cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 28/2021/TT-BGDĐT ngày 20/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Về Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành

  • Số hiệu văn bản: 28/2021/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Ngày ban hành: 20-10-2021
  • Ngày có hiệu lực: 05-12-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1084 ngày (2 năm 11 tháng 24 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2021/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2021

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VỀ TIẾNG ANH THỰC HÀNH

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo Biên bản của Hội đồng thẩm định Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2021 và thay thế Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 02/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.

Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành ban hành kèm theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 02/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo được áp dụng cho đến khi quy định tại Điều 2 của Thông tư này được thực hiện.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo, Thủ trưởng các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Hội đồng Quốc gia giáo dục;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ,

UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để phối hợp);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Như điều 3;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT,
GDTX, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

 

CHƯƠNG TRÌNH

GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VỀ TIẾNG ANH THỰC HÀNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2021/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

MỤC LỤC

I. ĐẶC ĐIỂM

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

3.1. Mục tiêu chung

3.2. Mục tiêu cụ thể

IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

4.1. Yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất

4.2. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

V. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

5.1. Nội dung khái quát

5.2. Nội dung cụ thể

VI. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

6.1. Nguyên tắc chủ đạo của đường hướng dạy học ngôn ngữ giao tiếp

6.2. Một số phương pháp giáo dục đặc thù cho đối tượng người học

6.3. Vai trò của giáo viên

6.4. Vai trò của người học

VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

7.1. Mục đích đánh giá

7.2. Nguyên tắc đánh giá

7.3. Phương pháp đánh giá

7.4. Nội dung đánh giá

7.5. Hình thức đánh giá

VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

8.1. Phân bổ thời lượng dạy học

8.2. Điều kiện dạy học

8.3. Quản lý, thực hiện Chương trình

 

I. ĐẶC ĐIỂM

Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành (sau đây gọi tắt là Chương trình) được biên soạn dành cho các đối tượng học tập tại các cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên. Người học của Chương trình này đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích, thói quen và điều kiện học tập.

Chương trình giúp người học hình thành và phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh, giúp mọi người vừa học vừa làm, học thường xuyên, học suốt đời nhằm góp phần hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chương trình bao gồm 6 bậc trình độ được xây dựng căn cứ Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), theo hướng tiếp cận phát triển năng lực giao tiếp cho người học thông qua hệ thống các chức năng và nhiệm vụ giao tiếp dưới hình thức các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết phù hợp với ngữ cảnh và tình huống giao tiếp cụ thể, trong đó kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành năng lực giao tiếp. Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu, mối quan tâm và khả năng của người học nhằm đạt được các yêu cầu cần đạt quy định trong Chương trình.

Chương trình được thiết kế đảm bảo tính mở, linh hoạt đáp ứng nhu cầu và khả năng học tập đa dạng đối với người học, đảm bảo tính thiết thực và phù hợp với điều kiện dạy học tiếng Anh ở các địa phương. Chương trình có thể được triển khai theo nhiều hình thức như học trên lớp, tự học có hướng dẫn, tự học bên ngoài lớp học theo phương thức đa dạng (học trực tiếp, học trực tuyến, học kết hợp).

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình được xây dựng trên nền tảng lý luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học, phương pháp dạy học tiếng Anh đối với giáo dục thường xuyên của Việt Nam và thế giới; chú trọng đến các đặc điểm về kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Chương trình được xây dựng căn cứ trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam nhằm phát triển năng lực cho người học, lấy năng lực giao tiếp là năng lực đặc thù của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết.

Chương trình đảm bảo xây dựng nội dung dạy học theo hướng tiếp cận đa thành phần, bao gồm (i) các đơn vị năng lực giao tiếp; (ii) hệ thống kiến thức ngôn ngữ (iii) hệ thống chủ điểm, chủ đề được chọn lọc, có ý nghĩa, phù hợp với môi trường học tập, sinh hoạt và công việc của người học, với việc phát triển năng lực giao tiếp theo yêu cầu cần đạt quy định cho mỗi giai đoạn học tập.

Chương trình đảm bảo lấy hoạt động học của người học làm trung tâm trong quá trình dạy học. Năng lực giao tiếp tiếng Anh của người học được phát triển thông qua hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo. Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn quá trình dạy học, khuyến khích người học tham gia hoạt động luyện tập thực hành giao tiếp ở mức tối đa và từng bước nâng cao khả năng tự học.

Chương trình đảm bảo tính liên thông và tiếp nối của việc dạy học tiếng Anh giữa các giai đoạn học tập. Tính liên thông và tiếp nối được thể hiện cụ thể là sau mỗi giai đoạn, người học đạt một bậc trình độ của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo quy định trong Chương trình.

III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

3.1. Mục tiêu chung

Chương trình được xây dựng nhằm góp phần phát triển các năng lực, giá trị và phẩm chất cần thiết để người học có thể nâng cao trình độ học vấn chung cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hình thành ý thức tự học và học tập suốt đời; trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Chương trình hình thành và phát triển cho người học năng lực giao tiếp tiếng Anh thông qua trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết về tiếng Anh thực hành dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, từ đó giúp người học có thể sử dụng tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu của công việc và cuộc sống, theo đuổi các mục tiêu học tập cao hơn hoặc có thể làm việc ngay sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ Chương trình.

3.2. Mục tiêu cụ thể

Sau khi hoàn thành Chương trình, người học:

- Có kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh để sử dụng theo nhu cầu;

- Giao tiếp thành thạo tiếng Anh thông qua bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân trong cuộc sống và công việc;

- Có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người, nền văn hóa và ngôn ngữ của các quốc gia nói tiếng Anh; hiểu và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hóa; biết tự hào, yêu quí và trân trọng nền văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc mình; đồng thời phản ánh được giá trị văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh.

IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

4.1. Yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất

Chương trình góp phần hình thành và phát triển cho người học năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, tự học và khả năng giải quyết vấn đề. Đồng thời, Chương trình cũng tập trung bồi dưỡng và phát triển các phẩm chất như chăm học, chăm làm, tự tin, trách nhiệm, trung thực, kỉ luật cho người học. Thông qua việc học tiếng Anh, người học có thái độ tích cực và có hiểu biết về các nền văn hóa khác và thấy được giá trị của nền văn hóa dân tộc mình.

4.2. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

Các năng lực đặc thù cần đạt đối với người học được mô tả theo từng bậc và theo bốn kĩ năng giao tiếp Nghe, Nói, Đọc, Viết dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

 

Nghe

Nói

Đọc

Viết

Bậc 1

- Theo dõi và hiểu được lời nói (mệnh lệnh, chỉ dẫn, phát ngôn, hội thoại đơn giản) khi được diễn đạt chậm, rõ ràng, có khoảng ngừng để kịp thu nhận và xử lý thông tin.

- Đưa ra và hỏi đáp được các nhận định đơn giản liên quan đến các chủ đề rất quen thuộc như bản thân, gia đình, công việc, nơi sống hoặc nhu cầu giao tiếp tối thiểu hằng ngày;

- Mô tả được về một người nào đó, nơi họ sống và công việc của họ;

- Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản, khởi đầu và trả lời những câu lệnh đơn giản thuộc những lĩnh vực quan tâm và về những chủ đề quen thuộc;

- Thực hiện được các giao dịch về hàng hóa và dịch vụ một cách đơn giản, xử lý con số, khối lượng, chi phí và thời gian;

- Sử dụng được các nhóm từ, cách diễn đạt lịch sự đơn giản nhất hằng ngày, bao gồm: chào hỏi, giới thiệu, nói xin mời, cảm ơn, xin lỗi,...

- Hiểu được các đoạn văn bản rất ngắn và đơn giản về các chủ đề đã học như bản thân, gia đình, công việc, bạn bè;

- Nhận diện được các tên riêng, các từ quen thuộc, các cụm từ cơ bản nhất trên các ghi chú đơn giản, thường gặp trong các tình huống giao tiếp hàng ngày;

- Làm theo các bản chỉ dẫn đường ngắn, đơn giản (ví dụ: đi từ X tới Y).

- Viết được những cụm từ, câu ngắn về bản thân, gia đình, nơi làm việc;

- Yêu cầu hoặc cung cấp thông tin cá nhân bằng văn bản;

- Viết, hồi đáp một bưu thiếp, điền các bảng, biểu mẫu đơn giản, ví dụ: biểu mẫu đăng kí khách sạn;

- Chép lại được những từ đơn hay văn bản ngắn được trình bày dưới dạng in chuẩn.

Bậc 2

- Hiểu được những cụm từ và cách diễn đạt liên quan tới nhu cầu thiết yếu hằng ngày (về gia đình, bản thân, mua sắm, nơi ở và làm việc...) khi được diễn đạt chậm và rõ ràng;

- Hiểu được ý chính trong các hội thoại, giao dịch quen thuộc hằng ngày khi được diễn đạt chậm và rõ ràng;

- Hiểu được chủ đề mà người khác đang thảo luận khi họ nói một cách rõ ràng, chậm rãi;

- Hiểu và nhận biết được một số thông tin đơn giản trình bày trên đài/TV khi những thông tin đó liên quan đến những chủ đề gần gũi hàng ngày.

- Giao tiếp (bao gồm hỏi, trả lời và trao đổi ý kiến) một cách đơn giản và trực tiếp trong những hội thoại ngắn về những chủ đề gần gũi và với sự giúp đỡ của người khác khi cần thiết;

- Thực hiện những giao tiếp đơn giản như miêu tả, kchuyện, đưa ra thông báo ...;

- Hiểu và tham gia thảo luận, làm việc nhóm theo các chủ đề đơn giản: hẹn gặp, lên kế hoạch cuối tuần, đưa ra gợi ý...;

- Truyền đạt quan điểm, nhận định của mình trong các tình huống xã giao đơn giản, ngắn gọn nhưng chưa thể duy trì được các cuộc hội thoại. Ví dụ: miêu tả cảm xúc và thái độ một cách đơn giản cũng như thể hiện sự đồng tình hay phản đối ý kiến của người khác;

- Trình bày một chủ đề ngắn về những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày, đưa ra lý do và trả lời một số các câu hỏi đơn giản.

- Hiểu những văn bản ngắn, đơn giản về những chủ đề quen thuộc, cụ thể được diễn đạt bằng ngôn ngữ gần gũi hàng ngày hoặc những từ vựng xuất hiện với tần suất cao;

- Tìm kiếm thông tin cụ thể và dễ nhận biết từ những tài liệu đơn giản hàng ngày như quảng cáo, thực đơn, lịch trình, danh sách...;

- Đọc hiểu những biển chỉ dẫn và thông báo hàng ngày ở nơi công cộng.

- Viết các mệnh đề, câu đơn giản và nối với nhau bằng các liên từ như: và, nhưng, vì về các chủ đề đơn giản, quen thuộc;

- Viết các tin nhắn đơn giản;

- Viết, hồi đáp thư cá nhân đơn giản;

- Viết các cụm từ, các câu đơn giản sử dụng những từ nối như “and”, “but” “because”;

- Viết miêu tả về những chủ đề quen thuộc gần gũi như tả người, nơi chốn, công việc hay kinh nghiệm học tập.

Bậc 3

- Hiểu được những thông tin, hiện thực đơn giản được diễn đạt rõ ràng bằng giọng chuẩn về các chủ đề liên quan tới cuộc sống và công việc thường ngày;

- Xác định được ý chính trong các bài nói được trình bày rõ ràng về những chủ đề thường gặp trong cuộc sống, công việc hay trường học, kể cả các câu chuyện khi được diễn đạt rõ ràng bằng phương ngữ chuẩn phổ biến;

- Nghe hiểu các tập hợp chỉ dẫn, hướng dẫn hay thông báo trao đổi ngắn được nói một cách rõ ràng;

- Nắm được những ý chính của những đoạn thảo luận dài khi ngôn bản được nói rõ ràng.

- Giao tiếp tương đối tự tin về các vấn đề quen thuộc liên quan đến sở thích, học tập và việc làm của mình;

- Trao đổi, kiểm tra và xác nhận thông tin, giải thích và xử lí vấn đề ny sinh;

- Trình bày ý kiến về các chủ đề văn hóa như phim ảnh, sách báo, âm nhạc, ...;

- Tham gia đàm thoại về các chủ đề quen thuộc mà không cần chuẩn bị, thể hiện quan điểm cá nhân và trao đổi thông tin về các chủ đề quen thuộc liên quan đến sở thích cá nhân, học tập, công việc hoặc cuộc sống hàng ngày.

- Đọc hiểu các văn bản chứa đựng thông tin rõ ràng về các chủ đề liên quan đến chuyên ngành và lĩnh vực yêu thích, quan tâm của mình;

- Đọc nắm ý chính, hiểu các từ khóa và chi tiết quan trọng từ nhiều phần của một văn bản đơn giản về những chủ đề thường gặp hoặc các đoạn thông tin trong ngữ cảnh đa dạng;

- Đọc lướt tìm thông tin chi tiết trong các bài đọc dạng văn xuôi, bảng biểu và lịch trình dùng cho mục đích phân tích, so sánh;

- Thu thập và tổng hợp thông tin từ nhiều phần của một văn bản hoặc từ nhiều văn bản khác nhau nhằm hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể;

- Nhận ra được các luận điểm chính của bài đọc dù chưa hiểu được một cách chi tiết.

- Viết bài đơn giản, có tính liên kết về các chủ đề quen thuộc hoặc mối quan tâm cá nhân bằng cách kết nối các thành tổ đơn lập thành bài viết có cấu trúc;

- Thể hiện khả năng kiểm soát tốt các cấu trúc đơn giản song vẫn gặp khó khăn với một số cấu trúc phức tạp; một số cách biểu đạt chưa tự nhiên;

- Viết được các văn bản đơn giản như thư từ, bài luận ngắn một cách lô gic, có liên kết, về chủ đề quen thuộc miêu tả trải nghiệm, cảm xúc, phản ứng cá nhân.

Bậc 4

- Nghe hiểu các bài nói trực tiếp hoặc phát lại về các chủ đề quen thuộc và không quen thuộc trong cuộc sống cá nhân, xã hội, học tập hay nghề nghiệp khi được diễn đạt rõ ràng và bằng giọng chuẩn;

- Hiểu ý chính của các bài nói phức tạp cả về nội dung và ngôn ngữ, được truyền đạt bằng ngôn ngữ chuẩn mực về các vấn đề cụ thể hay trừu tượng (bao gồm cả những cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật, bài thuyết trình) trong lĩnh vực chuyên môn của mình;

- Xác định được ý chính của những đoạn thảo luận dài khi nghe trực tiếp với điều kiện ngôn bản được nói rõ ràng;

- Hiểu được những thông tin kỹ thuật đơn giản, các chỉ dẫn. Ví dụ: cách vận hành và sử dụng thiết bị hàng ngày.

- Giao tiếp độc lập về nhiều chủ đề, có lập luận và cấu trúc mạch lạc, kết nối giữa các ý trong trình bày, sử dụng ngôn từ trôi chảy, chính xác;

- Trình bày về ý nghĩa của một sự kiện hay trải nghiệm của cá nhân, giải thích và bảo vệ quan điểm của mình một cách rõ ràng bằng lập luận chặt chẽ và phù hợp;

- Trao đổi, kiểm tra và chứng thực thông tin, xử lý các tình huống hiếm gặp trong cuộc sống và biết giải thích nguyên nhân;

- Giải thích ngắn gọn cho các ý kiến, kế hoạch và hành động;

- Thực hiện các thông báo ngắn có chuẩn bị trước về một chủ đề thân thuộc một cách dễ hiểu dù vẫn mắc lỗi trọng âm hoặc ngữ điệu.

- Đọc một cách tương đối độc lập, có khả năng điều chỉnh cách đọc và tốc độ đọc theo từng dạng văn bản (miêu tả, sách quảng cáo, bài báo, bài nghị luận) và mục đích đọc cũng như sử dụng các nguồn tham khảo phù hợp một cách có chọn lọc;

- Đọc các văn bản dài để xác định các thông tin cần tìm, thu thập thông tin từ nhiều phần của một văn bản, hay từ nhiều văn bản khác nhau nhằm hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể;

- Xác định được các kết luận chính trong các bài nghị luận;

- Xác định các luận điểm chính trong bài đọc mặc dù chưa hiểu được một cách chi tiết;

- Hiểu được các chỉ dẫn được viết rõ ràng, đơn giản dành cho các loại thiết bị.

- Viết bài chi tiết, rõ ràng về nhiều chủ đề quan tâm khác nhau, đưa ra những thông tin và lập luận từ một số nguồn khác nhau;

- Viết được các văn bản miêu tả hoặc tường thuật sự kiện đơn giản, dễ hiểu, có liên kết về các loại chủ điểm quen thuộc ưa thích, bằng cách kết nối các sự kiện cụ thể theo trình tự thời gian;

- Truyền đạt thông tin và ý tưởng về các chủ đề cụ thể hay trừu tượng, kiểm tra thông tin, yêu cầu lấy thông tin hay giải thích vấn đề với độ chính xác phù hợp;

- Viết thư hay ghi chú cá nhân để yêu cầu hay truyền đạt nhanh các thông tin đơn giản, truyền tải được điểm mà mình cho là quan trọng.

Bậc 5

- Theo dõi và hiểu được những bài nói dài về những chủ đề phức tạp và trừu tượng ngay cả khi cấu trúc bài nói không rõ ràng và mối quan hệ giữa các ý không tường minh;

- Theo dõi và hiểu được các cuộc trò chuyện sôi nổi giữa những người bản ngữ;

- Theo dõi và hiểu được những tranh luận hay lập luận mang tính trừu tượng;

- Hiểu được những thông tin cần thiết khi nghe các thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Diễn đạt ý một cách trôi chảy và tức thời, gần như không gặp khó khăn. Sử dụng tốt một vốn từ vựng lớn, đủ khả năng xử lý khi thiếu từ bằng cách diễn đạt khác;

- Thể hiện tốt vai trò của người phỏng vấn và người được phỏng vấn, mở rộng và phát triển chủ đề được thảo luận một cách trôi chảy mà không cần tới bất kỳ sự hỗ trợ nào và xử lý tốt những phần ngoài chủ đề;

- Thay đổi ngữ điệu và đặt trọng âm câu chuẩn xác để thể hiện các sắc thái ý nghĩa tinh tế;

- Sử dụng chính xác, tự tin và hiệu quả cách phát âm, từ vựng và cấu trúc ngữ pháp trong giao tiếp tuy nhiên đôi khi vẫn phải ngừng câu, chuyển ý và tìm cách diễn đạt khác;

- Nhận diện được nhiều cách diễn đạt kiểu thành ngữ hoặc thông tục, cảm nhận được những thay đổi về cách giao tiếp, tuy nhiên đôi khi vẫn phải hỏi lại các chi tiết, đặc biệt khi nghe giọng không quen.

- Hiểu chi tiết các văn bản dài, phức tạp, kể cả các văn bản không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, với điều kiện được đọc lại các đoạn khó;

- Hiểu tường tận nhiều loại văn bản dài, phức tạp thường gặp trong đời sống xã hội, trong môi trường công việc hay học thuật, xác định được các chi tiết tinh tế như thái độ hay ý kiến ẩn ý hoặc rõ ràng;

- Hiểu các loại thư từ, tuy nhiên đôi lúc phải sử dụng từ điển;

- Hiểu tường tận các bản hướng dẫn dài, phức tạp về một loại máy móc hay quy trình mới, kể cả không liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình, tuy nhiên vẫn cần đọc lại các đoạn khó;

- Tóm tắt các đoạn văn bản dài, khó.

- Viết bài chi tiết, rõ ràng về nhiều chủ đề quan tâm khác nhau, đưa ra những thông tin và lập luận từ một số nguồn khác nhau;

- Viết bài chi tiết, rõ ràng, bố cục chặt chẽ về các chủ đề phức tạp, làm nổi bật những ý quan trọng, mở rộng lập luận và quan điểm hỗ trợ cho bài viết với các bằng chứng, ví dụ cụ thể và tóm tắt dẫn đến kết luận phù hợp;

- Viết những bài văn miêu tả và bài văn sáng tạo rõ ràng, chi tiết với cấu trúc chặt chẽ, với văn phong tự tin, cá tính, tự nhiên, phù hợp với độc giả;

- Viết những bài bình luận rõ ràng, cấu trúc chặt chẽ về những chủ đề phức tạp, nhấn mạnh những điểm quan trọng nổi bật có liên quan;

- Viết triển khai ý và bảo vệ quan điểm của mình với độ dài nhất định, với các ý kiến, lập luận và các minh chứng cụ thể;

- Thể hiện bản thân rõ ràng và chính xác trong các thư tín cá nhân, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả, bao gồm thể hiện các cung bậc cảm xúc, cách nói bóng gió và bông đùa;

- Viết tóm tắt văn bản dài và khó.

Bậc 6

- Theo dõi và hiểu được các bài giảng hay những bài thuyết trình chuyên ngành có sử dụng nhiều phương ngữ, chứa đựng các yếu tố văn hóa hoặc các thuật ngữ không quen thuộc;

- Hiểu được những vấn đề tinh tế, phức tạp hoặc dễ gây tranh cãi như pháp luật, tài chính, thậm chí đạt tới trình độ hiểu biết của chuyên gia;

- Nghe hiểu được mọi điều một cách dễ dàng theo tốc độ nói của người bản ngữ;

- Theo dõi và dễ dàng hiểu được các cuộc giao tiếp, chuyện trò phức tạp giữa người bản ngữ trong các cuộc tranh luận, thảo luận nhóm, ngay cả khi nội dung là những chủ đề trừu tượng, phức tạp, không quen thuộc và sử dụng nhiều thành ngữ;

- Hiểu mọi thông báo, hướng dẫn dù nghe trực tiếp hay qua các phương tiện truyền thông mà không gặp bất cứ khó khăn gì ngay cả trong môi trường/tình huống có nhiều ồn ào, tạp âm,...;

- Thưởng thức tất cả các chương trình phát thanh hay truyền hình mà không cần tới bất kỳ sự cố gắng nào.

- Truyền đạt chính xác các sắc thái ý nghĩa tinh tế bằng cách sử dụng nhiều loại hình bổ nghĩa với độ chính xác cao;

- Sử dụng thành thạo các cách diễn đạt kiểu thành ngữ với nhận thức rõ về các tầng nghĩa. Đổi được cách diễn đạt để tránh gặp khó khăn khi giao tiếp và thể hiện một cách trôi chảy đến mức người đối thoại khó nhận ra điều đó;

- Truyền đạt chính xác các sắc thái ý nghĩa tinh tế bằng cách sử dụng nhiều loại hình bổ nghĩa với độ chính xác cao;

- Trình bày một chủ đề phức tạp một cách tự tin và rành mạch cho một đối tượng không quen thuộc bằng cách sử dụng cấu trúc và điều chỉnh cuộc nói chuyện một cách linh hoạt theo nhu cầu của người nghe;

-Trò chuyện thoải mái về cuộc sống cá nhân và xã hội mà không bị cản trở bởi bất kỳ sự hạn chế về ngôn ngữ nào;

- Duy trì quan điểm của mình trong khi tham gia phỏng vấn, sắp xếp tổ chức lại nội dung trao đổi phù hợp với phong cách diễn đạt của người bản xứ;

- Thay đổi ngữ điệu, nhịp điệu và đặt trọng âm câu chuẩn xác để thể hiện các sắc thái ý nghĩa tinh tế;

- Sử dụng chính xác, phù hợp và hiệu quả cách phát âm, từ vựng và cấu trúc ngữ pháp trong giao tiếp;

- Cảm nhận được trọn vẹn các tác động về mặt ngôn ngữ-xã hội và văn hóa-xã hội của ngôn ngữ do người bản ngữ sử dụng và đối đáp lại một cách phù hợp;

- Đóng vai trò cầu nối một cách có hiệu quả giữa người sử dụng ngoại ngữ và người sử dụng tiếng mẹ đẻ, ý thức được những khác biệt về mặt văn hóa-xã hội và ngôn ngữ-văn hóa.

- Hiểu, lựa chọn và sử dụng có phê phán hầu hết các thể loại văn bản, bao gồm các văn bản trừu tượng, phức tạp về mặt cấu trúc, hay các tác phẩm văn học và phi văn học; Hiểu được nhiều loại văn bản dài và phức tạp, cảm thụ được những nét khác biệt nhỏ giữa các văn phong, giữa nghĩa đen và nghĩa bóng;

- Đọc lướt nhanh các văn bản dài và phức tạp để định vị được các thông tin hữu ích;

- Nhanh chóng xác định nội dung và mức độ hữu ích của các bài báo và các bản báo cáo liên quan đến nhiều loại chủ đề chuyên môn để quyết định xem có nên đọc kỹ hơn hay không;

- Hiểu các loại thư từ, tuy nhiên đôi lúc phải sử dụng từ điển;

- Hiểu tường tận các bản hướng dẫn dài, phức tạp về một loại máy móc hay quy trình mới, kể cả không liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình, tuy nhiên vẫn cần đọc lại các đoạn khó;

- Tóm tắt thông tin từ các nguồn khác nhau, lập luận và dẫn chứng để trình bày lại vấn đề một cách mạch lạc;

- Xác định được những điểm quan trọng trong bài viết.

- Viết bài rõ ràng, trôi chảy, bố cục chặt chẽ, chi tiết với văn phong phù hợp và cấu trúc logic, giúp cho độc giả thấy được những điểm quan trọng trong bài viết;

- Viết bài chi tiết, rõ ràng, bố cục chặt chẽ về các chủ đề phức tạp, làm nổi bật những ý quan trọng, mở rộng lập luận và quan điểm hỗ trợ cho bài viết với các bằng chứng, ví dụ cụ thể và tóm tắt dẫn đến kết luận phù hợp;

- Viết những bài văn miêu tả kinh nghiệm và những câu chuyện một cách rõ ràng, rành mạch, ý tứ phong phú và lôi cuốn, văn phong phù hợp với thể loại đã lựa chọn;

- Viết các báo cáo, bài báo hoặc bài luận phức tạp một cách rõ ràng, rành mạch, ý tứ dồi dào về một vấn đề nào đó hoặc đưa ra những đánh giá sắc bén về những đề xuất, hay bình luận các tác phẩm văn học;

- Thể hiện bản thân rõ ràng và chính xác trong các thư tín cá nhân, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả, bao gồm thể hiện các cung bậc cảm xúc, cách nói bóng gió và bông đùa;

- Tóm tắt thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, qua đó thể hiện khả năng tái cấu trúc những tranh luận và bài viết một cách mạch lạc về kết quả tổng thể.

V. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

5.1. Nội dung khái quát

Nội dung dạy học trong Chương trình được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm: (5.1.1) các đơn vị năng lực giao tiếp thể hiện qua các nhiệm vụ và chức năng giao tiếp dưới dạng nghe, nói, đọc, viết; (5.1.2) danh mục kiến thức ngôn ngữ thể hiện qua ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; (5.1.3) hệ thống các chủ điểm, chủ đề; (5.1.4) các năng lực khác.

5.1.1. Năng lực giao tiếp

Năng lực giao tiếp là khả năng áp dụng kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), kiến thức ngôn ngữ-xã hội, kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) và các chiến lược giao tiếp phù hợp để thực hiện các hoạt động giao tiếp trong những tình huống hay ngữ cảnh có nghĩa với các đối tượng giao tiếp khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp của bản thân hay yêu cầu giao tiếp của xã hội. Trong Chương trình, năng lực giao tiếp được thể hiện thông qua các chức năng và nhiệm vụ giao tiếp dưới dạng nghe, nói, đọc, viết. Danh mục năng lực giao tiếp được lựa chọn theo hướng mở, mang tính thực hành cao, có liên hệ chặt chẽ với các chủ điểm, chủ đề và chỉ mang tính gợi ý. Người biên soạn tài liệu dạy học và giáo viên có thể điều chỉnh, bổ sung danh mục các năng lực giao tiếp trên cơ sở phù hợp với chủ điểm, chủ đề, đáp ứng nhu cầu, sở thích và khả năng học tập của người học để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình.

5.1.2. Kiến thức ngôn ngữ

Kiến thức ngôn ngữ trong Chương trình bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Kiến thức ngôn ngữ có vai trò như một phương tiện giúp người học hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành, tùy thuộc vào mục tiêu cụ thể của đối tượng người học, cần chú ý trang bị những kiến thức ngôn ngữ liên quan đến tiếng Anh chuyên ngành bên cạnh những kiến thức đáp ứng nhu cầu giao tiếp tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày.

5.1.3. Hệ thống chủ điểm, chủ đề

Nội dung dạy học của Chương trình được xây dựng trên cơ sở các chủ điểm, chủ đề phù hợp với mỗi giai đoạn học tập và đối tượng người học. Các chủ điểm, chủ đề được lựa chọn theo hướng mở, phù hợp với các giá trị văn hóa, xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính hội nhập quốc tế và phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp quy định cho mỗi giai đoạn học tập cũng như mục tiêu định hướng nghề nghiệp của người học. Chương trình được xây dựng dựa trên bốn chủ điểm chính là: Cá nhân, Giáo dục, Nghề nghiệp và Xã hội. Dưới chủ điểm là tập hợp các chủ đề liên quan đến chủ điểm. Người biên soạn học liệu dạy học và giáo viên có thể điều chỉnh, bổ sung các chủ điểm, chủ đề nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích và khả năng học tập của người học để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình.

5.1.4. Các năng lực khác

Các năng lực khác như năng lực giao tiếp liên văn hóa, năng lực tự học, học tập suốt đời được dạy học lồng ghép trong năng lực giao tiếp, kiến thức ngôn ngữ và hệ thống các chủ điểm, chủ đề, phù hợp với mục tiêu và yêu cầu cần đạt được qui định trong từng bậc năng lực theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

5. 2. Nội dung cụ thể

Nội dung dạy học cụ thể của Chương trình được thiết kế theo các bậc năng lực của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể như sau:

5.2.1. Bậc 1

Ngữ âm

Từ vựng

Ngữ pháp

Nguyên âm, phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, ngữ điệu,...

Khoảng 500 từ

Danh từ (số ít, số nhiều), đại từ nhân xưng, đại từ chỉ định, tính từ sở hữu, động từ tình thái, trạng từ chỉ tần suất, giới từ chỉ địa điểm, thời gian, số đếm, số thứ tự, liên từ, mạo từ, so sánh tương đối và so sánh tuyệt đối, câu mệnh lệnh, câu hỏi (What, How, Who,...), câu hỏi Yes/No, thì hiện tại đơn, thì quá khứ đơn, thì hiện tại tiếp diễn, thì tương lai đơn,...

Chi tiết

Chủ điểm/Chủ đề

Năng lực giao tiếp

Trọng tâm kiến thức ngôn ngữ

Các chủ điểm: Cá nhân, Giáo dục, Nghề nghiệp, Xã hội

Các chủ đề: quốc gia, quốc tịch, ngôn ngữ, thời gian, mùa và thời tiết, địa điểm, sở thích, hoạt động giải trí, thể thao, nghề nghiệp yêu thích, gia đình, trường và lớp học, nhà cửa, phòng ở, đồ dùng trong nhà, màu sắc, kích thước, khối lượng, các bộ phận cơ thể và ngoại hình, đồ ăn, đồ uống, phương hướng, sức khỏe, tâm trạng và cảm xúc, trang phục, mua sắm, giá cả, hoạt động hàng ngày, tính cách cá nhân, động vật, thực vật,...

Nghe

- Nghe hiểu những từ quen thuộc, cụm từ rất đơn giản về bản thân, gia đình, nghề nghiệp, địa điểm sinh sống, mua sắm, ...

- Nghe hiểu các câu đơn giản, các đoạn hội thoại ngắn về những chủ đề đã học.

Nói

- Nói từ và cụm từ đơn giản về các chủ đề quen thuộc.

- Hỏi và trả lời những câu hỏi đơn giản về các chủ đề quen thuộc.

- Nói các câu đơn giản về gia đình, người quen, địa điểm sinh sống, trình độ học vấn, nghề nghiệp bản thân,... (có sự trợ giúp).

Đọc

- Đọc hiểu các từ quen thuộc, các câu đơn giản về các chủ đề đã học.

- Đọc hiểu các văn bản ngắn, đơn giản về các chủ đề đã học.

- Đọc hiểu các thông báo, áp phích, thư cá nhân,... đơn giản

Viết

- Viết các từ quen thuộc, cụm từ và câu đơn giản về các chủ đề đã học.

- Viết các bưu thiếp đơn giản, điền thông tin vào các phiếu cá nhân như tên, nghề nghiệp, quốc tịch, địa chỉ,...

- Viết thư cá nhân đơn giản (có gợi ý).

Ngữ âm

- Nguyên âm đơn

- Nguyên âm đôi

- Phụ âm

- Tổ hợp phụ âm

- Trọng âm từ

- Ngữ điệu

Từ vựng

Các từ liên quan đến chủ điểm/chủ đề Bậc 1

Ngữ pháp

- Danh từ (số ít, số nhiều)

- Đại từ nhân xưng

- Đại từ chỉ định

- Tính từ sở hữu

- Động từ tình thái (can / can't / could / couldn’t)

- Trạng từ chỉ tần suất

- Giới từ chỉ địa điểm, thời gian

- Số đếm

- Số thứ tự

- Liên từ (and, but, or)

- Mạo từ

- So sánh tương đối và so sánh tuyệt đối

- Too, very

- Going to

- How much/how many

- I'd like

- There is/are

- Động từ + ing: like/hate/love

- Câu mệnh lệnh (+/-)

- Câu hỏi What, How, Who,...

- Câu hỏi Yes/No

- Thì quá khứ đơn

- Thì hiện tại đơn

- Thì hiện tại tiếp diễn

- Thì tương lai đơn

5.2.2. Bậc 2

Ngữ âm

Từ vựng

Ngữ pháp

Nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, trọng âm câu, ngữ điệu,...

Khoảng 1000 từ (không bao gồm từ vựng đã học ở bậc trước)

Mạo từ, đại từ phản thân, danh từ (đếm được/không đếm được), trạng từ tần suất, cách thức, mức độ, tính từ và từ bổ nghĩa cho tính từ, trật tự từ của các tính từ, tính từ -ing-ed, động từ qui tắc và bất qui tắc, động danh từ làm chủ ngữ và tân ngữ, danh từ hỗn hợp, sở hữu cách, đại từ quan hệ và mệnh đề quan hệ, câu hỏi What, Who, When, How, Why, câu mệnh lệnh, câu điều kiện (loại 1), thì hiện tại đơn (nói về hành động trong tương lai), thì hiện tại tiếp diễn (những động từ không dùng với thì hiện tại tiếp diễn), thì quá khứ đơn, thì hiện tại tiếp diễn để nói về hành động đang diễn ra và hành động trong tương lai gần, thì hiện tại hoàn thành, thì quá khứ tiếp diễn, thể bị động ở thì hiện tại đơn,...

Chi tiết

Chủ điểm/Chủ đề

Năng lực giao tiếp

Trọng tâm kiến thức ngôn ngữ

Các chủ điểm: Cá nhân, Giáo dục, Nghề nghiệp, Xã hội

Các chủ đề: lĩnh vực học tập, công việc và cơ hội nghề nghiệp, du lịch, khách sạn, tuổi ấu thơ, phát minh, thời tiết và khí hậu, tiểu sử cá nhân, địa điểm, công trình công cộng, trang phục và phụ kiện, sở thích và mối quan tâm cá nhân, thể thao, những thay đổi trong cuộc sống, nhân vật và sự kiện, chăm sóc sức khỏe, âm nhạc, trang thiết bị ở hộ gia đình,...

Nghe

- Nghe hiểu thông tin chi tiết các đoạn hội thoại, độc thoại về công việc, học tập, hoạt động vui chơi giải trí,...

- Nghe hiểu thông tin chính nội dung chương trình phát thanh hoặc truyền hình về các chủ đề quen thuộc được nói chậm và rõ ràng.

Nói

- Nói các câu đơn giản về gia đình, sở thích, nghề nghiệp, hoạt động hàng ngày, ước mơ, hoài bão,... của bản thân.

- Nói về lý do và giải thích ý kiến cá nhân.

- Kể lại nội dung câu chuyện, bộ phim, quyển sách,... đã đọc/xem có biểu đạt ý kiến cá nhân.

Đọc

- Đọc hiểu từ, cụm từ, câu liên quan đến nghề nghiệp cụ thể.

- Đọc hiểu thư cá nhân mô tả sự kiện, cảm xúc, ước muốn,...

Viết

- Viết các câu đơn giản, liền mạch về các chủ đề quen thuộc.

- Viết thư cá nhân mô tả những kinh nghiệm và cảm xúc của bản thân.

Ngữ âm

- Nguyên âm đơn

- Nguyên âm đôi

- Phụ âm

- Tổ hợp phụ âm

- Trọng âm từ

- Trọng âm câu

- Ngữ điệu

Từ vựng

Các từ liên quan đến chủ điểm/chủ đề Bậc 2

Ngữ pháp

- Mạo từ

- Đại từ phản thân

- Danh từ (đếm được/không đếm được)

- Trạng từ tần suất, cách thức, mức độ

- Tính từ và từ bổ nghĩa cho tính từ

- Trật tự từ của các tính từ

- Tính từ -ing -ed

- Động từ qui tắc và bất qui tắc

- Động danh từ làm chủ ngữ và tân ngữ

- Danh từ hỗn hợp

- Động từ có/không có to sau một số động từ và tính từ

- Động từ nguyên dạng có to chỉ mục đích

- Giới từ

- So sánh tương đối và tuyệt đối

- Sở hữu cách

- A few / a little

- Too / not enough

- Can / could (dùng trong lời yêu cầu)

- Should (dùng trong lời khuyên)

- Have to / need to (dùng trong diễn đạt về nghĩa vụ)

- Be like (dùng trong miêu tả)

- Going to / will (để dự đoán, nói về hoạt động tương lai)

- So /such

- When / while

- Must /might (để suy diễn)

- As soon as

- Be able to / good at

- Although / however

- Used to

- Đại từ quan hệ và mệnh đề quan hệ

- Câu hỏi What, Who, When, How, Why

- Câu mệnh lệnh

- Câu điều kiện (loại 1)

- Thì quá khứ đơn

- Thì quá khứ tiếp diễn

- Thì hiện tại đơn (nói về hành động trong tương lai)

- Thì hiện tại tiếp diễn để nói về hành động đang diễn ra và hành động trong tương lai gần

- Thì hiện tại hoàn thành

- Thể bị động ở thì hiện tại đơn

5.2.3. Bậc 3

Ngữ âm

Từ vựng

Ngữ pháp

Nguyên âm đôi, phụ âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, trọng âm câu, trọng âm câu và nhịp điệu, ngữ điệu, các từ không mang trọng âm, các dạng viết/phát âm tắt, nối âm giữa phụ âm và nguyên âm, từ đồng âm,

Khoảng 1500 từ (không bao gồm các từ đã học ở các bậc trước)

Đại từ phản thân, trạng từ chỉ cách thức và các từ bổ nghĩa, động từ tình thái (suy diễn về hành động, sự việc xảy ra ở hiện tại và quá khứ), từ nối, danh động từ và động từ nguyên dạng, thể bị động, mệnh đề quan hệ (xác định / không xác định), mệnh đề trạng ngữ (mệnh đề -ing), mệnh đề thời gian, câu hỏi đuôi, câu tường thuật, câu điều kiện loại 0, 1, 2, thì quá khứ đơn và thì hiện tại hoàn thành, thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn, thì quá khứ hoàn thành,...

Chi tiết

Chủ điểm/Chủ đề

Năng lực giao tiếp

Trọng tâm kiến thức ngôn ngữ

Các chủ điểm: Cá nhân, Giáo dục, Nghề nghiệp, Xã hội

Các chủ đề: phỏng vấn, tuyển dụng, theo đuổi hoài bão về khoa học và nghệ thuật, ngoại hình, trang phục, tính cách, công việc nội trợ, kỳ nghỉ và du lịch, ẩm thực, nội thất và các thiết bị gia dụng, thời tiết, mùa và khí hậu, sách báo, điện ảnh, truyền hình, nghệ thuật dân gian, tội phạm, xử án, hệ thống chính trị, thế giới hiện đại, quan hệ gia đình, hệ động thực vật, dịch vụ tiêu dùng, công việc từ thiện,...

Nghe

- Nghe hiểu bài phát biểu, bài giảng có nội dung tương đối phức tạp về những chủ đề quen thuộc.

- Nghe hiểu và đoán nghĩa (thông qua biểu hiện thái độ, tình cảm của của người nói) trong các độc thoại, hội thoại quen thuộc của cuộc sống hằng ngày.

Nói

- Thảo luận tương đối chi tiết về những chủ đề quen thuộc.

- Nói ý kiến cá nhân và giải thích về những điểm thuận lợi/không thuận lợi khi thảo luận về các chủ đề đã học.

Đọc

- Đọc hiểu các bài báo và báo cáo đơn giản về các chủ đề quen thuộc.

- Đọc hiểu đoạn truyện ngắn có nội dung đơn giản.

Viết

- Viết các câu mạch lạc, chi tiết, có liên kết về các chủ đề đã học.

- Viết bài luận, báo cáo,... về các vấn đề quen thuộc.

- Viết thư mô tả sự kiện đã xảy ra.

Ngữ âm

- Nguyên âm đôi

- Phụ âm, tổ hợp phụ âm

- Trọng âm từ, trọng âm câu

- Trọng âm câu và nhịp điệu

- Ngữ điệu lên và xuống

- Ngữ điệu câu hỏi (củng cố và mở rộng)

- Câu hỏi nghi vấn (Yes/No questions) và câu hỏi có từ để hỏi

- Câu hỏi đuôi

- Các từ không mang trọng âm

- Trọng âm câu

- Các dạng viết/phát âm tắt

- Nối âm giữa phụ âm và nguyên âm

- Từ đồng âm

Từ vựng

Các từ liên quan đến chủ điểm/chủ đề Bậc 3

Ngữ pháp

- Đại từ phản thân

- Trạng từ chỉ cách thức và các từ bổ nghĩa

- Động từ tình thái (suy diễn về hành động, sự việc xảy ra ở hiện tại và quá khứ)

- Tính từ -ing-ed

- Từ nối: although, even though, however, in case, despite, in spite of,

- Danh động từ và động từ nguyên dạng

- Used to + động từ nguyên dạng

- Neither / so do I

- Look + tính từ, look like + danh từ

- Be able to / can / manage to

- Have and have got

- Be allowed to / be supposed to

- A /few and a / little

- Always dùng với thì hiện tại tiếp diễn

- Wish + thì quá khứ đơn

- Know, wonder dùng trong câu hỏi gián tiếp

- Had better

- Tell say

- Make, do, let

- Such as / like / as

- Have/get something done

- Thể bị động

- Mệnh đề quan hệ (xác định / không xác định)

- Mệnh đề trạng ngữ (mệnh đề -ing)

- Mệnh đề thời gian (after, as soon.as, before, by the time, once,...) .

- Câu hỏi đuôi

- Câu tường thuật

- Câu điều kiện loại 0, 1, 2

- Thì quá khứ đơn và thì hiện tại hoàn thành

- Thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn

- Thì quá khứ hoàn thành

...

5.2.4. Bậc 4

Ngữ âm

Từ vựng

Ngữ pháp

Nguyên âm, tổ hợp phụ âm, trọng âm từ, trọng âm câu, câu hỏi thay thế, câu hỏi đuôi, câu hỏi thể hiện câu mời, câu gợi ý, các từ có trọng âm (trường hợp đặc biệt)/các từ không mang trọng âm, sự đồng hóa, từ đồng âm, dạng phát âm mạnh và yếu của từ, các dạng viết/phát âm tắt, ...

Khoảng 3000 từ (không bao gồm các từ đã học ở các bậc trước)

Động ngữ, tính từ phân từ, trạng từ chỉ cách thức và các từ bổ nghĩa, từ ghép, uyển ngữ, diễn đạt kiểu thành ngữ, thông tục và tiếng lóng, động từ tình thái (thì hiện tại và thì hoàn thành), thể bị động, mệnh đề quan hệ, mệnh đề mục đích, câu tường thuật, câu hỏi đuôi, thời hiện tại và thời quá khứ để nói về thói quen, thì hiện tại hoàn thành đơn và thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn, thì quá khứ đơn, thì quá khứ tiếp diễn, thì quá khứ hoàn thành, thì tương lai hoàn thành, thì tương lai tiếp diễn, thì hiện tại đơn, thì hiện tại tiếp diễn nói về tương lai, câu điều kiện loại 0, 1, 2, 3,...

Chi tiết

Chủ điểm/Chủ đề

Năng lực giao tiếp

Trọng tâm kiến thức ngôn ngữ

Các chủ điểm: Cá nhân, Giáo dục, Nghề nghiệp, Xã hội

Các chủ đề: nghề nghiệp và điều kiện lao động, công nghệ và công cụ lao động, hệ thống giáo dục, giao thông, du lịch và thám hiểm, tội phạm và pháp luật, quan hệ xã hội, lễ hội, phong tục tập quán, th thao và giải trí, địa lý và khí hậu, ngân hàng, tiền tệ, kinh tế, nạn thất nghiệp, thị trường, tiếp thị, hàng hóa, giá cả, sản xuất, kinh doanh, thương mại,...

Nghe

- Nghe hiểu những bài phát biểu dài và phức tạp hơn.

- Nghe hiểu các chương trình truyền hình, các bộ phim thông thường.

Nói

- Nói tương đối lưu loát trong những tình huống giao tiếp xã hội và công việc.

- Nói ý kiến cá nhân trong mối tương quan với ý kiến của những người cùng tham gia tranh luận.

- Nói về những chủ đề phức tạp hơn và đưa ra lập luận.

Đọc

- Đọc hiểu các văn bản văn học, trần thuật dài, phức tạp hơn được viết bằng các văn phong khác nhau.

- Đọc hiểu các bài báo chuyên ngành và các hướng dẫn phức tạp trong lĩnh vực công nghệ.

Viết

- Viết văn bản dài, mạch lạc, có cấu trúc chặt chẽ để mô tả quan điểm cá nhân.

- Viết thư, bài luận, báo cáo,... về các chủ đề phức tạp hơn.

- Viết các loại văn bản khác nhau với văn phong phù hợp.

Ngữ âm

- Nguyên âm ngắn/dài

- Tổ hợp phụ âm

- Trọng âm từ, trọng âm câu, nhịp điệu

- Ngữ điệu (củng cố và mở rộng)

- Câu hỏi thay thế

- Câu hỏi đuôi

- Câu hỏi thể hiện câu mời

- Câu gợi ý

- Các từ có trọng âm (trường hợp đặc biệt)

- Các từ không mang trọng âm

- Sự đồng hóa, nối nguyên âm với nguyên âm

- Nối âm giữa phụ âm và nguyên âm

- Nuốt âm

- Từ đồng âm

- Dạng phát âm mạnh và yếu của từ

- Các dạng viết/phát âm tắt

Từ vựng

Các từ liên quan đến chủ điểm/chủ đề Bậc 4

Ngữ pháp

- Động ngữ

- Tính từ phân từ

- Trạng từ chỉ cách thức và các từ bổ nghĩa

- Will / going to

- Wish / if only

- Từ ghép với some, any, no, every

- Although, despite, in spite of, otherwise, unless

- It’s time/high time/about time + thì quá khứ

- Uyển ngữ

- Diễn đạt kiểu thành ngữ, thông tục và tiếng lóng

- Động từ tình thái (thì hiện tại và thì hoàn thành)

- Always để diễn đạt tần suất và sử dụng ở thì tiếp diễn

- Thể bị động

- Mệnh đề quan hệ

- Mệnh đề mục đích

- Câu tường thuật

- Câu hỏi đuôi

- Thì quá khứ đơn, thì quá khứ tiếp diễn, thì quá khứ hoàn thành

- Thời hiện tại và thời quá khứ để nói về thói quen

- Thì hiện tại hoàn thành đơn và thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn

- Thì hiện tại đơn, thì hiện tại tiếp diễn nói về tương lai

- Thì tương lai hoàn thành

- Thì tương lai tiếp diễn

- Câu điều kiện loại 0, 1, 2, 3

...

5.2.5. Bậc 5

Ngữ âm

Từ vựng

Ngữ pháp

Nguyên âm, phụ âm, trọng âm từ, trọng âm câu, nhịp điệu, ngữ điệu, các từ có trọng âm / các từ không mang trọng âm, sự đồng hóa, dạng phát âm mạnh và yếu của từ, các dạng viết/phát âm tắt, nối âm, nuốt âm, từ đồng âm,...

Khoảng 4000 từ (không bao gồm các từ đã học ở các bậc trước)

Trật tự từ đối với các trạng từ, trật tự từ đối với các tính từ, đảo ngữ và phó từ phủ định, tiểu từ, động từ tình thái, tỉnh lược và nuốt âm, các phương tiện liên kết văn bản, cấu trúc nhấn mạnh, thì tiếp diễn, thì quá khứ hoàn thành, thì tương lai tiếp diễn, câu hỏi đuôi, mệnh đề quan hệ, câu điều kiện hỗn hợp, thể bị động, câu tường thuật,...

Chi tiết

Chủ điểm/Chủ đề

Năng lực giao tiếp

Trọng tâm kiến thức ngôn ngữ

Các chủ điểm: Cá nhân, Giáo dục, Nghề nghiệp, Xã hội

Các chủ đề: thiên văn học, tôn giáo, quê hương, trải nghiệm, học tập suốt đời, cá thể hóa và sự khác biệt, năng lực sáng tạo, độ tuổi và sự khác biệt văn hóa, thế hệ, giới, sự kiện mang tính thời sự, chế độ ăn kiêng và sức khỏe, các hình thức giao tiếp, đạo đức và các vấn đề cá nhân, giao thông, an toàn và các mối nguy cơ, môi trường, quảng cáo, kiến trúc,...

Nghe

- Nghe hiểu các thể loại văn bản khác nhau được truyền trực tiếp hoặc phát trên phương tiện truyền thông với tốc độ và giọng nói tương tự như người bản ngữ.

- Nghe hiểu và phân biệt sự khác nhau về văn phong của các đặc ngữ, cách diễn đạt thông tục trong các bộ phim, chương trình phát thanh, truyền hình...

Nói

- Tham gia hội thoại một cách tự tin, trôi chảy, có sử dụng đặc ngữ và các cách diễn đạt thông tục.

- Trình bày bài mô tả hoặc tranh luận một cách mạch lạc, trôi chảy với văn phong phù hợp ngữ cảnh, có cấu trúc logic thích hợp.

Đọc

- Đọc hiểu một cách dễ dàng các văn bản có ngôn ngữ và cấu trúc phức tạp như bản thảo, bài báo chuyên ngành, tác phẩm văn học,...

Viết

- Viết văn bản với văn phong phù hợp.

- Viết thư, bài báo, báo cáo phức tạp có lập luận logic và cấu trúc tương đối chặt chẽ.

- Viết văn bản tổng kết, tổng thuật công trình văn học, chuyên ngành.

Ngữ âm

- Nguyên âm, phụ âm

- Trọng âm từ, trọng âm câu, nhịp điệu, ngữ điệu

- Các từ có trọng âm / Các từ không có trọng âm

- Sự đồng hóa

- Dạng phát âm mạnh và yếu của từ

- Các dạng viết/phát âm tắt

- Nối âm

- Nuốt âm

- Từ đồng âm

Từ vựng

Các từ liên quan đến chủ điểm/chủ đề Bậc 5

Ngữ pháp

- Trật tự từ đối với các trạng từ

- Trật tự từ đối với các tính từ

- Đảo ngữ và phó từ phủ định

- Tiểu từ

- Động từ tình thái

- Tỉnh lược và nuốt âm

- Các phương tiện liên kết văn bản

- Cấu trúc nhấn mạnh (No sooner had I.../ Under no circumstances must you ... So thick was the fog that...)

- Whatever, Whoever, Whenever,... để nhấn mạnh

- Thì tiếp diễn

- Thì quá khứ hoàn thành

- Thì tương lai tiếp diễn

- Câu hỏi đuôi

- Mệnh đề quan hệ

- Câu điều kiện hỗn hợp

- Câu bị động

- Câu tường thuật

5.2.6. Bậc 6

Ngữ âm

Từ vựng

Ngữ pháp

Ôn tập, củng cố, mở rộng kiến thức ngữ âm đã học ở các bậc năng lực từ Bậc 1 đến Bậc 5

Khoảng 6000 từ (không bao gồm các từ đã học ở các bậc trước)

Số nhiều của danh từ (với nghĩa đặc biệt): good(s), damage(s), ground(s), đại từ dùng trong thể bị động (one, you, they), trạng từ diễn đạt sự chắc chắn trong câu trả lời ngắn, cấu trúc đảo ngữ với thì quá khứ hoàn thành để nói về tình huống tưởng tượng trong quá khứ, thì quá khứ đơn của be + due to (nói về lịch trình các sự kiện trong tương lai (với thời điểm nói trong quá khứ), thì tương lai hoàn thành tiếp diễn để nói về giả định trong hiện tại, thì hiện tại đơn với only when + cấu trúc đảo ngữ với will để nói về tương lai,...

Chi tiết

Chủ điểm/Chủ đề

Năng lực giao tiếp

Trọng tâm kiến thức ngôn ngữ

Các chủ điểm: Cá nhân, Giáo dục, Nghề nghiệp, Xã hội

Các chủ đề: thị trường lao động, định hướng nghề nghiệp trong thời kỳ toàn cầu hóa, giáo dục trong tương lai, tôn giáo, khoa học, công nghệ môi trường và hệ sinh thái, chính trị, du lịch, giải trí, xã hội hiện đại, văn hóa, nghệ thuật,...

Nghe

- Nghe hiểu những bài giảng, bài trình bày trong lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp có sử dụng nhiều các cách diễn đạt bằng phương ngữ hoặc các thuật ngữ chuyên ngành.

Nói

- Trình bày về các chủ đề trong các lĩnh vực khác nhau một cách tự nhiên, trôi chảy, sử dụng ngôn ngữ chính xác, linh hoạt, thích hợp để diễn đạt ý tưởng của bản thân.

Đọc

- Đọc hiểu các loại văn bản khác nhau bao gồm các văn bản có sử dụng ngôn ngữ trừu tượng, cấu trúc phức tạp, thuộc lĩnh vực văn học hoặc khoa học kỹ thuật có sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành hoặc đặc ngữ.

Viết

- Viết các văn bản với độ phức tạp cao, sử dụng nhiều loại văn phong và cấu trúc logic chặt chẽ.

Ngữ âm

Ôn tập, củng cố, mở rộng các kiến thức ngữ âm đã học ở các bậc năng lực từ Bậc 1 đến Bậc 5

Từ vựng

Các từ liên quan đến chủ điểm/chủ đề Bậc 6

Ngữ pháp

- Số nhiều của danh từ (với nghĩa đặc biệt): good(s), damage(s), ground(s),...

- Đại từ dùng trong thể bị động: one, you, they

- Trạng từ diễn đạt sự chắc chắn trong câu trả lời ngắn

- As if + mệnh đề không xác định (so sánh)

- Were it not for + cụm danh từ; Whether or not (nói về điều kiện trong tình huống trang trọng)

- Should, would (nói về kết quả có thể có trong tương lai trong tình huống lịch sự, trang trọng)

- Nor (dùng với cấu trúc phủ định kết hợp với đảo ngữ để nhấn mạnh)

- It + be + danh từ + mệnh đề that (để nhấn mạnh)

- Don’t you... để nhấn mạnh yêu cầu, đề nghị

- How can (câu hỏi tu từ)

- Cấu trúc đảo ngữ với thì quá khứ hoàn thành để nói về tình huống tưởng tượng trong quá khứ

- Thì quá khứ đơn của be + due to (nói về lịch trình các sự kiện trong tương lai (với thời điểm nói trong quá khứ)

- Thì tương lai hoàn thành tiếp diễn để nói về giả định trong hiện tại

- Thì hiện tại đơn với only when + cấu trúc đảo ngữ với will để nói về tương lai

VI. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

Chương trình tuân thủ theo hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp, trong đó sử dụng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau nhằm phát huy vai trò chủ động của người học, lấy việc học làm trung tâm, giúp người học hình thành và phát triển năng lực ngôn ngữ giao tiếp, năng lực tự chủ, và các phẩm chất được xác định trong Chương trình thông qua những tình huống giao tiếp có ý nghĩa với những nguyên tắc chung theo hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp, một số nhóm phương pháp chủ đạo, vai trò của người học và người dạy cho phép việc áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp với đối tượng và mục đích của người học như sau:

6.1. Nguyên tắc chủ đạo của đường hướng dạy học ngôn ngữ giao tiếp

Đường hướng dạy học ngôn ngữ giao tiếp phát triển năng lực giao tiếp cho người học thông qua sử dụng ngôn ngữ phục vụ mục đích giao tiếp có ý nghĩa với người học. Do đó, đường hướng dạy học này đảm bảo các nguyên tắc chung sau:

- Tập trung vào hoạt động giao tiếp thực trong quá trình học ngôn ngữ

- Cung cấp cho người học cơ hội thử nghiệm và sử dụng những kiến thức đã biết

- Tích hợp các kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết giống như trong giao tiếp trên thực tế

- Người học được tiếp xúc với nhiều tình huống giao tiếp để khám phá kiến thức thức ngữ pháp

- Kết hợp nhiều phương pháp kĩ thuật dạy học

- Phát huy tính chủ động sáng tạo, năng lực tự học ở người học

6.2. Một số phương pháp giáo dục đặc thù cho đối tượng người học

6.2.1. Dạy học cá nhân hóa

Cá nhân hóa hoạt động học tập cho phép người học tham gia lựa chọn nội dung, phương pháp học tập, tạo điều kiện cho người học được học tập theo nhịp độ riêng của mình và theo cách thức học phù hợp với mình nhất, phù hợp với sở thích, năng lực bản thân và mục đích học tập.

Dạy học cá nhân hóa đòi hỏi người dạy sử dụng phương pháp dạy học phân hóa, đa dạng hóa các hoạt động học tập, sử dụng linh hoạt các hoạt động nhóm, cặp phù hợp với trải nghiệm thực tế của người học, với đặc điểm tâm sinh lý và nhận thức ở các lứa tuổi khác nhau.

Dạy học cá nhân hóa còn chú trọng đến các đối tượng người học đặc biệt, có khó khăn trong việc học tập, đòi hỏi người dạy phải thiết kế các giáo án riêng theo lộ trình học tập đặc biệt, phù hợp với sự phát triển nhận thức và thể chất của người học.

6.2.2. Dạy học tích hợp

Dạy học tích hợp là nhóm phương pháp giáo dục giúp người học huy động nhiều nhóm năng lực, kỹ năng, kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong đời sống, qua đó phát triển được năng lực ngôn ngữ giao tiếp cần thiết.

Dạy học tích hợp đòi hỏi phát triển đồng thời và kết hợp nhiều nội dung liên môn và nội môn. Ở cấp độ liên môn, việc dạy học tiếng Anh được lồng ghép với các nội dung chuyên môn như khoa học, xã hội, văn hóa,... Ở cấp độ nội môn, đó là sự tích hợp các năng lực cấu thành năng lực ngôn ngữ giao tiếp (bao gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực xã hội, năng lực ngữ dụng, và năng lực sử dụng chiến lược giao tiếp), tích hợp các kỹ năng giao tiếp nghe, nói, đọc, viết, và tích hợp kiến thức ngôn ngữ, văn hóa xã hội và giao tiếp liên văn hóa.

6.2.3. Phát triển năng lực tự học

Phát huy năng lực tự học, tính tự chủ học tập là một đặc điểm nổi bật trong các phương pháp dạy học cho các đối tượng người học người lớn và người học các chương trình giáo dục thường xuyên. Bồi dưỡng và phát triển phương pháp học, năng lực tự học, quyền tự chủ của người học sẽ giúp người học quản lý học tập tích cực độc lập, giúp người học đặt ra mục tiêu học tập, tự đưa ra các quyết định phù hợp với bản thân, kiểm soát việc học tập, quá trình nhận thức và nội dung học tập.

6.2.4. Ứng dụng công nghệ trong dạy học

Công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học ngôn ngữ. Sự phát triển của công nghệ tạo ra nhiều phương tiện và học liệu hỗ trợ dạy học và các mô hình học tập trực tuyến, học tập kết hợp. Cần khai thác các học liệu học tập đa phương tiện, các mô hình tổ chức lớp học đa dạng để tăng cơ hội sử dụng ngôn ngữ, tạo điều kiện học tập thuận tiện và hiệu quả với các đối tượng người học khác nhau.

6.3. Vai trò của giáo viên

Chương trình được thực hiện với nhiều đối tượng người học đa dạng. Do đó, khi thực hiện Chương trình, giáo viên là người tư vấn, tìm hiểu nhu cầu của người học khi sử dụng tiếng Anh để từ đó lựa chọn phương pháp, tài liệu phù hợp.

Giáo viên có vai trò phát triển tính tự chủ cao hơn ở người học, trang bị cho người học phương pháp học, biết cách đánh giá và khai thác học liệu từ nhiều nguồn khác nhau, giúp họ tìm ra và phát huy phong cách học tập của bản thân. Các buổi học tập trung vào tự đánh giá và thiết lập mục tiêu, kỹ thuật quản lý việc học giúp người học phát huy tối đa nỗ lực học tập. Giáo viên cần giúp người học phát triển các kỹ năng học tập và chiến lược học tập hiệu quả để họ có thể tiếp tục học tập ngoài giờ học trên lớp qua các kênh trực tuyến từ xa hoặc sử dụng tiếng Anh như một phương tiện phục vụ các mục tiêu đa dạng. Bên cạnh các chiến lược học tiếng Anh, người học cũng cần được hướng dẫn xây dựng những thói quen học tập như sự kiên trì và suy ngẫm, rút kinh nghiệm,...

Giáo viên cần sử dụng các kỹ thuật như phản hồi, đặt câu hỏi và kỹ thuật hỗ trợ từng bước, đánh giá quá trình để khám phá sự hiểu biết của người học, giúp dạy học ở cấp độ phù hợp và giúp người học dần dần cải thiện kỹ năng của họ.

6.4. Vai trò của người học

Người học Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành đa dạng về độ tuổi, trình độ và mục tiêu học tập. Để đảm bảo mỗi Chương trình giảng dạy và đánh giá người học đều hướng đến mục tiêu dài hạn, người học đóng một số vai trò cơ bản sau:

- Chủ động xác định nhu cầu học tập và thiết lập mục tiêu học tập cụ thể.

- Phát huy quyền tự chủ và tham gia học tập tích cực với tư cách là đối tác trong quá trình học tập và đánh giá.

- Tận dụng các cơ hội học tập trong và ngoài lớp học, lập kế hoạch cho các hoạt động trong lớp hoặc thực hiện nhiệm vụ tự học một cách thiết thực (xem truyền hình, nghe đài, hoặc đọc tạp chí và báo chí,...).

- Chủ động xây dựng mối quan hệ với giáo viên và bạn học, tạo môi trường học tập hợp tác thân thiện, sử dụng đối thoại để thúc đẩy sự tương tác học tập và dân chủ.

VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

7.1. Mục đích đánh giá

Căn cứ vào mục tiêu, nội dung của khóa học và nhu cầu của người học, Chương trình này kết hợp các hoạt động đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá định kỳ theo chuẩn đầu ra kỳ vọng (theo các bậc năng lực ngôn ngữ tương ứng với khóa học) với định hướng phát triển năng lực ngôn ngữ giao tiếp của người học thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh.

Đánh giá thường xuyên nhằm thu thập những phản hồi hữu ích để người dạy và người học điều chỉnh hoạt động dạy và học của mình nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể khóa học đã đề ra trong Chương trình.

Đánh giá định kỳ nhằm xác định mức độ hoàn thành khóa học của người học. Đánh giá định kỳ có thể được tổ chức thông qua các kỳ thi chuẩn hóa theo các bậc năng lực ngôn ngữ tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

7.2. Nguyên tắc đánh giá

Đánh giá cần đảm bảo tính toàn diện, khách quan, chính xác, bám sát yêu cầu cần đạt theo từng bậc năng lực của Chương trình tại thời điểm đánh giá và phải phù hợp với loại hình khóa học đang triển khai (ví dụ: nếu là khóa học nghe, nói thì kiểm tra đánh giá cần tập trung vào việc thể hiện năng lực nghe và nói của người học). Các loại hình kiểm tra, đánh giá phải quen thuộc với người học và thường được sử dụng trong quá trình dạy và học.

7.3. Phương pháp đánh giá

Các phương pháp đánh giá cần đa dạng, kết hợp định lượng và định tính. Kết hợp giữa đánh giá năng lực ngôn ngữ giao tiếp và đánh giá từng năng lực riêng biệt cũng như kiến thức ngôn ngữ, kỹ năng ngôn ngữ và kiến thức ngôn ngữ-xã hội.

Phương pháp kiểm tra đánh giá thường xuyên khai thác các dạng hoạt động quen thuộc trong và ngoài lớp học nhằm mục đích theo dõi sự tiến bộ của người học và điều chỉnh nội dung học tập cụ thể trong khóa học.

Phương pháp kiểm tra đánh giá định kỳ tập trung vào các bài kiểm tra viết, vấn đáp và các loại hình đánh giá khác nhằm xác định mức độ hoàn thành khóa học theo các yêu cầu cần đạt ở từng bậc năng lực trong Chương trình.

7.4. Nội dung đánh giá

Nội dung đánh giá thường xuyên cần bám sát nội dung yêu cầu cụ thể, mục tiêu của từng đơn vị bài học, góp phần hình thành bậc năng lực mà khóa học hướng đến.

Nội dung kiểm tra định kỳ cần bám sát yêu cầu cần đạt của từng bậc năng lực và phù hợp với mục đích của khóa học.

7.5. Hình thức đánh giá

Hình thức đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua các bài kiểm tra, bảng tự đánh giá năng lực của người học về các tình huống dạy học, qua phân tích hồ sơ học tập của người học, qua các hoạt động trải nghiệm tiếng Anh trong và ngoài lớp học (hoạt động dự án, thuyết trình,...). Hình thức đánh giá thường xuyên phải phù hợp với người học, gắn với kinh nghiệm và các hoạt động sử dụng tiếng Anh trong bối cảnh của người học.

Hình thức đánh giá định kỳ được thực hiện thông qua các bài kiểm tra và/hoặc các bài thi chuẩn hóa và/hoặc tổng hợp kết quả đánh giá thường xuyên. Đánh giá kết quả học tập được thực hiện căn cứ theo kết quả đánh giá định kỳ hoặc tổng hợp kết quả đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

8.1. Phân bổ thời lượng dạy học

8.1.1. Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Thời lượng dạy học để hoàn thành mục tiêu của mỗi bậc năng lực được đề xuất như sau:

Bậc năng lực

Thời lượng đề xuất

Bậc 1

120-150 giờ

Bậc 2

200-250 giờ

Bậc 3

300-350 giờ

Bậc 4

350-450 giờ

Bậc 5

450-600 giờ

Bậc 6

1000-1200 giờ

8.1.2. Thời lượng đề xuất cho mỗi bậc năng lực là số giờ học mà người học thực hiện trong ngữ cảnh học tập chính quy (trong lớp học). Thời lượng dạy học đối với mỗi bậc năng lực có thể không giống nhau đối với những đối tượng người học khác nhau và phụ thuộc vào những yếu tố như: độ tuổi, động cơ học tập, trình độ văn hóa, thời gian tự học của mỗi cá nhân, và trình độ đầu vào.

8.1.3. Dựa trên đề xuất về thời lượng dạy học như trên, cơ sở giáo dục cần phân bổ thời lượng dạy học một cách linh hoạt để phát huy tối đa khả năng học tập của người học và phù hợp với điều kiện dạy học thực tế.

8.2. Điều kiện dạy học

Để việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, cần bảo đảm các điều kiện cơ bản sau:

8.2.1. Giáo viên

- Giáo viên phải đạt chuẩn năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Giáo viên phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật giáo dục.

- Giáo viên phải được hướng dẫn đầy đủ về nội dung và cách thức triển khai Chương trình này. Công tác bồi dưỡng năng lực cho giáo viên phải được tổ chức thường xuyên để thực hiện đúng mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá quy định trong Chương trình.

8.2.2. Cơ sở vật chất

- Về học liệu: Cần đảm bảo đầy đủ học liệu tối thiểu cho giáo viên và người học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học liệu có thể bao gồm giáo trình, tài liệu dạy học dưới dạng bản giấy hoặc học liệu điện tử. Các học liệu này có thể do các cơ sở đào tạo tự xây dựng hoặc lựa chọn từ các sản phẩm có sẵn. Học liệu cần được đánh giá trước khi đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo nội dung và phương pháp dạy học phù hợp với các mục tiêu và yêu cầu đầu ra của Chương trình.

- Về phòng học: Phòng học cần đảm bảo thoáng mát, đủ ánh sáng, phù hợp với từng nhóm đối tượng người học cụ thể, đáp ứng các quy định về an toàn và kỹ thuật.

- Về trang thiết bị dạy học: Đảm bảo các trang thiết bị tối thiểu trong một lớp học ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng cường sử dụng thiết bị ứng dụng công nghệ hỗ trợ việc dạy học của giáo viên, việc học và tự học của người học.

8.3. Quản lý, thực hiện Chương trình

Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành được triển khai thực hiện tùy theo nhu cầu của người học và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục đảm bảo mục tiêu cần đạt của Chương trình theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.