Nghị định số 15/2009/NĐ-CP ngày 13/02/2009 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định 97/2006/NĐ-CP quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 15/2009/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 13-02-2009
- Ngày có hiệu lực: 01-04-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 17-11-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1691 ngày (4 năm 7 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 17-11-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2009/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2009 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 97/2006/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 9 NĂM 2006 QUY ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRỤC XUẤT THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 2000;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 04 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2006/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2006 quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính:
1. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 5. Thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất
1. Bộ trưởng Bộ Công an có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính.
2. Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công an”.
2. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Trình tự áp dụng hình thức xử phạt trục xuất
1. Cơ quan phát hiện vi phạm xét thấy người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, phải gửi ngay hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài đăng ký cư trú hoặc nơi xảy ra hành vi vi phạm để lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Đối với trường hợp vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước khác ở Trung ương, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phát hiện thì hồ sơ vi phạm được gửi đến Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh để lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
2. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Hồ sơ gồm có:
a) Tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị trục xuất;
b) Tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật hành chính;
c) Các hình thức xử lý đã áp dụng (đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm);
d) Văn bản đề nghị trục xuất (đối với trường hợp không được phân cấp).
3. Đối với trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an phân cấp cho Giám đốc Công an cấp tỉnh, thì ngay sau khi hoàn chỉnh hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính, Giám đốc Công an cấp tỉnh phải xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thì phải thông báo ngay cho cơ quan phát hiện vi phạm biết.
4. Đối với trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an phân cấp cho Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh thì ngay sau khi hoàn chỉnh hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, Giám đốc Công an cấp tỉnh phải chuyển hồ sơ và văn bản đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất cho Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh để ra quyết định trục xuất.
Trong thời hạn năm ngày, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị trục xuất của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh có trách nhiệm xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thì thông báo cho cơ quan phát hiện vi phạm và Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ biết.
5. Đối với trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất thì ngay sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, Giám đốc Công an cấp tỉnh phải chuyển hồ sơ và văn bản đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất cho Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh để xem xét trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Trong thời hạn năm ngày, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị trục xuất của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Nếu đủ điều kiện thì làm báo cáo đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất; nếu không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thì thông báo cho cơ quan phát hiện vi phạm và Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ biết.
Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đề nghị trục xuất của Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính.
6. Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh nếu trực tiếp phát hiện người nước ngoài vi phạm hành chính hoặc tiếp nhận hồ sơ vi phạm từ các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước khác ở trung ương, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an thì tiến hành lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu đối tượng vi phạm thuộc trường hợp được phân cấp thì Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh ra quyết định xử phạt trục xuất; nếu không thuộc trường hợp được phân cấp thì báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an hoặc chuyển cho Giám đốc Công an cấp tỉnh để ra quyết định trục xuất”.
3. Điều 7 được sửa đổi như sau:
“Điều 7. Quyết định xử phạt trục xuất
1. Quyết định xử phạt trục xuất phải ghi rõ những nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định xử phạt trục xuất;
b) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt trục xuất;
c) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu của người bị trục xuất;
d) Hành vi vi phạm hành chính của người bị trục xuất;
đ) Điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng; hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, có biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);
e) Thời gian thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
g) Nơi bị trục xuất đến;
h) Cửa khẩu thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
i) Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
k) Chữ ký của người ra quyết định xử phạt trục xuất.
2. Quyết định trục xuất phải được gửi cho đương sự, cơ quan, tổ chức là đối tác phía Việt Nam (nếu có) và Bộ Ngoại giao trước khi thi hành”.
4. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 9. Hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất
1. Người bị trục xuất được hoãn thi hành quyết định trong những trường hợp sau đây:
a) Bị ốm nặng, phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe không thể thực hiện được quyết định xử phạt trục xuất có chứng nhận của bệnh viện hoặc trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên hoặc các trường hợp bất khả kháng khác;
b) Phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật.
2. Trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, ra quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất đối với trường hợp do Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất.
3. Trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Công an cấp tỉnh, hoặc của Thủ trưởng đơn vị quản lý người nước ngoài thuộc Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh xem xét, ra quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất đối với trường hợp do Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh ra quyết định trục xuất.
4. Trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng đơn vị quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh xem xét, ra quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất đối với trường hợp do Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định trục xuất.
5. Khi điều kiện hoãn không còn thì quyết định xử phạt trục xuất được tiếp tục thi hành”.
5. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 12. Trường hợp người bị trục xuất bị ốm hoặc chết trong thời gian làm thủ tục trục xuất
1. Người nước ngoài bị ốm trong thời gian làm thủ tục trục xuất được điều trị tại nơi quản lý. Trường hợp ốm nặng thì Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh hoặc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất có trách nhiệm đưa họ đến cơ sở y tế để điều trị; đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân biết.
2. Trường hợp người nước ngoài bị chết trong thời gian làm thủ tục trục xuất thì Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất phải báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền; cơ quan, tổ chức là đối tác phía Việt Nam (nếu có) đồng thời thông báo cho Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân biết để phối hợp giải quyết.
3. Việc đưa thi thể người nước ngoài bị chết trong thời gian làm thủ tục trục xuất về nước và các chi phí cho việc mai táng, đưa thi thể về nước do thân nhân gia đình, cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc cơ quan ngoại giao, lãnh sự của nước mà người đó là công dân chịu trách nhiệm. Trong trường hợp không thực hiện được theo các cách đó thì Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh hoặc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ chịu trách nhiệm thực hiện”.
6. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 13. Trách nhiệm của Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh
1. Lập hồ sơ thi hành quyết định xử phạt trục xuất, bao gồm:
a) Quyết định xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính;
b) Bản sao hộ chiếu hoặc bản sao giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu của người bị trục xuất;
c) Giấy tờ chứng nhận đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác (nếu có);
d) Các tài liệu khác có liên quan.
2. Gửi quyết định xử phạt trục xuất cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân; đồng thời, gửi một bản quyết định cho người bị trục xuất để thi hành.
3. Thu thập, tiếp nhận các thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt trục xuất.
4. Phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất.
5. Tổ chức trục xuất theo quyết định”.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2009. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |