cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND ngày 15/07/2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và điều hành tài chính ngân sách của thành phố Hà Nội 6 tháng cuối năm 2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 06/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Ngày ban hành: 15-07-2010
  • Ngày có hiệu lực: 25-07-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-06-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1411 ngày (3 năm 10 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 05-06-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 05-06-2014, Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND ngày 15/07/2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và điều hành tài chính ngân sách của thành phố Hà Nội 6 tháng cuối năm 2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 05/06/2014 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành đến ngày 31/12/2013”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 06/2010/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG VÀ ĐIỀU HÀNH TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ 21
(từ ngày 13/7/2010 đến ngày 15/7/2010)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Sau khi xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố trình tại kỳ họp; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố; ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố; ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành các báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2010; Báo cáo của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố. HĐND Thành phố nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm, các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định từ đầu năm, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Triển khai hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội

Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và của Thành phố. Chủ động theo dõi, nghiên cứu diễn biến tình hình kinh tế, thị trường để có ứng phó kịp thời, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành phù hợp với thực tế của Thủ đô. Phấn đấu GDP 6 tháng cuối năm tăng từ 11-11,5% để cả năm tăng trên 10,5%.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Hoàn thành đề án liên kết «3 nhà» khoa học – quản lý – doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp cung cấp điện ổn định cho sản xuất. Thúc đẩy phát triển các chương trình, các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời khai thác tốt tiềm năng thị trường trong nước. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ giao nhận và tổ chức các kênh phân phối hàng hóa; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, lợi dụng biến động của thị trường để nâng giá bán không đúng quy định, nhằm ổn định thị trường giá cả, đảm bảo đời sống nhân dân. Thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn giá trên địa bàn.

Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ. Chủ động triển khai các giải pháp về chính sách tiền tệ bảo đảm kiềm chế lạm phát, đồng thời đáp ứng yêu cầu thanh khoản của nền kinh tế. Tập trung phát triển hạ tầng và các sản phẩm du lịch, khai thác tối đa lợi thế Năm du lịch quốc gia tại Hà Nội, gắn chặt chẽ hoạt động du lịch với hoạt động văn hóa trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhằm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Hỗ trợ đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp theo hướng tích cực, hiệu quả, bền vững, trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, trước hết là khâu giống, bảo vệ thực vật, thú y. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia cầm, gia súc và cây trồng. Tập trung chỉ đạo phòng chống thiên tai, gia cố đê kè, phòng chống lụt bão.

Tích cực khai thác các nguồn thu ngân sách để tăng chi cho đầu tư phát triển; thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt từ 5% đến 10% dự toán. Tiếp tục thực hiện các giải pháp xúc tiến đầu tư. Thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Thành phố theo kế hoạch từ đầu năm.

2. Thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm và tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế về Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Chủ động phối hợp, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công các ngày lễ lớn trong năm 2010 theo chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Động viên các tầng lớp nhân dân, cán bộ công nhân viên, các đơn vị, tập thể thực hiện tốt nếp sống văn minh thanh lịch, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp từ cơ sở đến Thành phố.

Tổng kết Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và giới thiệu các tác phẩm đạt giải với công chúng.

Tiếp tục triển khai thực hiện các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đảm bảo tiến độ và chất lượng. Khuyến khích các công trình xã hội hóa và các công trình đăng ký gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long trong cả nước.

3. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa – xã hội

Tổng kết Chương trình “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo rao vặt. Kiểm tra công tác quản lý di sản, công tác tu bổ, tôn tạo di tích; xây dựng quy hoạch di tích trên địa bàn.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của nhà trường. Nâng cao chất lượng của hệ thống dạy nghề. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. Hoàn thành xây dựng đề án «Phát triển công nghệ thông tin trong trường học».

Tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Tiếp tục triển khai Đề án «Đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế» cho các bệnh viện công lập thuộc đề án xã hội hóa y tế giai đoạn 2010 – 2015; Đề án nâng cao năng lực vận chuyển cấp cứu trên địa bàn. Chủ động phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch việc làm. Giải quyết 67.000 việc làm mới cho người lao động. Xây dựng các chương trình, đề án: Chương trình phát triển nguồn nhân lực nông thôn đến năm 2020; Kế hoạch xã hội hóa dạy nghề đến năm 2015; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố đến năm 2020; Đề án xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nghề đến năm 2015. Tiếp tục thực hiện chương trình, kế hoạch bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2010. Tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Chuyển đổi 4 trường công lập sang mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao và tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng 5 trường ngoài công lập; xã hội hóa đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị y tế cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Tăng cường công tác quy hoạch, đi liền với công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, quan tâm cải thiện chất lượng môi trường

Trình phê duyệt và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển tổng thể Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 của các huyện và của Thành phố, các quy hoạch phát triển ngành. Đẩy nhanh tiến độ rà soát các đồ án quy hoạch trên địa bàn. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nhà ở giai đoạn 2010 - 2020. Đẩy mạnh thực hiện các dự án phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn. Lập và triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011 – 2015. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách nhà ở công vụ cho cán bộ công chức các cơ quan Trung ương và Hà Nội. Hoàn thành kế hoạch bán nhà theo Nghị định 61/CP vào cuối năm 2010 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường quản lý đất đai, có giải pháp, thông tin kịp thời, hiệu quả tránh đầu cơ gây biến động giá đất bất thường.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu Chương trình nghị sự 21([1]), kế hoạch hành động tổng thể và cải thiện chất lượng môi trường. Xây dựng kế hoạch chung thực hiện Đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy trên phạm vi 5 tỉnh, thành phố trong lưu vực. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường và cải tạo các hồ trên địa bàn Thành phố. Khởi công trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu. Duy trì hệ thống sông, mương, cống thoát nước và các trạm bơm, hồ điều hòa, xử lý các điểm úng ngập cục bộ để đảm bảo thực hiện tốt công tác thoát nước mùa mưa 2010.

Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang đô thị xanh – sạch – đẹp, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị trên các tuyến đường, phố của các quận và thị trấn, thị tứ các huyện ngoại thành. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo các công viên quan trọng: Yên Sở, Hòa Bình, Tuổi Trẻ, Thủ Lệ, Thống Nhất, Nhân Chính, Dịch Vọng, Mai Dịch … Tập trung thực hiện tốt các dự án, đề án về xử lý rác thải trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND Thành phố.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, tăng cường các lực lượng đồng bộ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị gây ùn tắc giao thông. Hoàn thành 10 cầu vượt cho người đi bộ trên các tuyến Giảng Võ, Láng Hạ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà, Chùa Bộc …

5. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, nâng cao vị thế của Thủ đô.

Xây dựng, củng cố và giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hoàn thành công tác tuyển quân đợt 2 đảm bảo đủ quân số và chất lượng. Tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ tại 4 địa phương. Xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, thể thao quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm về ma túy và các loại tội phạm hình sự khác, tội phạm sử dụng vũ khí nóng. Thực hiện các giải pháp phòng, chống và hạn chế cháy nổ trên địa bàn.

Tích cực đề xuất, phối hợp và tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương trong việc tạo điều kiện và có các cơ chế chính sách cho phát triển Thủ đô. Tăng cường hợp tác với thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế về các tỉnh thành phố trong cả nước hướng đến 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô Hà Nội với bạn bè quốc tế, nhất là về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ hoạt động các đoàn ngoại giao ASEAN tại Việt Nam.

6. Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và hoàn thành thắng lợi các chương trình, kế hoạch công tác năm 2010 và giai đoạn 2006 – 2010, tập trung vào công tác cải cách hành chính, đặc biệt là rà soát xử lý đảm bảo tính thống nhất trong phân cấp quản lý. Tăng cường công tác quản lý nhà nước ở tất cả các cấp, sự phối kết hợp giữa các sở, ngành; duy trì thường xuyên kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý kịp thời các vi phạm. Tập trung thực hiện đề án “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính và rà soát các thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ. Đưa vào sử dụng mạng WAN của Thành phố kết nối 81 điểm các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã; đưa hệ thống giao ban trực tuyến phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố.

Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng cụ thể, sâu sát, hướng về cơ sở, thực hiện tốt việc xây dựng, củng cố, điều chỉnh hoàn thiện các cơ chế chính sách về quản lý nhà nước ở các lĩnh vực. Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ và nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2010. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015. Phối hợp tốt với các Bộ, Ban, Ngành liên quan đẩy nhanh xây dựng Luật Thủ đô để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Giao UBND Thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Giao Thường trực HĐND Thành phố, các Ban, Đại biểu HĐND Thành phố và đề nghị Ủy ban MTTQ Thành phố giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

HĐND Thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, các cấp, ngành, MTTQ và các đoàn thể Thành phố nỗ lực phấn đấu thi đua hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của Thành phố Hà Nội, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 21.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ, ngành Trung ương;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội;
- TT HĐND, UBND, UB MTTQ TP;
- Các vị đại biểu HĐND TP;
- VP TU và các Ban của Thành ủy;
- VP ĐĐBQH&HĐND, VP UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Các cơ quan thông tấn báo chí;
- Lưu.

CHỦ TỊCH




Ngô Thị Doãn Thanh

 


[1] Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).