cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27/03/2001 của Chính phủ Về việc tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban nhân dân, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 12/2001/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 27-03-2001
  • Ngày có hiệu lực: 27-03-2001
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 05-07-2004
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-10-2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1304 ngày (3 năm 6 tháng 29 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-10-2004
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-10-2004, Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27/03/2001 của Chính phủ Về việc tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban nhân dân, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29/09/2004 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2001

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 12/2001/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 2001 VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẠI MỘT SỐ CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 và Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở mỗi cấp ngày 25 tháng 6 năm 1996;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp;
Trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) và để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1

1. Thành lập Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất Uỷ ban Dân số và Kế hoạch hoá gia đình và Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em.

2. Đổi tên Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được thành lập theo Nghị định số 156/HĐBT ngày 17 tháng 12 năm 1981 thành Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Ở những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tách Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành hai Văn phòng (Văn phòng Uỷ ban nhân dân và Văn phòng Hội đồng nhân dân) thì hợp nhất thành một Văn phòng với tên gọi là Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.

Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được quy định tại văn bản riêng của Chính phủ.

3. Căn cứ vào đặc điểm địa lý, kinh tế, nhiệm vụ, yêu cầu quản lý nhà nước và năng lực cán bộ quản lý, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nhưng ở quận, huyện không quá 10 phòng, ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh không quá 11 phòng, ở thành phố (đô thị loại 2) thuộc tỉnh không quá 12 phòng, ở huyện đảo không quá 8 phòng.

Những cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã được quy định tại các Luật, Pháp lệnh thì vẫn giữ nguyên tổ chức và tên gọi như hiện nay.

4. Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn từ Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Điều 2.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)