Nghị quyết số 172/2008/NQ-HĐND ngày 16/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Thông qua Đề án đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao tỉnh Phú Thọ đến năm 2020
- Số hiệu văn bản: 172/2008/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Ngày ban hành: 16-12-2008
- Ngày có hiệu lực: 21-12-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-01-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4418 ngày (12 năm 1 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-01-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 172/2008/NQ-HĐND | Việt Trì, ngày 16 tháng 12 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG CHỨC CÓ TRÌNH ĐỘ CAO TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI LĂM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003.
Sau khi xem xét Tờ trình số 3324/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2008 của UBND tỉnh về đào tạo đội ngũ cán bộ công chức có trình độ cao tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành thông qua Đề án đào tạo đội ngũ cán bộ công chức có trình độ cao tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
a. Mục tiêu chung
Thực hiện đào tạo đội ngũ cán bộ công chức có trình độ cao theo quy hoạch, kế hoạch, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ công chức có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ lý luận chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, có đủ năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
b. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 10,5% cán bộ công chức có trình độ chuyên môn cao (khối Đảng – đoàn thể 12,5%; khối các cơ quản lý Nhà nước 10,7%). Trong đó đào tạo trình độ tiến sỹ: 36 người; thạc sỹ: 298 người.
2. Phạm vi đối tượng:
a. Phạm vi: Đề án được áp dụng đối với cán bộ công chức các cơ quan Đảng; Uỷ ban Mặt trận tổ quốc; đoàn thể; các cơ quan quản lý Nhà nước; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
b. Đối tượng; Là cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; cán bộ quản lý và dự nguồn cấp phòng; cán bộ chuyên môn.
3. Lĩnh vực đào tạo:
a. Đào tạo trong nước
- Cán bộ, công chức khối Đảng, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc; đoàn thể: Đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ các chuyên ngành: Xây dựng Đảng, chính trị học, tư tưởng Hồ Chí Minh, quản lý hành chính, triết học, kinh tế chính trị học, quản lý kinh tế, kinh tế phát triển, luật học, văn hóa học,quản lý văn hóa, quản lý giáo dục, báo chí, tôn giáo và một số chuyên ngành khác thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhằm tham mưu, giúp việc xây dựng hoạch định và tổng kết chủ trương, đường lối chính sách cũng như công tác xây dựng Đảng.
- Cán bộ, công chức khối các cơ quan quản lý Nhà nước:
+ Cán bộ lãnh đạo:
Đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ phần lý luận cơ bản (chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý kinh tế vĩ mô), quản lý hành chính, quản lý kinh tế, các chuyên ngành: Khoa học công nghệ, nông nghiệp, giao thông vận tải, kiến trúc, xây dựng, luật, quản lý giáo dục, y tế, văn hóa.
+ Công chức chuyên môn:
Đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ các ngành nghiên cứu khoa học (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin), các ngành kỹ thuật (kiến trúc, xây dựng, giao thông vận tải, quy hoạch đô thị), nông nghiệp, công nghiệp; các ngành quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; các ngành kinh tế; Luật quốc tế.
+ Đào tạo cán bộ công chức có trình độ chuyên môn cao:
Đào tạo sau đại học trở lên cho số công chức được tuyển dụng theo chế độ thu hút của tỉnh thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước có tuổi đời dưới 30, có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn để phục vụ cho nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và để tạo nguồn cán bộ kế cận cho tương lai.
b. Đào tạo ở nước ngoài (từ 2 đến 4 năm) cho công chức lãnh đạo, công chức dự nguồn các chức danh lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; chuyên gia đầu ngành. Nội dung về quản lý nguồn nhân lực; quản lý kin tế; xây dựng và hoạch định chính sách; công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế.
4. Kinh phí:
Kinh phí hỗ trợ được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh với mức:
Đào tạo ở nước ngoài trình độ thạc sỹ 10.000 USD/người/khóa học; trình độ tiến sỹ 30.000USD/người/khóa học; trong đó: Hỗ trợ 100% tiền học phí (tùy theo mức thu học phí của từng trường); 1.000USD tiền học ngoại ngữ; tiền vé máy bay 1 lượt đi, 1 lượt về.
Đào tạo trong nước trình độ thạc sỹ 52.000.000 VNĐ/người/khóa học; trình độ tiến sỹ 198.000.000 VNĐ/người/khóa học.
Tổng kinh phí cho đề án là 240.000 USD và 18.792.000.000 VNĐ; bình quân 2.000.000.000 VNĐ/năm.
Mức kinh phí hỗ trợ trên thay đổi khi có sự điều chỉnh mức học phí, mức thu của nơi đào tạo, mức lương cơ bản của Nhà nước.
5. Giải pháp chủ yếu.
a. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác đào tạo cán bộ công chức có trình độ cao đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cán bộ công chức, qua đó để tạo điều kiện về thời gian kinh phí cho cán bộ được cử đi đào tạo.
b. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xác định các lợi thế phát triển của tỉnh và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý để đào tạo cán bộ có trình độ cao; gắn quy hoạch đào tạo và sử dụng; đảm bảo đúng tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý; không bổ nhiệm, đề bạt những cán bộ lãnh đạo quản lý trong quy hoạch nhưng chưa đủ tiêu chuẩn về đào tạo.
c. Điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách về đào tạo cán bộ công chức có trình độ cao từ nguồn tại chỗ; chính sách thu hút nhân tài của tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế để đào tạo, thu hút người giỏi về tỉnh công tác nhằm phát triển đội ngũ cán bộ công chức có trình độ cao, phát huy khả năng sáng tạo và yên tâm công tác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
d. Bố trí đủ nguồn lực cho đào tạo và thu hút cán bộ công chức có trình độ cao. Khuyến khích cán bộ công chức đi tự đào tạo trình độ chuyên môn cao, tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kin phí; kịp thời giải quyết chế độ chính sách theo quy hoạch đào tạo cho cán bộ đào tạo sau đại học.
đ. Quản lý chặt chẽ công tác đào tạo sau đại học từ khâu lựa chọn các trường đào tạo, thời gian đào tạo, bảo đảm cán bộ trong diện quy hoạch, các chuyên gia đầu ngành phải được đào tạo dài hạn, cơ bản, hệ thống ở các trường có uy tín trong và ngoài nước. Có cơ chế quản lý và sử dụng hiệu quả cán bộ công chức sau đào tạo.
e. Xây dựng tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn cán bộ, ngành nghề cử cán bộ công chức đi đào tạo. Quy định rõ trách nhiệm của cán bộ công chức được cử đi đào tạo
g. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng với một số nước có điều kiện tương đồng và phù hợp với Việt Nam đặc biệt là các nước trong khu vực và ở Châu Á để có kế hoạch cử cán bộ công chức đi đào tạo theo nội dung của đề án. Khuyến khích việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức ở nước ngoài hoặc trong nước do tổ chức nước ngoài tài trợ.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVI, kỳ họp thứ mười lăm thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2008.
| CHỦ TỊCH |