cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn số 299/TDHT-CVĐL ngày 30/09/2005 Sửa đổi, bổ sung Công văn 44/CV-TDHT do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 299/TDHT-CVĐL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 30-09-2005
  • Ngày có hiệu lực: 30-09-2005
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 299/TDHT-CVĐL
V/v sửa đổi, bổ sung Công văn số 44/CV-TDHT ngày 18/2/2003 của NHNN.

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2005

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố có QTDND

Ngày 3/2/2005, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 (gọi tắt là Quyết định số 127) và ngày 31/5/2005 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 1 của Quyết định số 127; để tạo điều kiện thuận lợi cho các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thực hiện, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn bổ sung một số điểm tại Công văn số 44/CV-TDHT ngày 18/2/2003 của Ngân hàng Nhà nước Hướng dẫn thực hiện “Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với các Quỹ tín dụng nhân dân” như sau:

1- Các Khoản d và đ của Điểm 3 gộp thành Khoản d mới và được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc Quỹ tín dụng thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ vay đối với các khoản nợ vay của khách hàng theo hai phương thức sau:

- Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc Quỹ tín dụng chấp thuận thay đổi kỳ hạn trả nợ gốc, kỳ hạn trả nợ lãi, kỳ hạn trả nợ gốc và lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thoả thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng nhưng kỳ hạn trả nợ cuối cùng không thay đổi.

- Gia hạn nợ vay là việc Quỹ tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi, trả nợ gốc và lãi vốn vay vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng.”

2- Khoản e, Điểm 3 được bổ sung, sửa đổi như sau:

“e) Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống mà khách hàng gửi đến Quỹ tín dụng là một tập hợp những đề xuất; trong đó có tổng nhu cầu vốn, số vốn xin vay, cách thức sử dụng vốn và cách thức trả nợ vay trong một khoảng thời gian xác định.”

3- Khoản b, Điểm 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Đối với Khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được Quỹ tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn và Quỹ tín dụng thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ; việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thoả thuận trên cơ sở quy định của pháp luật. Quỹ tín dụng phân loại toàn bộ số dư nợ gốc của khách hàng vay có nợ quá hạn vào tài khoản cho vay thích hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

4- Nội dung nêu tại Khoản b Điểm 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án phục vụ đời sống: Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng căn cứ vào thể loại cho vay (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn), mức vốn xin vay và Mục đích sử dụng tiền vay để quy định những món vay mà Quỹ tín dụng phải yêu cầu khách hàng lập dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án phục vụ đời sống bằng văn bản riêng (Phụ lục 03 đính kèm Công văn này) và những món vay khách hàng được gộp chung dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án phục vụ đời sống vào Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu số 01b/TD đính kèm Công văn này)”.

5- Điểm 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“19. Kiểm tra, giám sát vốn vay

a- Quỹ tín dụng có trách nhiệm và có quyền kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng.

b- Trên cơ sở hướng dẫn tại Phụ lục 01 đính kèm Công văn này, Quỹ tín dụng phải xây dựng và ban hành văn bản quy định về quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quỹ tín dụng và tính chất của khoản vay, nhằm bảo đảm hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay.

6- Điểm 20 được sửa đổi như sau:

“20. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

a- Các Quỹ tín dụng tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trên cơ sở khả năng tài chính của mình và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay.

- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc, nợ lãi vốn vay, hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và Quỹ tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo, thì Quỹ tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, trả nợ lãi vốn vay, hoặc trả nợ cả gốc và lãi vốn vay.

- Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc, nợ lãi vốn vay hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và được Quỹ tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì Quỹ tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng. Quỹ tín dụng tự quy định trong Quy chế cho vay thời hạn gia hạn nợ vay tối đa đối với từng thể loại cho vay (ngắn, trung, dài hạn) phù hợp với điều kiện thực tế của mình.

Toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng có khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được phân loại vào các nhóm thích hợp theo quy định về phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

b- Trên cơ sở các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và hướng dẫn tại Phụ lục 02 đính kèm Công văn này, Quỹ tín dụng phải ban hành văn bản quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng.

c- Đối với các khoản nợ vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các Quỹ tín dụng phải báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với tổ chức tín dụng.”

7- Khoản a, Điểm 21 được sửa đổi như sau:

“a) Khách hàng vay bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính;”.

8- Phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro:

Định kỳ, các Quỹ tín dụng căn cứ vào tình trạng trả nợ vay, kết quả đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh (nếu có), khả năng tài chính và trả nợ của khách hàng vay để phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

9- Tổ chức thực hiện:

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức triển khai nội dung văn bản này đến các Quỹ tín dụng trên địa bàn; kiểm tra, giám sát các Quỹ tín dụng trong quá trình thực hiện;

- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Quỹ tín dụng có trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, nhân viên nghiên cứu, quán triệt nội dung văn bản này để thực hiện. Trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và văn bản quy định về quy trình kiểm tra giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng theo các phụ lục đính kèm văn bản này, Quỹ tín dụng có thể quy định chi tiết thêm những nội dung cụ thể (ngoài các nội dung hướng dẫn tại các phụ lục nói trên) phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động của từng Quỹ tín dụng (nếu thấy cần thiết) để làm căn cứ tổ chức thực hiện, nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

- Trong thời hạn tối đa là 30 ngày sau khi Công văn này được ban hành, Quỹ tín dụng phải ban hành các văn bản về Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của khách hàng; Quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ để làm căn cứ thực hiện đồng thời gửi các văn bản này cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (Thanh tra Ngân hàng) để báo cáo và phục vụ công tác quản lý.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác) để xem xét xử lý.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thống đốc NHNN; để b/c;
- Các Phó Thống đốc; để b/c;
- Vụ CSTT, Thanh tra NHNN, Vụ Pháp chế;
- Văn phòng đại diện NHNN tại TP HCM;
- QTDND Trung ương;
- Bảo hiểm tiền gửi VN;
- Lưu VP, Vụ Các TCTD hợp tác.

TL. THỐNG ĐỐC
VỤ TRƯỞNG VỤ CÁC TCTD HỢP TÁC




Trần Quang Khánh

 

PHỤ LỤC 01

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN QUY ĐỊNH TRONG VĂN BẢN QUY TRÌNH KIỂM TRA, GIÁM SÁT QUÁ TRÌNH VAY VỐN, SỬ DỤNG VỐN VÀ TRẢ NỢ CỦA KHÁCH HÀNG VAY VỐN CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

I- Mục đích:

Kiểm tra, kiểm soát quá trình vay vốn và trả nợ của khách hàng nhằm Mục đích nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay.

II- Yêu cầu:

Nội dung văn bản cần làm rõ các nội dung công việc phải thực hiện trong từng công đoạn của quy trình kiểm tra, giám sát vốn vay và xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong việc thực hiện quy trình này nhằm đạt được Mục đích nêu tại Mục I nêu trên.

III- Những nội dung cơ bản cần quy định trong quy trình kiểm tra, giám sát vốn vay:

Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn được bắt đầu từ khi cán bộ tín dụng tiếp nhận hồ sơ khách hàng và kết thúc khi kế toán viên tất toán, thanh lý hợp đồng tín dụng, bao gồm những nội dung sau:

- Kiểm tra trước khi cho vay;

- Kiểm tra, giám sát trong khi cho vay;

- Kiểm tra, giám sát sau khi cho vay;

- Xử lý vi phạm.

Lưu ý: Sau khi kết thúc mỗi cuộc kiểm tra, giám sát trong hoặc sau khi cho vay, người kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra, trong đó có chữ ký của người kiểm tra, khách hàng vay vốn và phải lưu trữ đầy đủ trong hồ sơ tín dụng.

1- Kiểm tra trước khi cho vay: Là việc kiểm tra hồ sơ xin vay vốn, thẩm định các điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định nhằm Mục đích đưa ra quyết định cho vay hay không cho vay. Kiểm tra trước khi cho vay bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a- Cán bộ tín dụng thẩm định hồ sơ xin vay vốn:

- Kiểm tra hồ sơ pháp lý: Kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của các giấy tờ, văn bản trong hồ sơ xin vay vốn. Ví dụ như đối với cho vay sản xuất: các văn bản xác nhận tư cách pháp nhân và các yếu tố pháp lý quy định trong điều kiện cho vay; tư cách dân sự; sổ hộ khẩu; Chứng minh nhân dân; Giấy đăng ký kinh doanh…

- Kiểm tra hồ sơ vay vốn, hồ sơ đảm bảo tiền vay (nếu có): Cán bộ tín dụng kiểm tra tính xác thực của từng loại hồ sơ: Giấy đề nghị vay vốn; kế hoạch sản xuất kinh doanh; Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh; năng lực tài chính…

- Kiểm tra các thông tin khác về khách hàng: Tìm hiểu thẩm định về tư cách và năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự, năng lực điều hành và quản lý sản xuất kinh doanh của khách hàng …

- Thẩm định: Thẩm định dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, phương án phục vụ đời sống có đảm bảo hiệu quả thu hồi vốn vay hay không; thẩm định các hồ sơ, biện pháp bảo đảm tiền vay có đảm bảo yếu tố pháp lý và giá trị tài sản đủ đáp ứng yêu cầu xử lý để thu hồi khoản vay khi khách hàng không trả được nợ vay hay không.

- Lập báo cáo thẩm định trình Giám đốc phê duyệt khoản vay: Trong báo cáo thẩm định, cán bộ tín dụng phải đưa ra được những nội dung cơ bản sau: Nhận xét hồ sơ pháp lý, tình hình tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay đã đúng, đủ, đã hợp lý, hợp lệ chưa, có cần phải bổ sung tài liệu hay giải trình thêm không? Tóm tắt tình hình hoạt động và khả năng tài chính của khách hàng; lợi ích của khoản vay; nêu ý kiến đánh giá về hiệu quả, khả năng trả nợ của khách hàng; phân tích về tài sản bảo đảm và các yếu tố rủi ro có thể xảy ra; đề xuất ý kiến giải quyết cho vay hay không cho vay.

b- Tái thẩm định khoản vay:

Trong một số trường hợp cần thiết, Giám đốc hoặc Ban tín dụng hoặc Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng (theo thẩm quyền đã được quy định) có thể quyết định tiến hành thẩm định lại toàn bộ hoặc một số yếu tố trong hồ sơ vay vốn của khách hàng trước khi xem xét giải quyết cho vay.

2- Kiểm tra, giám sát trong khi cho vay: Là việc kiểm tra giải ngân theo tiến độ thực hiện của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, phương án phục vụ đời sống; đồng thời kiểm tra Mục đích sử dụng tiền vay, việc sử dụng vốn vay của khách hàng trong quá trình giải ngân. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, cán bộ tín dụng có thể yêu cầu khách hàng cung cấp các hồ sơ, chứng từ về Mục đích sử dụng tiền vay để làm căn cứ giải ngân như: Hợp đồng cung ứng vật tư, hàng hoá, dịch vụ, … (nếu có).

3- Kiểm tra sau khi cho vay: Là quá trình thực hiện các bước công việc kiểm tra sau khi cho vay nhằm hướng dẫn, đôn đốc người vay sử dụng đúng Mục đích, có hiệu quả số tiền vay, hoàn trả nợ gốc, lãi vay đúng thời hạn, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp nếu người vay không thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết. Nội dung kiểm tra như sau:

- Mở sổ sách theo dõi: Cán bộ tín dụng mở sổ theo dõi các thông tin cần thiết của khoản vay theo hợp đồng tín dụng và thường xuyên cập nhật các thông tin cần thiết về khoản vay (ví dụ như những sự thay đổi về khách hàng vay, tài sản bảo đảm vốn vay, quá trình trả nợ, lãi vay…) nhất là đối với các khoản vay lớn.

- Kiểm tra Mục đích sử dụng vốn vay, tài sản bảo đảm: Định kỳ hàng tháng hoặc quý hoặc trường hợp đột xuất (nếu thấy cần thiết), cán bộ tín dụng phải tiến hành kiểm tra Mục đích sử dụng vốn vay, tài sản bảo đảm tiền vay của khách hàng thông qua việc kiểm tra sổ sách hạch toán theo dõi của khách hàng; chứng từ, hoá đơn hạch toán (thu, chi tiền mặt, chuyển khoản, chi khác…); chứng từ thanh quyết toán, thanh lý hợp đồng … hoặc kiểm tra trực tiếp việc sử dụng vốn vay xem có đúng Mục đích xin vay hay không; kiểm tra vật tư đảm bảo tiền vay thông qua việc kiểm tra các tài sản hình thành từ vốn vay (cây, con, vật nuôi, hàng hoá, vật tư…); kiểm tra hiện trạng tài sản bảo đảm nợ vay đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Sau khi kiểm tra cán bộ tín dụng phải lập biên bản kiểm tra về Mục đích sử dụng vốn vay, vật tư bảo đảm nợ vay và tài sản bảo đảm nợ vay của khách hàng. Nếu khách hàng sử dụng vốn vay sai Mục đích hoặc phát sinh những vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, cán bộ tín dụng phải báo cáo Giám đốc để xem xét quyết định các giải pháp thích hợp để xử lý thu hồi nợ vay.

- Kiểm tra phân tích hiệu quả sử dụng vốn vay, tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính (nếu có) và đảm bảo tín dụng của khách hàng.

- Thu thập thông tin bổ sung về khách hàng và khoản vay trong khi khách hàng đang có dư nợ tại Quỹ tín dụng bằng các nguồn thông tin từ: Báo cáo định kỳ của khách hàng; đi tiếp xúc, thăm khách hàng, và các nguồn thông tin khác … để cập nhật hồ sơ vay vốn của khách hàng, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện tại và dự đoán hiệu quả sử dụng vốn vay, đặc biệt là khi có xảy ra các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng trả nợ khoản vay.

- Kiểm tra việc thanh lý hợp đồng tín dụng: Khi khách hàng trả hết nợ, cán bộ tín dụng phối hợp với bộ phận kế toán đối chiếu, kiểm tra về số tiền trả nợ gốc, lãi vay … để tất toán khoản vay.

- Kiểm tra tình trạng giấy tờ, tài sản thế chấp, cầm cố để lập biên bản xử lý tài sản thế chấp, cầm cố.

- Kiểm tra thủ tục xuất kho giấy tờ về tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định.

4- Xử lý vi phạm:

Quỹ tín dụng căn cứ vào kết quả kiểm tra tại các Điểm 2 và 3 nêu trên để quyết định biện pháp xử lý vi phạm nêu tại Khoản c, Điểm 19 của Công văn số 44/CV-TDHT ngày 18/2/2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Mẫu số 01b/TD

Có 01 liên: QTD lưu hồ sơ cho vay

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

Giấy đề nghị vay vốn

Kính gửi: Quỹ tín dụng nhân dân ...................................................

1. Họ và tên người vay vốn (hoặc đại diện pháp nhân vay vốn): ...............................

Số thẻ thành viên (nếu là thành viên của QTDND): ...................................................

Địa chỉ: ........................................................................................................ ...................

2. Họ và tên người thừa kế: ....................................... Quan hệ với người vay vốn: ....

Địa chỉ: ........................................................................................................ ...................

3. Những nội dung cơ bản của Dự án đầu tư (hoặc phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án phục vụ đời sống):

- Mục tiêu đầu tư của PASXKD/DAĐT:…………………………………………

- Tổng số vốn đầu tư:…………………………………………………………

+ Chi phí nguyên vật liệu: ………………………………………………

+ Máy móc thiết bị: ………………………………………………………

+ Lao động: ………………………………………………………………

- Vốn tự có tham gia vào PASXKD/DAĐT: ………………………………………

- Số vốn xin vay: ……………………………………………………………………

- Dự kiến nguồn trả nợ: …………………………………………………………

4. Đề nghị QTDND cho chúng tôi vay số tiền:

Bằng số: .................................. đồng

Bằng chữ: ...................................................................................................................

5. Mục đích vay vốn: ....................................................................................................

........................................................................................................................................

6. Đối tượng vay vốn: .....................................................................................................

7. Thời hạn vay: ..................................................................... .......................................

8. Hình thức bảo đảm tiền vay:

Tài sản bảo đảm tiền vay gồm:

- .................................................................................................................................

- .................................................................................................................................

- .................................................................................................................................

- .................................................................................................................................

Tổng giá trị tài sản bảo đảm tiền vay: ....................................... đồng

Chúng tôi cam kết sử dụng tiền vay đúng Mục đích, trả nợ gốc và lãi đúng hạn, chấp hành các quy định của QTDND về việc vay vốn, nếu không thực hiện đúng các cam kết, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 


Người thừa kế
(Ký, ghi rõ họ, tên)

..............., ngày ...... tháng ..... năm .........
Người xin vay
(Ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

 

Xác nhận của UBND xã (phường)

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

 

 

..................., ngày ...... tháng ..... năm .........
TM. UBND xã (phường)
(Ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 02

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN CÓ TRONG VĂN BẢN QUY ĐỊNH VỀ CƠ CẤU LẠI NỢ CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN CƠ SỞ

I- Những quy định chung:

1- Căn cứ để Quỹ tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ:

Quỹ tín dụng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi:

- Đến hạn trả nợ, nhưng khách hàng không trả được nợ theo đúng thời hạn trả nợ gốc, nợ lãi, hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng; đồng thời khách hàng có đơn xin gia hạn nợ hoặc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ;

- Khách hàng được Quỹ tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong thời hạn xin điều chỉnh kỳ hạn nợ hoặc gia hạn nợ.

- Khả năng tài chính của Quỹ tín dụng cho phép (Quỹ tín dụng có thể cân đối giữa nguồn vốn với sử dụng vốn và giữa thu nhập với chi phí)

2- Thời gian nộp đơn xin điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ:

- Khách hàng nộp đơn xin điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ trước ngày đến hạn trả nợ gốc, nợ lãi vốn vay hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay tối thiểu là 5 ngày làm việc.

- Trường hợp cho vay trả góp: Trong vòng 10 ngày kể từ khi đến kỳ hạn trả nợ (gốc và lãi vốn vay) nếu khách hàng không có đơn xin cơ cấu lại thời hạn trả nợ Quỹ tín dụng sẽ chuyển số dư nợ còn lại sang nợ quá hạn và tiến hành các biện pháp để thu hồi nợ vay.

3- Những nguyên nhân chậm trả nợ gốc, nợ lãi vốn vay hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay có thể được Quỹ tín dụng xem xét cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ:

- Người vay vẫn đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh bình thường nhưng do gặp khó khăn đột xuất về tài chính (chưa kịp bán hàng hoá hoặc chậm thu tiền bán hàng…) hoặc do chưa kết thúc chu kỳ sản xuất, kinh doanh.

- Do có những khó khăn khách quan dẫn đến khó khăn trong sản xuất và đời sống của người vay như gặp thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh…

II- Trình tự các bước cơ cấu lại thời hạn trả nợ:

Khi nhận được đơn xin điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ của khách hàng, Quỹ tín dụng tiến hành các bước công việc sau:

1- Cán bộ tín dụng thẩm định những lý do xin điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ của khách hàng:

- Nếu những lý do nêu trong đơn của khách hàng là không đúng, không hợp lý thì lập báo cáo thẩm định trình Giám đốc, trong đó nêu rõ đề nghị về việc không cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ; đồng thời đề xuất biện pháp xử lý thu hồi nợ.

- Nếu những lý do nêu trong đơn của khách hàng là đúng và hợp lý thì lập báo cáo thẩm định trình Giám đốc, trong đó nêu rõ lý do đề nghị về việc cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ.

2- Trên cơ sở báo cáo thẩm định của cán bộ tín dụng, Giám đốc Quỹ tín dụng (hoặc Ban tín dụng hoặc Hội đồng quản trị trong trường hợp vượt quyền phán quyết của Giám đốc) xem xét:

- Quyết định không cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi đồng ý với lý do nêu trong báo cáo của cán bộ tín dụng.

- Trường hợp cán bộ tín dụng đề nghị cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì chỉ đạo bộ phận kế toán xem xét cân đối lại khả năng tài chính để quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ (trường hợp cần thiết thì có thể cho tiến hành thẩm định lại hoặc giao cho cán bộ tín dụng điều tra thêm những vấn đề liên quan) hoặc không cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

2.1- Trường hợp không đồng ý cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì Quỹ tín dụng có văn bản trả lời khách hàng vay (tối đa sau 3 ngày kể từ ngày nhận đơn); khi đến kỳ hạn trả nợ ghi trên hợp đồng tín dụng, nếu khách hàng không trả được nợ gốc, nợ lãi hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay thì Quỹ tín dụng chuyển nợ quá hạn và tiến hành các biện pháp để thu hồi khoản vay.

2.2- Trường hợp đồng ý cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ, Quỹ tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo các nguyên tắc sau:

- Nếu khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc, nợ lãi vốn vay hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và được Quỹ tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo, thì Quỹ tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, nợ lãi vốn vay hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay.

- Nếu khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc, nợ lãi vốn vay hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và được Quỹ tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì Quỹ tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

- Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do Quỹ tín dụng xem xét quyết định phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng tài chính của Quỹ tín dụng.

 

PHỤ LỤC 03

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG DỰ ÁN XIN VAY VỐN
(đối với những món vay mà yêu cầu khách hàng phải lập dự án vay vốn riêng, kèm theo Giấy đề nghị vay vốn)

Họ và tên chủ dự án: ..................................................................... Năm sinh: .................

Số CMND:......................................... Ngày cấp:............................Nơi cấp: .....................

Hiện cư trú tại: Thôn (ấp)............................................Xã (phường):.................................

Huyện (Thị xã): .................................................. Tỉnh (thành phố): ..................................

Tên dự án: ........................................................................................................................

1. Chi phí đầu tư cho dự án:

- Nguyên nhiên vật liệu:

- Máy móc thiết bị:

- Lao động:

- Chi phí khác:

2. Thị trường tiêu thụ:

3. Nguồn vốn dùng cho dự án:

a- Vốn tự có:

b- Vốn vay QTD ND:

c- Thời hạn vay: ……………….. tháng. Lãi suất: …………….%/tháng.

Trả lãi vay = Số tiền vay x Lãi suất x Thời hạn vay

4. Thu nhập: Doanh thu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:

5. Lãi: Thu nhập – (Chi phí đầu tư và sản xuất + Trả lãi vay + Thuế)

6. Kế hoạch vay vốn và trả nợ:

- Định kỳ rút tiền vay:

- Kỳ hạn trả nợ gốc và lãi:

 

 

……….., ngày ……tháng …….. năm ………
Chủ dự án
(ký, ghi rõ họ, tên)

 

(Căn cứ những nội dung trong phụ lục này, cán bộ tín dụng hướng dẫn khách hàng lập dự án phù hợp với Mục đích vay vốn.)