TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5901/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1999 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 590/TCHQ-GSQL NGÀY 17 THÁNG 10 NĂM 1999 VỀ VIỆC THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI CHUYẾN THƯ ĐƯỜNG BỘ GIỮA VN-TQ
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
Ngày 11/12/1998 Tổng cục Hải quan và Tổng cục Bưu điện đã ban hành Thông tư Liên tịch số 06/1998/TTLT về việc làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện. vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh. Tổng cục Hải quan hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh, thành phố những nơi có tổ chức Hải quan Bưu điện thống nhất thực hiện thủ tục hải quan đối với chuyến thư đường bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Theo thoả thuận hoạt động chuyến thư đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được phân cấp như sau:
- Hải quan Bưu điện Hà Nội hoàn thành thủ tục hải quan đối với chuyến thư đường bộ xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Việt Nam và các nước khác quá giang qua Trung Quốc.
- Hải quan Bưu điện TP. Hồ Chí Minh hoàn thành thủ hải quan đối với chuyến thư đường bộ xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khác quá giang qua Trung Quốc.
- Hải quan Lạng Sơn, Hải quan Lào Cai trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu (nhập khẩu) theo quy định đối với bưu phẩm, bưu kiện có địa chỉ người gửi (người nhận) thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai quản lý và địa chỉ người nhận (người gửi) thuộc các tỉnh của Trung Quốc theo quy định giữa cơ quan Bưu điện Việt Nam với cơ quan Bưu điện Trung Quốc.
2. Bưu phẩm, bưu kiện, ấn phẩm (dưới đây được viết là BP, BK) mỗi lần xuất khẩu, nhập khẩu theo chuyến thư đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đều được đóng vào các túi chuyên dụng theo quy định của Cơ quan Bưu điện (dưới đây được viết là túi) và được vận chuyển bằng xe ô tô chuyên dùng của cơ quan Bưu điện. Trường hợp đặc biệt bưu kiện, bao gói không đóng được vào túi thì bưu kiện, bao gói đó được để ngoài túi trong quá trình vận chuyển.
- Hải quan có trách nhiệm niêm phong hải quan theo đúng quy định đối với từng túi, từng bưu kiện, bao gói để ngoài túi xe ôtô chuyên dùng.
- Túi phải đảm bảo chắc chắn và niêm phong được xi chì của Bưu điện và niêm phong hải quan tại cổ túi.
3. Cơ quan Bưu điện có trách nhiệm thông báo trước cho đơn vị Hải quan liên quan biết cụ thể về kế hoạch, về thời gian giao nhận từng chuyến thư đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc để đảm bảo công tác phối hợp thực hiện thủ tục hải quan theo quy định.
3.1. Trước khi tiến hành thủ tục giao nhận, thủ tục chuyển tiếp đối với chuyến thư đường bộ Hải quan nơi làm thủ tục phải kiểm tra cụ thể về tình trạng xi chì bưu điện, niêm phong hải quan của từng túi, từng bưu kiện, bao gói để ngoài túi và phương tiện vận chuyển.
3.2 Trường hợp phát hiện xi chì bưu điện, niêm phong hải quan có dấu hiệu vi phạm, khác thường hoặc bị mất, hư hỏng, túi bao bì bị thủng rách, đổ vỡ thì Hải quan có trách nhiệm lập biên bản chứng nhận với cơ quan liên quan theo quy định; căn cứ bản kê chi tiết từng bưu phẩm (có ký hiệu CN 31, CN 33) và từng bưu kiện (có ký hiệu CP 86) để tiến hành thủ tục tái kiểm tra trước sự chứng kiến của nhân viên bưu điện.
II. MỘT SỐ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:
1. Thủ tục hải quan tại Bưu cục ngoại dịch Hà Nội:
1.1 Đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu:
Hải quan tiến hành thủ tục hải quan theo quy định tại các Điểm 2.1, 2.2.1, 2.2.2 Mục 2, phần II, TTLT số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ.
1.1.1 Tiếp nhận và làm thủ tục trực tiếp đối với BPBK xuất khẩu:
Hải quan có trách nhiệm làm thủ tục hải quan theo quy định đối với từng BP, BK của khách hàng trực tiếp gửi đi Trung Quốc và các nước khác quá giang qua Trung Quốc.
1.1.2 Tiếp nhận và làm thủ tục chuyển tiếp các BP, BK xuất khẩu:
- Tiến hành tiếp nhận BP, BK đã hoàn thành thủ tục hải quan và 02 phiếu chuyển tiếp do Hải quan Bưu điện TP. Hồ Chí Minh và Bưu cục kiểm quan có tổ chức Hải quan lập và gửi.
- Vào sổ quản lý, theo dõi.
- Tiến hành xác nhận tình trạng thực tế về niêm phong hải quan, xi chì bưu điện, về bao bì trên 02 phiếu chuyển tiếp. Kết thúc việc xác nhận gửi trả 01 phiếu cho đơn vị Hải quan lập để thanh khoản theo quy định. Còn 01 phiếu hải quan Bưu điện Hà Nội lưu trữ, quản lý theo từng chuyến tiếp nhận.
- Tiến hành tiếp thủ tục hải quan theo quy định để Bưu cục ngoại dịch Hà Nội đóng chuyến thư đường bộ gửi ra nước ngoài.
1.2 Đối với bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu:
Hải quan tiến hành thủ tục theo quy định tại các Điểm 1.2, 1.3, 1.4 Mục 1, phần II, TTLT số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ.
1.2.1 Tiếp nhận và làm thủ tục trực tiếp đối với BP, BK nhập khẩu:
- Hải quan và Bưu điện phối hợp theo quy định để tiếp nhận chuyến thư đường bộ gửi từ Trung Quốc từ các nước khác quá giang qua Trung Quốc và 02 phiếu chuyển tiếp do Hải quan Lạng Sơn hoặc Hải quan Lào Cai lập và gửi.
- Vào sổ quản lý, theo dõi.
- Tiến hành xác nhận tình trạng thực tế về niêm phong hải quan, về xi chì bưu điện, về bao bì trên 02 phiếu chuyển tiếp. Kết thúc việc xác nhận gửi trả 01 phiếu cho đơn vị Hải quan lập và gửi để thanh khoản theo quy định. Còn 01 phiếu được lưu trữ quản lý theo từng chuyến tiếp nhận.
- Tiến hành tiếp thủ tục hải quan theo quy định.
1.2.2 Tiếp nhận và làm thủ tục chuyển tiếp các BP, BK nhập khẩu:
Căn cứ Điểm 1.2, Mục 1, phần II, TTLT số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ để tiến hành thủ tục hải quan.
2. Thủ tục hải quan tại Bưu cục ngoại dịch TP. Hồ Chí Minh:
2.1 Đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu:
Hải quan tiến hành thủ tục hải quan theo quy định tại các Điểm 2.1, 2.2.1, 2.2.2 Mục 2, phần II TTLT số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ.
2.1.1 Tiếp nhận và làm thủ tục trực tiếp đối với BP, BK xuất khẩu:
- Hải quan có trách nhiệm làm thủ tục hải quan theo quy định đối với từng BP, BK gửi đi Trung Quốc và các nước khác quá giang qua Trung Quốc.
- Lập 02 phiếu chuyển tiếp và gửi cho Hải quan Lạng Sơn đối với BP, BK gửi đi các nước khác quá giang qua Trung Quốc.
- Lập 02 phiếu chuyển tiếp và gửi cho Hải quan Bưu điện Hà Nội đối với BP, BK được chuyển tiếp đến Bưu cục ngoại dịch Hà Nội (thuộc Trung tâm Bưu chính liên tỉnh và Quốc tế khu vực I) để làm tiếp thủ tục đóng chuyển thư đường bộ gửi Bưu cục ngoại dịch Bắc Kinh. Bưu cục ngoại dịch Nam Ninh, Bưu cục ngoại dịch Côn Minh của Trung Quốc.
- Vào sổ quản lý, theo dõi.
2.1.2 Tiếp nhận và làm thủ tục chuyển tiếp các BP, BK xuất khẩu:
- Tiến hành tiếp nhận BP, BK đã hoàn thành thủ tục hải quan và 02 phiếu chuyển tiếp do Bưu cục kiểm quan có tổ chức Hải quan lập và gửi.
- Vào sổ quản lý, theo dõi.
- Tiến hành xác nhận tình trạng thực tế về niêm phong hải quan, về xi chì bưu điện, về bao bì trên 02 phiếu chuyển tiếp. Kết thúc việc xác nhận gửi trả 01 phiếu cho đơn vị Hải quan lập và gửi để thanh khoản theo quy định. Còn 01 phiếu được lưu trữ, quản lý theo từng chuyến tiếp nhận.
- Tiến hành tiếp thủ tục hải quan theo quy định để Bưu cục ngoại dịch TP Hồ Chí Minh chuyển tiếp BP, BK cho Bưu cục ngoại dịch Hà Nội để đóng chuyến thư đường bộ gửi ra nước ngoài.
2.2. Đối với bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu:
Hải quan tiến hành thủ tục hải quan theo quy định tại các Điểm 1.2, 1.3, 1.4, Mục 1, phần II, TTLT số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ.
2.2.1. Tiếp nhận và làm thủ tục trực tiếp đối với BP, BK nhập khẩu:
- Tiếp nhận BP, BK gửi từ Trung Quốc do Bưu cục ngoại dịch Hà Nội đã khai thác, phân loại và 02 phiếu chuyển tiếp do Hải quan Bưu điện Hà Nội lập và gửi.
- Tiếp nhận chuyến thư đường bộ gửi từ các nước khác quá giang qua Trung Quốc và 02 phiếu chuyển tiếp do Hải quan Lạng Sơn lập và gửi.
- Vào sổ quản lý, theo dõi.
- Tiến hành xác nhận tình trạng thực tế về niêm phong hải quan, về xi chì bưu điện, về bao bì trên 02 phiếu chuyển tiếp. Kết thúc việc xác nhận gửi trả 01 phiếu cho Hải quan Bưu điện Hà Nội hoặc Hải quan Lạng Sơn để thanh khoản theo quy định. Còn 01 phiếu được lưu trữ, quản lý theo từng chuyến tiếp nhận.
- Tiến hành tiếp thủ tục hải quan theo quy định.
2.2.2 Tiếp nhận và làm thủ tục chuyển tiếp các BP, BK nhập khẩu:
Căn cứ Điểm 1.2, Mục 1, phần II, TTLT số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ để tiến hành thủ tục hải quan.
3. Thủ tục Hải quan tại Bưu cục cửa khẩu Hữu nghị - Lạng Sơn, Bưu cục cửa khẩu Hoàng Liên - Lào Cai:
3.1. Căn cứ quy định tại Điểm 1.3, 1.4, Mục 1, Điểm 2.2.2, Mục 2 phầm II, TTLT số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ Hải quan Lạng Sơn, Hải quan Lào Cai tiến hành thủ tục hải quan đối với BP, BK xuất khẩu, nhập khẩu (theo đúng quy định phân cấp tại Điểm I.1 nêu trên).
3.2 Căn cứ quy định tại Điểm 1.1, Mục 1, Điểm 2.2.3, Mục 2 phần II, TTLT số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ Hải quan Lạng Sơn và Hải quan Lào Cai tiến hành thủ tục giao nhận, chuyển tiếp chuyến thư đường bộ.
3.3 Tiến hành giám sát liên tục, chặt chẽ việc giao nhận chuyến thư giữa nhân viên Bưu điện Việt Nam với nhân viên Bưu điện Trung Quốc tại Bưu cục cửa khẩu Hữu nghị và Bưu cục cửa khẩu Hoàng Liên hoặc khi nhân viên Bưu điện Việt Nam vận chuyển BP, BK qua cửa khẩu.
3.4 Kết thúc thủ tục giao nhận:
3.4.1 Đối với chuyến thư gửi ra nước ngoài (xuất khẩu):
Hải quan Lạng Sơn và Hải quan Lào Cai có trách nhiệm xác nhận tình trạng thực tế về niêm phong hải quan, về xi chì bưu điện, về bao bì trên 02 phiếu chuyển tiếp. Kết thúc việc xác nhận gửi trả 01 phiếu cho đơn vị Hải quan nơi lập phiếu để thanh khoản theo quy định. Còn 01 phiếu được lưu trữ, quản lý theo từng chuyến tiếp nhận.
3.4.2 Đối với chuyến thư nhận vào Việt Nam (nhập khẩu):
Hải quan Lạng Sơn và Hải quan Lào Cai có trách nhiệm:
- Giám sát liên tục, chặt chẽ quá trình khai thác và phân loại của nhân viên Bưu điện.
- Niêm phong hải quan theo quy định đối với từng túi, từng bưu kiện, bao gói để ngoài túi, xe ôtô chuyên dùng của cơ quan Bưu điện về vận chuyển BP, BK có địa chỉ người nhận không thuộc tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Lào Cai đến Bưu cục ngoại dịch Hà Nội.
- Lập 02 phiếu chuyển tiếp và gửi cho Hải quan Bưu điện Hà Nội.
- Lập 02 phiếu chuyển tiếp và gửi cho Hải quan Bưu điện TP. Hồ Chí Minh đối với chuyến thư đường bộ nhận từ các nước khác quá giang sang Trung Quốc.
- Vào sổ quản lý, theo dõi.
III. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNH LÝ, HÀNG HOÁ CỦA NHÂN VIÊN BƯU ĐIỆN, NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆNVẬN CHUYỂN VÀ PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN KHIXUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH TẠI CỬA KHẨU HỮU NGHỊVÀ CỬA KHẨU LÀO CAI:
1. Căn cứ thực tế giấy tờ (hộ chiếu, giấy thông hành, chứng minh thư biên giới...) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của mỗi nước cấp cho nhân viên bưu điện, người điều khiển phương tiện vận chuyển khi xuất cảnh, nhập cảnh thường xuyên tại cửa khẩu Hữu nghị và cửa khẩu Lào Cai để giải quyết thủ tục hải quan theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
2. Xe ôtô vận chuyển BP, BK của hai nước là loại xe ôtô chuyên dùng được quy định tại biên bản ghi nhớ giữa cơ quan Bưu điện Việt Nam với cơ quan Bưu điện Trung Quốc và thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Giao thông vận tải (nếu có).
Xe ôtô chuyên dùng khi xuất cảnh, nhập cảnh tiến hành thủ tục hải quan theo loại hình tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập và sử dụng tờ khai hải quan có ký hiệu HQ2-96 để quản lý, theo dõi (không sử dụng giấy phép hải quan để quản lý, theo dõi).
IV. CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA CỤC HẢI QUANCÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
1. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đảm bảo phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình làm thủ tục chuyển tiếp BP, BK xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định và đảm bảo về thời gian đối với từng chuyến thư đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Việt Nam và các nước khác quá giang qua Trung Quốc của cơ quan Bưu điện.
2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện cụ thể tại các đơn vị mình quản lý để có biện pháp phối hợp với Cơ quan Bưu điện sở tại trong quá trình tiến hành thủ tục hải quan đối với BP, BK xuất khẩu, nhập khẩu theo chuyến thư đường bộ được nhanh chóng và thuận lợi, nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu nêu trên được chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.
3. Định kỳ 6 tháng, hàng năm Hải quan và cơ quan Bưu điện sở tại có trách nhiệm cùng tổ chức sơ kết, đánh giá công tác phối hợp giữa hai cơ quan, rút kinh nghiệm, đề xuất biện pháp tháo gỡ vướng mắc (nếu có) và báo cáo lãnh đạo mỗi ngành để cùng phối hợp chỉ đạo kịp thời.
Mọi vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời (kèm đề xuất ý kiến) Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát Quản lý về hải quan) để có chỉ đạo giải quyết cụ thể.
| Nguyễn Văn Cầm (Đã ký)
|