Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020
- Số hiệu văn bản: 2261/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 15-12-2014
- Ngày có hiệu lực: 15-12-2014
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 18-12-2018
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 20-12-2018
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 3: 22-01-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 4: 11-02-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 5: 12-04-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 6: 14-05-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 7: 24-06-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 8: 26-06-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 9: 11-07-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 10: 20-07-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 11: 22-07-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 12: 06-08-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 13: 30-08-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 14: 09-09-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 15: 28-10-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 16: 21-12-2019
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-12-2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1451 ngày (3 năm 11 tháng 26 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 05-12-2018
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2261/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020, bao gồm các nội dung chính sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã mới, tác động trực tiếp vào, sản xuất, kinh doanh của kinh tế thành viên; tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của hợp tác xã, nâng cao hơn nữa vai trò của hợp tác xã đối với sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.
2. Mục tiêu giai đoạn 2015-2020:
- Thành lập, tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Mở rộng hình thức liên hiệp hợp tác xã quy mô vùng và quốc gia, nhất là ở lĩnh vực tín dụng, nông nghiệp; khuyến khích thành lập hợp tác xã quy mô lớn thông qua hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã thông qua tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các hợp tác xã; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; chế biến sản phẩm.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ
1. Phạm vi áp dụng
Chương trình thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020 trên phạm vi toàn quốc, trong đó ưu tiên cho các hợp tác xã căn cứ vào lĩnh vực, địa bàn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và trình độ phát triển của hợp tác xã.
2. Đối tượng áp dụng chung
- Hợp tác xã, bao gồm cả quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã) đáp ứng các tiêu chí cụ thể của từng nội dung hỗ trợ được quy định trong chương trình.
- Thành viên, sáng lập viên, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập và tham gia hợp tác xã.
- Cơ quan, cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến phát triển hợp tác xã.
3. Điều kiện hỗ trợ chung
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc và quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Có nhu cầu được hỗ trợ, đáp ứng các tiêu chí cụ thể của từng nội dung hỗ trợ được quy định trong Chương trình.
III. NỘI DUNG
1. Hỗ trợ chung đối với hợp tác xã
a) Bồi dưỡng nguồn nhân lực
- Đối tượng hỗ trợ: Cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã.
- Điều kiện, tiêu chí: Được hợp tác xã cử đi bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ với chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác và nhu cầu của hợp tác xã (có văn bản đề nghị được hỗ trợ bồi dưỡng của hợp tác xã).
- Nội dung hỗ trợ: Bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã; nghiên cứu thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học xuống làm việc ở hợp tác xã có thời hạn để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; chi phí đi lại từ trụ sở chính của hợp tác xã đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); chi phí mua tài liệu của khóa học, chi phí tổ chức, quản lý lớp học (xây dựng giáo trình, thuê hội trường, thù lao giảng viên, tham quan, khảo sát, chi phí ăn, ở).
- Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ: Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện; Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ.
b) Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia Chương trình nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ưu tiên phê duyệt các đề án của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Hàng năm, Ban chỉ đạo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ này, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
c) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã trong hoạt động ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới.
Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ này, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
d) Thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã
- Điều kiện, tiêu chí:
+ Tổ chức, cá nhân Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập hợp tác xã hoặc tham gia hợp tác xã (có văn bản đề nghị được hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã).
+ Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2013 tổ chức lại hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã (có văn bản đề nghị được hỗ trợ tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã).
- Nội dung hỗ trợ:
+ Cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật hợp tác xã trước khi thành lập hợp tác xã cho sáng lập viên hợp tác xã.
+ Tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã.
+ Tư vấn thực hiện các thủ tục tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ:
+ Ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí đối với thành lập mới hợp tác xã, đăng ký thay đổi theo quy định của Luật Hợp tác xã.
+ Ngân sách địa phương hỗ trợ 50% kinh phí đối với việc tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập. Phần kinh phí còn lại do hợp tác xã tự trang trải từ nguồn của hợp tác xã hoặc huy động từ những nguồn hợp pháp khác.
+ Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về mức và cơ chế tài chính hỗ trợ.
2. Đối với hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp
Ngoài việc được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi trên, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên là những cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp còn được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi sau:
- Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng:
+ Ưu tiên các hợp tác xã có quy mô lớn về thành viên, tạo quy mô hàng hóa lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; hợp tác xã hoạt động trên các địa bàn khó khăn.
+ Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của hợp tác xã phải nhằm mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh chung cho cộng đồng thành viên hợp tác xã, phải thực hiện theo đúng các thủ tục về đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng thành viên hợp tác xã bao gồm: trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, điện, nước sinh hoạt, chợ, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cửa hàng vật tư nông nghiệp, giao thông nội đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể điều kiện, tiêu chí thụ hưởng.
+ Nguồn và mức hỗ trợ: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 80% tổng mức đầu tư của dự án, hợp tác xã đóng góp tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án.
+ Hỗ trợ của nhà nước là tài sản không chia của hợp tác xã, hợp tác xã tự trang trải chi phí cho vận hành, bảo dưỡng công trình sau khi công trình được đưa vào hoạt động; khi hợp tác xã giải thể thì phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản hỗ trợ của nhà nước được chuyển vào ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký hợp tác xã.
- Hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh: Đối với hợp tác xã khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh được thực hiện theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
- Hỗ trợ chế biến sản phẩm: Đối với hợp tác xã được thực hiện theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Điều 2. Kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020
Hàng năm, căn cứ trên nhu cầu cụ thể của các bộ, ngành, địa phương và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí thực hiện Chương trình.
Các bộ, ngành, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương huy động các nguồn khác ngoài Chương trình để tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình và các nội dung được phân cấp theo thẩm quyền.
Điều 3. Tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về hợp tác xã có trách nhiệm:
- Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình.
- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung của Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình. Hàng năm, tổng hợp nhu cầu dự toán kinh phí từ ngân sách trung ương cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện Chương trình.
2. Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí của Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình.
3. Các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hợp tác xã theo lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công có trách nhiệm:
- Tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo các nội dung của Chương trình theo lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành; lập dự toán Chương trình và tổng hợp chung trong dự toán của ngành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp.
- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình chuyên ngành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung.
- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả.
4. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch và nhu cầu kinh phí để tham gia thực hiện một số nội dung của Chương trình: Tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập hợp tác xã; bồi dưỡng cán bộ, thành viên hợp tác xã; xây dựng mô hình hợp tác xã, xúc tiến thương mại hợp tác xã.
- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn Ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động trên của Liên minh Hợp tác xã đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả và tránh thất thoát.
5. Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận:
- Xây dựng kế hoạch và nhu cầu kinh phí (trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình) để tham gia thực hiện một số nội dung của Chương trình, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và vận động quần chúng, hội viên, thành viên tham gia phát triển kinh tế tập thể.
- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả và tránh thất thoát.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo các nội dung của chương trình; lập dự toán và tổng hợp chung trong dự toán của tỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ chuyên ngành tổng hợp.
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã trên địa bàn; tổ chức thực hiện chương trình, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ chuyên ngành để tổng hợp.
- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |