Nghị quyết số 135/2008/NQ-HĐND ngày 01/04/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Về phát triển loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong nông, lâm nghiệp giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 135/2008/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Ngày ban hành: 01-04-2008
- Ngày có hiệu lực: 11-04-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-03-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2889 ngày (7 năm 11 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 09-03-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 135/2008/NQ-HĐND | Việt Trì, ngày 01 tháng 04 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ PHÁT TRIỂN CÁC LOẠI HÌNH KINH TẾ TƯ NHÂN, KINH TẾ HỢP TÁC VÀ ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONG NÔNG, LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2007 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi xem xét Tờ trình số 451/TTr-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Chương trình phát triển các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước trong nông, lâm nghiệp giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình phát triển các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước trong nông, lâm nghiệp giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2015, như sau:
1. Đánh giá kết quả giai đoạn 2002 - 2006:
1.1. Kết quả đạt được:
Những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã bám sát vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn, phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác đã tăng cả về số lượng, quy mô và hiệu quả, đa dạng về ngành nghề; các doanh nghiệp Nhà nước đã có sự đổi mới, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Góp phần khai thác và phát huy được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người lao động, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất.
Về kinh tế hộ: Toàn tỉnh có 222.243 hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản và 23.020 hộ chế biến, bảo quản, nông lâm, thủy sản, thu hút và giải quyết việc làm cho 40.900 lao động.
Về kinh tế trang trại: Có 470 trang trại, tổng vốn đầu tư 105.134 triệu đồng, bình quân mỗi trang trại 223,7 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.045 lao động.
Về các doanh nghiệp tư nhân: Có 178 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Trong đó có 30 doanh nghiệp sản xuất nông, lâm, thủy sản, vốn đăng ký 84 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 600 lao động; có 148 doanh nghiệp chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản với tổng số vốn đăng ký 640 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5.200 lao động.
Về các Hợp tác xã, tổ hợp tác: Có 116 Hợp tác xã và 680 tổ hợp tác nông lâm nghiệp, 20 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và 240 hợp tác xã dịch vụ điện năng. Vốn bình quân 1 hợp tác xã 907,7 triệu đồng, trong đó vốn góp của xã viên chiếm 30,1%.
Về các Quỹ tín dụng nhân dân: Có 32 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và 01 Chi nhánh quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Tổng số vốn huy động đạt 208,9 tỷ đồng, vốn điều lệ 9,5 tỷ đồng. Đã cho 16.818 lượt thành viên vay vốn, doanh số cho vay 268,5 tỷ đồng, doanh số thu nợ 228,8 tỷ đồng. Dư nợ đến hết năm 2006 đạt 195,8 tỷ đồng, bình quân 6,1 tỷ đồng/quỹ.
Về các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, đó là: Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên khai thác các công trình thủy lợi, sau khi sắp xếp đổi mới, số lao động còn 371 người, doanh thu bình quân hàng năm 8,83 tỷ đồng. Có 9 lâm trường (Đoan Hùng, Thanh Hòa, Sông Thao, A Mai, Yên Lập, Tam Sơn, Xuân Đài, Tam Thắng, Tam Thanh) thuộc Tổng Công ty giấy Việt Nam, quản lý 32.709,6 ha đất lâm nghiệp, thu hút và giải quyết việc làm cho 893 lao động.
Các đơn vị sự nghiệp, là: Trung tâm giống cây trồng, Trung tâm giống thủy sản, Trung tâm truyền giống gia súc, Trung tâm khuyến nông tỉnh, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy, Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc. Các đơn vị sự nghiệp đã hình thành được mạng lưới cung cấp các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao; công tác ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được đẩy mạnh; xây dựng được nhiều mô hình khảo nghiệm, mô hình trình diễn thu hút đông đảo nông dân tham gia.
1.2. Về tồn tại hạn chế khó khăn:
Hầu hết các loại hình kinh tế trong nông, lâm nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu vốn sản xuất, năng suất lao động thấp, hiệu quả không cao. Sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, khả năng cạnh tranh thấp. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa thực sự khuyến khích các loại hình kinh tế trong nông lâm nghiệp phát triển và còn những bất cập.
1.3. Nguyên nhân của các tồn tại khó khăn:
Phú Thọ là một tỉnh nghèo, sản xuất nông, lâm nghiệp còn ở trình độ thấp, tư tưởng bao cấp vẫn nặng nề, hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều, chưa có chính sách khuyến khích và hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Công tác tuyên truyền khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế chưa sâu rộng. Một số quy hoạch phát triển chưa được xây dựng kịp thời. Một số vấn đề liên quan đến sử dụng đất còn vướng mắc chưa xử lý dứt điểm. Công tác tiếp cận vốn và vay vốn để đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ quản lý cán bộ khoa học có những mặt hạn chế. Sản xuất kinh doanh còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.
2. Nội dung chương trình:
2.1. Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển:
a) Quan điểm:
- Phát triển các loại hình kinh tế trong nông, lâm nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững, đảm bảo môi trường, sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
- Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế trong nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển theo hướng tích cực, vững chắc. Trong đó kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng, kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng.
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong các thành phần kinh tế.
b) Mục tiêu:
- Đến năm 2010: Toàn tỉnh có trên 500 trang trại; vốn đầu tư đạt 210 tỷ đồng và giá trị sản xuất đạt 150 tỷ đồng, thu hút và giải quyết việc làm cho 5 - 6 nghìn lao động. Có trên 55 doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp, vốn đầu tư đạt 226 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 248 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 1.200 lao động; có 195 doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản, vốn đầu tư đạt 1.248 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 1.151 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 14 nghìn lao động. Có trên 125 Hợp tác xã và 850 tổ hợp tác, trong đó 60% Hợp tác xã đạt loại khá, không còn Hợp tác xã yếu kém, thu hút 2.450 xã viên tham gia. Tỷ lệ nông, lâm sản được chế biến 30%; có 15 - 20% doanh nghiệp có sản phẩm nông, lâm nghiệp có khả năng cạnh tranh thuộc các lĩnh vực chế biến chè, giấy, gỗ, tinh bột sắn. Tỷ suất hàng hóa đạt 40 - 45%.
- Đến năm 2015: Toàn tỉnh có trên 650 trang trại; vốn đầu tư đạt 617 tỷ đồng và giá trị sản xuất đạt 370 tỷ đồng, thu hút và giải quyết việc làm cho trên 9 nghìn lao động. Có trên 80 doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp, vốn đầu tư đạt 520 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 440 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 2 nghìn lao động; có 260 doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản, vốn đầu tư đạt trên 2.900 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 2.210 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 21 nghìn lao động. Có trên 140 Hợp tác xã và trên 1.200 tổ hợp tác; vốn đầu tư đạt trên 60 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 85 tỷ đồng, thu hút 3 nghìn xã viên tham gia. Tỷ lệ nông, lâm sản được chế biến 50%; có trên 30% doanh nghiệp có sản phẩm nông, lâm nghiệp có khả năng cạnh tranh thuộc các lĩnh vực chế biến chè, giấy, gỗ, tinh bột sắn. Tỷ suất hàng hóa đạt 50 - 55%.
c) Định hướng phát triển:
- Về loại hình kinh tế tư nhân: Phát triển nhanh về cả số lượng, quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động; khuyến khích phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, dịch vụ sản xuất và đời sống. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân, ưu tiên các dự án trồng rừng, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Phát triển ngành cơ khí lắp ráp, sửa chữa, cơ giới hóa khâu làm đất, chế biến lâm sản; xây dựng cơ sở giết mổ gắn với chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Khuyến khích kinh tế tư nhân hình thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh liên kết với kinh tế tập thể, kinh tế Nhà nước, các hộ nông dân, trang trại trên cơ sở tự nguyện, cùng phát triển và tạo điều kiện đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và sản xuất.
- Về phát triển loại hình kinh tế hợp tác: Sắp xếp lại tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với những Hợp tác xã đang phát triển, kinh doanh hiệu quả thì mở thêm các ngành sản xuất, dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm; những Hợp tác xã gặp khó khăn, chỉ làm một số khâu dịch vụ quan trọng như chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư, phân bón, thủy lợi; giải thể những Hợp tác xã yếu kém, đồng thời hướng dẫn thành lập tổ hợp tác và Hợp tác xã mới khi có điều kiện. Phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở đảm bảo quyền tự chủ của kinh tế hộ, kinh tế trang trại và hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển.
- Về đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp Nhà nước: Tập trung củng cố doanh nghiệp Nhà nước thực hiện những khâu công việc mà thành phần kinh tế khác chưa quan tâm đầu tư. Tiếp tục chuyển đổi theo hướng thành lập các doanh nghiệp cổ phần thúc đẩy đa dạng hóa sản xuất, kinh doanh và sở hữu trong nông, lâm nghiệp. Phát triển các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có quy mô lớn, kỹ thuật cao; liên kết có hiệu quả với các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất nguyên liệu, sản xuất công nghiệp phụ trợ; liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
2.2. Các giải pháp chủ yếu:
a) Về thông tin, tuyên truyền: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) của Đảng về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước trong nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến 2015.
b) Về huy động nguồn lực: Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, khai thác mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả công trình dự án sau đầu tư. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống điện, giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi.
c) Về phát triển nguồn nhân lực: Đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo; chú trọng liên kết với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các cơ sở khoa học và cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để đẩy nhanh quá trình đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Khuyến khích thu hút các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, lựa chọn đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực gửi đi đào tạo nâng cao trình độ.
d) Về ứng dụng khoa học công nghệ: Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật đối với sản xuất giống, chế biến, bảo quản nông sản. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào khâu chọn giống; từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.
e) Về chính sách: Đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, loại hình kinh tế tiếp cận thuận lợi và bình đẳng với nguồn vốn tín dụng; ưu tiên cho vay những dự án có hiệu quả, có chính sách tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Ưu tiên cho các hợp tác xã thuê đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất và cho hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đối với những dự án có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thu tiền đối với các hợp tác xã đã được giao đất xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất. Giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với toàn bộ quỹ đất công ích và đất chưa giao hoặc đất của những hộ không có nhu cầu sử dụng cho hợp tác xã nông nghiệp sử dụng. Sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
f) Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong quá trình tổ chức thực hiện.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- UBND tỉnh tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết.
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVI, kỳ họp thứ mười ba thông qua ngày 28 tháng 3 năm 2008.
| CHỦ TỊCH |