áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Hệ thống công trình thủy lợi" là tập hợp các công trình thủy lợi có liên quan trực tiếp với nhau trong quản lý, vận hành và bảo vệ trong một lưu vực hoặc một khu vực nhất định.
2. “Hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh” là hệ thống công trình có liên quan trực tiếp với nhau trong quản lý, vận hành và bảo vệ trong một lưu vực hoặc một khu vực nhất định liên quan đến 2 tỉnh trở lên.
3. "Hệ thống công trình thủy lợi liên huyện" là hệ thống công trình thủy lợi có liên quan hoặc phục vụ tưới, tiêu, cấp nước cho tổ chức, cá nhân hưởng lợi thuộc 2 huyện, thành phố trở lên.
4. "Hệ thống công trình thủy lợi liên xã" là hệ thống công trình thủy lợi có liên quan hoặc phục vụ tưới, tiêu, cấp nước cho tổ chức, cá nhân hưởng lợi thuộc từ 2 xã, phường hoặc thị trấn trở lên (sau đây gọi tắt là liên xã).
5. "Cống đầu kênh" là công trình dẫn nước tưới hoặc tiêu cho một diện tích hưởng lợi nhất định thuộc trách nhiệm quản lý của người hưởng lợi. Chi phí quản lý, vận hành, tu sửa và bảo vệ các công trình từ cống đầu kênh đến mặt ruộng do người hưởng lợi đóng góp.
6. “Công trình trên kênh” bao gồm: Công trình lấy nước, điều tiết, đo nước, chuyển nước, tiêu nước, xả nước khi có sự cố và xả nước cuối kênh, công trình giao thông và các công trình quản lý hệ thống kênh.
7. “Điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi”: Là vị trí chuyển giao sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giữa tổ chức, cá nhân cung cấp và tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Điều 4. Nguyên tắc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi
1. Bảo đảm tính hệ thống của công trình, không chia cắt theo địa giới hành chính, củng cố vững chắc mối quan hệ giữa các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Giữ sự ổn định trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ nhằm đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế xã hội của nhân dân, đảm bảo sự bền vững.
3. Bảo đảm an toàn và khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi trong việc tưới tiêu, cấp nước phục vụ các ngành sản xuất, dân sinh, kinh tế - xã hội và môi trường.
4. Phân cấp theo quy mô, cấp công trình, đặc điểm, tính chất kỹ thuật của công trình và hệ thống công trình thủy lợi.
5. Việc quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình đầu mối lớn, hệ thống kênh trục chính và các kênh nhánh có quy mô lớn, kỹ thuật vận hành phức tạp do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi có năng lực và kinh nghiệm trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện bảo đảm vận hành công trình an toàn, hiệu quả theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 và Điều 9 Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
6. Tổ chức, cá nhân được giao hoặc có tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình, hệ thống công trình thủy lợi phải có đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu kỹ thuật của từng công trình, hệ thống công trình được giao theo quy định tại khoản 4 Điều 8 và Điều 9 Nghị định 67/2018/NĐ-CP .
7. Tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo vệ theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Điều 5. Phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi
1. Phân cấp cho các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình đầu mối, các trục kênh chính và các công trình điều tiết nước có quy mô vừa và lớn thuộc hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, liên huyện, liên xã có yêu cầu kỹ thuật về quản lý, vận hành, có đặc điểm, điều tiết, tính chất kỹ thuật phức tạp, cụ thể gồm:
a) Hồ chứa: Hồ chứa có dung tích chứa từ 500.000 m3 trở lên hoặc có chiều cao đập từ 10 m trở lên, có quy mô tưới phạm vi liên xã;
b) Đập dâng: Chiều cao đập từ 10 m trở lên, có quy mô tưới phạm vi liên xã;
c) Trạm bơm: Trạm bơm điện phục vụ phạm vi liên xã hoặc có diện tích tưới, tiêu thiết kế từ 200 ha trở lên;
d) Kênh mương và công trình trên kênh: Các trục kênh chính và các công trình điều tiết nước có quy mô vừa và lớn thuộc hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, liên huyện, liên xã có yêu cầu kỹ thuật về quản lý, vận hành điều tiết nước phức tạp, tính từ vị trí cống đầu kênh của địa phương đến công trình đầu mối của công trình thủy lợi.
2. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi nhỏ, có đặc điểm, tính chất kỹ thuật đơn giản của địa phương đang quản lý và các công trình thủy lợi do các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh bàn giao, cụ thể gồm:
a) Hồ chứa: Hồ chứa có dung tích chứa dưới 500.000 m3 hoặc có chiều cao đập dưới 10 m phục vụ trong phạm vi xã, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã);
b) Đập dâng: Có chiều cao đập dưới 10 m, có quy mô tưới trong phạm vi xã;
c) Trạm bơm điện: Phục vụ phạm vi xã hoặc có diện tích tưới, tiêu thiết kế dưới 200 ha;
d) Quy mô cống đầu kênh: Là công trình dẫn nước tưới hoặc tiêu nước có diện tích thiết kế nhỏ hơn hoặc bằng 50 ha. Trong một số trường hợp để đảm bảo tính hệ thống thì diện tích tưới, tiêu có thể lớn hơn 50 ha nhưng không vượt quá 200 ha;
đ) Các công trình kênh mương trước cống đầu kênh thuộc hệ thống công trình thủy lợi do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, khai thác và bảo vệ nhưng phục vụ độc lập cho một địa phương có thể phân cấp cho địa phương đó quản lý, khai thác và bảo vệ nhưng diện tích không vượt quá 500 ha.
Điều 6. Điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi
Thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
Điều 7. Trách nhiệm các sở, ban, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Căn cứ Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan, hướng dẫn các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng danh mục các công trình thủy lợi được phân cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh và địa phương quản lý, thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thống kê, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về thủy lợi; dự báo về nguồn nước phục vụ hoạt động thủy lợi và các nhu cầu dùng nước khác; kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, kết hợp với dự báo hạn hán, thiếu nước để lập phương án điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm nhu cầu sử dụng nước thiết yếu cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy lợi.
c) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thủy lợi; định kỳ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh về hoạt động thủy lợi trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
2. Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi và các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi các nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước đảm bảo tiết kiệm nguồn nước, chống thất thoát, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi rà soát, tổng hợp đề xuất quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi; thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy định hiện hành.
4. Sở Tài chính:
a) Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kịp thời kinh phí hỗ trợ khắc phục hạn hán và hậu quả lũ, lụt cho các cơ quan, đơn vị.
b) Tham mưu phân bổ kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi về công tác kế toán tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo quy định.
5. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức quy hoạch mạng lưới giao thông trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để phát huy tối đa hiệu quả công trình, đảm bảo quy định của pháp luật về thủy lợi và giao thông; đồng thời không làm ảnh hưởng đến an toàn và vận hành của công trình thủy lợi.
6. Công an tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các đơn vị được giao quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn đối với các công trình thủy lợi lớn; đồng thời phối hợp nắm tình hình, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi.
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tất cả các công trình thủy lợi nằm trên địa bàn theo phân cấp.
b) Chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã củng cố, kiện toàn các tổ chức thủy lợi ở cơ sở phù hợp theo quy định tại Điều 30 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT để tiếp nhận việc khai thác, sử dụng các công trình được phân cấp trên địa bàn; đồng thời giao công trình thủy lợi được phân cấp cho Tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác và bảo vệ.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội và điểm b khoản 7 Điều 14 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội.
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thủy lợi theo phân cấp; định kỳ báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động thủy lợi trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi:
a) Củng cố năng lực, sắp xếp lại bộ máy tổ chức quản lý cho phù hợp. Thực hiện tiếp nhận và quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được phân cấp đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả.
b) Tham gia xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi và các Tổ chức thủy lợi cơ sở tại các địa phương.
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cấp, tưới, tiêu và thoát nước, bảo trì công trình thủy lợi.
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi; phương án ứng phó thiên tai; quy trình vận hành công trình; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình được giao quản lý, khai thác.
đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, cung cấp dịch vụ khác. Khuyến khích, vận động sự tham gia của người dân trong sử dụng và bảo vệ công trình.
e) Lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình thủy lợi được phân cấp quản lý để được thẩm định, cấp giấy phép tài nguyên nước theo quy định.
g) Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 54 Luật Thủy lợi.
h) Định kỳ báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động thủy lợi trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2021 và thay thế Quyết định số 97/2010/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Quy định phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
2. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định này, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |