Nghị định số 130-CP ngày 29/09/1961 của Hội đồng Chính phủ Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 130-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Ngày ban hành: 29-09-1961
- Ngày có hiệu lực: 14-10-1961
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 130-CP | Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 1961 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ NỘI VỤ
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 7 năm 1960.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1: - Bộ Nội vụ là cơ quan ngang của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quả lý công tác tổ chức và dân chính theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt công tác xí nghiệp và kiện toàn bộ máy Nhà nước và công tác dân chính, nhằm phát huy tác dụng của bộ máy chính quyền nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Điều 2: - Bộ Nội vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ trong phạm vi trách nhiệm quy định ở điều 1, chỉ đạo thực hiện các chính sách chế độ, thể lệ ấy.
2. Chỉ đạo thực hiện việc xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước các cấp:
- Trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn việc thành lập hoặc bãi bỏ các Văn phòng, Vụ, Cục, Viện, Sở, Ty và các đơn vị tổ chức tương đương;
- Cùng các ngành, các cấp quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các Phòng và các đơn vị tổ chức tương đương;
- Hướng dẫn theo dõi các ngành, các cấp thực hiện việc xây dựng và cải tiến chế độ công tác và lề lối làm việc.
3. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ dự án điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cho phù hợp với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
4. Chỉ đạo tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp theo luật lệ quy định.
5. Quản lý trường Hành chính trung ương, chỉ đạo việc huấn luyện ủy viên Ủy ban hành chính các cấp và cán bộ làm công tác hành chính trong Văn phòng của các ngành các cấp.
6. Thống kê lực lượng cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp trong bộ máy Nhà nước; kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục trong việc tuyển dụng cán bộ, nhân viên mới của các ngành các cấp; điều động, phân phối cán bộ thuộc phạm vi Bộ Nội vụ phụ trách; khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng cán bộ, nhân viên trong bộ máy giúp việc Ủy ban hành chính.
7. Quản lý công tác biên chế các cơ quan Nhà nước thuộc khu vực không sản xuất.
8. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành những chế độ đãi ngộ chung đối với cán bộ các ngành, các cấp và hướng dẫn thi hành; chỉ đạo công tác tiền lương, bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể của các cơ quan Nhà nước thuộc khu vực không sản xuất và của các đoàn thể được Nhà nước trợ cấp.
9. Chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ đối với thương binh, liệt sĩ, quân nhân phục viên và các chính sách, luật lệ về hộ tịch, quốc tịch lập hội, hội họp, di dân, lạc quyên, mồ mả, hàng binh Âu Phi v.v…
10. Chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ đối với Việt kiều về nước.
11. Quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy.
12. Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, lao động tiền lương, tài sản, tài vụ của Bộ, theo chế độ chung của Nhà nước.
Điều 3: - Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ và trước Quốc hội lãnh đạo toàn bộ công tác của Bộ như điều 2 đã quy định. Các Thứ trưởng Bộ Nội vụ giúp Bộ trưởng trong việc lãnh đạo chung và có thể được Bộ trưởng ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Bộ.
Trong phạm vi quyền hạn của mình, trên cơ sở và để thi hành pháp luật, và các nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra những thông tư, quyết định và kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thi hành những thông tư, quyết định ấy; đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những thông tư; quyết định có liên quan đến công tác của Bộ Nội vụ mà xét thấy không thích đáng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hay của Ủy ban hành chính địa phương.
Điều 4: - Tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ gồm có:
- Vụ văn phòng
- Vụ Tổ chức và cán bộ
- Vụ Chính quyền địa phương
- Vụ Biên chế và tiền lương
- Vụ Dân chính và thương binh
- Vụ Việt kiều
- Cục Phòng cháy và chữa cháy
- Và các đơn vị sự nghiệp do Bộ quản lý
Việc thành lập, sửa đổi hoặc bãi bỏ Văn phòng, các Vụ, Cục, và đơn vị tương đương do Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.
Nhiệm vụ của Văn phòng, các Vụ, Cục và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ quản lý sẽ quy định trong điều lệ tổ chức của Bộ Nội vụ do Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.
Điều 5: - Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm thi hành nghị định này.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |