cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/08/2021 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ

  • Số hiệu văn bản: 79/2021/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 16-08-2021
  • Ngày có hiệu lực: 01-10-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1206 ngày (3 năm 3 tháng 21 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 97/2018/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 2018 VỀ CHO VAY LẠI VỐN VAY ODA, VAY ƯU ĐÃI NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 như sau:

“3. Trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% (một trăm hai mươi phần trăm) dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại doanh nghiệp và bằng 100% (một trăm phần trăm) dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập. Trong quá trình thực hiện khoản vay lại, trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn so với mức quy định nêu trên, bên vay lại có trách nhiệm bổ sung tài sản đảm bảo tiền vay nhằm đảm bảo mức tối thiểu.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 16 như sau:

“4. Không yêu cầu bảo đảm tiền vay trong trường hợp sau:

a) Cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại;

b) Các khoản vay do Ban quản lý dự án thuộc các Bộ nhận nợ, sau đó chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

3. Sửa đổi khoản 1 Điều 21 như sau:

“1. Tỷ lệ cho vay lại đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi;

b) Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi;

c) Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi;

d) Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), tỷ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ODA, vay ưu đãi;

đ) Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi;

e) Đối với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ cần hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 sẽ do Chính phủ quyết định tỷ lệ cho vay lại nhưng không thấp hơn 10%.”

4. Bổ sung điểm c khoản 2 Điều 21 như sau:

“c) Trường hợp áp dụng tỷ lệ cho vay lại khác cho các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này, trong quá trình xây dựng cơ chế tài chính đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi, trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ quản và bên vay lại, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan, trình Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ cho vay lại đối với từng trường hợp cụ thể nhưng không thấp hơn 10%.”

5. Bổ sung khoản 3 Điều 23 như sau:

“3. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan được ủy quyền cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng có trách nhiệm sau:

a) Thẩm định cho vay lại đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và báo cáo kết quả thẩm định cho vay lại cho Bộ Tài chính, trong đó khẳng định khả năng hoàn vốn của dự án; khả năng trả nợ vốn vay lại của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Tổ chức, quản lý việc cho vay lại và thu hồi nợ cho vay lại, đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho Bộ Tài chính theo kết quả thẩm định cho vay lại và hợp đồng ủy quyền cho vay lại;

c) Thẩm định phương án bảo đảm tiền vay, đăng ký, quản lý và xử lý tài sản thế chấp và các tài sản khác do bên vay lại dùng để bảo đảm tiền vay đối với khoản vay lại theo quy định của pháp luật về tài sản bảo đảm tiền vay;

d) Kiểm tra việc sử dụng vốn vay lại của Bên vay lại thông qua kiểm tra hồ sơ giải ngân vốn vay lại, trừ trường hợp khoản giải ngân đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi;

đ) Giám sát khoản vay lại, tình hình tài chính của Bên vay lại, tình hình khai thác, vận hành công trình được đầu tư bằng vốn vay lại, định kỳ và đột xuất thực hiện kiểm tra khoản vay lại, Bên vay lại và báo cáo kết quả cho Bộ Tài chính;

e) Thẩm định đối với đề xuất phương án xử lý nợ khoản vay lại (nếu có) của Bên vay lại và báo cáo kết quả thẩm định phương án xử lý nợ, kiến nghị rõ sự phù hợp hoặc không phù hợp của phương án xử lý nợ để gửi Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 31 như sau:

“1. Trong vòng 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng cho vay lại đối với bên vay lại là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, bên vay lại và cơ quan được ủy quyền cho vay lại ký kết hợp đồng bảo đảm tiền vay và cơ quan được ủy quyền cho vay lại gửi Bộ Tài chính bản sao Hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký kết.”

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 32 như sau:

“1. Bên vay lại là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo cho Bộ Tài chính, bên vay lại là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp báo cáo cho cơ quan được ủy quyền vay lại một năm hai lần, lần 1 không muộn hơn ngày 31/7 năm thực hiện cho kỳ báo cáo từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 năm thực hiện và lần 2 không muộn hơn ngày 15/02 năm sau cho kỳ báo cáo từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 năm thực hiện về tình hình cho vay lại với các nội dung sau:

a) Tình hình rút vốn, trả nợ, số dư nợ khoản vay lại;

b) Tình hình biến động tài sản đảm bảo tiền vay;

c) Tình hình tài chính, tình trạng nợ của bên vay lại bao gồm số dư nợ, số nợ quá hạn phát sinh (nếu có) với bất kỳ chủ nợ nào;

d) Tình hình thực hiện, vận hành, khai thác dự án đầu tư, tình hình quản lý, sử dụng tài sản của dự án đầu tư và tài sản hình thành từ vốn vay.”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 32 như sau:

“2. Cơ quan được ủy quyền cho vay lại báo cáo Bộ Tài chính một năm hai lần, lần 1 không muộn hơn ngày 31/8 năm thực hiện cho kỳ báo cáo từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 năm thực hiện và lần 2 không muộn hơn ngày 28/02 năm sau cho kỳ báo cáo từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 năm thực hiện hoặc ngay khi phát sinh vấn đề đột xuất ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của từng dự án vay lại, bên vay lại về các nội dung nêu tại khoản 1 Điều này.”

9. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 35 như sau:

“b) Đối với nợ quá hạn từ 02 kỳ đến 03 kỳ: Bên vay lại là doanh nghiệp vay lại theo phương thức cơ quan được ủy quyền cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, chậm nhất 15 ngày trước kỳ trả nợ tiếp theo gần nhất, phải duy trì số dư tài khoản với mức tối thiểu như sau:

- Bằng 02 kỳ trả nợ tiếp theo nếu nợ quá hạn 02 kỳ;

- Bằng 03 kỳ trả nợ tiếp theo nếu nợ quá hạn 03 kỳ.”

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 Phụ lục II với nội dung tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Điều 2. Bãi bỏ khoản 3 Điều 17.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2021.

2. Chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, cơ chế tài chính, điều kiện cho vay lại trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

3. Đối với các khoản nợ vay lại quá hạn của các chương trình, dự án vay vốn ODA và ưu đãi nước ngoài phát sinh trước ngày Luật Quản lý nợ công năm 2009 có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm được, cơ quan cho vay lại xây dựng phương án xử lý rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể, gửi Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, QHQT (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Bình Minh

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Nghị định số 79/2021/NĐ-CP 2021 của Chính phủ)

Sửa đổi, bổ sung Điều 3 Phụ lục II tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ như sau:

Điều 3. Trách nhiệm của Bên được ủy quyền

Bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về trách nhiệm của cơ quan được ủy quyền cho vay lại theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, khoản 5 Điều 1 Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 và một số trách nhiệm cụ thể sau:

1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng này, ký Hợp đồng cho vay lại với Bên vay lại theo đúng các điều kiện nêu ở Điều 1. Trong vòng 15 ngày sau khi ký Hợp đồng cho vay lại với Bên vay lại, Bên được ủy quyền có trách nhiệm gửi cho Bên ủy quyền 01 bản sao Hợp đồng cho vay lại để phối hợp theo dõi.

2. Căn cứ thông báo rút vốn do Bên ủy quyền gửi, làm thủ tục thông báo và xác nhận nợ với Bên vay lại.

3. Thu hồi và hoàn trả lại Bên ủy quyền trong thời hạn được Chính phủ quy định kể từ ngày thu hồi từ Bên vay lại các khoản gốc, lãi, các khoản phí vay nước ngoài và các khoản phải thu nêu tại Điều 1, sau khi được giữ lại phần phí quản lý cho vay lại được hưởng theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

4. Đối chiếu nợ hàng quý với Bên vay lại gồm số giải ngân, số nhận nợ, số trả nợ, số dư nợ trong kỳ và lũy kế.

5. Sáu tháng một lần vào tháng 6 và 12 hàng năm, thông báo cho Bên ủy quyền kế hoạch thu hồi nợ và tình hình thực hiện kế hoạch này để Bên ủy quyền tổng hợp vào kế hoạch hàng năm và chuẩn bị thanh toán cho nước ngoài.

6. Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, Bên được ủy quyền tổng hợp kế hoạch vay, trả nợ của Bên vay lại để báo cáo Bên ủy quyền xây dựng kế hoạch vay, trả nợ vốn vay lại và hạn mức vay về cho vay lại của Chính phủ hàng năm.”