Nghị định số 163-CP ngày 04/07/1974 của Hội đồng Chính phủ Sửa đổi chế độ thôi việc vì mất sức lao động và chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức Nhà nước (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 163-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Ngày ban hành: 04-07-1974
- Ngày có hiệu lực: 19-07-1974
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 23-08-1978
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT |
Số: 163-CP | Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 1974 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHẾ ĐỘ THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Xét yêu cầu đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới;
Để sửa đổi kịp thời một số điểm không còn thích hợp về chế độ thôi việc vì mất sức lao động và chế độ hưu trí;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, trong phiên hợp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 02 năm 1974,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Nay sửa đổi các điều 35, 39, 40 của Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước ban hành theo Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 218-CP ngày 27-11-1961:
1. Sửa đổi đoạn đầu của điều 35 quy định điều kiện hưởng chế độ thôi việc vì mất sức lao động như sau:
Công nhân viên chức Nhà nước thuộc các loại sau đây được thôi việc và hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
a) Những người mất từ 70% sức lao động trở lên, vì ốm đau, vì tai nạn không thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp vì tai nạn lao động, đã công tác liên tục từ 10 năm trở lên;
b) Những người mất từ 60% sức lao động trở lên, đã công tác liên tục từ 8 năm trở lên trong những nghề được coi là nặng nhọc có hại sức khỏe hoặc ở vùng khí hậu xấu, hay đã công tác liên tục từ 6 năm trở lên trong những nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe;
c) Những người vì già yếu, không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí nhưng đã có đủ thời gian công tác liên tục (10 năm hoặc 8 năm hay 6 năm) theo quy định cho từng loại lao động nói ở trên.
2. Sửa đổi điều 39 như sau:
Tính từ ngày thôi việc, cứ mỗi năm một lần công nhân, viên chức Nhà nước đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng được Hội đồng giám định y khoa nơi cư trú khám lại:
- Nếu được xác định là sức khỏe đã hồi phục thì sẽ được tuyển dụng làm việc ở các cơ quan xí nghiệp Nhà nước như quy định trong Thông tư của Hội đồng Chính phủ số 15-CP ngày 24-01-1969 về chính sách đối với công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động khi sức khỏe đã hồi phục. Trường hợp không đủ điều kiện để được tuyển dụng lại, thì cho thôi việc và hưởng trợ cấp thôi việc theo Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 88-TTg ngày 01-10-1964 quy định về chế độ trợ cấp thôi việc.
- Nếu sau ba lần khám lại, mà sức khỏe chưa hồi phục thì được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng một thời gian nữa, nhưng thời hạn được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, tính từ ngày thôi việc, nhiều nhất không quá một nửa thời gian công tác liên tục của mỗi người. Riêng những công nhân, viên chức làm nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc có hại sức khỏe mà thời gian công tác liên tục chi mới đủ 6 năm hoặc chưa đủ 8 năm cũng được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng trong thời hạn bốn năm.
Hết thời hạn được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, những công nhân, viên chức Nhà nước mất sức lao động phải thôi việc, nếu có khó khăn thực sự về đời sống sẽ được xét trợ cấp cứu tế đột xuất hay thường xuyên.
- Đối với những công nhân, viên chức Nhà nước mất sức lao động phải thôi việc, đã có thời gian công tác liên tục đủ 25 năm, hoặc là thương binh, hoặc đã được xếp hạng thương tật vì tai nạn lao động, sau ba lần khám lại, mà sức khỏe chưa hồi phục, thì được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
3. Sửa đổi điều 40 như sau:
Công nhân, viên chức Nhà nước mất sức lao động phải thôi việc, chưa đủ thời gian công tác liên tục (10 năm hoặc 8 năm hay 6 năm như quy định trong điều 1) để hưởng trợ cấp mất sức lao động, sau ba lần khám lại, mà sức khỏe chưa hồi phục, thì được tiếp tục hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có).
Điều 2. Những công nhân, viên chức Nhà nước mất sức lao động phải thôi việc trước ngày ban hành Nghị định này, đến nay đang còn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng và còn trong độ tuổi lao động đều được khám lại để giải quyết theo như quy định ở điểm 2 trong điều 1 nói trên. Riêng những công nhân, viên chức khi thôi việc đã già yếu và nay đã hết tuổi lao động hoặc đã được xác định là tàn phế thì không phải khám lại sức khỏe và được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Điều 3. Công nhân, viên chức Nhà nước đang bị án phạt giam không được hưởng trợ cấp mất sức lao động hay trợ cấp hưu trí. Sau khi hết hạn phạt giam sẽ tùy theo từng trường hợp mà được xét cho hoặc không cho tiếp tục hưởng trợ cấp.
Điều 4. Nay sửa đổi điểm 1 trong Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 84-TTg ngày 20-08-1963 về việc áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước như sau:
Những công nhân, viên chức Nhà nước đã tham gia trong một đoàn thể cách mạng từ trước Cách mạng tháng tám năm 1945 hoặc đã hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và được tặng thưởng huân chương hay huy chương, nam 52 tuổi, nữ 47 tuổi có đủ 25 năm công tác liên tục, mà ốm đau, không còn khả năng lao động cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.
Điều 5. Các ông Bộ tưởng Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Bộ Tài chính và các ông thủ tướng các ngành có liên quan trong phạm vi chức năng của mình, có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |