cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 18/1998/NQ-HĐND ngày 15/07/1998 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Quy định về chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 18/1998/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Ngày ban hành: 15-07-1998
  • Ngày có hiệu lực: 01-08-1998
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6786 ngày (18 năm 7 tháng 6 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-02-2017
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-02-2017, Nghị quyết số 18/1998/NQ-HĐND ngày 15/07/1998 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Quy định về chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định 416/QĐ-UBND năm 2017 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ hết hiệu lực toàn bộ và một phần năm 2016”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/1998/NQ-HĐND

Phú Thọ, ngày 15 tháng 7 năm 1998

 

NGHỊ QUYẾT

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 5

(Từ ngày 15-7-1998 đến ngày 17-7-1998)

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21-6- 1994;

Căn cứ Chỉ thị số 37/TTg ngày 17/1/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh thực hiện chiến lược dân số kế hoạch hoá gia đình đến năm 2000.

Sau khi xem xét Tờ trình số 1263/TTr-UB ngày 07/7/1998 của UBND tỉnh về một số chính sách Dân số - KHHGĐ của tỉnh Phú Thọ; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá xã hội và thảo luận.

QUYẾT NGHỊ:

1) Nay ban hành kèm theo Nghị quyết này một số quy định về chính sách Dân số KHHGĐ.

2) Giao UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

3) Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01/8/1998 và thay thế Nghị quyết 06/HĐND ngày 19/10/1993 của HĐND tỉnh Vĩnh Phú.

Hội đồng Nhân dân tỉnh kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh phát huy những thành tích đã đạt được trong công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ của tỉnh, thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức họp lý, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày một giàu mạnh.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Phú Thọ khoá XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17 tháng 7 năm 1998./.

 

 

HĐND TỈNH PHÚ THỌ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đo

 

MỘT SỐ QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KHHGĐ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 18 ngày 17 tháng 7 năm 1998 của HĐND tỉnh, Khoá XIV, kỳ họp thứ 5)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Trách nhiệm thực hiện chính sách Dân số -KHHGĐ.

a. Thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi công dân, là trách nhiệm chỉ đạo thường xuyên của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh.

b. Tất cả các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều phải đăng ký cam kết thực hiện KHHGĐ; Cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú và nơi công tác.

Điều 2: Xây dựng mục tiêu Dân số - KHHGĐ:

a. UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị căn cứ chương trình mục tiêu dân số KHHGĐ hàng năm của TW, của tỉnh để xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch Dân số - KHHGĐ, thực hiện chế độ báo cáo cấp trên theo qui định.

b. Kết quả thực hiện kế hoạch Dân số - KHHGĐ hàng năm là một trong những tiêu chuẩn để UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị đánh giá xếp loại về thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như từng cá nhân.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3: Số con của mỗi cặp vợ chồng và khoảng cách sinh con:

a. Mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 1 hoặc 2 con, hai lần sinh cách nhau ít nhất từ 3 năm trở lên.

b. Cặp vợ chồng tái hôn, nếu 1 hoặc cả 2 người đã có con riêng thì chỉ được sinh thêm 1 con chung. Phụ nữ không có điều kiện kết hôn, có nguyện vọng làm mẹ, chỉ được sinh 1 con.

c. Trường hợp sinh đôi trở lên vào lần sinh thứ nhất mà các con còn sống thì được coi là đã đủ số con qui định. Trường hợp sinh đôi trở lên vào lần sinh thứ hai thì không coi là vi phạm.

d. Cặp vợ chồng đã có 2 con nhưng 1 hoặc cả 2 con bị dị tật, bị tai nạn hay bệnh tật, không có khả năng hồi phục thì có thể sinh thêm 1 con. Những cặp chồng mắc bệnh có tính di truyền, nhiễm độc gây dị tật không nên sinh con, khuyến khích nhận con nuôi.

Điều 4: Chính sách khuyến khích đối với cá nhân, đơn vị thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ:

A. Đối với cá nhân:

1. Người đăng ký và chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại được tạo điều kiện thuận lợi để lựa chọn thực hiện một biện pháp tránh thai phù hợp và được hưởng chế độ Nhà nước qui định; sau khi thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại, được cơ sở y tế Nhà nước gần nhất theo dõi sức khoẻ, nếu bị tai biến phải điều trị hoặc không đảm bảo KHHGĐ thì được miễn phí dịch vụ theo quy định của UBND tỉnh.

Hằng năm những cá nhân đạt thành tích xuất sắc về công tác dân số KHHGĐ được UBND tỉnh khen thưởng.

a. Đình sản

Người tự nguyện chấp nhận biện pháp đình sản, khi thực hiện được miễn phí dịch vụ, được cấp một cơ số thuốc, tiền bồi dưỡng và thẻ Bảo hiểm sức khoẻ theo qui định Liên bộ Y tế - UBQGDS - KHHGĐ và hướng dẫn hàng năm của UBQGDS - KHHGĐ, được địa phương miễn nghĩa vụ công ích trong một năm kể từ ngày thực hiện.

b. Đặt vòng:

Người sử dụng biện pháp đặt vòng, khi thực hiện được miễn phí dịch vụ, được cấp vòng và một cơ số thuốc theo qui định Liên bộ Y tế - UBQGDS -KHHGĐ, được địa phương giảm 1/2 số công nghĩa vụ công ích trong một năm, kể từ ngày thực hiện.

c. Tháo vòng:

Trường hợp tháo vòng có lý do chính đáng như: do viêm nhiễm; do hết tuổi sinh đẻ; để sinh con theo kế hoạch; do có nhu cầu thay đổi biện pháp tránh thai thì được miễn phí dịch vụ và được cấp thuốc thiết yếu theo qui định của UBND tỉnh.

d. Nạo thai hút điều hoà kinh nguyệt:

Nạo thai (hay hút điều hoà kinh nguyệt) tại một cơ sở Y tế Nhà nước trong tỉnh được miễn phí dịch vụ, được cấp thuốc thiết yếu, áp dụng cho các trường hợp sau đây:

Cặp vợ chồng đã thực hiện biện pháp đình sản hoặc đặt vòng do một cơ sở Y tế Nhà nước trong tỉnh thực hiện mà vẫn có thai.

Phụ nữ đang sống ở các xã miền núi, hộ đói nghèo đã đăng ký thực hiện KHHGĐ mà vẫn có thai.

2. Người trực tiếp làm kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ và người tham gia tổ chức, vận động đối tượng thực hiện KHHGĐ được hưởng chế độ khuyến khích, bồi dưỡng theo quyết định Liên Bộ Y tế - UBQGDS - KHHGĐ và hướng dẫn hàng năm của UBQGDS - KHHGĐ.

B. Đối với tập thể:

Hằng năm UBND tỉnh xét khen thưởng những tập thể đạt thành tích 5 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên, không có tảo hôn, tỷ lệ sinh và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới mức trung bình của tỉnh với mức thưởng: 10 triệu đồng đối với xã; 05 triệu đồng đối với phường, thị trấn; 01 triệu đồng đối với khu dân cư.

Điều 5: Các hình thức xử lý.

A. Đối với cá nhân:

1. Trường hợp vi phạm chính sách dân số KHHGĐ đưa ra kiểm điểm giáo dục tại đơn vị cơ sở hoặc khu dân cư.

2. Cán bộ Dân số - KHHGĐ, Y tế làm tổ chức kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ để xẩy ra tai biến, có trách nhiệm phối hợp khắc phục hậu quả; Nếu do thiếu tinh thần trách nhiệm thì tuỳ mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật thích đáng; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

B. Đối với tập thể:

Chính quyền xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị cơ sở có cá nhân vi phạm điều 5. A.1 phải xem xét khi phân loại chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh hàng năm.

Điều 6: Kinh phí đầu tư cho chương trình Dân số - KHHGĐ:

Kinh phí bảo đảm các hoạt động của chương trình Dân số -KHHGĐ được huy động từ các nguồn: ngân sách TW, ngân sách địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân; tài trợ Quốc tế và vốn lồng ghép các chương trình trên địa bàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7: HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả một số quy định chính sách Dân số - KHHGĐ của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng mọi hình thức trong toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh để mọi người tự giác thực hiện kế hoạch hoá gia đình, mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con.

Hằng năm UBND tỉnh xây dựng, giao chỉ tiêu kế hoạch và chỉ đạo các ngành, đơn vị, các huyện, thành, thị thực hiện chính sách DS - KHHGĐ và trích ngân sách của tỉnh chi cho hoạt động dân số - KHHGĐ theo hướng tăng lợi ích cho người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, để người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại được tạo điều kiện tốt nhất, được miễn phí dịch vụ y tế khi bị viêm nhiễm, tai biến do thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; tăng cường đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chính sách, kế hoạch; báo cáo kết quả thực hiện với HĐND tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, chính sách DS - KHHGĐ ở các cấp, các ngành và các đơn vị.

UBND tỉnh phối hợp với MTTQ tỉnh, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội với chương trình Dân số - KHHGĐ trên địa bàn./.