Nghị quyết số 193/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Quy định mức hỗ trợ các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2016-2020
- Số hiệu văn bản: 193/2015/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 11-12-2015
- Ngày có hiệu lực: 21-12-2015
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-01-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1842 ngày (5 năm 0 tháng 17 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 05-01-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 193/2015/NQ-HĐND | Quảng Nam, ngày 11 tháng 12 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ CÁC HOẠT ĐỘNG VỀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ DỊCH VỤ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2016-2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Liên Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông; Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính, Công thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương;
Sau khi xem xét Tờ trình số 5473/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc đề nghị quy định mức hỗ trợ các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016; Báo cáo thẩm tra số 72/BC-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Quy định mức hỗ trợ các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2016-2020 với các nội dung như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1. Phạm vi điều chỉnh: Hỗ trợ cho tất cả các xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
2. Đối tượng áp dụng: Cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn.
Điều 2. Nội dung và mức hỗ trợ:
1. Hỗ trợ mở lớp tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo:
a) Người nông dân, cán bộ và thành viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác, người hoạt động khuyến nông là cán bộ xã, thôn được hỗ trợ:
- Hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học;
- Hỗ trợ tiền ăn: Tổ chức tại cơ sở (xã, thôn) 25.000 đồng/ngày thực học/người; tổ chức tại huyện 50.000 đồng/ngày thực học/người;
- Hỗ trợ tiền đi lại: Tập huấn tại xã 20.000 đồng/người/ngày, tập huấn tại huyện 30.000 đồng/người/ngày;
Đơn vị tổ chức tập huấn bố trí chỗ ở cho các học viên được hỗ trợ chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí thực tế theo hóa đơn hợp pháp, nhưng mức tối đa không quá mức tiền thuê chỗ ở về chế độ công tác phí hiện hành do UBND tỉnh quy định và chi khác (nếu có).
b) Chi cho giảng viên: Tùy theo đối tượng, trình độ học viên mà các cơ sở đào tạo bố trí mời giảng viên từng cấp cho phù hợp. Chi phí cho việc đi lại, bố trí nơi ở cho giảng viên: thực hiện theo chế độ công tác phí UBND tỉnh quy định. Mức chi thù lao giảng viên (đã bao gồm cả việc soạn giáo án bài giảng, tiền ăn giảng viên) như sau:
- Giảng viên, báo cáo viên là chuyên viên chính; phó giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, nghệ nhân cấp tỉnh và tương đương; mức tối đa: 500.000 đồng/buổi.
- Giảng viên, báo cáo viên là chuyên viên; giảng viên, báo cáo viên cấp huyện; người lao động có tay nghề cao; mức tối đa: 300.000 đồng/buổi.
- Giảng viên, báo cáo viên cấp xã; hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật; nông dân nòng cốt đã qua lớp đào tạo giảng viên (TOT); mức tối đa: 150.000 đồng/buổi.
c) Chi phí phục vụ lớp học:
- Tiền điện, nước, vệ sinh phục vụ lớp học đối với trường hợp không thuê; trong trường hợp thuê hội trường phải có hợp đồng và hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính.
- Tiền nước uống cho giảng viên, học viên chi thực tế theo hóa đơn hợp pháp, nhưng tối đa 10.000 đồng/người/ngày.
2. Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất và tổ chức hội thảo nhân rộng:
a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu (bao gồm: các loại phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản) cho các mô hình sản xuất trình diễn và tổ chức nhân rộng theo từng địa bàn:
- Ở địa bàn khó khăn (theo Quyết định số 1049/2014/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ), huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ), ngân sách hỗ trợ: 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu.
- Ở địa bàn trung du miền núi thuộc vùng có hệ số phụ cấp khu vực (trừ các xã thuộc Quyết định số 1049/2014/QĐ-TTg ngày 26/6/2014), được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 50% chi phí mua vật tư thiết yếu.
- Ở địa bàn còn lại được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu.
- Mức hỗ trợ kinh phí tối đa cho mô hình trình diễn:
Mô hình trình diễn cây trồng hàng năm được hỗ trợ chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng/mô hình/năm;
Mô hình trình diễn cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu được hỗ trợ chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 120 triệu đồng/mô hình/năm;
Mô hình trình diễn chăn nuôi được hỗ trợ chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 140 triệu đồng/mô hình/năm;
Mô hình trình diễn nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 160 triệu đồng/mô hình/năm.
b) Thuê khoán cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình trình diễn bằng mức lương cơ sở (1,0)/người/tháng).
c) Hỗ trợ triển khai, hội thảo, tổng kết, chi khác (nếu có, bao gồm: thông tin, tuyên truyền, khen thưởng) đối với các mô hình: Mức chi 5% trên tổng mức kinh phí đầu tư cho mô hình nhưng không quá 12 triệu đồng/mô hình.
d) Chi phí quản lý: Phân bổ không quá 3% (riêng địa bàn khó khăn, thuộc huyện nghèo không quá 4%) trên tổng mức kinh phí thực hiện đầu tư cho mô hình, để chi công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chi khác (nếu có).
3. Hỗ trợ xây dựng mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản nông sản, chế biến và ngành nghề nông thôn (hỗ trợ chi phí mua công cụ, máy cơ khí, thiết bị):
a) Ở địa bàn khó khăn (theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ), huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ), được hỗ trợ 100% nhưng tối đa 120 triệu đồng/mô hình.
b) Ở địa bàn trung du miền núi thuộc vùng có hệ số phụ cấp khu vực (trừ các xã thuộc Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014), được hỗ trợ 75% nhưng tối đa 100 triệu đồng/mô hình.
c) Ở địa bàn còn lại được hỗ trợ 50% nhưng tối đa 60 triệu đồng/mô hình.
4. Quy mô mô hình, danh mục mô hình được xác định hằng năm trên cơ sở đề án phát triển sản xuất phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và nguồn ngân sách sự nghiệp kinh tế phân bổ cho xã để thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất.
5. Hỗ trợ đầu tư các dịch vụ về bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản, lâm nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy sản có hiệu quả: tối đa 30 triệu đồng/mô hình.
6. Hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao: tối đa 100 triệu đồng/mô hình.
Điều 3. Kinh phí thực hiện: Nguồn vốn sự nghiệp của Trung ương, địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình nông thôn mới hàng năm phân bổ cho xã.
Điều 4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Khóa VIII, Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |