Nghị định số 133/2004/NĐ-CP ngày 09/06/2004 của Chính phủ Về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 133/2004/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 09-06-2004
- Ngày có hiệu lực: 05-07-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1275 ngày (3 năm 6 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133/2004/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2004 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 133/2004/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 6 NĂM 2004 VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ CỦA VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Về thành lập, vị trí, chức năng của Văn phòng Hội đồng nhân dân
1. Thành lập Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).
2. Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là bộ máy giúp việc của Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; có chức năng tổ chức phục vụ các hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân và tham mưu một số công việc do Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
1. Giúp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và cả năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
2. Phục vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và cả năm đã được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
3. Tổ chức phục vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiếp dân; tiếp nhận, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
4. Tổ chức phục vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiếp xúc cử tri; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định và gửi cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, giải quyết kiến nghị đó theo quy định của pháp luật.
5. Phục vụ hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chuẩn bị kỳ họp và bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp theo Quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các quy định khác của pháp luật.
6. Giúp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều hoà, phối hợp hoạt động của các Ban của Hội đồng nhân dân trong thẩm tra các báo cáo, đề án do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân công.
7. Phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chuẩn bị báo cáo về hoạt động của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; rà soát lần cuối về thể thức, nội dung văn bản trước khi trình Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn hoặc thông qua; phối hợp với cơ quan chức năng phổ biến nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
8. Lập dự trù kinh phí hoạt động hàng năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thực hiện việc quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán tài chính của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo chế độ tài chính nhà nước; tổ chức phục vụ, bảo đảm điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
9. Quản lý công tác văn thư, lưu trữ hồ sơ, tài liệu của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
10. Quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và tài sản, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật được giao theo quy định của pháp luật.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
1. Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có Chánh Văn phòng, 1 - 2 Phó Chánh Văn phòng.
Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng do Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Chức danh Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương đương với chức danh Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm có:
a) Phòng Tổng hợp;
b) Phòng Hành chính - Quản trị.
3. Biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân trong tổng số biên chế quản lý nhà nước của địa phương và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao theo phân cấp quản lý biên chế, cụ thể như sau:
Tỉnh có 50 đến 65 đại biểu Hội đồng nhân dân có 10 biên chế;
Tỉnh có trên 65 đến 75 đại biểu Hội đồng nhân dân có 11 biên chế;
Tỉnh có trên 75 đến 85 đại biểu Hội đồng nhân dân có 12 biên chế;
Tỉnh có trên 85 đến 95 đại biểu Hội đồng nhân dân có 13 biên chế.
Đối với tỉnh có Ban Dân tộc thì được bổ sung thêm 01 biên chế.
Số biên chế trên đây không bao gồm các chức danh của Thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban chuyên trách các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Điều 4. Con dấu, kinh phí hoạt động và trụ sở làm việc của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
1. Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có con dấu riêng; kinh phí hoạt động của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nằm trong kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của pháp luật.
2. Trụ sở làm việc của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được bố trí trong khuôn viên của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 5. Mối quan hệ công tác của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương để bảo đảm phối hợp phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có hiệu quả.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bãi bỏ khoản 2 Điều 1 Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2001 của Chính phủ về việc tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
1. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |