Nghị định số 111-HĐBT ngày 02/07/1988 của Hội đồng Bộ trưởng Quy định phương tiện bay nước ngoài bay đến, bay đi, bay trong và bay qua vùng trời nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 111-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Ngày ban hành: 02-07-1988
- Ngày có hiệu lực: 17-07-1988
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-08-2000
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4413 ngày (12 năm 1 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-08-2000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 111-HĐBT | Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 1988 |
NGHỊ ĐỊNH
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vùng trời Việt Nam ngày 5 tháng 6 năm 1984;
Với mục đích tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực Hàng không dân dụng giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho giao lưu hàng không dân dụng quốc tế trong vùng trời Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm bảo đảm chủ quyền an ninh và các quyền lợi khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở tôn trọng pháp luật, thực tiễn quốc tế về hàng không dân dụng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. - Các máy bay và phương tiện bay khác (sau đây gọi chung là phương tiện bay) của nước ngoài nói trong Nghị định này bao gồm tất cả các phương tiện bay không thuộc quốc tịch Việt Nam. Điều 2. - Các chuyến bay hàng không dân dụng quốc tế nói trong Nghị định này bao gồm những chuyến bay do các phương tiện bay nước ngoài thực hiện nhằm mục đích:
1. Chuyên chở hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu kiện, bưu phẩm.
2. Thực hiện các hoạt động hàng không phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế khác.
3. Phục vụ các hoạt động về y tế và vệ sinh dịch tễ.
4. Tiến hành các hoạt động thí nghiệm và nghiên cứu khoa học.
5. Tiến hành các hoạt động bay tập, phục vụ văn hoá, thể dục thể thao.
6. Tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu trợ và khắc phục thiên tai, tai nạn.
Điều 3. - Các phương tiện bay nước ngoài chở các nguyên thủ quốc gia hoặc các đoàn khách đặc biệt đến Việt Nam theo lời mời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các loại phương tiện bay quân sự hoặc có tính chất quân sự của nước ngoài trong vùng trời Việt Nam, được thực hiện theo quy chế riêng do Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định.
Điều 4. - Các phương tiện bay nước ngoài chỉ được thực hiện các chuyến bay trong vùng trời Việt Nam theo đúng các điều kiện sau đây:
1. Được phép của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở các hiệp định, thoả thuận về hàng không dân dụng mà Việt Nam đã ký với các nước ngoài.
2. Hoặc, sau khi đã được phép của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu là chuyến bay bất thường.
Điều 5. - Các phương tiện bay nước ngoài:
1. Khi bay qua biên giới quốc gia của Việt Nam phải bay đúng điểm vào,
điểm ra trên biên giới và khi bay trong vùng trời của Việt Nam phải tuân theo pháp luật, các quy định của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hàng không dân dụng: phải bay đúng đường bay quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quy định; phải tuân theo sự kiểm soát và hướng dẫn mọi mặt của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
2. Chỉ được hạ cánh và cất cánh tại các sân bay mở ra cho phương tiện bay nước ngoài hoặc tại sân bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quy định.
Điều 6. - Các phương tiện bay nước ngoài bay trong vùng trời Việt Nam:
1. Phải mang dấu hiệu đăng ký quốc gia và phải thông báo trước cho Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam về dấu hiệu đó trước khi bắt đầu các chuyến bay quốc tế thường kỳ hay bất thường.
2. Phải mang theo đầy đủ các giấy tờ sau:
a) Giấy đăng ký phương tiện bay;
b) Giấy chứng nhận đủ khả năng bay;
c) Bằng chuyên môn hoặc giấy chứng nhận của các thành viên của đội bay;
d) Nhật ký bay;
e) Giấy phép đối với hệ thống thông tin vô tuyến trên phương tiện bay;
g) Tài liệu hướng dẫn khai thác bay;
h) Nếu là phương tiện bay chuyên chở hành khách cần có danh sách tên, họ, tuổi, nơi đi và nơi đến của hành khách;
i) Nếu chở hàng, cần có vận đơn và bản kê khai hàng hoá;
k) Các giấy tờ khác, trong những trường hợp cần thiết, sẽ do Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định.
Các giấy tờ trên được công nhận là hợp pháp trong lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu các giấy tờ đó được cấp theo đúng với pháp luật hiện hành của nước đăng ký phương tiện bay và đúng với các quy định về Hàng không dân dụng quốc tế. Việc công nhận này sẽ dựa trên nguyên tắc có đi có lại giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có liên quan.
3. Không được chuyên chở hoặc mang theo các dụng cụ và phương tiện chiến tranh như các loại vũ khí, đạn dược, chất nổ, phương tiện trinh sát và các chất độc hại, gây ô nhiễm. Trong trường hợp đặc biệt, khi được phép của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để chuyên chở các chất độc hại, các chất phóng xạ, gây ô nhiễm, phải chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế về việc chuyên chở các chất đó.
Chương 2:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. - Các phương tiện bay nước ngoài muốn thực hiện các chuyến bay đến, bay đi, bay trong và bay qua vùng trời Việt Nam phải theo đúng các thủ tục sau đây:
1. Các phương tiện bay của nước ngoài thuộc phạm vi Hiệp định vận chuyển hàng không đã ký kết với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoặc đã được phép bay đến, bay đi, bay trong hoặc bay qua vùng trời Việt Nam, nay muốn thực hiện các chuyến bay không thường xuyên đến Việt Nam, hoặc bay tăng chuyến, hoặc thay đổi lịch bay phải xin phép Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam trước 7 ngày.
2. Đơn xin phép phải nói rõ các điểm sau đây:
- Tên và địa chỉ của người khai thác phương tiện bay (địa chỉ bưu điện và điện tín);
- Quốc tịch của phương tiện bay;
- Kiểu và tên gọi, dấu hiệu đăng ký của phương tiện bay;
- Tên và quốc tịch của người lái trưởng và các thành viên của đội bay;
- Ngày giờ dự kiến bay qua điểm bay vào, điểm bay ra, hoặc ngày, giờ dự kiến đến và rời khỏi Việt Nam;
- Đường bay, độ cao, tốc độ bay;
- Mục đích chuyến bay, số lượng hành khách hoặc số lượng và tính chất hàng hoá;
- Tần số thông tin vô tuyến được sử dụng và các thông tin khác liên quan tới chuyến bay.
3. Các phương tiện bay nước ngoài chưa có giấy phép bay muốn bay vào, bay qua vùng trời Việt Nam phải xin phép Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua Bộ Ngoại giao trước 7 ngày, hoặc qua Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, Lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài trước 10 ngày.
4. Các phương tiện bay nước ngoài muốn cất cánh và rời khỏi lãnh thổ Việt Nam phải được phép của cơ quan điều hành bay Việt Nam và phải theo đúng kế hoạch bay đã được cơ quan điều hành bay của Việt Nam chấp thuận.
5. Các công ty hoặc cơ quan Hàng không nước ngoài có phương tiện bay đã được cấp giấy phép bay phải lập kế hoạch bay gửi Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam chậm nhất 24 giờ trước giờ dự định cất cánh từ sân bay nước ngoài cuối cùng trước khi đến Việt Nam và phải chịu mọi thủ tục phí và lệ phí khác do Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định.
Điều 8. - Các phương tiện bay nước ngoài, khi bay trong vùng trời Việt Nam phải duy trì liên lạc liên tục và tuân thủ sự điều hành của cơ quan điều hành bay của Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
Điều 9. - Các phương tiện bay nước ngoài, trong trường hợp không thể hạ cánh ở các sân bay đã quy định hoặc vì lý do tai nạn hoặc khẩn cấp tránh tai nạn trong vùng trời Việt Nam mà không thể chấp hành đúng kế hoạch bay đã định, phải nhanh chóng liên lạc và báo cáo với cơ quan điều hành bay Việt Nam để có sự hướng dẫn, giúp đỡ cần thiết và phải thực hiện đầy đủ theo sự hướng dẫn của cơ quan điều hành bay Việt Nam.
Các phương tiện bay nước ngoài bị tai nạn trong vùng trời Việt Nam sẽ được Việt Nam cứu hộ. Các tổ chức và cơ quan nước ngoài muốn tham gia cứu hộ phải được phép của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 10. - Các phương tiện bay nước ngoài đang bay ở ngoài vùng trời Việt Nam vì lý do khẩn cấp tránh tai nạn, hoặc vì lý do chính đáng nào khác, buộc phải xin bay vào, hoặc hạ cánh trong lãnh thổ Việt Nam phải nhanh chóng bắt liên lạc, báo cáo và phải thực hiện theo sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Điều 11. - Các phương tiện bay nước ngoài khi hoạt động trong vùng trời Việt Nam mà gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của công dân hoặc của Nhà nước Việt Nam, người chủ khai thác phương tiện bay và người chỉ huy chuyến bay phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của Việt Nam và phải bồi thường thích đáng theo mức độ do Việt Nam quy định.
Điều 12. - Các phương tiện bay nước ngoài vi phạm những điều trong Nghị định này đều có thể bị bay chặn hoặc bị bắt buộc hạ cánh xuống một nơi quy định để điều tra, xem xét, làm sáng tỏ nguyên nhân vi phạm và xử lý.
Thể thức bay chặn và hạ cánh bắt buộc do Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam công bố. Mọi hậu quả xảy ra do bất kỳ sự vi phạm nào hoặc không chấp hành lệnh của máy bay bay chặn hoặc trung tâm điều hành bay Việt Nam ở mặt đất phát ra, phương tiện bay nước ngoài phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Điều 13. - Các phương tiện bay nước ngoài vi phạm pháp luật và các quy định của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuỳ theo mức độ, phải chịu xử lý theo các hình thức sau đây:
- Bị hạ cánh bắt buộc để kiểm tra, xem xét việc tuân thủ luật lệ Hàng không Việt Nam và phải chịu mọi sự điều tra để làm sáng tỏ nguyên nhân vi phạm.
- Cảnh cáo.
- Thu hồi giấy phép bay, đình chỉ chuyến bay.
- Bồi thường thiệt hại.
- Phạt tiền.
- Nếu tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng, sẽ bị truy tố trước toà án Việt Nam và bị xét xử theo pháp luật hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quyền xử lý các phương tiện bay nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam có thể bao gồm việc tạm giữ phương tiện bay, những người bị can, các tang vật.
Chương 3:
CÁC ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. - Bộ Quốc phòng căn cứ vào chức năng bảo vệ vùng trời nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nhiệm vụ tổ chức thống nhất quản lý mọi hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam.
Bộ Quốc phòng có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn và xử lý mọi sự vi phạm vùng trời Việt Nam do các phương tiện bay nước ngoài gây ra.
Điều 15. - Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam thực hiện các Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia, các Hiệp định về hàng không dân dụng mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết với nước ngoài, có nhiệm vụ tổ chức, quản lý, chỉ huy điều hành bay tất cả phương tiện bay dân dụng nước ngoài trong các hành lang bay dân dụng đã định và tại các sân bay mở ra cho hàng không dân dụng quốc tế; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam trong việc cấp giấy phép bay, ngăn chặn và xử lý các phương tiện bay nước ngoài vi phạm vùng trời Việt Nam, vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy tắc khác liên quan đến hàng không dân dụng quốc tế do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành.Điều 16. - Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được uỷ nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng, có nhiệm vụ nhận đơn xin phép bay của nước ngoài theo những quy định trong điều 7 của Nghị định này, cấp giấy phép bay và trả lời cho người xin phép.
Điều 17. - Nghị định này thay thế Nghị định số 13-CP ngày 30-1-1961. Các văn bản khác trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều 18. - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |