cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 21/07/2015 Về Quy định quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu văn bản: 09/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Ngày ban hành: 21-07-2015
  • Ngày có hiệu lực: 31-07-2015
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-01-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1636 ngày (4 năm 5 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 22-01-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 22-01-2020, Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 21/07/2015 Về Quy định quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2019”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2015/QÐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 21 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;

Căn cứ Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước;

Căn cứ Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 137/TTr-STNMT ngày 03 tháng 7 năm 2015, Báo cáo thẩm định số 190/STP-BCTĐ ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười (10) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 1554/2009/QÐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 1385/2012/QĐ-UBND ngày 07 ngày 9 tháng 2012 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2, Khoản 8 và Khoản 9 Điều 8 của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1554/2009/QÐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 1508/2012/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thuộc phạm vi gia đình không phải xin phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2015 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

1. Quy định này quy định chi tiết việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất, quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc phạm vi gia đình không phải xin phép nhưng phải đăng ký (gọi chung là hoạt động tài nguyên nước) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

2. Những nội dung khác không nêu trong quy định này được thực hiện theo Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13, các quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực tài nguyên nước.

3. Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

1. Các Sở, ban, ngành (gọi chung là cơ quan nhà nước); Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Chương II

ĐIỀU TRA CƠ BẢN, QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 3. Trách nhiệm thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn; tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 4. Điều tra, đánh giá, tài nguyên nước dưới đất.

1. Việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất là cơ sở để xây dựng các dự án khai thác nước dưới đất. Kết quả điều tra, đánh giá là căn cứ để quyết định cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất.

2. Các tổ chức, cá nhân thực hiện việc điều tra, đánh giá nước dưới đất phải có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn theo quy định. Kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn khác đều phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

3. Các tổ chức, cá nhân hành nghề điều tra, đánh giá nước dưới đất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Kiểm kê tài nguyên nước.

Định kỳ 05 năm, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng nhiệm vụ kiểm kê tài nguyên nước, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 6. Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, chất thải khác vào nguồn nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 7. Quan trắc tài nguyên nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước của tỉnh theo quy định tại điểm b Khoản 1 điều 9 của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/7/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, quản lý và thực hiện việc quan trắc tài nguyên nước.

Điều 8. Xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, lưu trữ thông tin dữ liệu về tài nguyên nước.

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Tổ chức thu thập, tổng hợp tài liệu liên quan đến tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; điều tra, bổ sung thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của tỉnh. Tiếp nhận, xử lý dữ liệu về tài nguyên nước từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, tích hợp, cập nhật dữ liệu tài nguyên nước; cung cấp dữ liệu về tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.

b) Quản lý, lưu trữ thông tin, cập nhật dữ liệu về tài nguyên nước (bao gồm cả cập nhật dữ liệu và phát triển, cập nhật hệ thống phần mền), khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

2. Các sở ngành liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thu thập, phân loại, đánh giá, xử lý, lưu trữ và quản lý dữ liệu tài nguyên nước, cung cấp dữ liệu cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tích hợp vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của tỉnh.

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: cung cấp số liệu, dữ liệu quản lý nhà nước về sử dụng nước trong nông nghiệp, công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, dự án có liên quan đến khai thác sử dụng tài nguyên nước, dữ liệu nước sạch nông thôn.

b) Sở Xây dựng: Cung cấp số liệu, dữ liệu quản lý nhà nước về quy hoạch nguồn cấp nước sinh hoạt đô thị và khu công nghiệp; số liệu về các đơn vị thu, nhận nước thải đô thị và khu công nghiệp;

c) Sở Y tế: Cung cấp số liệu kết quả kiểm tra định kỳ chất lượng nguồn nước khai thác cho mục đích sinh hoạt, đặc biệt với các đơn vị kinh doanh nước sạch; chất lượng nước thải tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

d) Sở Công Thương: Cung cấp số liệu, dữ liệu quản lý nhà nước về sử dụng nước trong hồ, đập thủy điện.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thu thập, phân loại, đánh giá, xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên nước trên địa bàn theo quy định; cung cấp cơ sở dữ liệu cho Sở Tài nguyên và Môi trường để xây dựng và tích hợp vào cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước của toàn tỉnh.

4. Kinh phí thu thập, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; kinh phí vận hành hệ thống, thu thập, xử lý dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trên địa bàn do ngân sách nhà nước của tỉnh bảo đảm và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Lập, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch tài nguyên nước.

1. Quy hoạch tài nguyên nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan lập quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Quy hoạch về thủy lợi, thủy điện, giao thông đường thủy nội địa và các quy hoạch khác có liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước (sau đây gọi chung là quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước) phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh các nhiệm vụ về quy hoạch tài nguyên nước.

Điều 10. Kinh phí điều tra cơ bản tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước, điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và lập quy hoạch tài nguyên nước.

Kinh phí cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước, điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định.

Chương III

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 11. Trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước.

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước thực hiện theo Điều 25 của Luật Tài nguyên nước.

Điều 12. Bảo vệ nước dưới đất.

1. Bảo vệ nước dưới đất trong khai thác, chế biến khoáng sản được thực hiện theo quy định tại Điều 10 và khoản 2 Điều 12 của Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Việc khoan thăm dò địa chất phải tuân thủ quy trình kỹ thuật. Thực hiện việc trám, lấp lỗ khoan không sử dụng theo quy định của pháp luật, bảo đảm cách ly tốt từng tầng chứa nước riêng biệt và đối với nước mặt.

3. Các lỗ khoan để quan trắc và khai thác nước dưới đất phục vụ cho hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản cần tránh xa nguồn, điểm ô nhiễm.

4. Tổ chức, cá nhân thăm dò địa chất, nếu tiến hành hoạt động bơm hút nước, tháo khô dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước thì phải dừng ngay việc bơm hút nước và thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Sử dụng hoá chất trong khai thác chế biến khoáng sản

1. Việc sử dụng hóa chất trong khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân theo quy định pháp luật về hóa chất để phòng ngừa ảnh hưởng đến nguồn nước.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất trong khai thác, chế biến khoáng sản phải đăng ký, báo cáo theo quy định hiện hành.

Điều 14. Xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; giám sát chất lượng nguồn nước

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh lập, quản lý hành lang vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và tổ chức công bố, thực hiện.

2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ kiểm tra, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố thông tin về chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt đối với các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm nguồn nước.

3. Trong hành lang bảo vệ nguồn nước, các Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện không quy hoạch, chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư và nghiêm cấm việc xây dựng mới các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại.

Chương IV

THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 15. Quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp không phải đăng ký và không phải xin phép được quy định tại Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 ngày 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước mặt tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định.

3. Việc đăng ký và thủ tục, hồ sơ cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt thực hiện theo Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước.

Điều 16. Quản lý thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất

1. Trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, chủ dự án phải thực hiện thăm dò nước dưới đất để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò nước dưới đất, trừ các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không phải xin phép theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức việc khoanh định, công bố vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất.

3. Việc xây dựng các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất phải được điều tra, đánh giá chi tiết. Kết quả điều tra, đánh giá nước dưới đất phải dự báo, đánh giá được chỉ số hạ thấp mực nước suốt quá trình khai thác.

4. Việc khai thác, sử dụng nước dưới đất phải có chế độ hợp lý, không làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; không gây sụt lún mặt đất và các công trình xây dựng lân cận trên mặt đất; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa, khắc phục sự cố trong quá trình điều tra, đánh giá, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

5. Hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực sau đây:

a) Khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước.

b) Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức.

c) Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất.

d) Khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng.

e) Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng và số lượng.

6. Không cấp mới hoặc gia hạn các loại giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất tại khu vực đã được hệ thống cấp nước và dịch vụ cấp nước công cộng bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng cho các tổ chức, cá nhân. Đối với khu vực chưa có hệ thống nước cấp tập trung hoặc có hệ thống cấp nước tập trung nhưng dịch vụ cấp nước chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng và số lượng thì Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể khi có đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

7. Việc đăng ký và cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất được thực hiện theo Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 17. Quản lý thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các khu, cụm công nghiệp

1. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tìm kiếm, thăm dò, lựa chọn nguồn nước và đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung tại những khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống nước cấp.

2. Đối với những khu vực chưa có hệ thống cấp nước tập trung, các tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh có nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, trừ trường hợp không phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định. Phải thực hiện việc lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước khai thác.

3. Đối với các khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng và số lượng thì không xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, gia hạn khai thác, sử dụng nước dưới đất.

a) Trường hợp khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung nhưng dịch vụ cấp nước chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng và số lượng thì Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể.

b) Các đơn vị cung cấp nước tập trung trong khu vực có trách nhiệm cung cấp đủ nước và bảo đảm chất lượng theo quy định.

Điều 18. Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong khai thác, chế biến khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định nguồn nước, khối lượng nước, phương thức khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nêu rõ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường.

2. Khuyến khích việc sử dụng tài nguyên nước hiệu quả và tiết kiệm. Hạn chế việc sử dụng nước dưới đất cho mục đích khai thác, chế biến khoáng sản.

3. Khu vực cấm, tạm thời cấm thăm dò, khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác ở vùng có mặt nước.

Để bảo vệ nguồn nước Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát sỏi và khoáng sản khác.

Điều 19. Quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong hoạt động thủy điện.

1. Cắm mốc hành lang an toàn hồ chứa

a) Chủ dự án được cấp phép khai thác sử dụng nước trong hoạt động thủy điện có trách nhiệm: phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt.

b) Chủ dự án có trách nhiệm thực hiện bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo vệ.

2. Vận hành hồ chứa

Chủ dự án có trách nhiệm:

a) Lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa trước khi tích nước hồ chứa và phải đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ của hồ chứa theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm an toàn công trình, an toàn hạ du hồ chứa, khai thác tổng hợp tài nguyên, môi trường hồ chứa, duy trì dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa, không gây biến đổi lớn đến chế độ dòng chảy hạ lưu hồ và có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu; phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa trên khu vực sông (nếu có) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Hàng năm, lập và báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương kế hoạch điều tiết nước hồ chứa theo quy định và phải đảm bảo yêu cầu quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu, dự báo tình hình biến đổi dòng chảy trong năm của cơ quan khí tượng thủy văn và nhu cầu sử dụng nước vùng hạ du hồ chứa nhằm giảm tác động xấu đến sản xuất, đời sống nhân dân và môi trường.

c) Xây dựng phương án để đối phó với tình huống vỡ đập, các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân.

d) Thực hiện chế độ thông báo và báo cáo liên quan đến vận hành hồ chứa theo quy định.

e) Phải tuân thủ theo lệnh điều tiết hồ chứa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác.

3. Quản lý an toàn đập.

Việc quản lý an toàn đập được thực hiện theo Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công thương quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện và các quy định hiện hành.

4. Bảo vệ đa dạng sinh học.

a) Chủ dự án có trách nhiệm quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái khu đất ngập nước và khu bán ngập nước trong khu vực đất được giao; Quan trắc và bảo vệ các loài sinh vật đặc hữu có trong khu vực. Những sinh vật này được xác định cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; ngăn chặn và báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện những hành vi xâm phạm đến tài nguyên sinh vật trong khu vực.

b) Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa phải thực hiện quy định chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định để bảo vệ rừng thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa và tham gia các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn.

5. Quan trắc khí tượng thuỷ văn.

a) Chủ dự án có trách nhiệm quan trắc các yếu tố mực nước, lưu lượng nước đến, lưu lượng nước xả qua đập, lưu lượng dòng chảy tối thiểu và lượng mưa theo các quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, Thông tư số 33/2008/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện một số điều thuộc Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện

b) Chủ dự án phải lưu trữ kết quả quan trắc và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường theo định kỳ trước ngày 15 tháng 01 hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Chương V

XẢ NƯỚC THẢI VÀO NGUỒN NƯỚC

Điều 20. Quản lý xả nước thải vào nguồn nước

1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến xả nước thải vào nguồn nước phải lập thủ tục cấp giấy phép, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

2. Việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước phải căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải; chức năng nguồn nước; khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước và các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả nước thải đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Nghiêm cấm việc xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; cấm xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước. Ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải phải được chống thấm, chống tràn bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước.

4. Quy hoạch đô thị, khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải phù hợp với quy mô xả nước thải, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước.

5. Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có hạng mục đầu tư xây dựng hệ thống thu gom tách riêng nước mưa, nước thải; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống tiêu, thoát, dẫn nước thải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

6. Tổ chức, cá nhân được phép sử dụng hóa chất phải bảo quản, sử dụng hóa chất đúng quy trình kỹ thuật, có biện pháp đảm bảo an toàn nhằm ngăn chặn rò rỉ, thâm nhập hóa chất vào nguồn nước.

7. Việc đăng ký, thủ tục hồ sơ cấp phép xả nước thải thực hiện theo Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 21. Xử lý nước thải trong các khu, cụm công nghiệp

1. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

2. Trường hợp các khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì các tổ chức, cá nhân hoạt động có nhu cầu xả nước thải phải xử lý nước thải đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn môi trường cho phép và phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải, trừ các trường hợp xả nước thải vào nguồn nước không phải xin phép theo quy định.

3. Trường hợp các khu, cụm công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và được cơ quan có chức năng cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước thì các tổ chức, cá nhân có phát sinh nước thải hoạt động trong khu vực bắt buộc phải thực hiện đấu nối hệ thống xả nước thải vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của khu vực.

4. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường nhằm tái sử dụng nước thải cho các mục đích khác.

Điều 22. Xử lý nước thải trong khai thác, chế biến khoáng sản

1. Nước thải từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trước khi xả vào nguồn nước phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường;

2. Đối với nước thải có chứa chất nguy hại phải có biện pháp đảm bảo an toàn, không được để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Tái sử dụng nước thải

a) Nước thải qua khai thác, chế biến khoáng sản đã được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường có thể được tái sử dụng.

b) Nghiêm cấm đưa chất thải, nước thải vào tầng chứa nước.

c) Nước thải đã qua xử lý được tái sử dụng phải đảm bảo không gây tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Chương VI

KHOAN NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 23. Quản lý hành nghề khoan nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

2. Trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, chủ dự án phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò, trừ trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không phải xin phép. Đồng thời lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn đủ năng lực điều kiện hành nghề thực hiện lập hồ sơ và thăm dò nước dưới đất theo quy định.

3. Việc cấp phép và thủ tục, hồ sơ hành nghề khoan nước dưới đất được thực hiện theo Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chương VII

CẤP GIẤY PHÉP, ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ TÀI CHÍNH TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 24. Nguyên tắc và căn cứ, điều kiện, thời hạn, trình tự thủ tục cấp phép

1. Nguyên tắc, căn cứ, điều kiện, thời hạn cấp phép tài nguyên nước áp dụng theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Nghị định số 201/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Điều 6 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất.

2.Trình tự thủ tục cấp phép hoạt động tài nguyên nước theo quy định tại các điều từ 35 đến 39 của Nghị định số 201/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Điều13 đến 15 của Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất.

3. Mẫu văn bản hồ sơ cấp phép hoạt động tài nguyên nước theo quy định tại Điều 7, Điều 9 của Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 25. Thẩm quyền cấp phép tài nguyên nước

Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy phép tài nguyên nước trong những trường hợp sau:

1. Thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với các công trình có lưu lượng từ 10 m3/ngày đêm đến dưới 3000 m3/ngày đêm;

2. Khai thác, sử dụng nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 0,1m3/giây đến dưới 2 m3/giây;

3. Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 50 KW đến dưới 2000 KW;

4. Khai thác sử dụng nước mặt cho mục đích khác với lưu lượng từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm;

5. Xả nước thải đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 30.000 m3/ngày đêm;

6. Xả nước thải vào nguồn nước đối với hoạt động khác với lưu lượng từ 5 m3/ngày đêm đến dưới 3000 m3/ngày đêm;

7. Hành nghề khoan nước dưới đất và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 mm và có lưu lượng dưới 3000 m3/ngày đêm đối với các tổ chức, cá nhân có địa chỉ thường trú trên địa bàn tỉnh.

Điều 26. Thẩm quyền tiếp nhận việc đăng ký khai thác nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước

1. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan tiếp nhận việc đăng ký khai thác sử dụng nước dưới đất trong trường hợp phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình thuộc phạm vi quản lý hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan tiếp nhận việc đăng ký khai thác sử dụng nước dưới đất trong các trường hợp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ ngày đêm; phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học ở khu vực quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ với quy mô dưới 5 (năm) m3/ngày đêm và không chứa chất thải độc hại, chất phóng xạ.

3. Trình tự thủ tục đăng ký khai thác nước dưới đất thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập sổ theo dõi, cập nhật số liệu đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn; hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 12.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định các vùng đăng ký khai thác nước dưới đất; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả điều tra, xây dựng danh mục vùng đăng ký khai thác nước dưới đất trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, phê duyệt.

Điều 27. Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước

Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép điều tra, đánh giá, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước:

a) Hội đồng thẩm định có tối thiểu 07 thành viên do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định. Ðối với Hội đồng thẩm định dự án thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất phải có ít nhất hai (02) thành viên phản biện có chuyên môn ngành địa chất hoặc địa chất thủy văn hoặc địa chất công trình.

b) Ý kiến đánh giá của thành viên phản biện và các thành viên khác trong buổi họp Hội đồng thẩm định hồ sơ xả nước thải vào nguồn nước được thể hiện theo hướng dẫn của Cục Quản lý tài nguyên nước.

c) Trường hợp Hội đồng không thống nhất cấp phép, Sở Tài nguyên và Môi trường có thể tham khảo thêm ý kiến của Cục Quản lý tài nguyên nước (nếu cần thiết).

d) Trường hợp Hội đồng thẩm định đã được thành lập mà có từ 03 thành viên trở lên vắng mặt trong buổi họp thẩm định thì Chủ tịch Hội đồng quyết định hủy bỏ buổi họp và tổ chức lại vào ngày khác.

Điều 28. Tài chính về tài nguyên nước

1. Sở Tài chính có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng các chính sách về thuế tài nguyên nước, phí, lệ phí về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

2. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện thu các loại thuế, phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và các quy định khác trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Chương VIII

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 29. Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cụ thể như sau:

1. Chủ trì soạn thảo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về quản lý và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện.

2. Chủ trì lập và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và thực hiện quy hoạch tài nguyên nước, kế hoạch điều tra cơ bản, điều hòa, phân phối tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông nội tỉnh.

3. Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền.

4. Xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước tại địa phương.

5. Chủ trì tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

6. Thẩm định hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và cho phép chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo thẩm quyền; thu phí, lệ phí cấp phép tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

7. Tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên nước theo phân cấp; kiểm kê, thống kê, lưu trữ số liệu tài nguyên nước trên địa bàn; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước, tình hình quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, trên địa bàn.

8. Tổ chức thẩm định các đề án, dự án về khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

9. Tổng hợp tình hình khai thác, sử dụng nước, các nguồn thải vào nguồn nước trên địa bàn; lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

10. Tham gia tổ chức phối hợp liên ngành của Trung ương, thường trực tổ chức phối hợp liên ngành của địa phương về quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông.

11. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức việc đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn.

Điều 30. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh

Các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích quản lý của ngành; quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, sử dụng nguồn nước vào mục đích nông nghiệp.

b) Tổ chức thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường;

c) Phối hợp quản lý tổng hợp lưu vực sông, quan hệ trao đổi thông tin về tài nguyên nước.

d) Xây dựng quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước cho việc phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh.

e) Chủ trì tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo vệ nguồn nước, trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng.

2. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các ngành liên quan xây dựng quy hoạch thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư tập trung, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Sở Công Thương phối hợp với các ngành liên quan có kế hoạch bảo đảm an toàn công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt phục vụ công trình thủy điện.

4. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ có sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước lập hồ sơ cấp giấy phép điều tra, đánh giá, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra hoạt động tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi được giao quản lý; xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

c) Xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung phù hợp của khu, cụm công nghiệp và yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu, cụm công nghiệp thực hiện việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải theo quy định.

Điều 31. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quản lý tài nguyên nước tại địa phương theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước. Đề xuất chính sách quản lý cho từng thời kỳ đảm bảo phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước.

2. Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ công trình.

3. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; giải quyết hoặc tham gia giải quyết các khiếu nại liên quan đến hoạt động điều tra, đánh giá, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

4. Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên nước; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

5. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước của tỉnh trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch điều tra, đánh giá, khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh.

6. Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục liên quan đến việc sử dụng đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác có liên quan cho các tổ chức, cá nhân được phép điều tra, đánh giá, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Tham gia ý kiến bằng văn bản về việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước đối với các trường hợp do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép của tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

8. Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

9. Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền.

10. Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường:

a) Theo dõi, giám sát việc chấp hành Luật Tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra, đánh giá, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn; định kỳ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

b) Hướng dẫn, theo dõi việc tổ chức đăng ký khai thác nước dưới đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt theo định kỳ vào cuối tháng 6 hàng năm để tổng hợp và lập kế hoạch bảo vệ, phục hồi.

11. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư dự án trên địa bàn lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định. Hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 10 tháng 12.

12. Chỉ đạo chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải. Đối với các cụm công nghiệp đang được quy hoạch và chưa xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp với nguồn tiếp nhận nước thải và nhu cầu xử lý nước thải.

13. Định kỳ hàng năm trước ngày 10 tháng 12, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tình hình quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đăng ký hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn huyện quản lý.

Điều 32. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; theo dõi, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra, đánh giá, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải trên địa bàn; xử lý hoặc đề nghị cơ quan cấp trên xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

2. Tham gia giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động tài nguyên nước như: sử dụng đất đai, sử dụng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả do hoạt động tài nguyên nước gây ra.

3. Tổ chức thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất theo quy định; tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất về phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện để theo dõi, quản lý.

4. Có trách nhiệm phát hiện kịp thời và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện các trường hợp khoan điều tra, đánh giá nước dưới đất, khoan khai thác, sử dụng nước dưới đất trái phép trên địa bàn.

5. Khi phát hiện tổ chức cá nhân đang thực hiện hoạt động tài nguyên nước trái phép trên địa bàn quản lý, Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý theo thẩm quyền hoặc đình chỉ, tạm giữ tang vật, phương tiện đang sử dụng tại hiện trường theo đúng thẩm quyền và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện bằng văn bản hoặc điện thoại để xử lý kịp thời.

Chương IX

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 33. Chủ giấy phép hoạt động tài nguyên nước

Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Tài nguyên nước và các quy định khác có liên quan.

Điều 34. Đền bù thiệt hại

Tổ chức, cá nhân được đền bù theo quy định các chi phí liên quan và phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước khi bị các cấp chính quyền thu hồi giấy phép hoạt động tài nguyên nước trong trường hợp phục vụ cho mục đích công cộng.

Điều 35. Báo cáo sự cố

Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước khi gặp sự cố gây ảnh hưởng xấu đến số lượng và chất lượng nguồn nước hoặc phát hiện các trường hợp bất thường về số lượng, chất lượng nguồn nước, sụt lún đất và các hiện tượng bất thường khác phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Điều 36. Dừng khai thác nước dưới đất

Tổ chức, cá nhân khi không có nhu cầu tiếp tục sử dụng giếng khai thác nước dưới đất có trách nhiệm thực hiện trám lấp giếng theo quy định và thông báo cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh và huyện để kiểm tra, giám sát.

Điều 37. Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước phải đúng mục đích, tiết kiệm, an toàn và có hiệu quả. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng, phát triển công nghệ xử lý nước thải nhằm đảm bảo chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép theo quy định và tái sử dụng nguồn nước thải sau khi qua hệ thống xử lý cho các mục đích khác nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Điều 38. Cung cấp thông tin

Tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin liên quan khi nộp hồ sơ đề nghị cấp phép và thực hiện báo cáo định kỳ.

Chương X

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, THANH TRA, KIỂM TRA

Điều 39. Chế độ báo cáo.

1. Các sở ngành, cơ quan liên quan báo cáo tình hình quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành;

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng kết, báo cáo tình hình quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; kết quả đăng ký khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn.

3. Định kỳ hàng năm trước ngày 10 tháng 12 các đơn vị gửi báo cáo về sở Tài nguyên và Môi trường;

4. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo của các ngành, địa phương; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo.

Điều 40. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về tài nguyên nước

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ việc thực hiện các quy định trong giấy phép;

3. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước thực hiện theo quy định hiện hành.

Chương XI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 41. Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện, kiểm tra việc thực hiện quy định này.

Trong quá trình thực hiện quy định, nếu phát sinh vướng mắc, các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.