Nghị quyết số 07/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 của thành phố Hà Nội (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 07/2011/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 09-12-2011
- Ngày có hiệu lực: 19-12-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-06-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 899 ngày (2 năm 5 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 05-06-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2011/NQ-HĐND | Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012 CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ BA
(Từ ngày 07/12 đến ngày 10/12/2011)
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Sau khi xem xét các báo cáo của UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố trình tại kỳ họp; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố; ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Thành phố; ý kiến của các đại biểu HĐND Thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của thành phố Hà Nội như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tập trung cho công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng khung, phát triển đô thị bền vững, cải thiện chất lượng môi trường. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học, y tế; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và vị thế của Thủ đô.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
Chỉ tiêu kinh tế:
(1) Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng: 10%-10,5% (dịch vụ 10,6% - 11,2%; công nghiệp - xây dựng 10,4% - 10,8%; nông nghiệp 2% - 2,5%);
(2) Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng: 15%;
(3) Tổng vốn đầu tư xã hội tăng: 15% - 17%;
Chỉ tiêu xã hội:
(4) Mức giảm tỷ suất sinh so năm trước: 0,2%o;
(5) Mức giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,5%;
(6) Trường đạt chuẩn Quốc gia tăng thêm: 100 trường;
(7) Tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi hoàn thành phổ cập giáo dục bậc THPT: 84%;
(8) Số lao động được tạo việc làm mới: 140.000 người;
(9) Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn: 1,5% (23.000 hộ thoát nghèo; tỷ lệ nghèo còn 4,2%);
(10) Đơn vị đạt tiêu chuẩn là đơn vị văn hóa:
- Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hoá: 83,5%;
- Tỷ lệ làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng, thôn, bản văn hóa: 53,5%;
- Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 63%;
- Tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn và giữ vững danh hiệu Đơn vị văn hoá: 55%.
Chỉ tiêu đô thị, môi trường:
(11) Lượng nước sạch tăng thêm: 100.000 m3/ngày đêm;
(12) Tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch: 100%;
Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước đảm bảo vệ sinh: 86%;
(13) Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt trong ngày:
- Tại các quận, thị xã: duy trì 98%;
- Tại các huyện: duy trì 75%.
(14) Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%;
(15) Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 100% đối với các cụm công nghiệp xây dựng mới; 50% đối với các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.
3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
3.1. Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh
Tiếp tục rà soát, sửa đổi và công khai các quy định về thủ tục hành chính, các quy hoạch, kế hoạch, chính sách; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận đất đai, nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ của Thành phố.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp tập trung, hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề. Hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp trong việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch. Xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến, cải tiến mẫu mã, thương hiệu và mở các kênh tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề có sản lượng hàng hóa lớn;
Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu; chú trọng công nghiệp cơ khí trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, các ngành sản xuất dây cáp và thiết bị điện, cơ kim khí, sản phẩm nhựa,... Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Lấp đầy khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ) và cụm công nghiệp Quất Động (Thường Tín).
Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, giáo dục đào tạo, logistic, du lịch. Phát triển đồng bộ và quản lý tốt các loại thị trường.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp, gắn nông nghiệp với du lịch sinh thái. Bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, hoa, cây cảnh và cây ăn quả đặc sản, Chương trình sản xuất lúa gạo hàng hoá chất lượng cao, Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…; Hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực, mở rộng xã hội hóa. Tập trung phát triển các lĩnh vực, đầu tư các dự án có tác động lan tỏa cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển. Đa dạng hình thức đầu tư theo các cơ chế: đầu tư - khai thác - chuyển giao (BOT); đầu tư - chuyển giao (BT); đầu tư - chuyển giao - khai thác (BTO); công - tư hợp tác đầu tư (PPP). Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; rà soát quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất, xác định địa điểm và lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, FDI. Tập trung vốn cho các công trình dự án cấp thiết hoàn thành trong năm 2012, sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
3.2.Tập trung kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội
Thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, hoạt động của các tổ chức tín dụng. Điều chỉnh cơ cấu tín dụng hợp lý, tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu; giữ mặt bằng lãi suất hợp lý.
Rà soát danh mục đầu tư công, chuyển một phần đầu tư nhà nước sang đầu tư từ các nguồn vốn khác. Kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư. Tiết kiệm chi thường xuyên.
Đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, ổn định nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu. Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý nhà nước về giá. Phát huy hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá; kiểm soát chặt chẽ các loại phí, lệ phí và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, giải pháp điều hành tiền tệ, quản lý hoạt động của ngân hàng để ổn định tâm lý người gửi tiền, hạn chế tối đa tác động tăng giá do yếu tố tâm lý. Kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng huy động vốn lãi suất cao trái quy định trên địa bàn.
Cân đối giữa đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm hỗ trợ gia đình chính sách, người có công, người nghèo, các đối tượng xã hội,… nhất là trong các dịp lễ, tết.
Mở rộng và nâng cao chất lượng các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm. Theo dõi, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động mất việc làm. Nắm bắt kịp thời tình hình, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn của công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung, tránh để xảy ra đình công, lãn công quy mô lớn.
3.3. Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang,… Tăng cường các cơ chế, biện pháp quản lý, bảo tồn và phát huy các công trình, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô.
Thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Triển khai các chương trình, phong trào thi đua trong giáo viên và học sinh. Đầu tư xây dựng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở các phường chưa có trường công lập, tại các khu đô thị, khu đông dân cư. Kiểm định chất lượng giáo dục các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp và đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp ở tất cả các cấp, bậc học. Hoàn thành xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của Thành phố. Xây dựng các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tri thức. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ.
Nâng cao hiệu quả công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ. Tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc chữa bệnh, đặc biệt là giá thuốc chữa bệnh; quản lý chặt chẽ chất lượng hoạt động khám chữa bệnh, nhất là khu vực tư nhân. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng bệnh viện 1.000 giường tại Mê Linh.
3.4. Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường
Hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch kinh tế - xã hội 18 huyện, thị xã; các quy hoạch ngành, lĩnh vực; các quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng, khu đô thị; chú trọng công tác quản lý quy hoạch.
Rà soát, điều chỉnh các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo yêu cầu chặt chẽ, khoa học, đồng bộ và phù hợp thực tiễn; triển khai thực hiện các dự án sau khi đã rà soát quy hoạch.
Tiếp tục chỉ đạo việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, nhất là tại các khu đô thị mới. Tăng cường quản lý và tổ chức bán nhà cho người thu nhập thấp đúng đối tượng và đúng quy định; kiểm tra, giám sát xây dựng đô thị, kiên quyết xử lý nhà không phép, sai phép, nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. Mở rộng các hình thức huy động nguồn lực, xã hội hóa xây dựng nhà tái định cư.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Phát triển các bến, bãi đỗ xe theo hướng mở rộng xã hội hóa. Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng. Tăng cường quản lý kinh doanh vận tải taxi. Triển khai đề án quản lý giao thông thông minh trên các trục chính của Thành phố.
HĐND Thành phố tán thành với Tờ trình về việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội do UBND trình và giao UBND báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
Tăng cường công tác quản lý đất đai. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách, các dự án trọng điểm giao thông đô thị. Phấn đấu hoàn thành các tuyến đường: Văn Cao - Hồ Tây, đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng, đường vành đai 1 (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu),... Đầu tư một số cầu vượt có kết cấu nhẹ tại một số nút giao thông trên các tuyến đường vành đai 2, 3 và một số nút giao thông quan trọng. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến: đường 5 kéo dài, đường từ quốc lộ 5 - khu công nghiệp HAPRO, từ Phạm Văn Đồng - Trường Đại học Mỏ - địa chất,... Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai các tuyến đường: Hà Nội - Hải Phòng, cầu Nhật Tân, Hà Nội - Thái Nguyên,...
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của Thành phố. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước. Chú trọng giải quyết các vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường ở các làng nghề, khu công nghiệp, khu đô thị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, không phù hợp với quy hoạch.
Tập trung các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 04 xã; 30 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 100 xã đạt từ 10-13 tiêu chí. Tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa tạo điều kiện áp dụng cơ giới và tiến bộ trong sản xuất. Tập trung đầu tư củng cố hệ thống đê, kè, công trình thủy lợi nhằm chủ động phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp; phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề ngập úng cho đô thị trung tâm.
3.5. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, quân sự địa phương
Tiếp tục xây dựng, củng cố và giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; nắm chắc tình hình, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện tốt các kế hoạch, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao quan trọng. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo và Đại đoàn kết dân tộc.
Thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận an ninh nhân dân kết hợp với quốc phòng toàn dân, đấu tranh, ngăn ngừa, phòng chống tội phạm. Tổ chức các lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống phức tạp về an ninh trật tự, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Thực hiện các giải pháp phòng, chống cháy nổ trên địa bàn.
3.6. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
Triển khai thực hiện có hiệu quả 9 chương trình công tác lớn của Thành uỷ. Đổi mới phong cách chỉ đạo, quyết liệt trong điều hành từ Thành phố đến sở ngành, quận huyện, thị xã; tăng cường sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành; tăng cường kiểm tra, sâu sát cơ sở, tập trung chỉ đạo vào các khâu đột phá của Thành phố.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách hành chính. Tăng cường kỷ cương hành chính. Công khai hóa các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách, kế hoạch, quy hoạch trên các trang thông tin điện tử chính thức của Thành phố và sở, ban, ngành. Coi trọng phản biện xã hội, sự tham vấn nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia khi xây dựng cơ chế, chính sách.
Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước. Tổ chức tốt việc tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân ngay từ cấp cơ sở, không để tồn đọng kéo dài.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hoá khoa học kỹ thuật với các tỉnh, thành trong cả nước và Thủ đô, thành phố lớn của các nước trên thế giới.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Giao UBND Thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Giao Thường trực HĐND Thành phố, các Ban, Đại biểu HĐND và đề nghị Ủy ban MTTQ Thành phố giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
HĐND Thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, các cấp, ngành, MTTQ và các đoàn thể Thành phố nỗ lực phấn đấu, thi đua hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Thành phố Hà Nội.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Khoá XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |