cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn về việc giải quyết vướng mắc trong gia công hàng hoá

  • Số hiệu văn bản: 2559/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Ngày ban hành: 13-05-1999
  • Ngày có hiệu lực: 13-05-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2559/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 1999

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 2559/TCHQ-GSQL NGÀY 13-5-1999VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC TRONG GIA CÔNG HÀNG XUẤT KHẨU

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Thời gian qua Tổng cục Hải quan nhận được ý kiến của các doanh nghiệp và hải quan một số địa phương phản ánh vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 57/1998/NĐ-CP về gia công hàng hoá với thương nhân nước ngoài. Theo đề nghị của Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại đã có cuộc họp với Tổng cục Hải quan và Bộ Kế hoạch Đầu tư để giải quyết những vướng mắc trên. Ngày 28-4-1999, Bộ Thương mại ban hành Văn bản số 1723/TM-ĐT (có sao kèm) về giải quyết các vấn đề trên. Các địa phương nghiên cứu nắm vững các nội dung này để thực hiện. Dưới đây, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thêm một số vấn đề về thủ tục hải quan để thực hiện thống nhất trong cả nước:

1- Đối với trường hợp sản phẩm gia công được bán cho doanh nghiệp Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu:

Doanh nghiệp mua sản phẩm gia công phải ký hợp đồng mua bán với bên bán nước ngoài (là bên thuê gia công hoặc người mua hàng của bên thuê gia công bán lại cho doanh nghiệp). Trong hợp đồng phải ghi rõ hàng được giao tại doanh nghiệp Việt Nam nhận gia công (tên, địa chỉ doanh nghiệp này, hàng thuộc hợp đồng gia công nào).

Sản phẩm này phải phù hợp với phạm vi ngành hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mua hàng, phải phù hợp với chính sách quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá và quản lý nhập khẩu công nghệ của Nhà nước. Nếu bên mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì sản phẩm gia công này phải là mặt hàng thuộc kế hoạch nhập khẩu đã được Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền duyệt.

Về thủ tục hải quan thực hiện như sau:

a) Thủ tục xuất khẩu (thủ tục giao sản phẩm của doanh nghiệp nhận gia công):

(i) Doanh nghiệp xuất khẩu giao sản phẩm phải làm thủ tục xuất như đối với xuất sản phẩm gia công ra nước ngoài.

(ii) Nhiệm vụ của hải quan làm thủ tục xuất khẩu (hải quan quản lý hợp đồng gia công): thực hiện đăng ký tờ khai như đối với xuất sản phẩm gia công ra nước ngoài quy định tại Thông tư số 03/1998/TT-TCHQ.

b) Thủ tục nhập khẩu (thủ tục nhận hàng của doanh nghiệp mua):

(i) Doanh nghiệp nhập khẩu: mở tờ khai nhập khẩu và thực hiện các chính sách về nhập khẩu, chính sách thuế theo đúng loại hình nhập khẩu.

(ii) Nhiệm vụ của hải quan làm thủ tục nhập khẩu:

Làm thủ tục nhập khẩu như quy định đối với một lô hàng nhập khẩu từ nước ngoài theo đúng loại hình (trong bộ hồ sơ không yêu cầu phải có B.L).

c) Việc kiểm tra thực tế hàng hoá: sau khi đăng ký tờ khai với hải quan làm thủ tục xuất, doanh nghiệp xuất khẩu (doanh nghiệp giao sản phẩm gia công) tổ chức giao hàng cho doanh nghiệp nhập khẩu. Hải quan làm thủ tục nhập khẩu thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hoá, xác nhận thực xuất vào tờ khai xuất, trả lại 02 bản cho doanh nghiệp xuất để nộp một bản cho hải quan xuất và lưu 01 bản vào hồ sơ hợp đồng gia công; xác nhận thực nhập vào tờ khai nhập khẩu.

- Xác nhận thực xuất phải ghi rõ số, ngày, tháng, năm nơi mở tờ khai nhập khẩu nơi giao hàng.

- Xác nhận thực nhập phải ghi rõ ngày, tháng, năm của tờ khai xuất nơi nhận hàng, hàng là sản phẩm gia công của công ty.... thuộc hợp đồng gia công số..... ngày, tháng, năm.

- Thực hiện các bước thủ tục khác và chính sách thuế theo đúng quy định của từng loại hình.

2. Về việc chuyển nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị thuê mướn từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác không cùng đối tác thuê gia công:

Trên cơ sở hợp đồng gia công đã được hải quan tiếp nhận và chỉ định của các bên thuê gia công, các bên nhận gia công và đơn vị hải quan quản lý các hợp đồng gia công thực hiện thủ tục giao nhận như đối với thủ tục hải quan quy định tại Điểm 1 trên đây.

Đối với việc chuyển nguyên phụ liệu: để đảm bảo chuyển giao đúng nguyên phụ liệu đã nhập khẩu, doanh nghiệp giao phải xuất trình cho hải quan bên nhận mẫu lưu nguyên phụ liệu do hải quan làm thủ tục nhập khẩu những dây đã niêm phòng và hải quan bên nhận phải tiến hành đối chiếu ngay những phụ liệu chuyển giao với mẫu lưu nguyên liệu này, nếu phù hợp thì tiến hành lấy mẫu mới cho hợp đồng nhận nguyên phụ liệu theo quy định hiện hành.

Quy định lấy mẫu này cũng áp dụng cho cả các trường hợp chuyển nguyên phụ liệu, vật tư nêu tại Điểm 4, Mục A, Phần III, Thông tư số 03/1998/TT-TCHQ ngày 29-8-1998.

3. Thủ tục hải quan giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp quy định tại Điểm 5, Mục A, phần III, Thông tư số 03/1998/TT-TCHQ áp dụng cho cả trường hợp khác đối tác thuê gia công.

Về quy định: giao, nhận đúng, đủ sản phẩm nêu tại Điểm 5.2, Mục A, phần III, Thông tư số 03/1998/TT-TCHQ được hiểu như sau:

- Giao, nhận đúng sản phẩm có nghĩa là sản phẩm mà hai bên giao, nhận phải đúng về chủng loại, tên gọi, quy cách, phẩm cấp như khai báo trên phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp. Sản phẩm này phải được sản xuất từ chính nguyên phụ liệu mà Bên giao đã làm thủ tục nhập khẩu.

- Giao nhận đủ sản phẩm có nghĩa là sản phẩm mà hai bên thực tế giao, nhận phải đủ về số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng như khai báo trên Phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp.

4. Cụm từ "Xí nghiệp hoặc trụ sở của doanh nghiệp" nêu tại Điểm 3, phần I, Thông tư số 03/1998/TT-TCHQ được hiểu như sau:

Trụ sở của doanh nghiệp bao gồm trụ sở chính của doanh nghiệp và trụ sở các chi nhánh của doanh nghiệp, nếu các chi nhánh đó có giấy đăng ký kinh doanh giấy chứng nhận đăng ký thuế riêng.

Xí nghiệp bao gồm xí nghiệp của doanh nghiệp và xí nghiệp của doanh nghiệp khác mà hợp đồng gia công được thực hiện ở đó.

Theo đó doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan cho hợp đồng gia công của mình tại một đơn vị hải quan nơi có trụ sở chính/trụ sở chi nhánh của doanh nghiệp hoặc nơi có xí nghiệp của doanh nghiệp/xí nghiệp của doanh nghiệp khác mà hợp đồng gia công được thực hiện tại đó, nhưng đã làm thủ tục hải quan tại đơn vị hải quan nào, thì phải làm trọn hợp đồng ở đơn vị hải quan đó.

5. Vấn đề quản lý định mức với hàng gia công:

Tại Điểm 8.1. Phần III, Thông tư số 03/1998/TT-TCHQ quy định "Trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công, hải quan không kiểm tra định mức từng mã hàng. Nhưng khi có căn cứ chứng tỏ định mức ghi trong hợp đồng không chính xác, không trung thực, hải quan sẽ tiến hành kiểm tra định mức".

Hải quan các tỉnh, thành phố cần nắm vững quan điểm và nội dung của quy định này để có biện pháp quản lý phù hợp, đảm bảo thuận lợi nhưng chặt chẽ, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc lợi dụng để gian lận chốn thuế. Trong các biện pháp, đặc biệt chú trọng biện pháp kiểm tra và giải phóng hàng được quy định tại Khoản 2, Điều 10, Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27-3-1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan.

6. Các vi phạm quy định về quản lý hàng gia công (kể cả vi phạm về thời hạn thanh khoản hợp đồng gia công) đều phải được xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định tại Khoản 7, Điều 3, Nghị định số 54/1998/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 12, Nghị định 16/CP ngày 20-3-1996 (Điều 12 C mới) và tại các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, một cách có hệ thống, Hải quan các tỉnh, thành phố cần đề nghị Tổng cục Hải quan áp dụng biện pháp cưỡng chế, không làm thủ tục hải quan cho các lô hàng gia công tiếp theo của doanh nghiệp có vi phạm.

Nhận được văn bản này, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, bất hợp lý cần kịp thời báo cáo kèm ý kiến đề xuất gửi về Tổng cục Hải quan để có chỉ đạo.

 

Nguyễn Văn Cầm

(Đã ký)