Hướng dẫn số 1388/HDLN ngày 09/10/2014 Về thu, quản lý và sử dụng các khoản thu tại cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh Hưng Yên quản lý
- Số hiệu văn bản: 1388/HDLN
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hưng Yên
- Ngày ban hành: 09-10-2014
- Ngày có hiệu lực: 15-10-2014
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3694 ngày (10 năm 1 tháng 14 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UBND TỈNH HƯNG YÊN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1388/HDLN | Hưng Yên, ngày 09 tháng 10 năm 2014 |
HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH
VỀ VIỆC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN THU TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN THUỘC TỈNH HƯNG YÊN QUẢN LÝ
Căn cứ Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 03/9/2014 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc quy định mức thu các khoản thu tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh quản lý,
Liên ngành Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Tài chính hướng dẫn việc thu, quản lý và sử dụng các khoản thu tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh quản lý như sau:
I. HỌC PHÍ
1. Mức thu học phí
Các cơ sở giáo dục thực hiện mức thu theo Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 03/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc quy định mức thu các khoản thu tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh quản lý.
2. Tổ chức thu học phí
Học phí được thu định kì hàng tháng. Nếu học sinh tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả kỳ học hoặc cả năm học.
Các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thu học phí của học sinh, khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh. Biên lai thu học phí theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập
Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
4. Sử dụng học phí
4.1. Đối với hệ công lập
Các cơ sở giáo dục công lập sử dụng nguồn thu học phí theo Điều 14 của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ; sử dụng quỹ học phí theo quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, với các nội dung chi như sau:
- Sử dụng tối thiểu 40% số học phí được để lại chi điều chỉnh tiền lương theo quy định.
- Chi công tác quản lý thu, chi học phí (không quá 3% tổng số học phí thu được), gồm: mua biên lai thu học phí, văn phòng phẩm, hỗ trợ cán bộ, giáo viên thực hiện công tác thu, chi học phí.
- Số học phí còn lại:
+ Chi nghiệp vụ chuyên môn: chi hội họp, hội giảng; chi tổ chức thi tốt nghiệp, xét tốt nghiệp, xét vào bổ túc văn hóa THPT ở các cơ sở giáo dục; chi nghiên cứu các đề tài khoa học; chi các hoạt động văn thể của giáo viên, học sinh...
+ Chi hoạt động thường xuyên: Hỗ trợ chi trả tiền điện phòng học, tiền nước uống, văn phòng phẩm, tiền công làm ngoài giờ...
+ Chi tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập: Sửa chữa, cải tạo lớp học nhà làm việc, cơ sở vật chất hiện có; Mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập; Mua sách giáo khoa, sách tham khảo, vật tư thí nghiệm, thực hành, thiết bị dạy học;
+ Chi bổ sung quỹ khen thưởng, phúc lợi, chi tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức người lao động của nhà trường.
Nội dung chi, mức chi cụ thể, nhà trường có trách nhiệm đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị làm căn cứ thực hiện chi tiêu và giám sát quản lý.
4.2. Đối với hệ ngoài công lập.
Cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng học phí theo quy định tại Thông tư số 44/2000/TTLT/BTC-BGD&ĐT-BLĐTB&XH ngày 23/5/2000 của Liên Bộ Tài chính-Giáo dục và Đào tạo-Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các đơn vị ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục-Đào tạo, với các nội dung chi cụ thể như sau:
- Chi cho công tác quản lý thu, chi quỹ học phí tại đơn vị bao gồm: Mua văn phòng phẩm, biên lai thu học phí, hội họp, bộ phận quản lý, theo dõi thu chi và chi cho người trực tiếp thu;
- Chi thanh toán tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp lương, các khoản trích nộp theo lương theo quy định hiện hành cho cán bộ, giáo viên trong nhà trường;
- Hỗ trợ chi trả tiền điện phòng học, tiền trang trí lớp học;
- Số học phí còn lại được chi vào các nội dung: nghiệp vụ chuyên môn, thi tốt nghiệp, xét tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất, quản lý hành chính, khen thưởng, phúc lợi, bổ sung thu nhập và các hoạt động khác của nhà trường.
5. Quản lý số thu học phí và chế độ báo cáo
- Toàn bộ số học phí thu được của các cơ sở giáo dục công lập phải nộp vào tài khoản tiền gửi quỹ học phí mở tại Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch.
- Cơ sở giáo dục ngoài công lập gửi toàn bộ số học phí thu được vào Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để đăng ký hoạt động.
- Các cơ sở giáo dục thuộc mọi loại hình đều có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, quyết toán học phí theo quy định quản lý tài chính hiện hành đối với từng loại hình.
- Thu, chi học phí của các cơ sở giáo dục công lập được tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm (thực hiện ghi thu, ghi chi vào ngân sách nhà nước theo quy định).
- Các cơ sở giáo dục thực hiện công khai mức học phí theo quy định của Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
II. LỆ PHÍ THI (PHÍ DỰ THI, DỰ TUYỂN)
1. Mức thu:
Các cơ sở giáo dục thực hiện mức thu theo Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 03/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc quy định mức thu các khoản thu tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh quản lý.
2. Nội dung chi:
Trước mỗi kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể nội dung chi, định mức chi cho từng công việc cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn liên quan hiện hành khác.
Lệ phí thi (phí dự thi, dự tuyển) được thực hiện ghi thu, ghi chi qua ngân sách nhà nước như đối với nguồn học phí.
III. CÁC KHOẢN THU KHÁC
1. Mức thu, nội dung chi
1.1. Tiền học thêm
Việc dạy thêm, học thêm thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Mức thu do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường nhưng tối đa không vượt mức thu quy định. Cụ thể:
Đơn vị tính: đồng/học sinh/01 tiết
Bậc học | Nông thôn | Thành phố |
Trung học cơ sở | 2.500 | 3.000 |
Trung học phổ thông | 3.000 | 3.500 |
Trung học phổ thông chuyên |
| 4.500 |
Khu vực thành phố gồm: Các trường THCS đóng trên địa bàn các phường thuộc thành phố Hưng Yên; trường THPT Chuyên Hưng Yên và trường THPT Hưng Yên;
Số tiền học thêm thu được chi vào những nội dung sau:
- Chi công tác quản lý dạy thêm, học thêm: 10% số tiền thu được. Hiệu trưởng căn cứ vào sự phân công quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường để định mức chi cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên; đảm bảo phù hợp, công bằng và được thể hiện tại quy chế chi tiêu nội bộ của trường.
- Chi trả thù lao giáo viên trực tiếp dạy thêm: 80% số tiền thu được;
- Chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm, chi hỗ trợ công tác chuyên môn: 10% số tiền thu được.
1.2. Tiền trông xe đạp cho học sinh
- Mức thu: Tối đa 5.000 đồng/tháng/xe.
- Nội dung chi:
+ Chi công tác quản lý thu, chi (không quá 3% tổng số tiền thu được);
+ Chi trả tiền công cho người trông, giữ xe theo hợp đồng thỏa thuận;
+ Chi hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lán xe và bảo vệ môi trường lán xe.
1.3. Tiền điện thắp sáng và chạy quạt lớp học
- Mức thu: Tối đa 6.000 đồng/tháng/học sinh.
- Nội dung chi:
+ Chi công tác quản lý thu, chi (không quá 3% tổng số tiền thu được);
+ Chi trả tiền điện thắp sáng và chạy quạt lớp học;
+ Chi hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống quạt, đèn chiếu sáng ở các lớp học;
1.4. Tiền nước uống của học sinh
- Mức thu: Tối đa 5.000 đồng/tháng /học sinh
- Nội dung chi:
+ Chi công tác quản lý thu, chi (không quá 3% tổng số tiền thu được);
+ Chi hợp đồng mua nước uống, than, củi... để đun nước uống cho học sinh;
+ Chi trả tiền công cho người phục vụ nước uống cho học sinh;
+ Chi mua sắm dụng cụ đun nước, uống nước của học sinh.
1.5. Tiền thuê dọn vệ sinh ở bậc mầm non và tiểu học
- Mức thu: Tối đa 4.000 đồng/tháng /học sinh
- Nội dung chi:
+ Chi công tác quản lý thu, chi (không quá 3% tổng số tiền thu được);
+ Chi trả tiền công cho người dọn vệ sinh trong và ngoài lớp học;
+ Chi mua sắm dụng cụ làm vệ sinh.
1.6. Tiền nội trú ký túc xá
- Mức thu: Tối đa 70.000 đồng/tháng /học sinh.
- Nội dung chi:
+ Chi công tác quản lý thu, chi (không quá 3% tổng số tiền thu được);
+ Chi trả tiền điện, nước sinh hoạt ký túc xá;
+ Chi hỗ trợ sửa chữa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt của ký túc xá;
+ Chi tiền công quản lý ký túc xá.
1.7. Tiền tổ chức ăn bán trú, chăm sóc bán trú, đồ dùng cá nhân của học sinh bán trú
Mức thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Căn cứ vào thỏa thuận, các nhà trường có trách nhiệm làm văn bản báo cáo mức thu có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn sau đó gửi phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định mức thu cho các nhà trường; riêng trường mầm non 19/5 tỉnh gửi Phòng Giáo dục mầm non thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định.
Việc quản lý chi tiêu sử dụng đảm bảo theo đúng chế độ tài chính và các quy định hiện hành của Nhà nước. Định kỳ công khai với cha mẹ học sinh và các cơ quan chức năng theo quy định.
1.8. Tiền bảo hiểm y tế
Thực hiện theo Luật Bảo hiểm Y tế.
1.9. Tiền bảo hiểm thân thể học sinh
Bảo hiểm thân thể học sinh là khoản thu tự nguyện, phụ huynh, học sinh có quyền lựa chọn các loại hình bảo hiểm. Nghiêm cấm các nhà trường ép buộc học sinh mua.
1.10. Tiền Quỹ đoàn, quỹ đội, chữ thập đỏ
Thực hiện theo quy định hiện hành của các cơ quan quản lý nhà nước.
1.11. Tiền học các môn học tự chọn Ngoại ngữ, Tin học bậc tiểu học (nếu có)
Mức thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Các nhà trường có trách nhiệm làm văn bản báo cáo mức thu. Phòng Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt mức thu cụ thể trước khi thực hiện. Việc quản lý chi tiêu sử dụng đảm bảo theo đúng chế độ tài chính và các quy định hiện hành của nhà nước. Định kỳ công khai với cha mẹ học sinh và các cơ quan chức năng theo quy định.
1.12. Các hoạt động phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập sinh hoạt
Quần áo đồng phục của học sinh, vở viết, quần áo thể dục thể thao, ấn chỉ hồ sơ học sinh, sổ liên lạc điện tử, học phẩm - học cụ (đối với bậc học mầm non)...do cha mẹ học sinh tự thực hiện. Các nhà trường chỉ thực hiện công việc tuyên truyền, định hướng mẫu mã.
1.13. Các cơ sở giáo dục được phép nhận các khoản viện trợ, cho, biếu, tặng (bằng tiền hoặc hiện vật) của cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân khác. Việc tiếp nhận, quản lý sử dụng được thực hiện theo qui định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các quy định hiện hành.
2. Tổ chức thu, quản lý và chế độ báo cáo
2.1. Thu theo số tháng thực học của năm học, thu theo thực tế của các trường trên cơ sở lấy thu bù chi, không mang tính kinh doanh. Khi tổ chức thu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện theo quy trình sau:
- Phải xây dựng dự toán thu, chi của từng khoản thu, chi ứng với từng nội dung công việc. Thống nhất về mức thu, nội dung chi và mức chi trong ban giám hiệu, tập thể hội đồng nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh.
- Tổ chức hội nghị lấy ý kiến của phụ huynh học sinh các lớp, lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký thống nhất của các thành phần tham dự hội nghị.
- Tổng hợp biên bản và lập thành báo cáo, đưa ra Nghị quyết về việc thu các khoản thu trong năm học. Niêm yết công khai tại địa điểm thu; cán bộ, giáo viên, nhân viên trực tiếp thu phải giải thích cặn kẽ khi có thắc mắc từ phía cha mẹ học sinh.
2.2. Các cơ sở giáo dục thuộc mọi loại hình đều có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, quyết toán các khoản thu theo quy định quản lý tài chính hiện hành đối với từng loại hình. Định kỳ lập và nộp báo cáo quyết toán theo quy định.
2.3. Các cơ sở giáo dục thực hiện công khai theo quy định của Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân và đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của nhà trường.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ngoài các khoản thu được phép quy định trên, học sinh và phụ huynh học sinh không phải nộp cho nhà trường bất kỳ khoản thu nào khác. Hiệu trưởng các nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm mọi khoản thu đối với học sinh và phụ huynh học sinh của đơn vị mình.
2. Nghiêm cấm các nhà trường để ngoài sổ sách kế toán các nội dung thu, chi trên hoặc giao cho các tổ chức cá nhân khác quản lý không đúng chức năng, thẩm quyền theo quy định của Nhà nước.
3. Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2014. Các quy định trước đây trái với quy định tại hướng dẫn này đều bãi bỏ. Trong thời gian thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng trong hướng dẫn này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được dẫn chiếu, áp dụng theo các văn bản mới đó.
4. Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố phổ biến hướng dẫn này đến các đơn vị trực thuộc để triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính để xem xét điều chỉnh bổ sung và tháo gỡ kịp thời./.
SỞ TÀI CHÍNH | SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
|