Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/06/2005 của Chính phủ Về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 79/2005/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 16-06-2005
- Ngày có hiệu lực: 12-07-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-04-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2089 ngày (5 năm 8 tháng 24 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-04-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/2005/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2005 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 79/2005/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 2005 QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI LÝ LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đại lý làm thủ tục hải quan
Đại lý làm thủ tục hải quan (dưới đây gọi tắt là đại lý hải quan) là thương nhân thay mặt người có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây gọi tắt là chủ hàng) thực hiện trách nhiệm của người khai hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hải quan và thực hiện các công việc khác về thủ tục hải quan theo thoả thuận trong hợp đồng.
Điều 2.Điều kiện làm đại lý hải quan
Đại lý hải quan phải có đầy đủ các điều kiện sau:
1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Có ngành nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc dịch vụ khai thuê hải quan ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Có ít nhất một (01) nhân viên đại lý hải quan.
4. Đáp ứng điều kiện nối mạng máy tính với cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố (dưới đây gọi tắt là Cục Hải quan tỉnh) đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Điều 3.Điều kiện làm nhân viên đại lý hải quan
Nhân viên đại lý hải quan phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là công dân Việt Nam.
2. Có bằng từ trung cấp trở lên thuộc các ngành kinh tế, luật.
3. Có chứng chỉ về nghiệp vụ khai hải quan.
Điều 4. Các đối tượng không được làm nhân viên đại lý hải quan
Các đối tượng sau đây không được làm nhân viên đại lý hải quan:
1. Người thành niên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù.
3. Người đã bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm pháp luật hải quan và thuế trong phạm vi một (01) năm tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan.
4. Công chức, viên chức nhà nước đang tại chức.
Đại lý hải quan đề nghị cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan cho nhân viên của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kiểm tra, xác nhận các điều kiện quy định tại Điều này.
Điều 5.Thẻ nhân viên đại lý hải quan
1. Nhân viên của đại lý hải quan đáp ứng các điều kiện tại Điều 3 Nghị định này được cơ quan Hải quan cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan. Thời hạn cấp thẻ là không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đề nghị cấp thẻ. Trường hợp từ chối cấp thẻ, cơ quan Hải quan phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị cấp thẻ.
2. Thẻ nhân viên đại lý hải quan ghi rõ: họ và tên; số chứng minh thư nhân dân của nhân viên đại lý hải quan; tên đại lý hải quan nơi nhân viên đại lý hải quan đang làm việc.
Điều 6.Hồ sơ xin cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan
1. Văn bản đề nghị của đại lý hải quan là đơn vị chủ quản, trong đó ghi rõ: họ và tên; số và ngày cấp chứng minh thư nhân dân của người xin cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan.
2. Bản sao công chứng các văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
Chương 2:
ĐĂNG KÝ, HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI LÝ HẢI QUAN; TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ HÀNG
Điều 7.Trình tự đăng ký hoạt động đại lý hải quan
1. Thương nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ giao nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc dịch vụ khai thuê hải quan theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố căn cứ quy định của pháp luật để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi bổ sung ngành nghề này vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Trước khi triển khai hoạt động, đại lý hải quan phải nộp các chứng từ sau cho Cục Hải quan tỉnh, nơi đại lý hải quan có trụ sở chính. Trường hợp nơi đại lý hải quan có trụ sở chính không có Cục Hải quan tỉnh thì nộp cho Cục Hải quan tỉnh có cửa khẩu nơi đại lý hải quan thường xuyên hoạt động:
a) Văn bản của đại lý hải quan thông báo đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và cam kết thực hiện đúng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh;
b) Bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Bản sao có công chứng chứng chỉ về nghiệp vụ khai hải quan của nhân viên đại lý hải quan;
d) Mẫu chữ ký của nhân viên đại lý hải quan có thẩm quyền khai trên tờ khai hải quan.
Điều 8.Hoạt động của đại lý hải quan
1. Ký hợp đồng bằng văn bản với chủ hàng.
2. Yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ và thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Thực hiện các công việc về thủ tục hải quan theo thoả thuận trong hợp đồng, gồm:
a) Khai, ký tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan;
b) Nộp và xuất trình bộ hồ sơ hải quan có liên quan đến lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
c) Xuất trình hàng hoá để cơ quan Hải quan kiểm tra.
4. Thực hiện các công việc sau khi được uỷ quyền theo thoả thuận trong hợp đồng, gồm:
a) Nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các loại thuế khác, lệ phí và các khoản thu khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Đệ trình các khiếu nại, yêu cầu xét lại hay điều chỉnh các quyết định của cơ quan Hải quan liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp thực hiện không đúng những công việc được ủy quyền, khai không đúng những thông tin và chứng từ liên quan do chủ hàng cung cấp.
Điều 9.Trách nhiệm của chủ hàng
1. Ký hợp đồng với đại lý hải quan về phạm vi uỷ quyền, trách nhiệm của mỗi bên.
2. Cung cấp cho đại lý hải quan đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với trường hợp cung cấp không chính xác, không đầy đủ các thông tin, các chứng từ liên quan đến lô hàng, cung cấp các chứng từ không hợp pháp, hợp lệ cho đại lý hải quan dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 10. Kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý hải quan
Cơ quan Hải quan kiểm tra, giám sát hoạt động và việc thực hiện các quy định tại Nghị định này của các đại lý hải quan.
Điều 11. Giấy tờ phải xuất trình khi làm thủ tục hải quan
Khi làm thủ tục tại cơ quan Hải quan, nhân viên đại lý hải quan phải xuất trình các giấy tờ sau:
1. Giấy chứng minh nhân dân (khi được yêu cầu).
2. Thẻ nhân viên đại lý hải quan.
Điều 12.Hỗ trợ của cơ quan Hải quan đối với đại lý hải quan
Cơ quan Hải quan hỗ trợ miễn phí cho đại lý hải quan trong các lĩnh vực sau:
1. Hỗ trợ kỹ thuật trong việc kết nối mạng giữa đại lý hải quan với cơ quan Hải quan.
2. Tư vấn về thủ tục hải quan, thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Cập nhật các quy định mới của pháp luật về hải quan.
4. Tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về hải quan.
Chương 3:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 13. Khen thưởng
Đại lý hải quan có quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Xử lý vi phạm
1. Đối với đại lý hải quan
a) Tổng cục Hải quan đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố quyết định dừng hoạt động của đại lý hải quan trong các trường hợp sau:
- Đại lý hải quan không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định này;
- Đại lý hải quan thông đồng với chủ hàng để vi phạm pháp luật hải quan;
- Đại lý hải quan tự ý thay đổi tên, địa chỉ không đúng quy định của pháp luật nhằm mục đích buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế;
- Đại lý hải quan đã tự chấm dứt hoạt động.
b) Tổng cục Hải quan quyết định tạm dừng hoạt động của đại lý hải quan trong các trường hợp sau:
- Không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của đại lý hải quan theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật;
- Không chấp hành hoặc chấp hành không đúng các quyết định xử phạt của cơ quan Hải quan khi có hành vi vi phạm pháp luật về hải quan;
- Cho mượn danh nghĩa trong hoạt động đại lý hải quan.
Thời gian tạm dừng kể từ khi phát hiện các hành vi trên cho đến khi đại lý hải quan khắc phục xong hậu quả.
2. Đối với nhân viên đại lý hải quan:
Cơ quan Hải quan quyết định thu hồi thẻ của nhân viên đại lý hải quan trong các trường hợp sau:
a) Nhân viên đại lý hải quan có một trong các hành vi vi phạm sau:
- Buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế;
- Cho người khác sử dụng thẻ của mình hoặc sử dụng thẻ của người khác;
- Sử dụng thẻ để làm thủ tục hải quan cho hàng hoá của doanh nghiệp không ký hợp đồng với đại lý hải quan nơi nhân viên đại lý hải quan làm việc;
- Hối lộ nhân viên hải quan hoặc có các hành vi tiêu cực khác liên quan đến việc làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Đại lý hải quan nơi nhân viên đại lý hải quan có văn bản đề nghị cơ quan Hải quan thu hồi thẻ.
3. Các hành vi vi phạm pháp luật khác của đại lý hải quan và nhân viên đại lý hải quan trong lĩnh vực hải quan, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ các quy định tại Điều 6 Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này
| Phan Văn Khải (Đã ký) |