Nghị quyết số 180/2007/NQ-HĐND ngày 10/12/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La Về chính sách phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 180/2007/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Sơn La
- Ngày ban hành: 10-12-2007
- Ngày có hiệu lực: 20-12-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-04-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 494 ngày (1 năm 4 tháng 9 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 27-04-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 180/2007/NQ-HĐND | Sơn La, ngày 10 tháng 12 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
PHÊ CHUẨN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2007 - 2011
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi);
Căn cứ Chỉ thị số 1339/CT-BNN ngày 17/5/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Phát triển cây cao su trong thời gian tới;
Căn cứ Thông tư số 80/2007/TT-BNN ngày 24/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ nông lâm sản và thủ tục hỗ trợ sản xuất đối với các vùng tái định cư thuỷ điện Sơn La;
Xét Tờ trình số: 157/TTr-UBND ngày 30/11/2007 của UBND tỉnh về việc xin phê chuẩn chính sách phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 - 2011; Báo cáo thẩm tra số 311/BC-KTNS ngày 03/12/2007 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê chuẩn chính sách phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 - 2011, với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ
1. Mục tiêu
Chính sách hỗ trợ phải phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, phải được sự đồng thuận của nhân dân và được các hộ gia đình trong vùng quy hoạch tự nguyện di chuyển nhà, chuyển đổi cây trồng và góp giá trị quyền sử dụng đất cùng Công ty cổ phần cao su Sơn La để trồng, kinh doanh cây cao su.
2. Nhiệm vụ
2.1. Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng sang trồng cây cao su.
2.2. Hỗ trợ di chuyển nhà ở trong vùng quy hoạch trồng cây cao su.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi: Vùng quy hoạch trồng cây cao su trên địa bàn các huyện.
2. Đối tượng hưởng chính sách: Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức và nông lâm trường trong vùng quy hoạch trồng cây cao su.
3. Đối tượng đất quy hoạch trồng cao su
3.1. Đối tượng đất góp: Đất nông lâm nghiệp (đất trồng rừng không thành rừng, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm); đất trống, đồi núi trọc chưa sử dụng. Tổng diện tích tham gia góp giá trị quyền sử dụng đất 14.000ha/20.000ha chiếm 70% tổng diện tích quy hoạch trồng cao su.
3.2. Đối tượng đất thu hồi cho Công ty cổ phần cao su Sơn La thuê: Đất lâm nghiệp giao cho cộng đồng bản và đất nông lâm nghiệp giao cho các nông lâm trường trong vùng quy hoạch. Tổng diện tích giao cho Công ty cổ phần cao su Sơn La thuê 6.000ha/20.000ha chiếm 30% tổng diện tích quy hoạch trồng cao su.
III. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH
1. Chính sách về đất quy hoạch trồng cao su
1.1. Chính sách hỗ trợ cho các đối tượng góp giá trị quyền sử dụng đất để chuyển đổi cây trồng sang trồng cây cao su
1.1.1 Đối tượng được hỗ trợ
- Cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ trong thôn, bản tham gia góp giá trị quyền sử dụng đất.
- Cá nhân, hộ gia đình và công nhân đã nhận diện tích đất khoán của các nông lâm trường, thông qua Giám đốc nông lâm trường.
1.1.2 Mức hỗ trợ
- Cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ, nông lâm trường tham gia góp giá trị quyền sử dụng đất được hỗ trợ một lần sau khi đã hoàn thành thủ tục góp giá trị quyền sử dụng đất có xác nhận của Công ty cổ phần cao su Sơn La, với mức hỗ trợ như sau:
- Đất trồng cây lâu năm: 5 triệu đồng/ha (Đối với đất trồng cây lâu năm của cộng đồng, tổ chức tự bỏ vốn hoặc vốn vay được hỗ trợ như cá nhân, hộ gia đình).
- Đất trồng cây hàng năm: 3 triệu đồng/ha.
- Đất trồng rừng bằng vốn tự có hoặc vốn vay của cá nhân, hộ gia đình và nhóm hộ: 2 triệu đồng/ha.
- Đối với diện tích đất lâm nghiệp khoanh nuôi tái sinh rừng của cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, nhưng không được hưởng nguồn đầu tư khoanh nuôi tái sinh rừng hàng năm, thì được hỗ trợ một lần.
Mức hỗ trợ là: 50 ngàn đồng/ha/năm (bằng mức khoán của dự án 661 hiện hành), thời gian tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Riêng đối với đất trồng cây lâu năm, đất rừng trồng, đất lâm nghiệp khoanh nuôi tái sinh rừng bằng vốn Ngân sách nhà nước nhưng hiệu quả thấp chuyển sang trồng cao su không được hỗ trợ và cho phép lập thủ tục thanh lý theo quy định.
2. Hỗ trợ di chuyển nhà ở trong vùng quy hoạch trồng cao su
2.1. Đối tượng: Cá nhân, hộ gia đình trong vùng quy hoạch trồng cao su tự nguyện di chuyển nhà ở để giành phần đất tham gia trồng và kinh doanh cao su.
2.2. Mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ di chuyển là 2 triệu/hộ.
IV. NGUỒN VỐN VÀ HÌNH THỨC HỖ TRỢ
1. Hình thức hỗ trợ: Bằng tiền mặt.
2. Nguồn vốn hỗ trợ: Ngân sách tỉnh.
3. Vốn đầu tư
- Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2008 - 2011: 33,6 - 40 tỷ đồng.
- Vốn năm 2008: 10 tỷ đồng.
Điều 2: Hiệu lực thi hành: Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh Sơn La khoá XII thông qua.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao UBND tỉnh hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 - 2011.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền và giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này./.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh khoá XII, kỳ họp thứ 9 thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |