Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 05/08/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Về Đề án định giá rừng để giao, cho thuê và bồi thường rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- Số hiệu văn bản: 20/2011/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Ngày ban hành: 05-08-2011
- Ngày có hiệu lực: 15-08-2011
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 21-12-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-07-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2904 ngày (7 năm 11 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-07-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2011/NQ-HĐND | Kon Tum, ngày 05 tháng 08 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ THÔNG QUA ĐỀ ÁN ĐỊNH GIÁ RỪNG ĐỂ GIAO, CHO THUÊ VÀ BỒI THƯỜNG RỪNG TỰ NHIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28/03/2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLB-BNN-BTC ngày 26/05/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28/3/2007 của Chính phủ;
Sau khi xem xét Tờ trình số 56/TTr-UBND ngày 04/7/2011 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án định giá rừng để giao, cho thuê và bồi thường rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án định giá rừng để giao, cho thuê và bồi thường rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
- Về đối tượng áp dụng bao gồm:
+ Rừng sản xuất là rừng tự nhiên để giao, cho thuê;
+ Rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là rừng tự nhiên được cấp có thẩm quyền cho chuyển mục đích sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh.
- Về phạm vi áp dụng: Áp dụng đối với các dự án giao, cho thuê rừng, chuyển rừng trồng cao su và các dự án đầu tư phải chuyển mục đích sử dụng rừng (trừ các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trình an ninh quốc phòng, các dự án có tính chất an sinh xã hội do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tài trợ).
2. Giá quyền sử dụng rừng:
2.1. Giá quyền sử dụng rừng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên để giao hoặc cho thuê cho các tổ chức, cá nhân trong nước quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật:
Loại rừng | Trữ lượng (m3/ha) | Giá quyền sử dụng 1 ha rừng (1.000 đồng) |
1. Rừng rất giàu | ≥ 400 | 32.200 |
351-399 | 30.150 | |
301-350 | 25.930 | |
2. Rừng giàu | 251-300 | 20.500 |
201-250 | 15.400 | |
3. Rừng trung bình | 151-200 | 10.000 |
101-150 | 3.300 | |
4. Rừng nghèo | 10-100 | 0 |
Giá quyền sử dụng các loại rừng trên chỉ áp dụng để ước lượng giá trị bằng tiền của khu rừng dùng để giao rừng, cho thuê theo Quy chế quản lý và sử dụng rừng do Nhà nước ban hành. Khi triển khai cụ thể, những diện tích rừng nào có số liệu điều tra tài nguyên rừng thực tế phù hợp với các thông số về trữ lượng đã quy định trong đề án thì mới được áp dụng tính toán kết quả để giao, cho thuê.
Đối với những dự án có số liệu điều tra tài nguyên rừng thực tế không phù hợp với các thông số về trữ lượng đã quy định trong đề án, trước khi thực hiện giao, cho thuê rừng phải được điều tra trữ lượng và định giá lại theo thực tế.
2.2. Giá quyền sử dụng rừng đối với diện tích đất rừng thuộc dự án chuyển đổi sang trồng cao su và diện tích đất rừng chuyển mục đích sang thực hiện Dự án xây dựng công trình thủy điện, thăm dò khai thác khoáng sản và các dịch vụ khác: 16 triệu đồng/ha. Riêng phần lâm sản trên đất, giao cho chủ rừng tổ chức thiết kế khai thác tận thu và bán đấu giá nộp vào ngân sách nhà nước. Tiền thu được từ bán lâm sản tận thu được hạch toán toàn bộ vào mục thu quyền sử dụng rừng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Đối với các dự án khác liên quan đến sử dụng đất lâm nghiệp cần phải thu tiền quyền sử dụng rừng, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
2.3. Giá quyền sử dụng rừng để tính tiền bồi thường rừng:
- Giá quyền sử dụng rừng để tính tiền bồi thường rừng cho chủ rừng khi nhà nước thu hồi rừng: Được áp dụng bảng giá quyền sử dụng rừng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên và các quy định kèm theo tại Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết này để tính toán bồi thường.
- Giá quyền sử dụng rừng để tính tiền bồi thường rừng đối với các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng: Áp dụng bảng giá quyền sử dụng rừng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên và các quy định kèm theo tại Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết này nhân với hệ số K (quy định tại Thông tư liên tịch số 65/2008/BNN-BTC) để tính toán bồi thường.
Điều 2. Khi yếu tố giá cả và các yếu tố khác thay đổi làm ảnh hưởng tăng hoặc giảm giá quyền sử dụng rừng và tiền bồi thường khi thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng trên 20% liên tục trong thời gian từ 6 tháng trở lên, giao Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định và báo cáo lại cho Hội đồng nhân dân tỉnh trong kỳ họp gần nhất.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Khoá X, kỳ họp thứ 2 thông qua.
Nghị quyết này thay thế các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh:
- Nghị quyết số 11/2008/NQ-HĐND ngày 09/9/2008 về việc thông qua Đề án định giá rừng (tạm thời) để giao, cho thuê và bồi thường rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Nghị quyết số 14/2009/NQ-HĐND ngày 09/12/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 11/2008/NQ-HĐND ngày 09/9/2008./.
| CHỦ TỊCH |