Công văn số 08/BHXH-CĐCS ngày 07/01/2008 Về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo Nghị định 184/2007/NĐ-CP và Nghị định 166/2007/NĐ-CP do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 08/BHXH-CĐCS
- Loại văn bản: Công văn
- Cơ quan ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Ngày ban hành: 07-01-2008
- Ngày có hiệu lực: 07-01-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-07-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2027 ngày (5 năm 6 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 26-07-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/BHXH-CĐCS | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2008 |
Kính gửi: | - Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Thực hiện Nghị định số 184/2007/NĐ-CP ngày 17/12/2007, Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 của Chính phủ và Thông tư số 31/2007/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau:
1. Về đối tượng áp dụng:
1.1. Đối tượng điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH theo Nghị định số 184/2007/NĐ-CP ngày 17/12/2007 gồm:
- Người đang hưởng đang lương hưu hàng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng (kể cả người đang hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ);
- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng;
- Cán bộ xã, phường thị trấn thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng (kể cả trợ cấp phục vụ);
- Người đang hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng.
1.2. Đối tượng hưởng các chế độ BHXH từ ngày 01/01/2008 mà mức hưởng được tính theo mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 của Chính phủ.
2. Điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng trước ngày 01/01/2008.
- Các đối tượng nêu tại điểm 1.1 khoản 1 trên, đến ngày 01/01/2008 còn đang được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì từ ngày 01/01/2008 mức hưởng lương hưu hàng tháng, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, trợ cấp 91, trợ cấp công nhân cao su, trợ cấp cán bộ xã, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, trợ cấp người phục vụ, trợ cấp tử tuất hàng tháng được điều chỉnh như sau:
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ ngày 01/01/2008 | = | Mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng của tháng 12/2007 | x 1,2 |
- Người hưởng lương hưu sống cô đơn mà mức lương hưu sau khi điều chỉnh, thấp hơn 810.000 đồng/tháng thì được bù cho bằng 810.000 đồng/tháng.
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 01/01/2007 đang hưởng phụ cấp khu vực, thì từ ngày 01/01/2008 mức phụ cấp khu vực được tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng.
3. Thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 01/01/2008 trở đi:
Các đối tượng nêu tại điểm 1.2 khoản 1 trên, việc giải quyết hưởng các chế độ BHXH từ ngày 01/01/2008 được thực hiện như sau:
3.1. Chế độ trợ cấp ốm đau (kể cả trường hợp mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày):
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hưởng chế độ ốm đau thì căn cứ vào số ngày nghỉ ốm ghi trên giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ giải quyết: Số ngày nghỉ ốm của năm 2007, mức trợ cấp ốm đau tính theo mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng; số ngày nghỉ ốm của năm 2008, mức trợ cấp ốm đau được tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng (trường hợp ốm đau trong tháng 01/2008, tiền lương đóng BHXH của tháng 12/2007 là căn cứ tính hưởng chế độ ốm đau, được tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng).
3.2. Chế độ trợ cấp thai sản:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hưởng chế độ thai sản thì căn cứ thời gian nghỉ việc hưởng chế độ để giải quyết: Thời gian hưởng trợ cấp thai sản trong năm 2007, mức hưởng trợ cấp thai sản tính theo mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng; thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản từ 01/01/2008 được tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng.
- Khoản trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng sinh con hoặc tháng nhận nuôi con nuôi.
3.3. Chế độ trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp:
- Căn cứ thời điểm bắt đầu tính hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN để giải quyết:
+ Thời điểm bắt đầu hưởng trợ cấp trong năm 2007 mà từ ngày 01/01/2008 mới giải quyết chế độ thì mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động (kể cả trợ cấp phục vụ, nếu có) được tính theo mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng; mức trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH tính theo mức tiền lương, tiền công của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị (nếu thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính theo hệ số lương và mức lương tối thiểu chung của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị). Người hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng đã tính theo quy định trước ngày 01/01/2008 thì từ 01/01/2008 mức trợ cấp được điều chỉnh tăng theo hướng dẫn tại khoản 2 nêu trên.
+ Thời điểm bắt đầu hưởng trợ cấp từ ngày 01/01/2008 thì mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động (kể cả trợ cấp phục vụ, nếu có) được tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng; mức trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH tính theo mức tiền lương, tiền công của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị (nếu thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính theo hệ số lương và mức lương tối thiểu chung của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị).
+ Thời điểm bắt đầu hưởng trợ cấp trước ngày 01/01/2007 thì chế độ được thực hiện theo quy định của Điều lệ BHXH, mức trợ cấp (kể cả trợ cấp phục vụ, nếu có) được tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng ra viện hoặc có kết luận của Hội đồng giám định y khoa. Người hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng thì mức trợ cấp được điều chỉnh tăng theo quy định của từng thời kỳ, từ 01/01/2008 mức trợ cấp được điều chỉnh tăng theo hướng dẫn tại khoản 2 nêu trên.
Việc tính mức trợ cấp TNLĐ-BNN đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 148/2007/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14/9/2007 của Liên Bộ Quốc phòng - Bộ Công an - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3.4. Về trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản và TNLĐ-BNN: Mức trợ cấp tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng người lao động bắt đầu nghỉ việc hưởng trợ cấp.
3.5. Chế độ hưu trí:
- Người lao động tham gia BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
+ Hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01/01/2008 trở đi, mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu được tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng.
+ Hưởng trợ cấp BHXH một lần, mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính trợ cấp BHXH một lần căn cứ vào ngày ra quyết định hưởng trợ cấp, nếu quyết định từ 01/01/2008 trở đi thì tính theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng.
- Người nghỉ hưu từ 01/01/2008, nếu mức lương hưu hàng tháng tính theo quy định mà thấp hơn 540.000 đồng/tháng thì được bù cho bằng 540.000 đồng/tháng.
3.6. Người lao động có thời gian tham gia BHXH theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ và cán bộ chuyên trách cấp xã đang tự đóng tiếp BHXH, từ ngày 01/01/2008 hưởng chế độ hưu trí hoặc BHXH một lần thì bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu, trợ cấp BHXH một lần của số tháng đóng BHXH theo hệ số tiền lương được tính theo mức lương tối thiểu 540.000 đồng/tháng, số tháng đóng BHXH theo mức sinh hoạt phí quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP được điều chỉnh theo mức tăng tương ứng của mức lương tối thiểu chung theo từng thời kỳ.
3.7. Chế độ tử tuất: Căn cứ ngày chết ghi trên giấy chứng tử hoặc giấy báo tử của đối tượng BHXH để giải quyết:
- Tiền mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp tuất một lần (kể cả trợ cấp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) được tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng đối tượng BHXH chết: Nếu người lao động tham gia BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định chết trong năm 2007 mà từ ngày 01/01/2008 mới giải quyết chế độ thì mức trợ cấp tính theo mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng; nếu chết từ ngày 01/01/2008, mức trợ cấp tính theo mức lương tối thiểu 540.000 đồng/tháng (kể cả tính hưởng trợ cấp tuất một lần). Trường hợp chết trong tháng 12/2007, trợ cấp tuất hàng tháng được hưởng từ 01/01/2008 thì tính theo mức tiền lương tối thiểu 540.000 đồng/tháng. Người hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đã tính theo quy định trước ngày 01/01/2008 thì từ 01/01/2008 mức trợ cấp được điều chỉnh tăng theo hướng dẫn tại khoản 2 nêu trên.
- Trường hợp chết trước ngày 01/01/2007 thì chế độ được thực hiện theo quy định của Điều lệ BHXH, mức trợ cấp (kể cả trợ cấp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) được tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng đối tượng BHXH chết. Người hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì mức trợ cấp được điều chỉnh tăng theo quy định của từng thời kỳ, từ 01/01/2008 mức trợ cấp được điều chỉnh tăng theo hướng dẫn tại khoản 2 nêu trên.
3.8. Người đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 01/01/2008 thì giải quyết mức trợ cấp hàng tháng là 342.374 đồng.
4- Tổ chức thực hiện:
Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và giải quyết các chế độ BHXH theo quy định tại Nghị định số 184/2007/NĐ-CP ngày 17/12/2007, Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 của Chính phủ, hướng dẫn tại Thông tư số 31/2007/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và hướng dẫn tại văn bản này, cụ thể:
4.1- Thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và tổ chức chi trả kịp thời, đầy đủ và đúng quy định đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trước 01/01/2008 do địa phương đang quản lý chi trả (kể cả đối tượng chuyển đến chưa được điều chỉnh). Người đang lĩnh lương hưu ở nơi tạm trú chưa di chuyển hồ sơ theo công văn số 4388/BHXH-CĐCS ngày 26/11/2007 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi đang quản lý hồ sơ có trách nhiệm điều chỉnh theo quy định.
4.2 - Thực hiện điều chỉnh mức hưởng (cả hàng tháng, một lần) và truy trả đối với các trường hợp hưởng từ 01/01/2008, đã giải quyết chưa đúng với quy định (kể cả các trường hợp do BHXH các tỉnh, thành phố khác, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ giải quyết chuyển đến).
4.3- Thực hiện việc tính và giải quyết các chế độ BHXH đúng quy định đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH tháng từ ngày 01/01/2008 trở đi;
4.4- Lập báo cáo về đối tượng và kinh phí theo mẫu đính kèm công văn này gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước ngày 15/02/2008;
4.5- Bổ sung hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng của từng người theo Phiếu điều chỉnh hướng dẫn tại công văn số 549/BHXH-CĐCS ngày 28/02/2003 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện.
Nơi nhận: | TỔNG GIÁM ĐỐC |