cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quy định số 1582/2000/QĐ-TLĐ ngày 09/11/2000 Về nội dung phạm vi thu-chi quỹ công đoàn cơ sở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1582/2000/QĐ-TLĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Ngày ban hành: 09-11-2000
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2001
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 29-05-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-10-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2494 ngày (6 năm 10 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 31-10-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 31-10-2007, Quy định số 1582/2000/QĐ-TLĐ ngày 09/11/2000 Về nội dung phạm vi thu-chi quỹ công đoàn cơ sở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1375/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2007 Quy định về nội dung và phạm vi thu-chi ngân sách công đoàn cơ sở do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

TỔNG LIÊN ĐOÀN
 LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1582/2000/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2000 

 

QUY ĐỊNH

VỀ NỘI DUNG, PHẠM VI THU – CHI QUỸ CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

Thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ–TLĐ ngày 14/3/2000 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về một số vấn đề trong công tác tài chính và hoạt động kinh tế công đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định về nội dung, phạm vi thu–chi quỹ công đoàn cơ sở như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quỹ công đoàn cơ sở là nguồn tài chính đảm bảo cho các hoạt động của công đoàn cơ sở nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị.

2. Cấp công đoàn cơ sở được sử dụng bình quân 50% số thực thu KPCĐ và 70% số thực thu đoàn phí và phân bổ cho các mục chi như sau:

Mục chi

Tỷ trọng từng mục chi so với tổng số chi

– Lương và phụ cấp cán bộ CĐ chuyên trách

15%

– Phụ cấp cán bộ không chuyên trách

 

– Chi hành chính

10%

– Chi thăm hỏi cán bộ, đoàn viên

20%

– Chi hoạt động phong trào

 

– Chi khác

55%

– Việc phân bổ tỷ trọng chi cho các mục như trên là chỉ tiêu hướng dẫn, khi thực hiện sẽ căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp, nhưng phải tiết kiệm chi về tiền lương và hành chính, dành kinh phí chi cho các hoạt động phong trào của công đoàn.

– Về mức chi cụ thể do BCH hoặc Ban Thường vụ công đoàn cơ sở căn cứ vào khả năng kinh phí của đơn vị và giá cả từng thời điểm để quyết định.

3. Quản lý quỹ công đoàn cơ sở thuộc trách nhiệm của BCH, trực tiếp là Ban Thường vụ công đoàn cơ sở, phải thực hiện đúng quy chế quản lý tài chính do TLĐ quy định và hướng dẫn của công đoàn cấp trên. Đồng thời chịu sự kiểm tra của ủy ban kiểm tra (UBKT) công đoàn cùng cấp và cấp trên, tôn trọng quyền giám sát của đoàn viên công đoàn trong đơn vị, thực hiện tốt chế độ công khai tài chính. Hàng năm Ban thường vụ phải báo cáo tình hình thu–chi tài chính trước ban chấp hành, BCH phải báo cáo tình hình thu–chi tài chính trước Đại hội nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở.

II. NỘi DUNG THU – CHI QUỸ CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

A. Phần thu

1. Thu kinh phí công đoàn: Thực hiện theo tinh thần Thông tư liên tịch số 76/1999/TTLT/TC–TLĐ ngày 16/6/1999 của Bộ Tài chính – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về việc hướng dẫn trích nộp KPCĐ:

1.1. Đối với công đoàn cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước: Không phải trực tiếp thu KPCĐ, mà do công đoàn các cấp trên thu qua cơ quan Tài chính Nhà nước, sau đó cấp cho công đoàn cơ sở bình quân bằng 50% số KPCĐ đã thu qua cơ quan Tài chính Nhà nước.

1.2. Đối với công đoàn cơ sở trong các cơ quan, tổ chức không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nơi có tổ chức công đoàn: Công đoàn cơ sở trực tiếp thu KPCĐ bằng 2% quỹ tiền lương, tiền công và phụ cấp phải trả của đơn vị, được giữ lại bình quân 50% để chi tiêu, nộp lên công đoàn cấp trên 50%.

2. Thu đoàn phí công đoàn:

Các công đoàn cơ sở trực tiếp thu đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng góp theo quy định của Điều lệ Công đoàn VN và Thông tri số 06/TC–TLĐ ngày 20/01/1995 của Đoàn chủ tịch TLĐ, công đoàn cơ sở được giữ lại bình quân 70% để chi tiêu, nộp lên công đoàn cấp trên 30%.

3. Các khoản thu khác:

Ngoài 2 khoản thu KPCĐ và đoàn phí công đoàn, công đoàn cơ sở có thể còn có các khoản thu khác như: Thu về hoạt động VH–TT do công đoàn tổ chức, tiền thanh lý tài sản cũ của công đoàn; các khoản do đoàn viên hoặc cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ để chi cho các hoạt động công đoàn... Các khoản thu này (nếu có) công đoàn cơ sở được sử dụng tăng chi cho hoạt động, không phải nộp lên cấp trên.

B. Phần chi

1. Chi lương và phụ cấp lương cán bộ chuyên trách:

1.1. Lương cơ bản:

Chi lương theo ngạch, bậc cho cán bộ chuyên trách công đoàn cơ sở theo chế độ quy định về lương cán bộ Đảng, đoàn thể.

1.2. Phụ cấp lương:

Bao gồm các khoản phụ cấp như: Phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động... theo chế độ của Đảng, Nhà nước.

1.3. Trích nộp quỹ BHXH, BHYT theo quy định.

2. Phụ cấp cho cán bộ Công đoàn hoạt động không chuyên trách:

Nơi không có cán bộ công đoàn chuyên trách, công đoàn cơ sở được sử dụng 15% nguồn kinh phí để chi phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách, cụ thể như sau:

– ở những cơ quan, doanh nghiệp có biên chế Chủ tịch công đoàn chuyên trách, nhưng chức vụ này không hoạt động chuyên trách thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 10% lương cơ bản (QĐ 69/QĐ–TW).

– Nơi không đủ tiêu chuẩn có cán bộ chuyên trách thì Chủ tịch công đoàn hoạt động không chuyên trách được hưởng một khoản phụ cấp trách nhiệm từ 0,3 đến 0,5 mức lương tối thiểu do cấp trên trực tiếp quyết định (CV 587/TC–TW).

– Phụ cấp hoạt động cho ủy viên BCH, UBKT và các Trưởng tiểu ban chuyên đề, tổ trưởng công đoàn thì tùy theo khả năng kinh phí của đơn vị dành cho khoản chi này. Ban Thường vụ công đoàn cơ sở quyết định mức chi phụ cấp cho số cán bộ nói trên.

3. Chi phí hành chính:

3.1. Chi hội nghị Tổng kết hàng năm và Đại hội Công đoàn cơ sở (các hội nghị chuyên đề tính vào mục 4) gồm các khoản chi:

Tuyên truyền cổ động, trang trí khánh tiết, thuê trang âm, ánh sáng (nếu có), in tài liệu nước uống cho đại biểu, ban tổ chức.

3.2. Chi khác về hành chính: Văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ làm việc của văn phòng công đoàn, tiền bưu phí, công tác phí, nước uống khi làm việc và chi phí tiếp khách...

4. Chi hoạt động phong trào:

4.1. Chi tuyên truyền, giáo dục, bao gồm các khoản sau:

– Mua sách báo, tạp chí cho công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn và thư viện hoặc tủ sách công đoàn cơ sở.

– Chi tiền bồi dưỡng báo cáo viên, nước uống thông thường cho người dự trong các buổi nói chuyện về thời sự, chính sách, pháp luật, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, giáo dục truyền thống của giai cấp, của dân tộc, của đất nước và của đơn vị... do công đoàn tổ chức.

– Chi các buổi tọa đàm, tiếp xúc, động viên đối với đoàn viên tích cực, các cộng tác viên... nhằm thực hiện tốt các chủ trương công tác, các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và của tổ chức công đoàn.

– Chi động viên phong trào thi đua học tốt, dạy tốt về bổ túc văn hóa cho CNVCLĐ. Các khoản chi về tổ chức lớp học, nếu tiền thu học phí của học viên không đủ chi thì trước hết do quỹ phúc lợi của doanh nghiệp chi, nơi không có quỹ phúc lợi thì quỹ công đoàn chi bù khoản chênh lệch đó.

– Các hoạt động tuyên truyền trên bản tin, phát thanh, báo tường trong nội bộ đơn vị, công đoàn có thể chi về tiền giấy, bút, mực, bút vẽ... tiền bồi dưỡng cộng tác viên, thù lao các bài viết có chất lượng, khen thưởng cho cá nhân và tập thể có thành tích trong hoạt động này.

4.2. Chi về tổ chức phong trào thi đua: Nói chung, do quỹ khen thưởng của doanh nghiệp, cơ quan chi. Quỹ công đoàn có thể bổ sung để chi các khoản sau:

– Chi tổ chức các buổi phát động, sơ kết, tổng kết thi đua như trang trí khánh tiết, khẩu hiệu, nước uống, tặng phẩm lưu niệm, cờ thưởng của công đoàn.

– Chi phí tổ chức các buổi gặp mặt, tọa đàm với chiến sĩ thi đua, lao động giỏi, những người có thành tích xuất sắc về năng suất, chất lượng, hiệu quả, có nhiều sáng kiến, tiết kiệm...

– Phối hợp với chuyên môn chi về tổ chức hội thi về lao động sản xuất, công tác và hoạt động của công đoàn như: Thi về lao động giỏi, bàn tay vàng, chất lượng vàng, Chủ tịch công đoàn giỏi...

4.3. Chi về hoạt động văn nghệ, thể thao: Chủ yếu lấy từ quỹ phúc lợi tập thể và sự đóng góp của quần chúng, quỹ công đoàn có thể chi bổ sung cho các khoản sau:

– Chi mua sắm hoặc thuê các phương tiện hoạt động về văn nghệ, thể thao như: bóng, lưới, vợt cầu lông, vợt bóng bàn, các nhạc cụ, quần áo khi thi đấu, biểu diễn.

– Chi về luyện tập hoặc thi đấu thể thao, thể dục, biểu diễn văn nghệ bao gồm: Chi phí về tổ chức như kẻ vẽ sân bãi, thuê hội trường, âm thanh, ánh sáng... chi bồi dưỡng vận động viên, diễn viên, trọng tài, ban tổ chức, chi tặng phẩm lưu niệm hoặc giải thưởng cho cá nhân và tập thể.

– Chi về tổ chức cho CNVC thưởng thức các hoạt động văn hóa như: xem phim, xem biểu diễn văn nghệ, thể thao, hoạt động câu lạc bộ.

4.4. Chi về huấn luyện cán bộ: Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác công đoàn cho ủy viên BCH công đoàn bộ phận, tổ trường, tổ phó công đoàn, các ủy viên ban quần chúng và màng lưới đoàn viên tích cực hoạt động các mặt công tác công đoàn.

Chi phí về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn bao gồm: Bồi dưỡng báo cáo viên, giảng viên, tiền tài liệu, nước uống cho học viên và các chi phí khác về hành chính cho lớp học (nếu có). Trường hợp công đoàn cơ sở hoạt động phân tán, phải mở lớp tập trung vào những ngày làm việc thì thương lượng với chuyên môn đài thọ tiền lương.

4.5. Các hoạt động khác về phong trào:

– Chi tổ chức vui chơi giải trí cho CNVCLĐ ở tập thể trong các ngày lễ lớn; tổ chức vui chơi hoặc tặng quà cho các cháu con CNVC trong dịp 1/6, tết trung thu, trong dịp hè.

– Chi về các hoạt động xã hội, từ thiện do công đoàn tổ chức như: Xây dựng gia đình văn hóa, khu văn hóa của CNVC–LĐ; phòng chống các tệ nạn xã hội; phong trào uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa; giúp đỡ người tàn tật, con CNVC mồ côi không nơi nương tựa, học sinh nghèo vượt khó;...

– Chi thù lao hoạt động thanh tra công nhân, tài chính công đoàn và các màng lưới khác của công đoàn cơ sở.

4.6. Chi khen thưởng cán bộ, đoàn viên trong dịp tổng kết hàng năm theo chế độ của Tổng Liên đoàn quy định.

5. Chi thăm hỏi cán bộ, đoàn viên:

– Chi thăm hỏi cán bộ, đoàn viên công đoàn khi ốm đau, thai sản, tai nạn, gia đình có việc hiếu (bố, mẹ bên vợ – bên chồng, bản thân vợ – chồng) và việc cưới của cán bộ, đoàn viên.

– Chi thăm hỏi, giúp đỡ gia đình cán bộ, đoàn viên khi gặp khó khăn hoạn nạn do tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, do bão lụt hoặc bất trắc khác gây tổn thất lớn về sức khoẻ và tài sản.

6. Các khoản chi khác như:

ủng hộ các tổ chức, cá nhân ở ngoài đơn vị công đoàn cơ sở trong các trường hợp cần thiết: Giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt; ủng hộ tổ chức công đoàn nước ngoài, đóng góp với địa phương nơi đơn vị đóng... nếu khả năng kinh phí cho phép.

III. MỘT SỐ KHOẢN CẦN PHÂN BIỆT.

ở các doanh nghiệp, cơ quan có nhiều nguồn kinh phí để chi cho phong trào CNVCLĐ và quyền lợi của cán bộ công đoàn như: Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ công đoàn, quỹ của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...Vì vậy, cần phân biệt nội dung sử dụng để tránh chồng chéo, gây lãng phí. Cụ thể cần chú ý mấy khoản chi dưới đây:

– Các phương tiện hoạt động của công đoàn như: Trụ sở làm việc, phòng họp, bàn ghế, tủ đựng tài liệu, máy điện thoại, máy đánh văn bản, phương tiện giao thông... do chuyên môn cung cấp theo Luật Công đoàn.

– Các công trình văn hóa như: Nhà Văn hóa, Câu lạc bộ, thư viện, phòng truyền thống (kể cả việc xây dựng, trang bị và sửa chữa lớn), mua sắm phông màn, nhạc cụ đắt tiền do chuyên môn hoặc quỹ phúc lợi chi.

– Hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngoài quỹ Đoàn TN, quỹ Công đoàn có thể chi bổ sung cho những phong trào do Đoàn TN tổ chức hoặc cùng phối hợp với công đoàn tổ chức.

– Để sử dụng kinh phí hợp lý, Chính quyền, Công đoàn và Đoàn TN cần thống nhất chương trình, kế hoạch hoạt động, phân công cụ thể và lập dự trù chi tiêu sát với yêu cầu chi, phù hợp với khả năng của từng loại quỹ.

– Cán bộ chuyên trách công đoàn do quỹ công đoàn trả tiền lương cơ bản và phụ cấp lương theo chế độ chung, còn phần lương ở các doanh nghiệp trả theo kết quả sản xuất kinh doanh và các quyền lợi khác như. Trợ cấp khó khăn, tiền thưởng... do chuyên môn chi trả như mọi CNVCLĐ trong đơn vị.

– Trường hợp điều động cán bộ công đoàn không chuyên trách đi học, đi họp hoặc cử CNVC đi biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao... vào giờ sản xuất và công tác thì công đoàn thương lượng với chuyên môn chi tiền lương.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH.

Văn bản này có hiệu lực thi hành từ ngày 01–01–2001 và thay thế bản Quy định số 344/QĐ–TLĐ ngày 15/6/1988 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc thấy bất hợp lý, các cấp công đoàn cần phản ảnh về Tổng Liên đoàn để nghiên cứu, hướng dẫn.

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UỶ VIÊN




 
Nguyễn Thị Luật