Công văn số 3460/UBND-SX ngày 17/07/2007 Về cấp phép cải tạo đất, tận thu đất san lấp làm đường giao thông do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 3460/UBND-SX
- Loại văn bản: Công văn
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Ngày ban hành: 17-07-2007
- Ngày có hiệu lực: 17-07-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-03-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2804 ngày (7 năm 8 tháng 9 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-03-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3460/UBND-SX | Thủ Dầu Một, ngày 17 tháng 07 năm 2007 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân huyện Phú Giáo
Ngày 05/07/2007, Ủy ban nhân dân huyện Phú Giáo có công văn số 245/UBND-SX về việc xin chủ trương ủy quyền cho huyện được cấp giấy phép cải tạo mặt bằng kết hợp tận thu đất phủ và sỏi đỏ phục vụ làm đường giao thông trên địa bàn huyện. Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005 và các quy định hướng dẫn Luật; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
1. Về việc phân cấp quản lý: Theo mục e, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là: "Cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng …"
2. Về việc cải tạo mặt bằng tận thu khoáng sản:
Theo Luật Khoáng sản không có điều, khoản nào của Luật cho phép cải tạo mặt bằng để tận thu, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà việc khai thác tận thu theo Điều 49 Luật Khoáng sản quy định: "Khai thác tận thu được thực hiện đối với khoáng sản còn lại ở mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý hoặc bãi thải trong khai thác, chế biến của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ".
Như vậy khai thác tận thu chỉ thực hiện ở các điểm mỏ đã chấm dứt hoạt động khai thác. Mặc dù trong danh mục khoáng sản thông thường của Luật tuy không có đề cập đến đất, đất phún. Tuy nhiên, trong các quy định về thu phí, lệ phí tài nguyên thì có. Ngoài ra, việc khai thác đất, phún ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, địa hình nên cần được quản lý chặt chẽ. Do đó, các khu vực có khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đều phải được cấp giấy phép khai thác theo quy định.
3. Để được cấp phép cải tạo mặt bằng và lấy đất làm đường, Ủy ban nhân dân huyện Phú Giáo hướng dẫn cho các đơn vị, cá nhân lập các hồ sơ, thủ tục như sau:
- Đơn xin khai thác khoáng sản.
- Quyết định thi công đường giao thông nông thôn.
- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật đường.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng khai thác khoáng sản.
- Bản cam kết môi trường được UBND huyện xác nhận.
- Công văn chấp thuận của UBND huyện và đề nghị được cấp phép khai thác đất đầu sỏi đỏ phục vụ đường giao thông nông thôn.
- Phương án khai thác đất đầu sỏi đỏ và bản đồ đăng ký khu vực khai thác.
4. Phong trào làm đường giao thông, nhất là giao thông nông thôn là chủ trương lớn của tỉnh. Do đó, để tạo điều kiện cho các huyện, thị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường khi tiếp nhận các hồ sơ này phải hướng dẫn các thủ tục và nhanh chóng xem xét, tham mưu UBND tỉnh cấp phép, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác nhằm sử dụng tài nguyên đúng mục đích và có hiệu quả./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |