cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 56-HĐBT ngày 30/05/1989 của Hội đồng Bộ trưởng Hướng dẫn Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 56-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 30-05-1989
  • Ngày có hiệu lực: 30-05-1989
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-01-2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4246 ngày (11 năm 7 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 13-01-2001
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 13-01-2001, Nghị định số 56-HĐBT ngày 30/05/1989 của Hội đồng Bộ trưởng Hướng dẫn Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 81/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ Hướng dẫn Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56-HĐBT

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 1989

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 56-HĐBT NGÀY 30-5-1989

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH NGHĨA VỤ

LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ điều 25 của Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích
ngày 10 tháng 11 năm 1988;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

I- ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC THỰC HIỆN

NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH HÀNG NĂM

Điều 1. - Những đối tượng được miễn, tạm miễn, giảm ngày công lao động nghĩa vụ công ích hàng năm theo các điều 10, 11, 12, của Pháp lệnh được quy ước cụ thể như sau:

1. Những người giữ chức sắc tôn giáo sau đây được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm:

- Đại đức, Hoà thượng, Thượng toạ (đối với đạo phật).

- Linh mục, giám mục, hoặc đứng đầu các dòng tu (đối với thiên chúa

giáo).

- Giảng sư, mục sư (đối với đạo tin lành).

2. Người đi lao động, học tập, công tác ở nước ngoài từ một năm trở lên, được tạm miễn làm nghĩa vụ lao động công ích trong thời gian lao động, học tập, công tác ở nước ngoài.

3. Quân nhân dự bị, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, trực chiến hoặc truy bắt biệt kích, thám báo, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, gọi tắt là huyện (đối với vùng biên giới, hải đảo do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, hoặc đơn vị hành chính tương đương gọi tắt là xã) trở lên điều động thì số ngày làm nhiệm vụ nói trên được trừ vào số ngày công lao động công ích ghi trong lệnh huy động đối với bản thân quân nhân dự bị, dân quân tự vệ đó.

Điều 2. - Người được huy động làm nghĩa vụ lao động công ích hàng năm phải trực tiếp làm là chính. Nếu vì hoàn cảnh nào đó không thể trực tiếp làm lao động công ích được thì thuê người làm thay. Khi thuê người làm thay, người được huy động và người làm thay phải có giao kèo quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên, đồng thời phải báo cho cơ quan huy động biết, làm cơ sở pháp lý để giải quyết khi có tranh chấp. Trường hợp không tự thuê người làm thay thì đề nghị với Uỷ ban nhân dân xã hoặc cơ quan, xí nghiệp cho nộp một số tiền để thuê người làm thay số ngày công lao động ghi trong lệnh huy động, theo giá tiền công ở địa phương.

Điều 3. - Việc quản lý và sử dụng tiền do người có nghĩa vụ lao động công ích hàng năm đóng góp thay cho đi làm trực tiếp được tiến hành như sau:

1. Uỷ ban nhân dân xã, cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm thu tiền của người có nghĩa vụ lao động công ích hàng năm đóng góp thay cho đi làm trực tiếp, khi thu tiền phải cấp biên lai cho người đã nộp tiền; số tiền thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời cho Uỷ ban nhân dân huyện.

Cấm thu tiền trước khi có lệnh huy động hoặc khi chưa được sự đồng ý của người được huy động.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh) căn cứ giá tiền công ở địa phương, quy định mức tiền phải nộp của một ngày lao động nghĩa vụ công ích hàng năm để thực hiện việc thu tiền đối với người nộp tiền thay cho trực tiếp làm công ích hàng năm; trực tiếp quản lý số tiền thu được hàng năm để điều hoà chung trong địa phương, đầu tư cho các công trình được sử dụng lao động công ích hàng năm theo kế hoạch (sau khi đã trừ số ngày công lao động trực tiếp) để công trường thuê người làm thay.

Uỷ ban nhân dân tỉnh được trích 5% số tiền thu được để chi cho công tác tổ chức huy động nghĩa vụ lao động công ích hàng năm theo hướng dẫn của liên Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Tài chính. Biên lai thu tiền do Bộ Tài chính thống nhất quản lý và phát hành.

Điều 4. - Để sử dụng hợp lý, tiết kiệm lực lượng lao động xã hội và quỹ ngày công lao động công ích hàng năm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện tốt nghĩa vụ lao động công ích, hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, công tác, học tập của công dân, cơ quan, xí nghiệp; khi huy động sử dụng lao động theo nghĩa vụ lao động công ích hàng năm, cơ quan huy động phải chú ý:

1. Tổ chức các đội lao động công ích chuyên trách hoặc bán chuyên trách của địa phương, đơn vị để làm thay cho những người có nghĩa vụ lao động công ích mà không trực tiếp đi làm được.

2. Tránh điều động những người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, nghề cá, nghề muối trực tiếp tham gia lao động công ích vào lúc thời vụ sản xuất khẩn trương.

3. Đối với giáo viên, công nhân viên và học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thì huy động trực tiếp đi làm vào thời gian nghỉ hè hoặc thời gian nghỉ giữa hai kỳ học.

4. Đối với những người đang làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp thì thủ trưởng và người đại diện cơ quan, đơn vị thoả thuận trước với cơ quan huy động sở tại để thống nhất hình thức, thời điểm huy động lao động theo nghĩa vụ lao động công ích hàng năm, tránh ảnh hưởng đến sản xuất, công tác và hoạt động của cơ quan, đơn vị.

5. Đối với những người có nghề chuyên môn kỹ thuật như kỹ sư, bác sĩ, thợ kỹ thuật... cần xét bố trí làm những công việc có thể sử dụng được chuyên môn kỹ thuật của họ.

Điều 5. - Chỉ được huy động sử dụng lao động theo nghĩa vụ lao động công ích hàng năm làm những công việc quy định tại điều 6 của Pháp lệnh, cụ thể là:

1. Xây dựng mới, tu bổ đê, kè, cống bao gồm đê sông, đê biển, đê bảo vệ thành phố, khu công nghiệp.

Xây dựng công trình thuỷ lợi đầu mối từ kênh cấp 1 trở lên thuộc các công trình đại, trung thuỷ nông.

2. Xây dựng nền đường giao thông liên huyện, liên tỉnh, gồm cả nền đường bộ và nền đường sắt.

3. Xây dựng một số công trình quốc phòng gồm nền sân bay, quân cảng, khu căn cứ, đường giao thông quân sự làm gấp và phục vụ chiến đấu ở nơi có chiến sự xảy ra.

II- HUY ĐỘNG NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH

TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP

Điều 6.- Thẩm quyền ra lệnh huy động nghĩa vụ lao động công ích trong các trường hợp khẩn cấp:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện có quyền ra lệnh huy động lao động cùng với công cụ lao động, phương tiện vận tải, máy móc, nguyên liệu, vật liệu... của các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, các cơ sở kinh tế tư nhân, tập thể và nhân dân; của các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh, huyện hoặc có mặt ở địa phương trong thời gian xảy ra trường hợp khẩn cấp.

Thời gian huy động mỗi đợt không quá 5 ngày.

2. Trong trường hợp cần phải ngăn chặn hoặc khắc phục ngay hậu quả thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã được ra lệnh huy động lao động cùng với công cụ lao động, phương tiện vận tải, vật tư cần thiết của các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, cơ sở kinh tế tư nhân, tập thể và nhân dân, của các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn xã.

Thời gian huy động mỗi đợt không quá 3 ngày.

Điều 7. - Khi hết thời hạn huy động khẩn cấp mà công việc chưa hoàn thành cần sử dụng thêm lao động, thì phải sử dụng các lực lượng lao động khác, không được kéo dài thời gian huy động khẩn cấp.

Đối với phương tiện vận tải, máy móc đơn vị sử dụng phải hoàn trả cho chủ phương tiện chậm nhất không quá 1 ngày, kể từ khi hết thời hạn huy động khẩn cấp. Nếu sau thời gian đó chưa hoàn trả thì những ngày quá hạn đơn vị sử dụng phải đền bù thiệt hại cho chủ phương tiện. Mức tiền đền bù mỗi ngày bằng 2 lần mức giá trị trung bình mà phương tiện máy móc đó tạo ra trước lúc huy động.

Điều 8. - Các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội có nhu cầu sử dụng lao động theo nghĩa vụ lao động công ích khẩn cấp phải trực tiếp đề nghị với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương sở tại ra lệnh huy động.

Điều 9. - Việc huy động lao động theo nghĩa vụ lao động công ích trong các trường hợp khẩn cấp phải cân nhắc kỹ; trường hợp thật cần thiết mới huy động phương tiện, máy móc, nguyên liệu của các cơ sở hoặc của nhân dân.

Khi huy động phương tiện vận tải, máy móc, nguyên liệu, vật liệu của các cơ sở, hoặc của nhân dân, đơn vị sử dụng hoặc cơ quan huy động phải lập biên bản ghi rõ tình trạng của phương tiện, vật tư, thời gian hoàn trả. Nếu bị mất hoặc hư hỏng thì đơn vị sử dụng đền bù thoả đáng cho chủ phương tiện, vật tư. Nếu đơn vị sử dụng không đền bù hoặc chủ phương tiện, vật tư chưa đồng ý mức đền bù thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện giải quyết, nếu không nhất trí với quyết định giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thì chủ phương tiện, vật tư có thể khiếu nại với Toà án.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền ra lệnh huy động lao động khẩn cấp theo quy định tại điều 17 của Pháp lệnh và điều 6 của Nghị định này, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

III- NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI TRỰC TIẾP

THAM GIA LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH

Điều 10. - Người trực tiếp tham gia lao động công ích làm theo chế độ khoán theo định mức lao động của Nhà nước. Trường hợp không thể định mức được thì làm theo thời gian.

Điều 11. - Người trực tiếp tham gia lao động công ích có nhiệm vụ:

1. Hoàn thành khối lượng và chất lượng được giao.

2. Mang theo dụng cụ lao động thông thường theo yêu cầu của đơn vị sử dụng và đồ dùng sinh hoạt cá nhân trong thời gian lao động ở công trường.

3- Chấp hành nội quy, kỷ luật lao động của công trường.

4. Bảo vệ tài sản của Nhà nước; của tập thể và của nhân dân.

Điều 12. - Người trực tiếp tham gia lao động công ích được hưởng quyền lợi như sau:

1. Được trợ cấp sinh hoạt. Cứ đạt một định mức lao động, khối lượng công việc hoặc một ngày công thời gian thì người làm lao động phổ thông được trợ cấp một số tiền tương đương với giá 1 kilôgam gạo; người lao động làm theo nghề chuyên môn kỹ thuật (mộc, nề, sắt... ) được trợ cấp một số tiền tương đương với giá 1,250 kilôgam đến 1,500 kilôgam gạo. Giá gạo tính theo giá kinh doanh lương thực của Nhà nước ở địa phương tại thời điểm thanh toán.

Nếu làm lao động công ích trong các trường hợp khẩn cấp trong phạm vi một ngày thì không được hưởng trợ cấp, nếu làm việc trên một ngày thì được hưởng trợ cấp sinh hoạt theo quy định đã nói trên.

2. Những người đi làm lao động công ích ở xa nhà từ 20 kilômét trở lên thì được cấp tiền cho một lượt đi và một lượt về, mỗi ngày một số tiền bằng giá 1 kilôgam gạo theo giá kinh doanh lương thực của Nhà nước ở địa phương, tại thời điểm thanh toán. Nếu phải đi và về bằng tàu xe thì được thanh toán cả tiền tàu xe.

3. Người trực tiếp tham gia lao động công ích được khám, chữa bệnh khi bị ốm đau, tai nạn lao động ở các cơ sở chữa bệnh của Nhà nước. Trường hợp bị tai nạn thành thương tật được xếp hạng thì được hưởng trợ cấp thương tật một lần hoặc trợ cấp thương tật hàng tháng theo chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành (nếu người làm lao động nghĩa vụ công ích không phải là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước thì mức trợ cấp một lần hoặc mức trợ cấp hàng tháng được tính trên cơ sở mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định); được chính quyền địa phương hoặc cơ quan, xí nghiệp nơi cư trú hoặc làm việc bố trí việc làm thích hợp bảo đảm đời sống. Trường hợp bị chết thì được chi phí chôn cất và thân nhân được hưởng trợ cấp mất người nuôi dưỡng theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với công nhân viên chức.

Người làm nghĩa vụ lao động công ích có hành động dũng cảm tỏ rõ tinh thần khắc phục khó khăn, nguy hiểm, trong khi thực hiện nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh, nếu được xếp hạng thương tật, hoặc truy tặng liệt sĩ, thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chính sách đãi ngộ như thương binh hoặc gia đình liệt sĩ.

4. Người làm nghĩa vụ lao động công ích được đơn vị sử dụng trang bị bảo hộ lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước; Nếu phải ăn, ở tập trung trên một ngày tại công trường thì được đơn vị sử dụng bố trí nơi ăn, ở, cung cấp dầu đèn thắp sáng và nước uống trong thời gian đó.

5. Người làm thay cho người có nghĩa vụ lao động công ích hàng năm, ngoài số tiền thuê mướn do hai bên thoả thuận hoặc số tiền công do các đội chuyên trách, bán chuyên trách trả, còn được hưởng các quyền lợi khác như đã quy định cho người trực tiếp đi làm nghĩa vụ lao động công ích hàng năm ghi ở các tiết 1, 2, 3, 4 của điều 12 này.

Điều 13. - Các chi phí trong việc sử dụng lao động công ích quy định tài điều 12 do đơn vị sử dụng lao động công ích thanh toán và hạch toán vào giá thành công trình. Riêng chi phí trợ cấp hàng tháng và trợ cấp mất người nuôi dưỡng thì tuỳ theo từng loại đối tượng do quỹ bảo hiểm xã hội hoặc ngân sách địa phương chi.

Điều 14. - Phụ nữ tham gia nghĩa vụ lao động công ích trong những ngày hành kinh được đơn vị sử dụng bố trí làm những công việc phù hợp với sức khoẻ.

IV- TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

Điều 15.
- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp và cân đối kế hoạch sử dụng lao động công ích hàng năm của các ngành, các địa phương trong phạm vi cả nước.

Phân bổ chỉ tiêu sử dụng ngày lao động công ích hàng năm cho các ngành ở trung ương và giao chỉ tiêu đó cho các địa phương thực hiện.

Điều 16. - Bộ Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm:

- Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn chế độ cụ thể đối với người tham gia lao động công ích.

- Hướng dẫn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ nghĩa vụ lao động công ích đối với tất cả các ngành, các cấp trong phạm vi cả nước.

- Tham gia với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng lao động công ích hàng năm.

Điều 17. - Bộ Tài chính có trách nhiệm:

- Hướng dẫn và kiểm tra chế độ cấp phát và quản lý kinh phí việc sử dụng lao động công ích cho các ngành ở trung ương và địa phương.

- Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền do người được huy động làm nghĩa vụ lao động công ích nộp thay cho đi làm lao động trực tiếp; thống nhất quản lý và phát hành biên lai thu tiền.

- Cùng với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành các chế độ cụ thể đối với người trực tiếp tham gia lao động công ích.

Điều 18. - Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo việc tổ chức khám, chữa bệnh, cấp cứu tai nạn lao động trên các công trường sử dụng lao đọng công ích.

Điều 19. - Tổng cục thống kê có trách nhiệm nghiên cứu ban hành các biểu mẫu thống kê và hướng dẫn thực hiện để nắm khả năng ngày công lao động công ích hàng năm, tổng hợp kết quả việc huy động, sử dụng của các ngành và các địa phương.

Điều 20. - Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện chế độ nghĩa vụ lao động công ích hàng năm và khẩn cấp theo đúng nguyên tắc, chính sách, thẩm quyền đã được quy định; quản lý quỹ ngày công lao động công ích hàng năm của địa phương mình.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xét duyệt kế hoạch sử dụng lao động công ích hàng năm của các ngành trong địa phương; xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng lao động công ích hàng năm; giao chỉ tiêu huy động ngày công lao động cho các huyện thực hiện; kiểm tra việc huy động, sử dụng lao động công ích của các ngành, các cấp trong địa phương; hàng năm báo cáo lên Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

- Uỷ ban nhân dân huyện căn cứ chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh để phân bổ chỉ tiêu huy động ngày công lao động cho các xã, các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn huyện và chỉ đạo việc thực hiện.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp trực tiếp điều động công dân có nghĩa vụ tham gia lao động công ích hàng năm theo kế hoạch của huyện.

Điều 21.- Các đơn vị sử dụng lao động công ích có trách nhiệm:

- Chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp nhận và sử dụng lao động, thực hiện hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị tham gia lao động công ích.

- Tổ chức lao động hợp lý, bảo đảm sử dụng lao động công ích đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; thực hiện đúng chế độ bảo hộ lao động và kỹ thuật an toàn lao động; thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền trợ cấp và các chế độ khác theo quy định tại điều 12, 13 của Nghị định này cho người trực tiếp tham gia lao động công ích.

V- KHEN THƯỞNG, XỬ PHẠT

Điều 22. - Việc khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích trong việc huy động, quản lý, sử dụng lao động công ích theo điều 21 của Pháp lệnh được thực hiện theo Điều lệ khen thưởng thành tích thực hiện kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ công tác khác quy định tại Nghị định số 53- HĐBT ngày 25-2-1985 của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 23. - Tổ chức hoặc cá nhân không thi hành đúng theo Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích và Nghị định này thì tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ mà bị xử phạt như sau:

1. Công dân không chấp hành lệnh huy động, hoặc cố ý trốn tránh thực hiện nghĩa vụ lao động công ích thì bị xử phạt hành chính theo một trong các hình thức:

- Cảnh cáo và bắt buộc phải thi hành nghĩa vụ lao động công ích.

- Phạt tiền ở mức gấp 3 lần tiền công một ngày ở địa phương trên mỗi ngày không làm nghĩa vụ lao động công ích.

Nếu cố tình không thi hành các quyết định xử phạt nói trên có thể bị truy tố theo điều 208 hoặc điều 209 của Bộ luật hình sự.

2. Người đã nhận tiền làm thuê cho người có nghĩa vụ lao động công ích mà không làm thì bị cảnh cáo, bị buộc phải trả lại số tiền đã nhận. Nếu vi phạm nhiều lần hoặc người nào cố ý làm sai hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích thì có thể bị truy tố theo điều 157 hoặc điều 209 của Bộ luật hình sự.

3. Người có chức vụ có thẩm quyền ra quyết định huy động, cán bộ làm công tác điều động, chỉ huy, quản lý và sử dụng lao động công ích làm trái những quy định về chế độ nghĩa vụ lao động công ích như huy động quá thời gian hoặc số ngày công quy định; sử dụng quỹ lao động công ích (bao gồm quỹ ngày công lao động trực tiếp và quỹ bằng tiền) không đúng mục đích; tham ô, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra lãng phí sức lao động và tài sản của Nhà nước, của nhân dân; để xảy ra tai nạn thì tuỳ mức độ mà bị xử lý theo một trong các hình thức:

- Khiển trách.

- Cảnh cáo.

- Cách chức.

Nếu vi phạm nghiêm trọng thì có thể bị truy tố theo điều 209 hoặc điều 220, 221 của Bộ luật hình sự.

Điều 24. - Việc khiếu nại và tố giác của công dân quy định tại điều 23 của Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích, thực hiện theo quy định hiện hành về việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

VI- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25.- Các quy định về nghĩa vụ lao động công ích trái với Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích và Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 26. - Bộ Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)