Nghị định số 184-CP ngày 02/10/1972 của Hội đồng Chính phủ Về thể lệ sát sinh trâu bò (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 184-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Ngày ban hành: 02-10-1972
- Ngày có hiệu lực: 17-10-1972
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 184-CP | Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 1972 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ THỂ LỆ SÁT SINH TRÂU BÒ
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 181-CP, ngày 17-9-1970 của Hội đồng Chính phủ về phát triển chăn nuôi trâu, bò;
Theo đề nghị của ông Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp trung ương về việc sửa đổi thể lệ sát sinh trâu, bò;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 09-8-1972.
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
MỤC ĐÍCH CỦA THỂ LỆ SÁT SINH TRÂU, BÒ
Điều 1. - Thể lệ sát sinh trâu, bò nhằm mục đích:
- Bảo vệ tốt trâu, bò, bê, nghé cái và đực giống làm cơ sở phát triển chăn nuôi, tăng thêm thịt sữa và bảo vệ tốt trâu, bò cày kéo để tăng thêm sức kéo phục vụ cho trồng trọt và vận chuyển.
- Khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản, trâu bò cày kéo và trâu, bò lấy thịt, lấy sữa.
- Loại dần trâu, bò xấu, chọn lọc, cải tạo thành đàn trâu, bò tốt.
- Phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc và bảo đảm vệ sinh thực phẩm cho nhân dân.
Chương 2:
LOẠI TRÂU, BÒ CẤM MỔ THỊT VÀ LOẠI TRÂU, BÒ ĐƯỢC MỔ THỊT
Điều 2. - Loại trâu, bò cấm mổ thịt: trâu, bò, bê, nghé cái, trâu đực, nghé đực, bò đực giống, bò cày kéo và bê đực không thuộc những loại nói ở điều 3 dưới đây.
Điều 3. - Loại trâu, bò được mổ thịt:
1. Bò đực sau 1 năm tuổi không được xếp vào loại làm giống, hoặc cày kéo.
2. Trâu, bò, bê, nghé bị thương tật, gầy yếu, còi cọc, sau khi đã tận tình cứu chữa, chăm sóc, nhưng xét không sống được hoặc sống cũng không dùng cày kéo, sinh sản, lấy sữa được.
3. Trâu cày kéo trên 12 tuổi, bò cày kéo trên 10 tuổi, không còn khả năng cày kéo.
4. Trâu cái trên 3 năm liền không đẻ, bò cái trên 2 năm liền không đẻ, xét không có khả năng sinh sản và cày kéo.
5. Trâu, bò đực giống, sau khi đã sử dụng 1 năm, xét không còn khả năng truyền giống và cày kéo.
Điều 4. - Một số vùng ở miền núi, được Ủy ban hành chính tỉnh công nhận là có tập quán ăn thịt trâu, được phép mổ thịt trâu đực, nghé đực không dùng làm giống, cày kéo và không nằm trong kế hoạch cung cấp cho đồng bằng.
Điều 5. - Các cơ quan y tế, thú y của trung ương và địa phương có thể xin phép mổ thịt một số loại trâu, bò, bê, nghé ngoài tiêu chuẩn quy định ở điều 3 để nghiên cứu, thí nghiệm và chế thuốc, nhưng không được giết con cái, trừ trường hợp công trình thí nghiệm đó nhất thiết phải dùng con cái.
Chương 3:
THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CHO PHÉP MỔ THỊT TRÂU, BÒ
Điều 6. - Khi mổ thịt trâu, bò phải có cán bộ chăn nuôi, thú y xác nhận và Ủy ban hành chính các cấp sau đây cho phép.
1. Ủy ban hành chính xã, thị trấn cho phép mổ thịt các loại trâu, bò quy định ở các điểm 1, 2 trong điều 3 và điều 4, chậm nhất là 5 ngày sau khi giết mổ Ủy ban hành chính xã, thị trấn phải báo cáo cho Ủy ban hành chính huyện biết, Ủy ban hành chính huyện phải kiểm tra chặt chẽ việc cho mổ thịt trâu, bò của xã, thị trấn.
2. Ủy ban hành chính huyện hoặc cấp tương đương cho phép mổ thịt những loại trâu, bò nói ở các điểm 3, 4, 5 trong điều 3.
3. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép mổ thịt loại trâu, bò nói ở điều 5.
Điều 7. - Tất cả trâu, bò được phép mổ thịt của hợp tác xã, nông trường, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị vũ trang hoặc tư nhân đều phải mổ ở lò sát sinh, trường hợp ở xa lò sát sinh trên 3km thì có thể mổ thịt ở ngoài nhưng phải báo cho cán bộ thú y của xã hoặc huyện biết để kiểm soát thịt, phủ tạng và hướng dẫn tiêu độc nơi giết mổ.
Cấm mổ thịt trâu, bò bị bệnh dịch, cấm mổ thịt trâu bò ở nơi đang có dịch trâu, bò.
Cấm không được thui trâu, bò khi mổ thịt, phải giữ lại da để bán cho Nhà nước.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. - Hàng năm, khi làm thống kê chăn nuôi, Ủy ban Nông nghiệp các cấp và các cơ sở chăn nuôi phải tổ chức kiểm tra phân loại trâu, bò làm giống, sinh sản, cày kéo, lấy thịt, lấy sữa để giám sát chặt chẽ việc sử dụng và giết thịt.
Điều 9. - Đơn vị hoặc cá nhân nào mổ thịt trâu, bò trái phép tùy trường hợp sẽ bị phạt tiền từ 10 đồng đến 100 đồng, nếu tái phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
Người nào cố tình tạo ra những trường hợp làm cho trâu, bò thuộc loại cấm giết mổ, bị thương tật để mổ thịt hoặc lạm sát trâu, bò nhiều lần sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Việc xử phạt do Ủy ban hành chính xã, thị trấn đề nghị, Ủy ban hành chính huyện, tỉnh hoặc cấp tương đương quyết định.
Điều 10. - Trong mọi trường hợp vi phạm, thịt trâu, bò mổ trái phép đều bị tịch thu. Tiền bán thịt nộp vào ngân sách xã. Tiền phạt nộp vào ngân sách Nhà nước.
Điều 11. - Kể từ nay, mọi việc giết mổ trâu, bò trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị vũ trang, các tổ chức xã hội và nhân dân đều phải tuân theo các quy định trong nghị định này.
Nghị định số 97-CP ngày 31-7-1961 và các văn bản trước đây quy định việc sát sinh trâu, bò đều bãi bỏ.
Điều 12. - Ông Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành nghị định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |