cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 339-HĐBT ngày 22/09/1992 của Hội đồng Bộ trưởng Thi hành Pháp lệnh về thuế nhà, đất (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 339-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 22-09-1992
  • Ngày có hiệu lực: 01-10-1992
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-1994
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 457 ngày (1 năm 3 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-1994
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-1994, Nghị định số 339-HĐBT ngày 22/09/1992 của Hội đồng Bộ trưởng Thi hành Pháp lệnh về thuế nhà, đất (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 94-CP ngày 25/08/1994 của Chính phủ Hướng dẫn Pháp lệnh thuế nhà, đất và Pháp lệnh thuế nhà, đất sửa đổi (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 339-HĐBT

Hà nội, ngày 22 tháng 9 năm 1992

 

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 339-HĐBT NGÀY 22-9-1992 VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ THUẾ NHÀ, ĐẤT 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh về thuế nhà, đất ngày 31 tháng 7 năm 1992,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 1. Toàn bộ diện tích đất ở, đất xây dựng công trình thuộc lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ những trường hợp quy định tại Điều 2 của Nghị định này, đều là đối tượng chịu thuế đất.

Điều 2. Không thu thuế đất đối với các trường hợp sau:

1. Đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng vì lợi ích công cộng, phúc lợi xã hội hay từ thiện mà không có mục đích kinh doanh hoặc để ở như: đất làm đường sá, cầu cống, công viên, sân vận động, đê điều, công trình thuỷ lợi, trường học (bao gồm nhà trẻ, mẫu giáo) , bệnh viện (bao gồm cả bệnh xá, trạm xá, trạm y tế, phòng khám..), nghĩa trang...

2. Đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép dùng vào việc thờ cúng công cộng của các tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác mà không sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở như: các di tích lịch sử, đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ (đền, miếu, nhà thờ tư vẫn phải nộp thuế đất).

Điều 3. Cá nhân, tổ chức trong nước hay nước ngoài thuê đất thì không phải nộp thuế đất. Chủ thể cho thuê đất phải nộp thuế đất theo quy định của Pháp lệnh về thuế nhà, đất.

Các xí nghiệp đầu tư nước ngoài (bao gồm cả xí nghiệp 100% vốn nước ngoài và xí nghiệp liên doanh) sử dụng đất mà đã nộp tiền thuê đất theo quy định của Nhà nước thì không phải nộp thuế đất cho đến hết hạn hợp đồng.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ MỨC THUẾ

Điều 4. Căn cứ tính thuế đất là diện tích đất, hạng đất và mức thuế trên một đơn vị diện tích.

Điều 5. Diện tích đất để tính thuế đất ở, đất xây dựng công trình bao gồm: diện tích mặt đất xây nhà ở, xây công trình và các diện tích khác trong khuôn viên đất nhà ở, đất xây công trình như: diện tích đường đi lại, diện tích sân, diện tích bao quanh nhà, quanh công trình kiến trúc, diện tích trồng cây, diện tích ao hồ và các diện tích để trống.

Điều 6. Mức thuế và hạng đất quy định như sau:

1. Đối với đất thuộc thành phố, thị xã, thị trấn, mức thuế đất được quy định cho từng loại đô thị. Phân loại đô thị để xác định mức thuế tạm thời vận dụng Quyết định số 132-HĐBT ngày 5 tháng 5 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng.

Đô thị loại I, mức thuế đất bằng 7 đến 25 lần mức thuế nông nghiệp của hạng đất cao nhất trong vùng;

Đô thị loại II, mức thuế đất bằng 6 đến 23 lần mức thuế nông nghiệp của hạng đất cao nhất trong vùng;

Đô thị loại III, mức thuế đất bằng 5 đến 20 lần mức thuế nông nghiệp của hạng đất cao nhất trong vùng;

Đô thị loại IV, mức thuế đất bằng 4 đến 15 lần mức thuế nông nghiệp của hạng đất cao nhất trong vùng;

Đô thị loại V, mức thuế đất bằng 4 đến 10 lần mức thuế nông nghiệp của hạng đất cao nhất trong vùng;

Thị trấn, mức thuế đất bằng 3 đến 10 lần mức thuế nông nghiệp của hạng đất cao nhất trong vùng.

2. Đối với đất thuộc vùng nông thôn, mức thuế đất thực hiện như quy định tại khoản 2, Điều 7 Pháp lệnh về thuế nhà, đất.

Điều 7. Bộ Tài chính chủ trì bàn với Tổng cục quản lý ruộng đất và Bộ Xây dựng để hướng dẫn việc phân loại hạng đất tính thuế.

Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Tài chính, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc phân loại hạng đất và mức thuế cụ thể đối với từng hạng đất.

Chương 3:

KÊ KHAI, NỘP THUẾ ĐẤT

Điều 8. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết các đối tượng nộp thuế tiến hành kê khai, nộp thuế theo đúng quy định tại các Điều 9, 10, 11 Pháp lệnh về thuế nhà, đất; hướng dẫn chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuế trong việc quản lý và thu thuế đất theo đúng quy định tại Điều 12 Pháp lệnh về thuế nhà đất; hướng dẫn chi tiết việc sử lý vi phạm và thẩm quyền xử lý vi phạm về thuế đất theo quy định tại các điều 15, 16, 17, 18 Pháp lệnh về thuế nhà, đất.

Chương 4:

GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ

Điều 9. Tạm miễn thuế đất đối với các trường hợp sau đây:

1. Đất xây dựng trụ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước, tổ chức xã hội, công trình văn hoá, đất dùng vào mục đích quốc phòng và an ninh.

Đất thuộc diện tạm miễn thuế nói tại khoản này nếu sử dụng vào mục đích kinh doanh, hoặc để ở thì phải nộp thuế đất;

2. Đất vùng rừng núi, rẻo cao thuộc diện được miễn thuế nông nghiệp, vùng định canh, định cư của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đất ở đối với đồng bào xây dựng vùng kinh tế mới được miễn thuế trong 5 năm đầu kể từ ngày đến ở;

3. Đất ở của gia đình thương binh loại 1/4, loại 2/4 và gia đình liệt sĩ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, đất xây nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách xã hội. Những đối tượng này chỉ được miễn thuế đối với một nơi ở duy nhất, với diện tích không quá mức quy định tại điều 35 Luật đất đai;

4. Đất ở của người tàn tật mất khả năng lao động, người chưa đến tuổi thành niên và người già cô đơn không nơi nương tựa không có khả năng nộp thuế, được miễn thuế đối với một nơi ở duy nhất, do chính đối tượng đứng tên, với diện tích không quá mức quy định tại điều 35 Luật đất đai.

Điều 10. Đối tượng nộp thuế đất gặp khó khăn do bị thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ không có khả năng nộp thuế thì được xét giảm, miễn thuế.

Uỷ ban nhân dân huyện, quận và cấp tương đương là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc miễn thuế, giảm thuế đất theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục thuế.

Điều 11. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, nguyên tắc xét giảm thuế, miễn thuế đất quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định này.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Thuế đất do hệ thống thu thuế Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính tổ chức thu. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thuế được phép uỷ nhiệm cho Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn thu thuế.

Cơ quan nhận uỷ nhiệm thu thuế đất được hưởng thù lao từ 3% đến 5% tổng số thuế đất thực thu đã nộp vào Kho bạc Nhà nước.

Bộ Tài chính hướng dẫn mức trích cụ thể, thủ tục trích và nguyên tắc phân phối sử dụng khoản thù lao trên.

Điều 13. Nghị định này thay thế Nghị định số 270-HĐBT ngày 14 tháng 9 năm 1991 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 10 năm 1992. Riêng quý IV năm 1992, đối tượng nộp thuế nộp 25% (hai mươi lăm phần trăm) mức thuế đất tính cho cả năm.

Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 14. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, tổ chức chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Điều 15. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)