cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn số 2105/BVTV-TTra ngày 21/10/2013 Thực hiện Nghị định 114/2013/NĐ-CP do Cục Bảo vệ thực vật ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 2105/BVTV-TTra
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Cục Bảo vệ thực vật
  • Ngày ban hành: 21-10-2013
  • Ngày có hiệu lực: 21-10-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2105/BVTV-TTra
V/v Thực hiện Nghị định số 114/2013/NĐ-CP.

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2013

 

Kính gửi:

- Các Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố
- Các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng

 

Ngày 03/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2013, thay thế Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Để triển khai thực hiện Nghị định này, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đề nghị các đơn vị truy cập vào trang Web của Cục: http://ppd.mard.gov.vn lấy toàn văn Nghị định để nghiên cứu thực hiện. Cục BVTV hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Triển khai thực hiện Nghị định số 114/2013/NĐ-CP

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 114/2013/NĐ-CP cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn quản lý của đơn vị.

- Các Chi cục Kiểm dịch thực vật niêm yết công khai những nội dung quy định có liên quan đến hoạt động kiểm dịch thực vật trong Nghị định số 114/2013/NĐ-CP tại trụ sở đơn vị và tại các Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu.

2. Một số nội dung mới cần lưu ý trong Nghị định

a) Về mức phạt tiền (Điều 5)

Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 23, Điều 24 của Nghị định này.

b) Về mức phạt và hành vi vi phạm trong kiểm dịch thực vật (Điều 20)

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (tổ chức thì mức phạt sẽ là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Đưa vào lãnh thổ Việt Nam vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu. Nếu vi phạm từ lần thứ 3 trở lên đối với hành vi vi phạm nêu trên thì còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

+ Đưa vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu mà không có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu hoặc không tuân thủ các biện pháp xử lý được yêu cầu trong giấy phép.

+ Không xử lý bao bì đóng gói bằng gỗ theo quy định và còn buộc xử lý bao bì đóng gói bằng gỗ theo đúng quy định hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tiêu hủy đối với trường hợp vi phạm từ lần thứ 3 trở lên.

- Mức phạt tiền quy định tại Điều 23 (vi phạm về hoạt động xông hơi khử trùng) là mức phạt áp dụng đối với tổ chức.

c) Về mức phạt và hành vi vi phạm trong quản lý thuốc bảo vệ thực vật

- Điều 24. Vi phạm về sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV

+ Mức phạt tiền quy định tại Điều này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức.

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thuốc thành phẩm không đúng xuất xứ đã đăng ký.

+ Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thuốc thành phẩm không đúng xuất xứ đã đăng ký khi gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.

- Điều 25. Vi phạm quy định về buôn bán thuốc và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi người trực tiếp bán thuốc có hành vi bán và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định.

+ Buộc thu hồi trả lại nhà sản xuất để tiêu hủy hoặc tái chế thuốc còn có khả năng tái chế đối với các loại thuốc hết hạn sử dụng, không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

- Điều 30. Vi phạm quy định về nhãn thuốc bảo vệ thực vật

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật có nhãn, nhãn phụ, tài liệu kèm theo có nội dung không đúng với Giấy Chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; không đúng với nội dung ghi trong mẫu nhãn đã được chấp thuận khi xét duyệt đăng ký.

d) Về thẩm quyền xử phạt và lập biên bản vi phạm hành chính

- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Điều 34)

+ Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng;

+ Chi cục trưởng Chi cục BVTV, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành: Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

+ Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

- Thẩm quyền xử phạt cho các chức danh nêu trên là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm của cá nhân, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân (Điều 52, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012)

- Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 36): Công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.

đ) Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 38)

Đối với hành vi vi phạm hành chính bảo vệ và kiểm dịch thực vật xảy ra trước khi Nghị định này đã có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Có nghĩa là hành vi vi phạm hành chính đã thực hiện trước (nhập khẩu, sản xuất xác định qua hồ sơ như bill tàu, ngày sản xuất in trên bao nhãn,...) hoặc đã lập biên bản vi phạm hành chính trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 26/2003/NĐ-CP.

3. Các nghị định khác có liên quan

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 của Nghị định này thì các hành vi vi phạm khác về môi trường, nhãn hàng hóa, quảng cáo, đo lường,... không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đang còn hiệu lực thi hành như:

- Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa (trong đó có quy định cả về hành vi và mức phạt vi phạm về nhãn hàng hóa), Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2013.

- Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (trong đó có quy định cả về hành vi và mức phạt vi phạm về bình ổn giá, niêm yết giá), Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/11/2013 và các nghị định khác có liên quan.

Vậy, Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn để các đơn vị biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Cục Bảo vệ thực vật (Phòng Thanh tra - Pháp chế) để kịp thời giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, T.Tra, QLT, KDTV.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Bùi Sĩ Doanh