cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 134-CP ngày 30/06/1975 của Chính phủ Quy chế phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã tốt nghiệp (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 134-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 30-06-1975
  • Ngày có hiệu lực: 15-07-1975
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

CHÍNH PHỦ
******

VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 1975

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHÂN PHỐI NGHIÊN CỨU SINH VÀ HỌC SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP ĐÃ TỐT NGHIỆP.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ nghị quyết số 199-CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 1973 về việc cải tiến và tăng cường công tác lưu học sinh ở các nước xã hội chủ nghĩa;
Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này Quy chế của Hội đồng Chính phủ về phân phối học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, và nghiên cứu sinh tốt nghiệp.

Điều 2. - Để việc thực hiện quy chế phân phối học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp được thuận lợi, nay giao cho:

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ra thông tư giải thích Quy chế và hướng dẫn việc làm kế hoạch phân phối đúng theo các điều khoản của Quy chế.

- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp tổ chức phổ biến Quy chế, ra thông tư hướng dẫn cách áp dụng các hình thức kỹ luật đối với số học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp không tuân theo kế hoạch phân phối của Nhà nước.

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và các Bộ có trường hướng dẫn các trường cải tiến và kế hoạch hóa công tác tuyển sinh, kế hoạch hóa việc tổ chức thi tốt nghiệp, v.v.. để việc phân phối học sinh tốt nghiệp được tiến hành thuận lợi.

Điều 3. - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Bộ Lao động hướng dẫn các định mức và cách bố trí, sử dụng cán bộ khoa học và kỹ thuật.

Điều 4. – Các nghị định, nghị quyết, chỉ thị, thông tư trước đây về phân phối học sinh tốt nghiệp trái với nghị định này điều không còn giá trị.

Điều 5. – Các đồng chí Bộ trưởng các Bộ. Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành nghị định này.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

QUY CHẾ

PHÂN PHỐI NGHIÊN CỨU SINH VÀ HỌC SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
(Ban hành kèm theo nghị định số 134-CP ngày 30-6-1975 của Hội đồng Chính phủ).

I. CÁC NGUYÊN TẮC PHÂN PHỐI

1. Công tác phân phối học sinh và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp phải được kế hoạch hóa, phải phân phối đúng với nghề đã học nhằm bổ sung một cách hợp lý lực lượng lao động khoa học và kỹ thuật cho các ngành và các địa phương, và thực hiện từng bước sự đồng bộ có hiệu lực, khớp với yêu cầu của đất nước trong từng thời kỳ kế hoạch.

2. Kế hoạch phân phối học sinh và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp phải quan tâm đến khu vực Nhà nước, đồng thời quan tâm đến khu vực kinh tế tập thể, và cần chú ý đầy đủ đến các khâu công tác trọng tâm của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.

3. Học sinh tốt nghiệp các trường, các lớp trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học ở trong nước và từ nước ngoài về, nghiên cứu sinh tốt nghiệp ở trong nước và từ nước ngoài về, nếu ngay sau khi tốt nghiệp không vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, điều được Nhà nước phân phối công tác. Các chỉ tiêu phân phối học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp được ghi vào kế hoạch Nhà nước hàng năm. Riêng đối với số người học theo các chế độ chuyên tu và tại chức, thì sau khi tốt nghiệp, nói chung được trở về ngành hay địa phương cũ công tác ; ngành hay địa phương cũ có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí công tác cho thích hợp.

4. Trên cơ sở bảo đảm yêu cầu kế hoạch Nhà nước, cần chú ý thích đáng việc phân phối về công tác ở miền núi và địa phương những học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp người dân tộc thiểu số và người địa phương.

5. Học sinh tốt nghiệp trước khi đi học nếu chưa phải là cán bộ, công nhân thì cần được phân phối về tập sự và công tác ở các đơn vị cơ sở (nông trường, công trường, nhà máy, cửa hàng, hợp tác xã nông nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp, v.v…)

6. Nghiên cứu sinh và học sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tốt nghiệp đi nhận công tác ở các địa phương xa xôi, hẻo lánh (miền núi, hải đảo, v.v..) và những vùng nông thôn còn quá yếu kém về kinh tế thì được ưu đãi về các mặt vật chất, nghỉ phép hàng năm, và cách tính thâm niên công tác.

7. Chỉ tiêu kế hoạch phân phối học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp trong kế hoạch Nhà nước là chỉ tiêu pháp lệnh; Thủ tướng các trường, các cơ quan làm công tác phân phối, và các cơ quan tiếp nhận phải chấp hành nghiêm chỉnh.

II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC PHÂN PHỐI

8. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm :

a)Hướng dẫn các Bộ, Ủy ban Nhà nước, Tổng cục (sau đây gọi tắt là các Bộ ) và các Ủy ban hành chính địa phương về cách lập kế hoạch phân phối và xin phân phối học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng dự án kế hoạch phân phối hàng năm của Nhà nước và trình Chính phủ xét duyệt cùng một lúc với việc xét duyệt kế hoạch kinh tế quốc dân;

b)Cùng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước kiểm tra việc thực hiện kế hoạch phân phối. Nếu phát hiện trường hợp phân phối bất hợp lý thì đề nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại.

9. Các Bộ, các Ủy ban hành chính có trường trực thuộc, các Đại sứ ở các nước có lưu học sinh Việt Nam, có trách nhiệm báo cáo cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về dự kiến học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp, về số học sinh và nghiên cứu sinh thực tế đã tốt nghiệp, theo đúng yêu cầu của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

10. Các Bộ và Ủy ban hành chính phải gửi văn bản đề nghị cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nếu có yêu cầu được phân phối học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp ; hoặc cho Hội đồng phân phối cán bộ trên đại học và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nếu có yêu cầu được phân phối nghiên cứu sinh tốt nghiệp, theo đúng các quy định của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về việc này.

11. Các Bộ và Ủy ban hành chính có trách nhiệm :

a) Thu nhận tất cả số học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp được phân phối theo kế hoạch của Nhà nước, bố trí công tác và sử dụng tốt số này theo đúng những nguyên tắc đã nêu ở chương I ;

b) Báo cáo kết quả việc phân phối cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, để Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp báo cáo lên Chính phủ.

12. Bộ Lao động có trách nhiệm nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các quy định cần thiết về đãi ngộ vật chất, về chế độ nghỉ phép hàng năm, và cách tính thâm niên đối với nghiên cứu sinh, học sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã tốt nghiệp được phân phối về công tác ở những địa phương xa xôi, hẻo lánh, hoặc những vùng nông thôn quá yếu kém về kinh tế.

III. CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC LÀM KẾ HOẠCH VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

13. Thủ tục và trình tự lập, trình duyệt, và điều chỉnh kế hoạch hàng năm về phân phối học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp cần làm đúng theo những thủ tục trình tự lập, trình duyệt và điều chỉnh kế hoạch Nhà nước theo sự hướng dẫn của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

14. Học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp phải được nhận công tác chậm nhất là sau hai tháng kể từ ngày tốt nghiệp (đối với số tốt nghiệp trong nước) hoặc ba tháng kể từ ngày về nước (đối với số tốt nghiệp từ nước ngoài về). Trong thời gian chờ Nhà nước phân phối công tác, học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp được lĩnh sinh hoạt phí theo chế độ hiện hành do quỹ đào tạo của các ngành và các địa phương có trường đài thọ.

Những học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp là cán bộ, nhân viên, bộ đội, thương binh được cử đi học, hoặc là con liệt sĩ, con gia đình ở B, C, không có nơi nương tựa, nếu quá 2 hay 3 tháng mà chưa được nhà nước phân phối công tác thì vẫn được lãnh sinh hoạt phí cho đến khi được giao công tác.

15. Đối với số học sinh và nghiên cứu sinh tạm thời chưa có nơi sử dụng đúng theo ngành nghề đào tạo thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, các Bộ và Ủy ban hành chính tỉnh có trường trực thuộc có trách nhiệm bố trí tạm thời theo yêu cầu của Nhà nước. Thời gian bố trí tạm thời được xem là thời gian công tác, và học sinh được hưởng các chế độ như đã nhận công tác chính thức.

16. Học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp có nhiệm vụ tuân theo sự phân phối công tác của Nhà nước và có nghĩa vụ đem hết sức mình phục vụ cho công tác được giao. Những người không tuân theo sự điều động của Nhà nước (kể cả trong trường hợp bố trí tạm thời) thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không cấp bằng, thu lại bằng (nếu đã cấp) và báo cho Ủy ban hành chính nơi họ đang cư trú để điều động làm các việc sản xuất và xây dựng.