cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 173/2006/NQ-HĐND ngày 15/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2020 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 173/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 15-12-2006
  • Ngày có hiệu lực: 25-12-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-07-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2770 ngày (7 năm 7 tháng 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 26-07-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 26-07-2014, Nghị quyết số 173/2006/NQ-HĐND ngày 15/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2020 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 132/2014/NQ-HĐND ngày 16/07/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Xử lý kết quả rà soát Nghị quyết quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành từ ngày 31/12/2013 trở về trước đang còn hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 173/2006/NQ-HĐND

Vinh, ngày 15 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VINH ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 6987/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2006;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế & Ngân sách và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh:

a) Cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2020 nhằm thực hiện thành công Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI: "Đoàn kết phấn đấu đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo vào năm 2010; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020; xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế và văn hoá của vùng Bắc Trung bộ; quyết tâm đưa Nghệ An thành một trong những tỉnh khá của cả nước".

b) Quy hoạch mở rộng không gian đô thị Vinh phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và dân số của thành phố Vinh, cũng như với các chức năng của đô thị vùng Bắc Trung bộ (đến năm 2010 thành phố Vinh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I).

2. Tính chất chức năng của thành phố Vinh:

a) Thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của tỉnh Nghệ An.

b) Thành phố Vinh có các chức năng chủ yếu sau đây:

- Trung tâm vùng Bắc Trung bộ, đầu mối giao thông, cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng Bắc Trung bộ, của cả nước và quốc tế;

- Trung tâm kinh tế, đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của cả tỉnh và của cả vùng Bắc Trung bộ;

- Trung tâm đào tạo, công nghệ, văn hoá thể thao và y tế vùng;

- Trung tâm công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đô thị lớn có tác động mạnh đến thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế quan trọng của tỉnh và của vùng Bắc Trung bộ.

3. Quy mô đô thị:

a) Quy mô dân số:

Dân số thành phố đến năm 2010 là 350.000 người

năm 2015 là 450.000 người

năm 2020 là 800.000 người.

b) Đất đai đô thị:

- Nhu cầu đất xây dựng nội thị khoảng 10.000-12.000 ha.

- Phạm vi nghiên cứu quy hoạch có giới hạn:

Phía Bắc giáp đường Nam Cấm và Biển Đông; phía Nam giáp Sông Lam và đường tránh Vinh (đường vành đai); phía Đông giáp Sông Lam đến Cửa Hội; phía Tây giáp xã Nam Giang và kênh Kẻ Gai. Diện tích khoảng 250 km2.

Vùng phụ cận nghiên cứu có quan hệ trực tiếp với thành phố Vinh bao gồm các huyện, thị: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Cửa Lò, Nam Đàn và huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Diện tích khoảng 1.230 km2.

c) Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật: Đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2010.

4. Định hướng phát triển và tổ chức không gian đô thị Vinh:

a) Định hướng phát triển đô thị:

Định hướng phát triển chủ yếu của thành phố Vinh theo hướng đông bắc nhằm mục tiêu kết nối nhanh hai đô thị Vinh và Cửa Lò; mở rộng một phần về hướng tây và hướng nam đến đường vành đai thành phố Vinh.

b) Định hướng tổ chức không gian đô thị:

- Khu vực đô thị cũ: Quy hoạch cải tạo nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang làm nổi bật các khu phố như: Quang Trung, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Trường Thi, Quảng trường Hồ Chí Minh... và quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới dọc hai bên Đại lộ 3/2, Xô viết Nghệ Tĩnh tạo nên những khu phố đẹp, những điểm nhấn có ấn tượng.

- Khu vực mở rộng của đô thị: Quy hoạch mở rộng, phát triển một số khu chức năng, một số trục không gian chính của đô thị như: Trục trung tâm nối từ đường vành đai thành phố Vinh đến đường Bình Minh thị xã Cửa Lò; trục không gian hai bên Sông Vinh, kênh Kẻ Gai, đường ven Sông Lam... trong đó trục không gian Vinh - Cửa Lò là trục trung tâm chính, hiện đại có tính định hướng cho thành phố Vinh phát triển với quy mô trên một triệu dân.

5. Định hướng phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội:

a) Phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật:

- Xây dựng nâng cấp các công trình đầu mối như: Cảng Cửa Lò bảo đảm cho tàu 30.000 DWT vào ra thuận lợi; Cảng cá Cửa Hội; Ga đường sắt Vinh và khôi phục tuyến đường sắt Quán Bánh - Cửa Lò.

- Mở rộng, nâng cấp Sân bay Vinh bảo đảm các chuyến bay nội địa. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sớm nâng cấp Cảng hàng không Vinh thành Cảng hàng không quốc tế.

- Giao thông đối ngoại: Quy hoạch nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông đối ngoại quan trọng như: Đường vành đai đoạn nối với khu kinh tế đông nam Nghệ An; đường cao tốc Hà Nội - Vinh; đường Quốc lộ 46; Quốc lộ 7. Tạo điều kiện cho thành phố phát huy lợi thế phát triển chức năng là đầu mối giao thông vùng Bắc Trung bộ và của cả nước.

- Giao thông nội thị: Từng bước hiện đại hoá các trục giao thông quan trọng trong khu vực nội thị; quy hoạch xây dựng mới trục đường trung tâm Vinh - Cửa Lò và hệ thống giao thông công cộng khác của đô thị. Bảo đảm giao thông và đáp ứng yêu cầu chất lượng phát triển đô thị ngày càng cao.

b) Phát triển các công trình hạ tầng xã hội:

Quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng xã hội mang tính chất vùng như: Trung tâm đào tạo đại học, dạy nghề; trung tâm y tế vùng; các viện nghiên cứu công nghệ cao; khu liên hợp thể thao...

6. Giải pháp thực hiện:

a) Phân kỳ quy hoạch xây dựng:

- Giai đoạn 2006 - 2010:

Mục tiêu của giai đoạn này là xây dựng thành phố Vinh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Do đó, phải hoàn thành cơ bản công tác quy hoạch chung xây dựng thành phố, quy hoạch chi tiết gắn với quy hoạch phân vạch địa giới hành chính để đưa 4 xã của huyện Nghi Lộc là: Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức và 2 xã của huyện Hưng Nguyên là: Hưng Chính, Hưng Thịnh sáp nhập vào thành phố Vinh trong giai đoạn đầu. Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, cơ chế chính sách ưu đãi tạo cơ sở pháp lý để huy động các nguồn vốn vào xây dựng một bước kết cấu hạ tầng cơ bản quan trọng của đô thị và các khu chức năng, nhằm đẩy mạnh việc xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời triển khai xây dựng một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng khác.

- Giai đoạn 2011 -2020:

+ Tiếp tục xây dựng và đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng của thành phố Vinh.

+ Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các khu chức năng theo quy hoạch được duyệt.

+ Hoàn thiện cơ bản phát triển thành phố Vinh theo quy hoạch. Hoàn thành Cảng Cửa Lò, Cảng hàng không Vinh, cầu Bến Thủy 2, cầu hạ lưu sông Lam nối thành phố Vinh với huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh, các khu công nghiệp, khu du lịch, các trung tâm thương mại, giao dịch quốc tế và các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí cao cấp khác.

b) Cơ chế chính sách:

Đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi thích hợp để huy động có hiệu quả các nguồn vốn tại chỗ, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, vốn của các tổ chức, cá nhân trong cả nước vào đầu tư xây dựng phát triển thành phố. Phấn đấu đến năm 2010 thành phố Vinh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I và đến năm 2020 trở thành trung tâm kinh tế văn hoá vùng Bắc Trung bộ.

Điều 2. Giao UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVN, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15 tháng 12 năm 2006.

 

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Trung