Nghị quyết số 153/2008/NQ-HĐND ngày 13/10/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Về Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Phú Thọ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- Số hiệu văn bản: 153/2008/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Ngày ban hành: 13-10-2008
- Ngày có hiệu lực: 17-10-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-01-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4483 ngày (12 năm 3 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-01-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 153/2008/NQ-HĐND | Việt Trì, ngày 13 tháng 10 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP BẤT THƯỜNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05//2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao;
Căn cứ Quyết định số 225/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008 -2010;
Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; một số Nghị quyết của HĐND tỉnh Phú Thọ liên quan đến lĩnh vực y tế;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2827/TTr-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2008 của UBND tỉnh Phú Thọ, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Phú Thọ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:
I. MỤC TIÊU CHUNG:
Nâng cao năng lực, chất lượng phòng bệnh, khám, chữa bệnh của hệ thống y tế; giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao sức khỏe, mức hưởng thụ của người dân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các hình thức đầu tư và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phấn đấu đến năm 2015, các chỉ tiêu chung về chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt ở mức trung bình của cả nước, trong đó có một số chỉ tiêu cao hơn trung bình của cả nước như số bác sỹ trên 01 vạn dân, số giường bệnh trên 01 vạn dân, tỷ lệ trạm y tế tuyến xã có bác sỹ làm việc. Về chuyên môn có một số lĩnh vực mũi nhọn như ứng dụng công nghệ cao vào chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán sinh hóa học, chẩn đoán tế bào học, điều trị các bệnh lý tim mạch, ung thư, phẫu thuật nội soi, điều trị vô sinh và hỗ trợ sinh sản....; tạo đà để đến năm 2020 trở thành trung tâm y tế vùng.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ:
Các chỉ tiêu sức khỏe cần đạt đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
Các chỉ tiêu sức khỏe | 2015 | 2020 |
Tuổi thọ trung bình | 73 | 75 |
Tỷ suất chết mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống | <9 | <8 |
Tỷ lệ chết trẻ em <1 tuổi/1000 trẻ đẻ sống | <7 | <6 |
Tỷ lệ chết trẻ em <5 tuổi/1000 trẻ đẻ sống | <7 | <6 |
Tỷ lệ trẻ mới đẻ có trọng lượng <2500g (%) | <3,5 | <3 |
Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi bị SDD | 15 | 8 |
Chiều cao trung bình của thanh niên (m) | 1,65 | >1,65 |
Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân | 9,0 | 11,0 |
Tỷ lệ dược sĩ ĐH/vạn dân | 1,5 | 2,0 |
Tỷ lệ TYT xã có bác sĩ (%) | 100 | 100 |
Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân | 28 | 30 |
Tỷ lệ thôn, bản có NVYT hoạt động (%) | 100 | 100 |
Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia (%) | 100 | 100 |
Tỷ lệ HGĐ sử dụng nước sạch (%) | 90 | 100 |
Tỷ lệ HGĐ có hố xí đạt tiêu chuẩn VS (%) | >70 | 100 |
Công suất sử dụng giường bệnh (%) | <110 | <100 |
Số lần KCB/người/năm | 3,5 | 4,0 |
Tỷ lệ tiêm chủng đủ các loại vac xin cho trẻ <1 tuổi | >99,5 | >99,9 |
Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên (%) | 1,0 | 0,95 |
Tiền thuốc bình quân người/năm (USD) | 18 | 20 |
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ:
1. Mạng lưới y tế dự phòng:
- Kiện toàn mạng lưới y tế dự phòng và y tế chuyên ngành tuyến tỉnh, gồm 11 trung tâm: Y tế dự phòng tỉnh; Phòng, chống HIV/AIDS; Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường; Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Chăm sóc Mắt; Truyền thông giáo dục sức khỏe; Kiểm nghiệm; Giám định Y khoa- Pháp Y; Nội tiết- Bướu cổ; Vận chuyển cấp cứu; Huyết học và truyền máu.
Tới năm 2010, 100% các trung tâm y tế tuyến huyện được xây dựng cơ sở vật chất để có trụ sở làm việc riêng khang trang, đủ diện tích; đến 2015, 100% các các trung tâm y tế tuyến huyện được đầu tư đầy đủ về trang thiết bị, nhân lực theo đúng Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện tại Quyết định số 26/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
- Kiện toàn, củng cố các trạm y tế tuyến xã để nâng cao năng lực giám sát, phát hiện, phòng, chống, khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh khi xảy ra tại địa bàn.
- Bố trí đủ biên chế và đúng cơ cấu nhân lực cho Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh, các trung tâm y tế hệ dự phòng và chuyên ngành tuyến tỉnh, các Trung tâm Y tế huyện/thành phố/thị xã và các trạm y tế tuyến xã theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế - Nội vụ.
- Bố trí đủ diện tích đất và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trung tâm y tế hệ dự phòng và chuyên ngành tuyến tỉnh, các Trung tâm Y tế tuyến huyện trước năm 2015; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: diện tích đất xây dựng 01 Trung tâm tối thiểu là 3.000 m2, trong đó diện tích xây dựng chiếm khoảng 30-35% tổng diện tích khu đất và đủ để bố trí các phòng chức năng, khoa chuyên môn, khoa xét nghiệm và khu phụ trợ (nhà để xe, kho tàng, nhà vệ sinh…); có hệ thống xử lý rác thải, nước thải y tế.
- Tiếp tục nâng cấp, đầu tư mới trang thiết bị cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các Trung tâm Y tế dự phòng và chuyên ngành tuyến tỉnh, các Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trung tâm Y tế tuyến xã (theo danh mục trang thiết bị của Trung tâm Y tế tuyến huyện đã được Bộ Y tế phê duyệt).
- Có Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến tỉnh và tuyến huyện, bố trí đất và vốn để xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trước năm 2010 (diện tích tối thiểu 5000m2, cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Y tế).
- Y tế lao động: Phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh lao động tại 100% số doanh nghiệp sản xuất lớn, 60% số doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ vào năm 2015. Tới năm 2020, các chỉ số tương ứng là 100%, 80%; đào tạo đồng bộ đội ngũ cán bộ y tế làm công tác y tế lao động với cơ cấu hợp lý.
- Nâng cấp, hiện đại hóa các labo xét nghiệm phục vụ y tế dự phòng.
2. Mạng lưới Khám chữa bệnh - Phục hồi chức năng:
Số giường bệnh/01 vạn dân lên 28 giường vào năm 2015 và 30 giường vào năm 2020.
Đảm bảo đủ trang thiết bị y tế có chất lượng cho các bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế. Phấn đấu đến 2010 Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt trình độ trang thiết bị y tế hiện đại tương đương với các bệnh viện tuyến trung ương; đến 2015: 90% nhu cầu trang thiết bị y tế của các bệnh viện tuyến tỉnh và 80% nhu cầu trang thiết bị y tế của các bệnh viện tuyến huyện được đáp ứng; các tỷ lệ tương ứng vào năm 2020 là 100%.
Đến 2010: 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có hệ thống xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quy định; 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý bệnh viện.
- Đến năm 2015 có 01 Bệnh viện Đa khoa vùng với 900 giường bệnh; 07 Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có 2.070 giường bệnh. Đến năm 2020 có 01 Bệnh viện Đa khoa vùng với 1.100 giường bệnh; 10 Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Chuyên khoa tuyến tỉnh với 2.650 giường bệnh.
- Đến năm 2015 có 10 huyện với 1.090 giường bệnh, đến năm 2020 còn 08 Bệnh viện Đa khoa huyện với 1.070 giường bệnh do chuyển Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông và Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao thành 02 Bệnh viện Chuyên khoa tuyến tỉnh.
- Phát triển các bệnh viện tư nhân và các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập: đến năm 2015 số giường bệnh của y tế tư nhân sẽ chiếm 10-12%/tổng số giường bệnh, đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ tăng lên từ 15 - 18%. Phấn đấu có 01 bệnh viện Mắt tư nhân và 01 Trung tâm dịch vụ Y cao tư nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các bệnh viện liên doanh, liên kết với nước ngoài và phát triển bệnh viện 100% vốn nước ngoài tại các địa bàn tập trung đông dân cư như thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ.
3. Mạng lưới cung ứng thuốc và trang thiết bị:
- Lĩnh vực dược:
Hoàn thiện bộ máy quản lý dược tại tất cả các tuyến, có đủ cán bộ chuyên trách quản lý hành nghề dược vào năm 2010.
Nâng cao năng lực, mở rộng phạm vi quản lý, kiểm tra giám sát của Trung tâm Kiểm nghiệm; xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP của WHO (thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc) trước năm 2010.
Đến năm 2010 có 100% các nhà thuốc kinh doanh trên địa bàn Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các Bệnh viện đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt nhà thuốc); đến năm 2015 có 100% các quầy thuốc trên địa bàn toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn GPP. Đến năm 2010 có 100% các cơ sở kinh doanh bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn GDP (thực hành tốt phân phối thuốc).
Quy hoạch phát triển ngành dược thành ngành lợi thế của tỉnh; quy hoạch phát triển vùng cung cấp nguồn dược liệu. Nâng cấp dây truyền sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần Dược Phú Thọ đạt tiêu chuẩn GMP- WHO trước năm 2010. Phát triển Nam dược, sản xuất dược liệu, bào chế thuốc đối với lĩnh vực y học cổ truyền. Tiền thuốc sử dụng bình quân đầu người/năm đạt 12 USD vào năm 2010 và đạt 18 USD vào năm 2015.
Chuẩn hóa các khoa dược bệnh viện về cơ sở và trang thiết bị theo các tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế: Tỷ lệ đạt chuẩn là 75% năm 2015 và trên 90% vào năm 2020.
- Lĩnh vực Trang thiết bị y tế:
Đến năm 2010 Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt trình độ kỹ thuật về trang thiết bị y tế tương đương với các bệnh viện trung ương để thực hiện tốt nhiệm vụ của Bệnh viện Đa khoa cấp vùng; labo xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đạt tiêu chí an toàn sinh học cấp II; đến năm 2015 các đơn vị Y tế còn lại được trang bị đủ trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế.
4. Mạng lưới y tế cơ sở:
- Kiện toàn phòng y tế tuyến huyện: bố trí đủ nhân lực, đúng cơ cấu.
- Kiện toàn trung tâm y tế tuyến huyện đủ về nhân lực, mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức bộ máy.
- Kiện toàn mạng lưới các Bệnh viện Đa khoa huyện, Bệnh viện Đa khoa liên huyện phù hợp với quy mô các cụm dân cư, duy trì hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực hiện nay (chi tiết tại phần quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh và phục hồi chức năng).
- Nâng cấp hoặc xây dựng mới trụ sở, mua sắm trang thiết bị cho 13 trung tâm y tế tuyến huyện: Đến năm 2015 xây dựng mới hoặc nâng cấp để 13 trung tâm y tế tuyến huyện có trụ sở làm việc riêng khang trang.
- Củng cố, hoàn thiện y tế tuyến xã: Đến hết năm 2010, 100% các xã có trạm y tế kiên cố, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương; có đủ trang thiết bị thiết yếu. Đến năm 2015 các trạm y tế ở các xã miền núi có quy mô dân số trên 8.000 người, xã đồng bằng hoặc thị trấn, phường có trên 12.000 dân được trang bị thêm máy xét nghiệm nước tiểu, máy điện tim, kính hiển vi, máy X quang di động, máy siêu âm xách tay. Đến năm 2015, 100% các trạm y tế xã có quầy thuốc với số vốn từ 12 -15 triệu đồng.
Đảm bảo đủ số lượng cán bộ và cơ cấu hợp lý cho trạm y tế xã theo quy định của Bộ Y tế; đến năm 2015 có 100% trạm y tế xã có cán bộ phụ trách công tác dược.
Thành lập trạm y tế, tổ y tế tại các doanh nghiệp; có nhân viên y tế, trạm y tế tại các trường.
5. Mạng lưới y dược cổ truyền:
Đến năm 2010: bệnh viện y dược cổ truyền của tỉnh thành Bệnh viện hạng II. Thành lập, củng cố khoa y dược cổ truyền tại các bệnh viện đa khoa; thành lập Phòng chẩn trị y dược cổ truyền tại các xã, phường, thị trấn. Củng cố các Hội Đông y từ tỉnh đến xã, phường; thành lập Hội Châm cứu các cấp tỉnh, huyện; tăng số hội viên hàng năm.
Định hướng đến năm 2020: bệnh viện y dược cổ truyền đạt tiêu chí cấp vùng về y dược cổ truyền. Từng bước trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, kiểm định chất lượng thuốc và dược liệu cổ truyền.
Cơ sở y dược cổ truyền ngoài công lập: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các loại hình khám chữa bệnh y dược cổ truyền hoặc sản xuất, kinh doanh thuốc đông dược; các phòng chẩn trị y dược cổ truyền từ thiện của các tổ chức xã hội.
6. Mạng lưới Dân số - Kế hoạch hóa gia đình:
- Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); các Trung tâm DS- KHHGĐ huyện được bố trí trụ sở riêng, bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện theo quy chuẩn trước năm 2010.
- Về nhân lực và cơ cấu nhân lực: Bố trí đủ từ Chi cục đến thôn bản theo quy định của Nhà nước.
7. Mô hình tổ chức và nhân lực y tế:
7.1. Mạng lưới y tế công lập Phú thọ đến năm 2015 và định hướng năm 2020:
- Sở Y tế.
+ Các Chi cục trực thuộc Sở: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình.
+ Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm 01 Bệnh viện Đa khoa vùng; 10 Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Chuyên khoa tuyến tỉnh; 08 Bệnh viện Đa khoa huyện; 11 trung tâm y tế hệ dự phòng và chuyên khoa tuyến tỉnh; 13 trung tâm y tế tuyến huyện; 13 Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện; 276 đến 278 trạm Y tế tuyến xã.
- Phòng Y tế.
7.2. Mạng lưới y tế ngoài công lập tỉnh Phú Thọ đến năm 2015 và 2020:
Các cơ sở khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền; Các phòng khám chuyên khoa, phòng khám đa khoa tư nhân; Một số Bệnh viện tư nhân; Các Công ty cổ phần Dược.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Tài chính và đầu tư
1.1. Nhu cầu đầu tư:
Tổng kinh phí Quy hoạch phát triển hệ thống Y tế tỉnh Phú thọ đến năm 2020 ước tính là 3.763.410 triệu VNĐ, trong đó giai đoạn 2008 đến 2015 ước 2 nghìn năm trăm tỷ VNĐ, giai đoạn 2015 đến 2020 ước 1 nghìn ba trăm tỷ VNĐ.
1.2. Huy động vốn đầu tư từ các nguồn:
- Ngân sách nhà nước cấp
- Vốn vay ngân hàng
- Vốn đầu tư phát triển của đơn vị y tế
- Vốn liên doanh, liên kết của các nhà đầu tư
1.3. Biện pháp thực hiện:
- Lập kế hoạch huy động các nguồn kinh phí, bao gồm cả viện trợ quốc tế, tìm các đối tác trong và ngoài nước…
- Liên doanh, liên kết với các tổ chức, các tỉnh trong nước và nước ngoài.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp vốn đầu tư vào lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế, lĩnh vực khám chữa bệnh…
- Sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào phát triển y tế. Ngân sách nhà nước cấp hàng đảm bảo duy trì ở mức 10-12%/ tổng chi ngân sách hàng năm của tỉnh.
- Phát triển hệ thống y tế, trong đó mạng lưới Khám chữa bệnh- Phục hồi chức năng đảm bảo đủ trang thiết bị y tế có chất lượng cho các bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế. Đến 2010: 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế theo tiêu chuẩn quy định, 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý bệnh viện.
- Tranh thủ thu hút các nguồn vốn ODA, WB, tín dụng ngân hàng, các nguồn viện trợ quốc tế và huy động sự đóng góp của cộng đồng. Triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện trong toàn tỉnh, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân từ năm 2010.
2. Đào tạo và phát triển nhân lực:
- Phát triển nhân lực theo hướng cân đối dần cơ cấu nhân lực của từng tuyến. Giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp thực hiện tuyển chọn nhân lực; ưu tiên xét tuyển đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và các chuyên ngành khác có trình độ đại học hệ chính quy. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đối với chuyên gia đầu ngành, các chuyên gia có kinh nghiệm quản lý kinh tế y tế…
- Thực hiện đào tạo cán bộ trên cả 4 hướng, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm của tỉnh về đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học theo chế độ cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tại các trường đại học y dược trong khu vực tuyển sinh. Tiếp tục cử đi đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học theo hệ chuyên tu để ưu tiên bố trí cho các đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến xã.
- Quan tâm đến đào tạo về quản lý kinh tế y tế.
- Nâng cao y đức đội ngũ thầy thuốc, thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống; giáo dục về y đức, dược đức; tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế.
3. Phát triển Khoa học và công nghệ:
Từng bước hiện đại hóa kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán hóa sinh, lý sinh, miễn dịch, di truyền và sinh học phân tử. Xây dựng một số labo xét nghiệm và các kỹ thuật-công nghệ tiên tiến. Phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý ngành từ tỉnh tới cơ sở.
4. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân:
Bố trí đủ diện tích đất và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trung tâm y tế hệ dự phòng và chuyên ngành tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện trước năm 2015; Đảm bảo diện tích đất xây dựng theo quy định và có hệ thống xử lý rác thải, nước thải y tế đủ tiêu chuẩn về công nghệ và quy định của pháp luật cho tất cả các cơ sở y tế theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
5. Xử lý chất thải, rác thải y tế:
- Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, rác thải y tế đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn về công nghệ và theo quy định của pháp luật cho tất cả các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh.
- Dự án xây mới cơ sở y tế phải đề xuất các giải pháp khả thi về xử lý chất thải, nước thải y tế thì mới được phê duyệt; cơ sở y tế xây mới chỉ được đưa vào hoạt động khi hệ thống xử lý chất thải, rác thải y tế với công nghệ tiên tiến đã được xây dựng và vận hành tốt.
6. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế:
- Phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo.
- Mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết với các tổ chức, các ngành có tiềm năng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị y tế.
- Khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
- Tạo điều kiện bình đẳng giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
- Củng cố và đổi mới phương thức hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp; thực hiện cam kết xây dựng Chuẩn quốc gia về y tế xã.
- Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, đặc biệt các cơ sở y tế đầu ngành trong mọi lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, trao đổi kinh nghiệm…
- Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước, các Viện, trường… Chú ý đào tạo chuyên gia cho các chuyên ngành sâu, chuyên gia quản lý, chuyển giao công nghệ cao…
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này; xây dựng kế hoạch chi tiết đảm bảo thực hiện lộ trình đã được ghi trong quy hoạch;
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, kỳ họp bất thường thông qua ngày 07 tháng 10 năm 2008./.
| CHỦ TỊCH |