Nghị quyết số 87/2006/NQ-HĐND ngày 13/10/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Về các Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, dạy nghề tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2010 và kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo tỉnh Bến Tre (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 87/2006/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Ngày ban hành: 13-10-2006
- Ngày có hiệu lực: 23-10-2006
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 18-12-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-07-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2097 ngày (5 năm 9 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-07-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 87/2006/NQ-HĐND | Bến Tre, ngày 13 tháng 10 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÁC ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HOÁ, THỂ DỤC THỂ THAO, DẠY NGHỀ TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 VÀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY LÀM CÔNG TÁC TÔN GIÁO TỈNH BẾN TRE
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Sau khi nghe Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo các Đề án đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, dạy nghề tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2010 và Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo tỉnh Bến Tre;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa- xã hội, Ban Pháp chế và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
I. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất các Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh, bao gồm:
- Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục giai đoạn 2006-2010;
- Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế giai đoạn 2006-2010;
- Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá giai đoạn 2006-2010;
- Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao giai đoạn 2006-2010;
- Đề án đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy nghề giai đoạn 2006-2010;
- Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo tỉnh Bến Tre.
Trong thời gian qua, sau khi triển khai Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá; Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng kể : nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư cho các lĩnh vực này cùng với đầu tư của Nhà nước, góp phần tạo bước phát triển mạnh mẽ; nhiều loại hình, phương thức hoạt động mới, đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương xã hội hoá ở tỉnh ta cũng còn nhiều khó khăn hạn chế : việc triển khai thực hiện chậm, thiếu quy hoạch; quản lý Nhà nước có mặt gò bó nhưng có mặt buông lỏng làm cho quá trình xã hội hoá chậm phát triển và có mặt lệch lạc, chưa phát huy tốt các tiềm năng trong xã hội để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của nhân dân, nhất là chưa chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, cho người nghèo, cho vùng sâu, vùng xa; chưa có nhiều cơ chế chính sách thu hút nhân dân đầu tư các loại hình dân lập, tư thục; các cơ sở ngoài công lập cơ sở vật chất còn đơn sơ, nghèo nàn, đội ngũ cán bộ yếu và thiếu...
Nguyên nhân của các hạn chế là do nhận thức của hệ thống chính trị về chủ trương xã hội hoá chưa sâu và biện pháp thực hiện chưa tốt, xem xã hội hoá chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Tư tưởng và thói quen trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước vẫn còn khá nặng nề. Chưa có nhiều chính sách khuyến khích hoạt động xã hội hoá.
Do đó, thực hiện tinh thần theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về hính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010, Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận các mục tiêu cụ thể đến năm 2010 trên từng lĩnh vực như sau:
1. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục :
- Mở rộng hệ thống trường lớp mầm non dân lập, tư thục, đến năm 2010 có thêm 05 trường mầm non dân lập, tư thục. Chuyển 10/13 trường mầm non bán công hiện nay sang loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm chi phí hoạt động. Xây dựng 30% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Năm 2010 có 80% học sinh nhà trẻ và 50% học sinh mẫu giáo ngoài công lập.
- Có 50% số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày; 20% trường tiểu học có tổ chức lớp bán trú; đến năm 2010 có ít nhất 01 trường tiểu học tư thục; xây dựng 40% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
- Cấp trung học, phấn đấu 20% số trường học 2 buổi/ngày, đến năm 2010 có từ 01 đến 02 trường trung học phổ thông chuyển sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động, xây dựng 20% trường trung học cơ sở và 20% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Khuyến khích và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thành lập trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tư thục.
- Phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 01% học sinh tiểu học, 02% học sinh trung học cơ sở, từ 30-40% học sinh trung học phổ thông ngoài công lập; trên 90% xã, phường có thành lập Trung tâm học tập cộng đồng. Chuyển một số trường công lập sang tư thục (nếu có điều kiện).
- Thu hút 15% học sinh trong độ tuổi vào học trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề. Thành lập Trường Đại học Bến Tre. Nâng số sinh viên trên 1 vạn dân là 150.
- Thu hút các nguồn lực góp phần chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục, tỷ trọng đóng góp đầu tư xây dựng hàng năm từ 8% đến 10% so với tổng vốn ngân sách Nhà nước.
2. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế :
- Đối với hệ thống công lập: Phấn đấu đến năm 2010 có 80% bệnh viện công thực hiện sự chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân ngoài công lập thực hiện một số dịch vụ ngoài chuyên môn kỹ thuật y tế và triển khai các dịch vụ trong khám chữa bệnh tại 80% các bệnh viện công. Từng bước chuyển các bệnh viện công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.
Tiếp tục duy trì, củng cố và phấn đấu đến năm 2010 tại các bệnh viện công đều có bếp ăn từ thiện (bằng nguồn đóng góp của các tổ chức từ thiện và các nhà hảo tâm).
- Đối với hệ thống y tế ngoài công lập: tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển và đa dạng hóa các loại hình y tế tư nhân, tập thể. Phấn đấu đến năm 2010: tại các huyện, thị có ít nhất 01 phòng khám đa khoa và toàn tỉnh có ít nhất 01 bệnh viện đa khoa; thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân.
- Ngành tiếp tục phối hợp với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo và các tổ chức từ thiện nhằm nhân rộng một số mô hình xã hội hóa mang tính từ thiện như : xóa mù, mỗ tim, hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, hiến máu nhân đạo, vá hở môi hàm ếch, bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam; khuyến khích việc tổ chức các phòng khám-chữa bệnh miễn phí và các hoạt động từ thiện trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
- Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân đạt tối thiểu 80% dân số.
- Tiếp nhận và triển khai thực hiện có hiệu quả các Dự án cũng như các nguồn tài trợ khác đầu tư cho y tế.
- Đối với mạng lưới y tế cơ sở :
+ Tiếp tục duy trì: 100% trạm y tế xã đều có Bác sĩ , Nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi phục vụ; 100% xã có y tế ấp hoạt động.
+ Phấn đấu đến năm 2010 đạt: 80% ấp (khu phố) đạt chuẩn văn hóa sức khỏe, 75% xã (phường) đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 90% ấp có y tế hoạt động và 80% trạm y tế xã (phường) có kết hợp Đông- Tây y trong khám chữa bệnh .
+ Trên 90% cộng đồng dân cư khắp các vùng trong tỉnh có kiến thức cơ bản về y tế (đặc biệt trên lĩnh vực phòng chống dịch bệnh), đồng thời biết ứng dụng trong tự phòng bệnh và tự chữa trị (bao gồm cả lĩnh vực Đông y) đối với một số bệnh thông thường.
3. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá:
- Đến năm 2010 sắp xếp các cơ Sở công lập hiện có thuộc ngành văn hoá sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ : lĩnh vực phát hành phim và chiếu bóng đổi sang lĩnh vực tư nhân kinh doanh phát hành phim ảnh. Chuyển đơn vị sự nghiệp Bảo tàng và Thư viện thành đơn vị sự nghiệp có thu. Hình thành bộ phận dịch vụ Văn hoá Thông tin tại Trung tâm Văn hoá Thông tin tỉnh.
- Hoạt động văn hoá chuyên ngành : khuyến khích thành lập các đơn vị nghệ thuật tập thể, tư nhân và gia đình; khuyến khích các văn nghệ sỹ mở trường, lớp đào tạo nghệ thuật, mỹ thuật; khuyến khích tư nhân liên doanh khai thác các cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật công lập; mở rộng chức năng in cho cơ sở tư nhân; cho thành lập Bảo tàng tư nhân, bộ sưu tập tư nhân và giao cho tư nhân tổ chức khai thác tốt các di tích lịch sử có khả năng tạo nguồn thu.
- Hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng: khuyến khích cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được đầu tư, tham gia các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ quần chúng ở xã, phường, cơ quan, đơn vị gồm : liên hoan, hội diễn ngành văn hoá và các ngành khác; các lớp tập huấn, lớp năng khiếu, nhóm-câu lạc bộ sở thích, nhóm-câu lạc bộ truyền thống và các loại hình văn nghệ dân gian khác...
- Vận động tư nhân thành lập thư viện (hoặc phòng đọc sách); điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em ở xã, phường.
4. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao :
- Đến 2010 có 28% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, 25% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình thể thao; có 100% cấp xã, thành lập Hội đồng thể dục thể thao, có cộng tác viên, được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
- Hoàn thành việc chuyển đổi 80% các cơ sở công lập và câu lạc bộ hiện có, thành các đơn vị sự nghiệp có thu (các Trung tâm thể dục thể thao) hoặc các mô hình quản lý khác, trong đó, giao khoán hoặc cổ phần hoá cho các tổ chức xã hội và tư nhân quản lý (khoán, cho thuê) đối với một số cơ sở đủ điều kiện như sân cầu lông, sân bóng chuyền, câu lạc bộ bơi lặn, câu lạc bộ quần vợt (khoảng 40%); 80% số môn thể thao phát triển mạnh có tổ chức quản lý là liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ thể dục thể thao cấp tỉnh;
- Từng địa phương, trên cơ sở các Hội, Câu lạc bộ, tụ điểm sinh hoạt văn hóa gia đình, nhóm sở thích, cơ sở dịch vụ tập luyện hiện có của năm 2005, phấn đấu đến năm 2010 mỗi năm phát triển từ 5% - 10%.
- Phát triển và hoàn thiện hệ thống các tổ chức xã hội của thể dục thể thao đủ mạnh để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức này dưới sự quản lý của Nhà nước.
- Nâng cao hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao, không ôm đồm các công việc mang tính chất sự vụ. Từng bước, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở thể dục thể thao công lập, có kế hoạch chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp sang sự nghiệp có thu hoặc cổ phần hóa.
5. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động dạy nghề :
- Quy mô đào tạo : phấn đấu số lao động được đào tạo tại các cơ sở ngoài công lập gồm : cơ sở dạy nghề tư thục, doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, đạt 70% tổng số lao động được đào tạo.
- Phát triển cơ sở dạy nghề : tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ sở dạy nghề ngoài công lập tham gia hoạt động dạy nghề thông qua cơ chế và chính sách. Đến cuối năm 2010 có ít nhất 60 cơ sở dạy nghề ngoài công lập và 1.000 cơ sở sản xuất tham gia đào tạo nghề. Khuyến khích doanh nghiệp, làng nghề tham gia hoạt động dạy nghề nhất là ở các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Nhà nước (thông qua Sở Lao động-Thương binh và xã hội) sẽ hỗ trợ về việc tổ chức thi để cấp chứng chỉ nghề và nâng cao chuẩn hoá trình độ nghề mà các cơ sở ngoài công lập chưa đủ điều kiện thực hiện hoàn chỉnh.
- Phấn đấu hằng năm phát triển mới ít nhất 5 cơ sở đào tạo nghề và 150 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đăng ký tham gia đào tạo nghề. Các cơ sở dạy nghề của nhà nước, tổ chức chính trị phấn đấu thực hiện xã hội hoá 80% nhiệm vụ đào tạo nghề.
6. Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy công tác tôn giáo tỉnh:
Tỉnh Bến Tre có nhiều tôn giáo, trong đó có 05 tôn giáo lớn hoạt động, tín đồ các tôn giáo chiếm 17,38% dân số. Đội ngũ công chức tỉnh, huyện, thị phụ trách công tác tôn giáo thời gian qua có nhiều nổ lực trong công tác, tuy nhiên, chưa đảm đương hết chức trách nhiệm vụ được giao.
Hội đồng nhân dân tỉnh đồng ý cho thực hiện đề án kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác Tôn giáo tỉnh Bến Tre với các mục tiêu cụ thể như sau:
- Cấp tỉnh : biên chế 17 cán bộ, công chức.
- Cấp huyện : các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Thị xã thành lập Phòng Tôn giáo, mỗi Phòng bố trí 03 biên chế, các huyện còn lại mỗi huyện bố trí 01 biên chế.
- Cấp xã, phường, thị trấn : cử 01 ủy viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm công tác tôn giáo trên địa bàn.
II. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh chấn chỉnh, bổ sung các đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề giai đoạn 2006-2010 theo đề nghị của Ban Văn hoá- xã hội, ý kiến đóng góp của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, nội dung giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại kỳ họp và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, cần lưu ý một số giải pháp sau :
- Chú trọng tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về xã hội hoá để cả hệ thống chính trị, các đơn vị công lập, ngoài công lập và nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề.
- Cần xác định cụ thể : lĩnh vực nào, cơ sở nào Nhà nước phải đầu tư và phải giữ trong hệ công lập; lĩnh vực nào, cơ sở nào phải xã hội hoá, để từ đó kêu gọi sự đầu tư của các tổ chức và cá nhân.
- Vận dụng tốt các chính sách và cơ chế quản lý của Trung ương để cụ thể hoá thành các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập trong tỉnh.
- Ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, cần vận động tối đa sự đóng góp của nhân dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Xây dựng quy hoạch cụ thể từng ngành để có chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các lĩnh vực thích hợp.
- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để điều hành, chỉ đạo thực hiện chung các đề án về xã hội hoá, đề ra các kế hoạch thực hiện cụ thể hằng năm trên từng lĩnh vực.
III. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giúp Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khóa VII, kỳ họp thứ 8 (kỳ họp chuyên đề) thông qua ngày 13/10/2006 và có hiệu lực kể từ ngày 23/10/2006./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |