cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn số 691/BHXH-CSXH ngày 01/03/2011 Sửa đổi Công văn 1615/BHXH-CSXH về hướng dẫn thực hiện thu-chi bảo hiểm thất nghiệp (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 691/BHXH-CSXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Ngày ban hành: 01-03-2011
  • Ngày có hiệu lực: 01-03-2011
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-07-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 878 ngày (2 năm 4 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 26-07-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 26-07-2013, Công văn số 691/BHXH-CSXH ngày 01/03/2011 Sửa đổi Công văn 1615/BHXH-CSXH về hướng dẫn thực hiện thu-chi bảo hiểm thất nghiệp (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 832/QĐ-BHXH ngày 26/07/2013 Phê duyệt phương án xử lý kết quả rà soát văn bản do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 691/BHXH-CSXH
V/v sửa đổi, bổ sung một số điểm tại công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009 về hướng dẫn thực hiện thu - chi bảo hiểm thất nghiệp.

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2011

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng
- Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân
- Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ

Thực hiện Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện về bảo hiểm thất nghiệp, (thay thế Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/1/2009), sau đây viết tắt là Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:

I. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung vào khoản 1, Mục I, Phần I (Quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp)

1. Sửa đổi, bổ sung đoạn cuối điểm 1.1 như sau:

"- Người làm việc trong đơn vị sự nghiệp của nhà nước được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003 dù không ký hợp đồng vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp".

2. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.3 như sau:

"1.3. Người đang hưởng lương hưu hàng tháng; trợ cấp mất sức lao động hàng tháng có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động quy định tại điểm 2 dưới đây theo các hợp đồng tại điểm 1.1 khoản 1 và công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp".

3. Bổ sung một điểm vào khoản 1 như sau:

"1.4. Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc".

II. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung vào khoản 3, mục IV, Phần II (Quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp)

1. Bổ sung một tiết vào cuối điểm 3.1 như sau:

"3.1.6. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc giải quyết di chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đối với người lao động thuộc quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH.

* Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi đối tượng chuyển đi: Làm thủ tục di chuyển hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đi tỉnh khác.

+ Hồ sơ gồm: Thông báo của Trung tâm giới thiệu việc làm, Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (bản chính), Giấy giới thiệu trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (mẫu số C77-HD ban hành kèm theo Quyết định số 51/2007/QĐ-BTC ngày 22/6/2007 của Bộ Tài chính);

+ Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo của Trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện lập hồ sơ di chuyển, niêm phong hồ sơ và gửi bảo đảm bằng đường công vụ đến Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi đối tượng chuyển đến hưởng trợ cấp theo địa chỉ ghi trong Thông báo của Trung tâm giới thiệu việc làm.

* Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi đối tượng chuyển đến:

+ Căn cứ văn bản đề nghị chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo bản sao Quyết định hưởng trợ cấp cấp thất nghiệp của người lao động do Trung tâm Giới thiệu việc làm chuyển đến và hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội tỉnh khác chuyển đến; kiểm tra nếu hồ sơ đầy đủ đúng quy định thì làm thủ tục tiếp nhận, quản lý, chi trả trợ cấp thất nghiệp theo quy định; thu hồi thẻ bảo hiểm y tế cũ và cấp thẻ bảo hiểm y tế mới cho người lao động.

+ Thông báo bằng văn bản với Trung tâm giới thiệu việc làm nơi đối tượng chuyển đến về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

+ Hướng dẫn người lao động về địa điểm, thời gian, hình thức nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

+ Thực hiện quản lý hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong tiết 3.1.1 điểm 3.1 khoản 3 mục IV Phần II như sau:

a) Sửa nội dung khổ a tại 3.1.1.1: "a. Hàng tháng, Phòng chế độ BHXH căn cứ vào danh sách chi trả (Mẫu số C72a-HD) và các quyết định theo mẫu số 5, 16, 17, 18 (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến để thực hiện:"

b) Sửa nội dung khổ a tại 3.1.1.2: "a. Phòng chế độ BHXH căn cứ quyết định theo mẫu số 7 (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến để thực hiện:"

c) Sửa nội dung khổ a tại tiết 3.1.2: "a. Hàng tháng, Phòng chế độ BHXH căn cứ vào quyết định theo mẫu số 9 (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến để thực hiện:"

d) Bổ sung vào cuối khổ a tại 3.1.1.1 nội dung:

"- Trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi người lao động được hưởng lương hưu: Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng mà có đủ điều kiện hưởng lương hưu thì trước khi ban hành Quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng cho người lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh làm thủ tục tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động kể từ tháng liền kề với tháng người lao động chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp để hưởng chế độ hưu trí theo quy định (cách tính hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn số 32/2010/TT-BLĐTBXH); đồng thời có văn bản đề nghị với Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi quản lý người thất nghiệp để trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Để đảm bảo tốt việc thực hiện thu - chi bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ căn cứ vào quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, Thông tư hướng dẫn số 32/2010/TT-BLĐTBXH; Công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009, Công văn số 2035/BHXH-CSXH ngày 26/6/2009, Công văn số 116/BHXH-CSXH ngày 15/1/2010 và hướng dẫn tại văn bản này để tổ chức triển khai thực hiện. Trung tâm Thông tin thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các Ban liên quan thực hiện điều chỉnh chương trình phần mềm thu - chi bảo hiểm thất nghiệp cho phù hợp với quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem xét, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Bộ: LĐTBXH, Tài chính;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- HĐQL BHXH Việt Nam;
- Tổng giám đốc (để báo cáo);
- Các phó TGĐ;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH VN;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu VT, CSXH.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đỗ Thị Xuân Phương