Công văn số 4351/TCT-CS ngày 12/12/2013 Khấu trừ thuế giá trị gia tăng (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 4351/TCT-CS
- Loại văn bản: Công văn
- Cơ quan ban hành: Tổng cục Thuế
- Ngày ban hành: 12-12-2013
- Ngày có hiệu lực: 12-12-2013
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4351/TCT-CS | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2013 |
Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh
Trả lời công văn số 5307/CT-TTHT ngày 12/7/2013 của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh v/v khấu trừ thuế GTGT đối với vé cước đường bộ, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Điều 4 Thông tư số 191/2010/TT-BTC ngày 1/12/2010 của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải hành khách bằng xe ô tô quy định:
"Điều 4. Tiêu chí và cách ghi nội dung các tiêu chí trên hóa đơn vận tải hành khách
2. Đối với hóa đơn là tem, vé, thẻ
Hóa đơn vận tải hành khách là tem, vé, thẻ phải thể hiện các nội dung cơ bản sau:
2.1. Tên, số, ký hiệu, ký hiệu mẫu số, số, tên liên tem, vé, thẻ
a/ Tên: Tùy theo đặc điểm kinh doanh, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có thể đặt tên cho hóa đơn vận tải hành khách bằng xe ô tô là Tem…, Vé…, Thẻ… hoặc tên khác cho phù hợp;
b/ Ký hiệu tem, vé, thẻ:
…
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách được để trống các tiêu chí: số xe; số ghế; ngày, giờ khởi hành; ngày lập tem, vé, thẻ. Riêng nội dung tuyến đường và giá thanh toán, đơn vị có thể tạo sẵn hoặc để trống theo số lượng tem, vé, thẻ được tạo."
Tại khoản 3.b, Điều 4, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hướng dẫn về hóa đơn chứng từ:
"Các trường hợp sau không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc, trừ trường hợp nếu người mua là đơn vị kế toán yêu cầu người bán phải lập hóa đơn có đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại khoản 1 Điều này:
- Hóa đơn tự in của tổ chức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký của người mua, dấu của người bán.
- Đối với tem, vé: Trên tem, vé có mệnh giá in sẵn không nhất thiết phải có chữ ký người bán, dấu của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký người mua.
- Các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính".
- Tại khoản 11 Điều 7 và khoản 14 Điều 14 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT):
"11. Đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết… thì giá chưa có thuế được xác định như sau:
Giá chưa có thuế GTGT = | Giá thanh toán (tiền bán vé, bán tem…) |
1 + thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%) |
"Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:
- Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);
- Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;
- Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 11 Điều này);
- Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);
- Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi".
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp vé cước phí đường bộ được lập theo quy định tại Thông tư số 191/2010/TT-BTC và giá vé ghi rõ là đã bao gồm thuế GTGT thì vé cước phí đường bộ là hóa đơn đặc thù và là chứng từ để kê khai, khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Tổng cục Thuế trả lời Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh được biết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |