cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 37-CP ngày 26/04/1997 của Chính phủ Về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 37-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 26-04-1997
  • Ngày có hiệu lực: 11-05-1997
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-04-2003
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2168 ngày (5 năm 11 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 18-04-2003
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 18-04-2003, Nghị định số 37-CP ngày 26/04/1997 của Chính phủ Về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 21/2003/NĐ-CP ngày 10/03/2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1997

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 37-CP NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 1997 VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA UỶ BAN VỀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI TRỰC THUỘC BỘ NGOẠI GIAO

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 82/CP ngày 10/11/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 77/CP ngày 06/11/1995 của Chính phủ về đặt Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài có vị trí như một Tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và chỉ đạo lĩnh vực công tác về người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Điều 2.- Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Nghiên cứu, tổng hợp và đánh giá tình hình cộng người đồng Việt Nam định cư ở nước ngoài; đề xuất với Chính phủ và với các cơ quan hữu quan về chủ trương, chính sách đối với cộng động.

2. Xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài để Bộ Ngoại giao trình Chính phủ và tổ chức thực hiện các văn bản đó sau khi được ban hành.

3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên cơ sở pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và luật pháp quốc tế.

4. Xây dựng chủ trương và phương thức vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài nâng cao ý thức cộng đồng, đoàn kết tương thân tương trợ, phát huy truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc dân tộc; tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp phần xây dựng quê hương, đất nước, giúp đỡ người thân ở trong nước; phối hợp với các đoàn thể nhân dân trong công tác vận động thân nhân của họ ở trong nước, nghiên cứu các hình thức tổ chức và biện pháp thích hợp để tranh thủ các lực lượng trong cộng đồng, nhằm bảo vệ, đoàn kết cộng đồng, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

5. Hướng dẫn, giúp đỡ người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong các mối liên hệ với đất nước; giới thiệu với trong nước khả năng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cùng với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội ở trong nước xây dựng các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá và các lĩnh vực khác giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với trong nước; giúp đỡ trí thức cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

6. Phối hợp với các Bộ, ngành trong nước thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu với người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về tình hình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết tình hình đất nước, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng thời giới thiệu với trong nước những thành tựu văn hoá, khoa học, công nghệ, kinh tế của cộng đồng.

7. Phối hợp với các cơ quan trong nước, các địa phương, các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn, chỉ đạo về các mặt công tác liên quan đến việc thực hiện chính sách và công tác quản lý, vận động người Việt Nam định cử ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.

8. Thực hiện quan hệ hợp tác quốc tế với nước ngoài và các tổ chức quốc tế về các mặt công tác liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

9. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

10. Quản lý công chức, viên chức và cơ sở vật chất của Uỷ ban theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Bộ Ngoại giao.

Điều 3.- Lãnh đạo Uỷ ban có Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm.

Chủ nhiệm Uỷ ban là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Các Phó Chủ nhiệm do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Uỷ ban được sử dụng con dấu riêng có hình Quốc huy.

Điều 4.- Tổ chức bộ máy của Uỷ ban gồm có:

Văn phòng Uỷ ban (bao gồm Trung tâm Thông tin Tư liệu);

Vụ Nghiên cứu, Tổng hợp về công tác cộng đồng;

Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ;

Vụ Thông tin Văn hoá (bao gồm Tạp chí Quê hương - báo viết và Tạp chí Nghe nhìn - báo hình).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế và lề lối làm việc của các đơn vị nói trên.

Ở nước ngoài, công tác về người Việt Nam định cư ở nước ngoài do người đứng đầu Cơ quan Đại diện Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ ngoại giao.

Điều 5.- Nghị định này thay thế Nghị định số 74/CP ngày 30 tháng 7 năm 1994 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Nghị định số 77/CP ngày 6 tháng 11 năm 1995 về đặt Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao và những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 6.- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)