Nghị định số 176-CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ Thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 176-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 20-10-1994
- Ngày có hiệu lực: 01-12-1994
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-07-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6801 ngày (18 năm 7 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-07-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 176-CP | Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 1994 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 176-CP NGÀY 20-10-1994 VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC "BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG"
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" ngày 29 tháng 8 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Những Bà mẹ được tặng hoặc truy tăng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" theo Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1- Có 2 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;
2- Có 2 con mà cả 2 con là liệt sĩ hoặc chỉ có 1 con mà con đó là liệt sĩ;
3- Có từ 3 con trở lên là liệt sĩ;
4- Có 1 con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ.
Người con là liệt sĩ bao gồm con đẻ và con nuôi của Bà mẹ được phát luật thừa nhận, và đã được Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công.
Bà mẹ có đủ 1 trong 4 trường hợp nêu trên do phải chịu đựng nỗi đau mất con, mất chồng mà bị bệnh tâm thần, vẫn được tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
Người chồng là liệt sĩ nói ở Điều này là người đã được Chính phủ tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" mà Bà mẹ là vợ của người đó được hưởng chế độ tuất liệt sĩ.
Điều 2.
Những Bà mẹ được tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" được cấp Bằng và Huy chương "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" kèm theo khoản tiền một lần ba triệu đồng và được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng.
Những Bà mẹ được truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" thì Bằng, Huy chương "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và khoản tiền một lần ba triệu đồng được trao cho thân nhân đang đảm nhiệm việc thờ cúng bà mẹ đó. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có thân nhân cư trú xem xét, quyết định việc trao tặng này.
Điều 3. Thẩm quyền và thủ tục đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" được quy định như sau:
1- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường lập danh sách những bà mẹ thuộc đối tượng tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức khác có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường kiểm tra, xác minh danh sách đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" của địa phương mình.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận thẩm tra, xác minh, và tổng hợp báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp danh sách đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" của địa phương mình trình Thủ tướng Chính phủ (qua Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước); đồng thời gửi văn bản về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng.
3- Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm tra, tổng hợp danh sách những bà mẹ được đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Chủ tịch nước quyết định.
4- Hồ sơ đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" của các địa phương gồm:
a) Bản đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kèm theo danh sách những Bà mẹ được đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" 1 bản gửi Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, 1 bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 1 bản gửi Bộ Quốc phòng.
b) Bản kê khai danh sách về từng bà mẹ do Uỷ ban nhân dân xã, phường lập và biên bản cuộc họp kiểm tra xác minh của các đoàn thể chính trị, xã hội nói trên.
Điều 4.
Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm số lượng Bằng và Huy chương "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" theo mẫu được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc vận dụng các trường hợp nêu tại Điều 1 của Nghị định này để xét tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
- Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí làm Bằng, Huy chương và tiêu chuẩn tiền được hưởng một lần của "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
Kinh phí tổ chức lễ trao tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" ở các địa phương do ngân sách Nhà nước bảo đảm; Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện.
Điều 5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức lễ trao tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" ở địa phương bảo đảm trang trọng, thiết thực.
Điều 6. Những bà mẹ được tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" mà tỏ ra không còn xứng đáng với danh hiệu ấy nữa thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xem xét thật cụ thể, hết sức thận trọng, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân ở cơ sở, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định.
Điều 7.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 12 năm 1994.
Các địa phương tiến hành lập danh sách đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1994, vào dịp kỷ niện 50 năm Ngày thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2-9-1995; sau đó, hàng năm đề nghị xét tặng vào dịp Quốc khánh 2-9.
Điều 8. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Viện trưởng Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Võ Văn kiệt (Đã ký) |