Nghị định số 78/2000/NĐ-CP ngày 26/12/2000 của Chính phủ Về phí xăng dầu (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 78/2000/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 26-12-2000
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2001
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 09-01-2009
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 01-01-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78/2000/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2000 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 78/2000/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 12 NĂM 2000 VỀ PHÍ XĂNG DẦU
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20 tháng 3 năm 1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng chịu phí xăng dầu là xăng, dầu, mỡ nhờn xuất, bán tại Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng nộp phí xăng dầu là các tổ chức, cá nhân nhập khẩu (kể cả nhập khẩu uỷ thác); sản xuất, chế biến các loại xăng dầu quy định tại Điều 1 Nghị định này.
Điều 3. Phí xăng dầu chỉ thu một lần khi xuất, bán số lượng xăng dầu nhập khẩu, sản xuất, chế biến theo mức thu quy định sau đây:
1. Xăng các loại: 500 đồng/lit (năm trăm đồng/lit).
2. Diezel: 300 đồng/lit (ba trăm đồng/lit).
3. Dầu hoả, dầu ma zút, dầu mỡ nhờn chưa thu.
Điều 4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu; sản xuất, chế biến xăng dầu (gọi chung là kinh doanh xăng dầu) có nghĩa vụ:
1. Kê khai phí xăng dầu phải nộp hàng tháng với cơ quan thuế trong mười ngày đầu của tháng tiếp theo, theo đúng mẫu tờ khai và bảo đảm tính chính xác của việc kê khai.
2. Nộp đủ, đúng hạn số tiền phí xăng dầu vào ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế, nhưng chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo.
3. Quyết toán tiền phí xăng dầu hàng năm với cơ quan thuế. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm phải nộp báo cáo quyết toán tiền phí xăng dầu cho cơ quan thuế và nộp đủ số tiền phí xăng dầu còn thiếu vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán, nếu nộp thừa thì được trừ vào số tiền phí xăng dầu phải nộp kỳ tiếp theo.
Điều 5. Cơ quan thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện kê khai, nộp phí xăng dầu theo đúng quy định của Nghị định này.
2. Tính và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu về số tiền phí xăng dầu phải nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
3. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp, quyết toán tiền phí xăng dầu; yêu cầu đối tượng nộp phí xăng dầu cung cấp sổ kế toán, chứng từ và hồ sơ tài liệu khác có liên quan tới việc tính và nộp phí xăng dầu trong trường hợp cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra và khi phát hiện đối tượng nộp phí có dấu hiệu vi phạm Nghị định này.
4. Xử lý vi phạm hành chính về phí xăng dầu theo thẩm quyền quy định tại Điều 21 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 1999 của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
Điều 6. Số tiền phí xăng dầu nộp vào ngân sách nhà nước được tập trung toàn bộ cho ngân sách Trung ương quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.
Điều 7. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí xăng dầu vi phạm Nghị định này thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 18, Điều 20 Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 1999 của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
Điều 8. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001; bãi bỏ Nghị định số 186/CP ngày 07 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ về việc thu lệ phí giao thông qua giá xăng dầu và các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.
Điều 9. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |