cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12/04/1999 của Chính phủ Về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 20/1999/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 12-04-1999
  • Ngày có hiệu lực: 27-04-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-03-2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2515 ngày (6 năm 10 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 16-03-2006
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 16-03-2006, Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12/04/1999 của Chính phủ Về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ Hướng dẫn Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại”. Xem thêm Lược đồ.

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 20/1999/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 1999 VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ GIÁM ĐỊNH HÀNG HÓA 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa tại Việt Nam.

Điều 2. Quy định đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

2. Là doanh nghiệp hoạt động độc lập, chuyên kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa;

3. Không có hoạt động mua bán hàng hóa, trừ việc mua bán các máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ ngành nghề của doanh nghiệp.

Điều 3. Phạm vi kinh doanh dịch vụ giám định và việc cấp Chứng thư giám định hàng hóa

1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa được thành lập theo pháp luật hiện hành của Việt Nam được thực hiện việc giám định và cấp Chứng thư giám định hàng hóa theo ngành nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Việc đăng ký kinh doanh được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nội dung đăng ký kinh doanh quy định tại Điều 20 Luật Thương mại;

2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện việc giám định và cấp Chứng thư giám định hàng hóa theo ngành nghề đã ghi trong Giấy phép đầu tư;

3. Chi nhánh của tổ chức giám định nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam được thực hiện việc giám định và cấp Chứng thư giám định hàng hóa theo ngành nghề đã ghi trong Giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giám định hàng hóa

1. Việc giám định hàng hóa được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo yêu cầu của một trong các bên tham gia hợp đồng có liên quan đến hàng hóa giám định; theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước;

2. Hoạt động giám định hàng hóa được thực hiện theo nguyên tắc độc lập, trung lập, khách quan, khoa học và chính xác;

3. Không được thực hiện việc giám định hàng hóa trong trường hợp việc giám định đó có liên quan đến quyền và lợi ích của chính doanh nghiệp giám định và của giám định viên.

Điều 5. Quản lý Nhà nước về hoạt động giám định hàng hóa:

Bộ Thương mại là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa.

Chương 2:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH DỊCH VỤ GIÁM ĐỊNH HÀNG HÓA VÀ CỦA GIÁM ĐỊNH VIÊN

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa

1. Cử giám định viên đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 6 Nghị định này để thực hiện việc giám định;

2. Bảo đảm việc giám định phù hợp với nội dung kinh doanh đã đăng ký và theo đúng yêu cầu của bên yêu cầu giám định;

3. Bảo đảm việc giám định một cách độc lập, trung lập, khách quan, khoa học, kịp thời và chính xác;

4. Cấp Chứng thư giám định phù hợp với yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm trước bên yêu cầu giám định và trước pháp luật về kết quả giám định;

5. Được ủy quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định khác thực hiện việc giám định của mình;

6. Nhận phí giám định theo thỏa thuận;

7. Trong trường hợp giám định sai thì phải trả tiền phạt theo mức doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định và bên yêu cầu giám định đã thỏa thuận nhưng không quá 10 lần phí giám định.

Điều 7. Tiêu chuẩn giám định viên

1. Giám định viên phải có các tiêu chuẩn sau :

a) Có trình độ đại học hoặc cao đẳng về chuyên môn phù hợp với yêu cầu và lĩnh vực giám định;

b) Đã công tác trong lĩnh vực nghiệp vụ giám định hàng hóa từ 3 năm trở lên;

c) Không trong thời hạn chấp hành kỷ luật hành chính liên quan đến lĩnh vực giám định; không trong thời hạn thi hành án phạt tù;

2. Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định căn cứ các tiêu chuẩn quy định tại Điều này, tuyển dụng giám định viên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của giám định viên

1. Được độc lập thực hiện việc giám định khi được giao và được từ chối thực hiện việc giám định khi việc giám định đó có liên quan đến quyền và lợi ích của mình;

2. Thực hiện việc giám định hàng hóa một cách trung thực, khách quan, khoa học, kịp thời, chính xác, theo đúng yêu cầu của bên yêu cầu giám định;

3. Được từ chối sự can thiệp của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào vào hoạt động giám định mà mình đang thực hiện;

4. Phản ánh trung thực kết quả giám định trong Chứng thư giám định và ký Chứng thư giám định;

5. Chịu trách nhiệm trước giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định về tính chính xác của kết quả giám định.

Chương 3:

CHỨNG THƯ GIÁM ĐỊNH VÀ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CHỨNG THƯ GIÁM ĐỊNH

Điều 9. Chứng thư giám định

Chứng thư giám định là văn bản xác định tình trạng thực tế của hàng hóa về số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì, giá trị hàng hóa, tổn thất, an toàn, vệ sinh và các yêu cầu khác được một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định độc lập cấp theo yêu cầu của bên yêu cầu giám định.

Điều 10. Giá trị pháp lý của Chứng thư giám định

1. Chứng thư giám định chỉ có giá trị đối với hàng hóa được yêu cầu giám định;

2. Chứng thư giám định có giá trị ràng buộc đối với bên yêu cầu giám định nếu bên yêu cầu giám định không chứng minh được rằng kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định;

3. Chứng thư giám định có giá trị ràng buộc trách nhiệm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định về những kết quả và kết luận trong Chứng thư giám định.

Điều 11. Giám định lại kết quả của Chứng thư giám định

1. Trong trường hợp không công nhận kết quả của Chứng thư giám định ban đầu thì bên yêu cầu giám định và các bên có liên quan (dưới đây gọi tắt là bên yêu cầu giám định lại) có quyền yêu cầu một tổ chức giám định khác giám định lại hàng hóa đã được giám định và phải trả phí giám định;

2. Nếu kết quả của Chứng thư giám định lại phù hợp với kết quả của Chứng thư giám định ban đầu thì Chứng thư giám định ban đầu có giá trị cuối cùng;

3. Trong trường hợp kết qủa của Chứng thư giám định lại không phù hợp với kết quả của Chứng thư giám định ban đầu :

a) Nếu tổ chức giám định ban đầu thừa nhận kết quả của Chứng thư giám định lại và được bên yêu cầu giám định lại công nhận thì kết quả của Chứng thư giám định lại có giá trị cuối cùng và tổ chức giám định ban đầu phải chịu một khoản tiền phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định này;

b) Nếu tổ chức giám định ban đầu hoặc bên yêu cầu giám định lại không thừa nhận kết quả của Chứng thư giám định lại thì bên yêu cầu giám định lại có quyền yêu cầu tổ chức trọng tài chỉ định một tổ chức giám định khác giám định lại. Kết quả giám định của tổ chức giám định do trọng tài chỉ định có giá trị cuối cùng. Lệ phí trọng tài do bên yêu cầu giám định lại chịu;

4. Nếu kết quả của Chứng thư giám định của tổ chức giám định do trọng tài chỉ định:

a) Phù hợp với kết quả của Chứng thư giám định ban đầu thì tổ chức giám định lại phải chịu khoản tiền phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định này;

b) Phù hợp với kết quả của Chứng thư giám định lại thì tổ chức giám định ban đầu phải chịu khoản tiền phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định này;

c) Không phù hợp với kết quả của Chứng thư giám định ban đầu và Chứng thư giám định lại thì tổ chức giám định ban đầu và tổ chức giám định lại đều phải chịu khoản tiền phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định này.

Chương 4:

ỦY QUYỀN GIÁM ĐỊNH VÀ VIỆC GIÁM ĐỊNH HÀNG HÓA THEO YÊU CẦU CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 12. ủy quyền giám định hàng hóa

Trong trường hợp bên yêu cầu giám định thuê tổ chức giám định nước ngoài thực hiện dịch vụ giám định hàng hóa tại Việt Nam mà tổ chức giám định đó chưa được phép hoạt động tại Việt Nam, thì tổ chức giám định nước ngoài đó được ủy quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định đã được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện dịch vụ giám định theo quy định tại Điều 179 Luật Thương mại.

Điều 13. Hợp đồng ủy quyền giám định hàng hóa

Hợp đồng ủy quyền giám định hàng hóa phải được lập thành văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên, địa chỉ bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền giám định hàng hóa;

2. Hàng hóa giám định;

3. Nội dung, phương pháp, quy trình giám định;

4. Thời gian, địa điểm giám định;

5. Phí dịch vụ, các chi phí khác.

Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền giám định hàng hóa

1. Yêu cầu bên được ủy quyền giám định hàng hóa thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định;

2. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để phục vụ yêu cầu giám định hàng hóa;

3. Chịu trách nhiệm về kết quả giám định đối với bên yêu cầu giám định;

4. Trả phí dịch vụ và các chi phí khác theo thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định.

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền giám định hàng hóa

1. Yêu cầu bên ủy quyền giám định cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để phục vụ việc giám định hàng hóa theo hợp đồng ủy quyền giám định;

2. Thực hiện việc giám định hàng hóa theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định;

3. Được thuê chuyên gia giám định trong và ngoài nước để thực hiện dịch vụ giám định; được tạm nhập tái xuất phương tiện kỹ thuật để thực hiện nghiệp vụ giám định;

4. Nhận phí dịch vụ và các chi phí khác theo thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định.

Điều 16. Giám định hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước

1. Hàng hóa được giám định theo yêu cầu của cơ quan nhà nước trong trường hợp hàng hóa đó có liên quan đến việc thực hiện công vụ của cơ quan nhà nước;

2. Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định được lựa chọn có nghĩa vụ thực hiện việc giám định hàng hóa phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình và được cơ quan trực tiếp yêu cầu giám định trả phí giám định;

3. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định được trưng dụng để thực hiện yêu cầu giám định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký;

2. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa đã được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải tuân thủ các quy định của Nghị định này;

3. Các Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)