cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 161-HĐBT ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng Về điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 161-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 18-10-1988
  • Ngày có hiệu lực: 18-10-1988
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-10-1994
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-09-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3605 ngày (9 năm 10 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-09-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-09-1998, Nghị định số 161-HĐBT ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng Về điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính phủ Về quản lý ngoại hối (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 161-HĐBT

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1988

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 161-HĐBT NGÀY 18-10-1988

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI CỦA

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG  

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1988;
Để bảo vệ độc lập và chủ quyền về tiền tệ, bảo vệ tài sản quốc gia, phát triển nền kinh tế quốc dân, góp phần mở rộng quan hệ về kinh tế, chính trị và văn hoá với nước ngoài;
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. - Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế điều lệ quản lý ngoại hối ban hành theo Nghị định số 102-CP ngày 6-7- 1963 của Hội đồng Chính phủ.

Những quy định trước đây về quản lý ngoại hối trái với Điều lệ này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ này.

 

 

Đỗ Mười

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ
QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

 CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 
(Ban hành kèm theo Nghị định số 161-HĐBT ngày 18-10-1988 của Hộị đồng Bộ trưởng).

Để bảo vệ độc lập chủ quyền về tiền tệ, thống nhất quản lý và kinh doanh ngoại hối nhằm phục vụ phát triển kinh tế quốc dân, góp phần củng cố và mở rộng các quan hệ kinh tế, chính trị và văn hoá với nước ngoài, nay quy định Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về ngoại hối và kinh doanh ngoại hối. Mọi việc kinh doanh ngoại hối đều thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cấm lưu thông ngoại tệ trong nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài hệ thống của Ngân hàng ngoại thương và các cửa hàng bán hàng thu ngoại tệ.

Điều 2. - Việc chuyển ngoại hối ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như việc mua bán, cất giữ và sử dụng ngoại hối đều phải tuân theo những quy định trong Điều lệ này.

Điều 3. - Ngoại hối quy định trong Điều lệ này bao gồm:

a) Các loại tiền nước ngoài và các loại phiếu, các phương tiện chi trả có giá trị bằng tiền nước ngoài (dưới đây gọi tắt là ngoại tệ).

b) Các kim loại quý (vàng, bạc và các kim loại thuộc nhóm bạch kim) , đá quý (kim cương, nhóm ru bi và sa phia) khi chuyển ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam.

Điều 4. - Đối tượng về quản lý ngoại hối theo Điều lệ này bao gồm:

a) Các tổ chức (kể cả xí nghiệp liên doanh hoạt động theo Luật Đầu tư của Việt Nam) và công dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài.

b) Các tổ chức và công dân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Chương 2:

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NGOẠI TỆ

Điều 5. - Nhà nước quản lý ngoại tệ theo kế hoạch.

Các ngành, địa phương và đơn vị kinh tế cơ sở có thu chi ngoại tệ đều lập kế hoạch gửi các cơ quan theo quy định của Nhà nước. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước tổng hợp kế hoạch ngoại tệ của cả nước và lập bảng cân đối thu chi ngoại tệ trình Hội đồng Bộ trưởng.

Bộ Tài chính là cơ quan tổ chức hạch toán, quản lý và điều hành thực hiện kế hoạch thu chi ngoại tệ tập trung của Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng ngoại thương) thực hiện kế hoạch thu chi ngoại tệ về phương diện quỹ, và làm việc thanh toán quốc tế giữa nước ta và nước ngoài.

Điều 6. - Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việc chuyển ngoại tệ vào Việt Nam được khuyến khích và không hạn chế.

Công dân Việt Nam và công dân nước ngoài khi xuất cảnh và nhập cảnh có ngoại tệ đều phải làm thủ tục khai báo với Hải quan cửa khẩu, trừ trường hợp được miễn khai báo theo quy định của Nhà nước.

Điều 7.- Các tổ chức và công dân Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá và kinh doanh dịch vụ có thu ngoại tệ đều phải gửi vào tài khoản tại Ngân hàng và phải thực hiện nghĩa vụ bán và thanh toán ngoại tệ cho Nhà nước theo quy định.

Ngoại tệ gửi tại Ngân hàng được hưởng lãi bằng ngoại tệ theo lãi xuất do Ngân hàng công bố.

Chủ tài khoản được sử dụng ngoại tệ để chi trả tiền hàng nhập khẩu và dịch vụ, trả nợ tiền vay, chuyển nhượng hoặc bán cho Ngân hàng theo tỷ giá kinh doanh tại thời điểm Ngân hàng mua ngoại tệ.

Điều 8. - Các tổ chức và công dân Việt Nam có nhu cầu chi ngoại tệ, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, thì được Ngân hàng bán ngoại tệ theo tỷ giá kinh doanh tại thời điểm Ngân hàng bán ngoại tệ.

Điều 9. - Các tổ chức và công dân Việt Nam có nhu cầu ngoại tệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận thì được vay Ngân hàng hoặc được Ngân hàng bảo lãnh vay ngoại tệ.

Trường hợp được phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài hoặc trực tiếp vay nước ngoài dưới hình thức tín dụng thương mại thì định kỳ phải báo cáo cho Ngân hàng về tình hình thu chi ngoại tệ gửi ở nước ngoài và tình hình vay, trả nợ.

Điều 10. - Mọi việc trao đổi hàng hoá theo phương thức hàng đổi hàng và thanh toán bù trừ với nước ngoài đều phải báo cáo cho Ngân hàng trị giá bằng ngoại tệ của hàng hoá đã trao đổi và số ngoại tệ thanh toán bù trừ.

Điều 11. - Công dân Việt Nam có ngoại tệ được:

a) Bán cho Ngân hàng theo tỷ giá kinh doanh tại thời điểm Ngân hàng mua ngoại tệ.

b) Mua hàng tại cửa hàng bán thu ngoại tệ.

c) Gửi vào tài khoản tại Ngân hàng và được hưởng lãi bằng ngoại tệ theo lãi xuất do Ngân hàng công bố.

Ngoại tệ gửi tại Ngân hàng được rút ra để thanh toán, chuyển nhượng cho đơn vị và cá nhân khác.

Điều 12. - Các tổ chức, công dân nước ngoài và công dân Việt Nam có ngoại tệ chuyển vào Việt Nam được:

a) Bán cho Ngân hàng.

b) Mua hàng tại cửa hàng bán thu ngoại tệ hoặc chi trả các dịch vụ bằng ngoại tệ.

c) Gửi vào tài khoản tại Ngân hàng.

d) Chuyển ra nước ngoài số ngoại tệ còn lại .

Điều 13. - Mọi hoạt động thanh toán, mua bán và chuyển đổi ngoại tệ được áp dụng theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Chương 3:

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ KIM LOẠI QUÝ, ĐÁ QUÝ VÀ

 ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM

Điều 14. - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu kim loại quý, đá quý. Việc xuất khẩu, nhập khẩu kim loại quý, đá quý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép.

Điều 15. - Công dân Việt Nam và công dân nước ngoài khi xuất cảnh và nhập cảnh có mang theo kim loại quý, đá quý đều phải khai báo với Hải quan cửa khẩu, trừ trường hợp được miễn khai báo theo quy định của Nhà nước.

Điều 16. - Công dân Việt Nam khi xuất cảnh được mang theo tư trang bằng kim loại quý, đá quý, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; khi nhập cảnh được mang theo kim loại quý, đá quý với số lượng không hạn chế.

Điều 17. - Công dân nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài khi nhập cảnh được mang theo kim loại quý, đá quý không hạn chế; khi xuất cảch được mang theo tối đa bằng mức khi mang vào; được mang ra những tư trang, hàng mỹ nghệ bằng kim loại quý, đá quý mua tại Việt Nam với giấy tờ hợp lệ.

Chương 4:

QUY ĐỊNH VỀ THƯỞNG VÀ PHẠT

Điều 18. - Những người có công phát hiện hoặc truy bắt những người vi phạm Điều lệ quản lý ngoại hối được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 19. - Những người vi phạm điều lệ này tuỳ theo lỗi nặng nhẹ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố theo Bộ Luật Hình sự hiện hành.

Điều 20. - Thẩm quyền xử phạt:

Những vụ vi phạm Điều lệ quản lý ngoại hối tại các cửa khẩu nơi có cơ quan Hải quan thì do hải quan xử lý và thông báo cho Ngân hàng.

Những vụ vi phạm điều lệ quản lý ngoại hối ở những nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý.

Điều 21. - Trong khi chờ xử lý, ngoại hối tạm giữ phải gửi bảo quản tại Ngân hàng nơi gần nhất trong thời hạn chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày bắt giữ.

Sau khi xử lý, ngoại hối tịch thu và tiền phạt đều phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam , Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế Đối ngoại và Tổng Cục Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Điều lệ quản lý ngoại hối trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình.