Quyết định số 63/2015/QĐ-UBND ngày 31/10/2015 Về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tỉnh Nghệ An
- Số hiệu văn bản: 63/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 31-10-2015
- Ngày có hiệu lực: 15-11-2015
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-01-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1893 ngày (5 năm 2 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-01-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2015/QĐ-UBND | Nghệ An, ngày 31 tháng 10 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016-2020 TỈNH NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002; Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;
Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Công văn số 301/HĐND-TT ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tỉnh Nghệ An;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An tại Tờ trình số 2074/TTr-SKHĐT ngày 19 tháng 10 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2015.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tỉnh Nghệ An để làm căn cứ lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời là căn cứ để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là các sở, ngành và địa phương).
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN
Thực hiện theo quy định tại mục I Quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Nguyên tắc chung về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020
Các Sở, ngành và địa phương thực hiện việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020 và hằng năm theo các nguyên tắc sau đây:
1. Bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và các văn bản pháp luật có liên quan; Đảm bảo cơ cấu ngành, lĩnh vực theo quy định của cấp có thẩm quyền trong đó có cơ cấu về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.
2. Việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát tư phát triển phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.
3. Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm các cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.
4. Việc bố trí vốn cho các dự án khởi công mới giai đoạn 2016-2020 phải theo cơ cấu nguồn vốn và tổng mức đầu tư đã được quyết định tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan. Đối với các dự án chuyển tiếp, theo khả năng nguồn vốn ưu tiên bố trí theo quyết định phê duyệt đầu tư ban đầu và phần tổng mức điều chỉnh tăng do tăng giá các chế độ chính sách của nhà nước trong thời gian hợp đồng. Các dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với quyết định đầu tư ban đầu phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Điều 38 của Luật đầu tư công để thực hiện.
5. Các dự án được khởi công từ nguồn vốn nào thì phải tiếp tục cân đối cho phần còn lại từ nguồn vốn đó theo quy định để đảm bảo cân đối chung. Trường hợp các dự án đã được tỉnh bố trí vốn chuẩn bị đầu tư nhưng chủ đầu tư và các cấp huyện, xã bố trí vốn để khởi công thực hiện dự án thì chủ đầu tư và huyện, xã phải chịu trách nhiệm huy động vốn để hoàn thành dự án theo phương án vốn các chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã trình và đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, nguồn vốn được phê duyệt tại chủ trương đầu tư thay đổi lại theo nguồn vốn xác định điều kiện về vốn để khởi công dự án.
6. Thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình trong giai đoạn 2016-2020 như sau:
a) Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng (ưu tiên cho các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán) nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư; Phần vốn bố trí phải theo cơ cấu nguồn vốn đã xác định tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền;
b) Các dự án chuyển tiếp bố trí theo tiến độ được phê duyệt trong đó ưu tiên tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các cấp, các ngành;
c) Dự án khởi công mới phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 54 của Luật đầu tư công và điều 10, 13, 27 Nghị định 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
7. Đối với việc bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn trả vốn ứng trước:
a) Đối với sở, ngành và địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước không lớn, phải bố trí đủ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản ứng trước; phần còn lại bố trí vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp. Số vốn còn lại (nếu có) mới cho phép bố trí khởi công các dự án mới.
b) Đối với các sở, ngành, địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản và số ứng trước lớn (kế hoạch đầu tư trung hạn nếu bố trí đủ để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, sẽ không còn nguồn để đối ứng các chương trình, dự án ODA, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp), yêu cầu các sở, ngành, địa phương:
- Bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu trong kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương không cân đối đủ, sử dụng nguồn tăng thu (sau khi đã bố trí để cải cách tiền lương) hằng năm để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Trường hợp không có tăng thu ngân sách phải huy động các nguồn vốn khác như xổ số kiến thiết và các nguồn vốn hợp pháp khác để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Các sở, ngành, địa phương xây dựng phương án cụ thể số vốn trả nợ từ kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và số vốn trả nợ từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.
- Bố trí vốn để thanh toán khoảng 50% số vốn ứng trước theo ngành, lĩnh vực, chương trình.
Số vốn còn lại (sau khi đã bố trí đủ nguồn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản như đã nêu trên) để đối ứng các chương trình, dự án ODA, các dự án chuyển tiếp.
Trong quá trình điều hành nếu có vượt thu ngân sách, giao Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh sử dụng một phần số vượt thu ngân sách địa phương để hoàn trả các khoản vốn ứng trước; sau khi thanh toán dứt điểm số nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước, mới được phép sử dụng số vượt thu còn lại để bố trí cho các dự án chuyển tiếp và các dự án khởi công mới.
- Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày Luật đầu tư công có hiệu lực (tức là ngày 01/01/2015.
8. Đối với từng vùng, miền, ưu tiên bố trí cho các vùng miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng miền.
9. Bố trí vốn chuẩn bị đầu tư theo quy định tại Điều 57 của Luật đầu tư công.
10. Trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020, đối với từng nguồn vốn, dành lại dự phòng 10% tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn (quy định tại khoản 6 điều 54 của Luật đầu tư công và điều 7 Nghị định 77/2015/NĐ-CP) cụ thể như sau:
a) Xử lý trượt giá sau khi đã sử dụng hết số vốn dự phòng trong tổng mức đầu tư được duyệt của từng dự án theo quy định của pháp luật;
b) Bổ sung đầu tư dự án khẩn cấp và dự án cần thiết mới phát sinh; đối ứng cho chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn;
c) Vấn đề cấp bách khác phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.
11. Bảo đảm thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc công khai, minh bạch và cân đối mặt bằng chung giữa các địa phương, ngành, lĩnh vực, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm phải chấp hành theo quy định của luật đầu tư công về thời gian, bảo đảm không làm thay đổi mục tiêu, cơ cấu đã xác định của kỳ kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
12. Bảo đảm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc cân đối, lồng ghép các nguồn vốn ngân sách.
Điều 5. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia và trái phiếu chính phủ
1. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia và trái phiếu chính phủ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu thực hiện theo quy định tại mục VI Quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 kèm theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Điều 6. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm nguồn thu cấp quyền sử dụng đất và xổ số kiến thiết)
1. Nguyên tắc xây dựng các tiêu chí và định mức phân bổ vốn:
a) Phù hợp với các quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ;
b) Việc xây dựng các tiêu chí, định mức phân bổ vốn phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Kế thừa các ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế đã nhận thấy trong quá trình thực hiện các nguyên tắc phân bổ vốn giai đoạn 2011-2015;
c) Kế thừa các ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế đã nhận thấy trong quá trình thực hiện các nguyên tắc phân bổ vốn giai đoạn 2011-2015.
d) Bảo đảm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí;
e) Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng; góp phần tích cực vào việc tăng cường công tác cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí.
2. Tiêu chí tính điểm cho các huyện, thành, thị:
Tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối cho các địa phương gồm 5 nhóm sau đây:
a) Tiêu chí dân số, gồm: số dân trung bình và số người dân tộc thiểu số của các địa phương.
b) Tiêu chí về trình độ phát triển, gồm: tỷ lệ hộ nghèo, thu ngân sách huyện xã (không bao gồm tiền sử dụng đất, ghi thu ghi chi).
c) Tiêu chí diện tích, gồm: diện tích đất tự nhiên của các địa phương và tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên.
d) Tiêu chí về đơn vị hành chính cấp xã: bao gồm tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã; số xã miền núi; số xã vùng cao; xã ATK thuộc vùng căn cứ kháng chiến; xã biên giới đất liền;
đ) Các tiêu chí bổ sung: bao gồm tiêu chí hỗ trợ thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2014 và hỗ trợ thị xã mới thành lập để phát triển.
3. Xác định số điểm của từng tiêu chí cụ thể
a) Tiêu chí dân số:
Bao gồm số dân trung bình và số người dân tộc thiểu số. Cách tính cụ thể như sau:
Tiêu chí | Điểm |
1. Số dân trung bình |
|
Cứ 10.000 người được tính | 1 |
2. Số người dân tộc thiểu số |
|
Cứ 10.000 người được tính | 0,5 |
Trong đó: Số dân trung bình của các huyện để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu niên giám thống kê của Cục Thống Kê Nghệ An năm 2014; Số người dân tộc thiểu số được xác định căn cứ vào số liệu báo cáo của Ban Dân tộc năm 2014.
b) Tiêu chí về trình độ phát triển:
Bao gồm 2 tiêu chí: tỷ lệ hộ nghèo và thu ngân sách huyện xã (không bao gồm tiền sử dụng đất). Cách tính cụ thể như sau:
Tiêu chí | Điểm |
1. Tỷ lệ hộ nghèo |
|
Cứ 5% hộ nghèo được tính | 2 |
Trên 5% đến 10% hộ nghèo, cứ 1% hộ nghèo được tính thêm | 0,3 |
Trên 10% đến 20% hộ nghèo, cứ 1% hộ nghèo được tính thêm | 0,2 |
Trên 20% hộ nghèo, cứ 1% hộ nghèo được tính thêm | 0,1 |
2. Thu ngân sách huyện, xã (không bao gồm nguồn thu tiền sử dụng đất, ghi thu ghi chi) |
|
Đến 10 tỷ đồng | 0,5 |
Cứ 10 tỷ đồng tăng thêm được | 0,7 |
Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo được xác định căn cứ số liệu điều tra đến hết năm 2014 do Sở Lao động Thương binh Xã hội cung cấp; Số liệu thu ngân sách huyện, xã (không bao gồm thu cấp quyền sử dụng đất được xác định căn cứ số liệu dự toán thu NSNN năm 2015 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
c) Tiêu chí diện tích:
Bao gồm 2 tiêu chí: diện tích đất tự nhiên và tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên. Cách tính cụ thể như sau:
Tiêu chí | Điểm |
1. Diện tích đất tự nhiên |
|
Đến 10.000 ha | 5 |
Trên 10.000 ha đến 25.000 ha, cứ 10.000 ha tăng thêm được tính thêm | 1 |
Trên 25.000 ha đến 50.000 ha, cứ 10.000 ha tăng thêm được tính thêm | 0,5 |
Trên 50.000 ha, cứ 10.000 ha tăng thêm được tính thêm | 0,1 |
2. Tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên |
|
Các địa phương có tỷ lệ diện tích đất trồng lúa đến 20% không được tính điểm |
|
Có tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên 20% trở lên được tính điểm theo thang điểm sau: |
|
Từ trên 20% đến 30%, cứ 1% diện tích được tính | 0,5 |
Trên 30% đến 50%, cứ 1% diện tích tăng thêm được tính | 1,0 |
Trên 50% trở lên, cứ 1% diện tích tăng thêm được tính | 2 |
Trong đó: Diện tích đất tự nhiên để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu niên giám thống kê của Cục Thống Kê Nghệ An năm 2014, Diện tích đất trồng lúa được xác định căn cứ trên diện tích đất trồng lúa đến ngày 01/01/2014 theo số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường.
d) Tiêu chí đơn vị hành chính:
Bao gồm tiêu chí đơn vị hành chính xã, tiêu chí xã miền núi, tiêu chí xã vùng cao, tiêu chí xã biên giới đất liền, tiêu chí xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK kháng chiến, cách tính cụ thể như sau:
Tiêu chí | Điểm |
1. Đơn vị hành chính cấp xã |
|
Mỗi xã được tính | 0,5 |
2. Xã miền núi |
|
Mỗi xã được tính | 0,3 |
3. Xã vùng cao |
|
Mỗi xã được tính | 0,5 |
4. Xã biên giới đất liền (tính bổ sung ngoài tiêu chí xã miền núi, xã vùng cao) |
|
Mỗi xã được tính | 0,3 |
5. Xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK kháng chiến (tính bổ sung ngoài tiêu chí xã miền núi, xã vùng cao) |
|
Mỗi xã được tính | 0,3 |
Trong đó: Số liệu đơn vị hành chính cấp xã được xác định căn cứ vào số liệu báo cáo của Sở Nội vụ; Số liệu xã miền núi, xã vùng cao được xác định căn cứ vào số liệu báo cáo của Ban Dân tộc; Số liệu xã biên giới đất liền được xác định căn cứ vào số liệu báo cáo của Sở Ngoại vụ; Số liệu xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK lấy theo Quyết định số 970/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
đ) Tiêu chí bổ sung:
Tiêu chí | Điểm |
1. Hỗ trợ thực hiện QĐ 2355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2014 (thị xã Cửa Lò) | 15 |
2. Hỗ trợ cho thị xã mới thành lập để phát triển (thị xã Thái Hòa và thị xã Hoàng Mai) | 15 |
4. Phương pháp tính mức vốn được phân bổ
a) Căn cứ vào các tiêu chí trên để tính ra số điểm của từng huyện, thành, thị (sau đây gọi tắt là huyện) và tổng số điểm của 21 huyện làm căn cứ để phân bổ vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí, theo các công thức sau:
- Điểm của tiêu chí dân số:
+ Gọi tổng số điểm tiêu chí dân số chung của huyện thứ i là Ai
+ Gọi số điểm của dân số huyện thứ i là hi.
+ Gọi số điểm của số người dân tộc thiểu số huyện thứ i là ki.
Điểm của tiêu chí dân số huyện thứ i sẽ là:
Ai = hi + ki.
- Điểm của tiêu chí trình độ phát triển:
+ Gọi tổng số điểm tiêu chí trình độ phát triển của huyện thứ i là Bi
+ Gọi số điểm của tiêu chí tỷ lệ nghèo huyện thứ i là ni.
+ Gọi số điểm của tiêu chí thu ngân sách huyện, xã (không bao gồm số thu cấp quyền sử dụng đất) thứ i là oi.
Điểm của tiêu chí trình độ phát triển huyện thứ i sẽ là:
Bi = ni + oi
- Điểm của tiêu chí diện tích:
+ Gọi tổng số điểm tiêu chí diện tích của huyện thứ i là Ci.
+ Gọi số điểm diện tích tự nhiên là qi.
+ Gọi số điểm của tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích là ri.
Điểm của tiêu chí diện tích là:
Ci = qi + ri
- Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã:
+ Gọi số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã là Di.
+ Gọi số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã huyện thứ i là si.
+ Gọi số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã miền núi huyện thứ i là ti.
+ Gọi số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã vùng cao huyện thứ i là ui.
+ Gọi số điểm xã biên giới đất liền là vi.
+ Gọi số điểm xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK là zi.
Tổng số điểm của tiêu chí đơn vị hành chính huyện thứ i sẽ là Di:
Di = si + ti + ui + vi + zi
- Điểm của tiêu chí bổ sung:
+ Gọi số điểm của huyện thuộc đối tượng hỗ trợ thực hiện quyết định 2355/QĐ-TTg ngày 25/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ là Gi.
+ Gọi số điểm của thị xã thứ i thuộc đối tượng hỗ trợ cho thị xã mới thành lập để phát triển là Hi
Gọi tổng số điểm tiêu chí bổ sung của huyện thứ i gọi là Li:
Li = Gi +Hi
- Tổng điểm của huyện thứ i:
+ Gọi tổng số điểm của huyện thứ i gọi là Xi:
Xi = Ai + Bi + Ci + Di + Li
- Tổng sổ điểm của 21 huyện là Y, ta có:
b) Số vốn định mức cho 1 điểm phân bổ được tính theo công thức:
Gọi K là tổng số vốn trong cân đối ngân sách địa phương phân bổ cho các huyện theo tiêu chí (không bao gồm nguồn đầu tư từ thu chuyển quyền sử dụng đất và xổ số kiến thiết).
Z là số vốn định mức cho một điểm phân bổ vốn đầu tư, ta có:
c) Tổng số vốn đầu tư trong cân đối phân bổ theo tiêu chí của từng huyện được tính theo công thức:
Gọi Vi là số vốn đầu tư trong cân đối phân bổ theo tiêu chí của huyện i:
Vi = Z x Xi
5. Điều chỉnh bất hợp lý
Sau khi phân bổ theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức nêu trên, đối với các địa phương có số vốn thấp hơn kế hoạch 2015 (không tính những khoản tăng đột xuất) sẽ xem xét điều chỉnh đảm bảo tương quan hợp lý giữa nguồn cân đối ngân sách địa phương và các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu chính phủ để tổng vốn đầu tư từ tất cả các nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ của các địa phương năm 2016 không thấp hơn so với kế hoạch 2015 và đảm bảo mức điểm sàn bằng điểm trung bình của 10 huyện thấp nhất.
Điều 7. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, nguồn vượt thu ngân sách hàng năm (nếu có)
1. Nguồn thu cấp quyền sử dụng đất được phân chia theo tỷ lệ % tỉnh, huyện, xã do Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt. Đối với phần tỉnh trực tiếp phân bổ tập trung để thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh, các công trình an sinh xã hội và các công trình giao thông, thủy lợi bức xúc... theo các nguyên tắc chung quy định ở điều 4 quy định này. Đối với phần huyện, xã trực tiếp phân bổ do Hội đồng nhân dân huyện, xã xác định nguyên tắc, tiêu chí cụ thể nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chung của tỉnh tại điều 4 quy định này và định hướng cơ cấu tỉnh giao để đảm bảo cơ cấu của Trung ương, được quy định chi tiết tại Điều 8 quy định này.
2. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vượt thu ngân sách hàng năm (nếu có) thực hiện theo đúng nguyên tắc chung quy định tại điều 4 quy định này và quy định của Luật NSNN hiện hành.
3. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn thu xổ số kiến thiết thực hiện theo đúng nguyên tắc chung quy định tại điều 4 quy định này, quy định của Luật NSNN hiện hành và các văn bản pháp luật có liên quan.
Điều 8. Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách huyện, xã
Nguyên tắc phân bổ do Hội đồng nhân dân huyện, xã xác định cụ thể nhưng phải đảm bảo theo nguyên tắc chung quy định ở Điều 4 quy định này và các nguyên tắc dưới đây:
1. Bố trí vốn cho các công trình, dự án thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thành, thị và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của của huyện, thành phố.
2. Các công trình, dự án được bố trí vốn phải nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, thuộc danh mục kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của huyện, thành, thị và có đầy đủ thủ tục về đầu tư theo quy định.
3. Chủ động bố trí các dự án vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư ngành giáo dục đào tạo và dạy nghề hằng năm đảm bảo cơ cấu tỉnh giao, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA, đối ứng các dự án sử dụng ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, bố trí phần tăng tổng mức đầu tư của các dự án do tăng quy mô, các dự án huyện cam kết bố trí để khởi công,…
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính xác định nguồn Trung ương đầu tư trong cân đối theo tiêu chí, ngân sách địa phương trung hạn và hàng năm giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định nguồn được phân bổ cho các địa phương theo tiêu chí tính điểm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy để làm căn cứ xây dựng phương án phân bổ đảm bảo quy định của Trung ương, cơ cấu đầu tư cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Quy định này;
c) Theo dõi, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quy định này đồng thời cập nhật các văn bản quy định của Trung ương để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
2. Giao Sở Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối đủ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý trong kế hoạch trung hạn và hằng năm để thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Quy định này;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, tỷ lệ phân chia nguồn thu cấp quyền sử dụng đất trong đó bao gồm phần tỉnh trực tiếp phân bổ, phần phân cấp cho các huyện, thành, thị... và nguồn thu xổ số kiến thiết để làm căn cứ xây dựng phương án phân bổ vốn;
c) Cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư các thông tin số liệu về thu, chi ngân sách của từng huyện, thành, thị phục vụ cho việc tính toán tiêu chí phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước.
3. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
a) Lập kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Quyết định này;
b) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tính chính xác các thông tin, số liệu và kế hoạch vốn phân bổ cho các dự án trong kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm của các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị;
c) Cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư các thông tin, số liệu thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách phục vụ cho việc tính toán tiêu chí phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước;
d) Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này trên địa bàn huyện./.