cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND ngày 29/10/2014 Sửa đổi Quy định về bảo vệ môi trường kèm theo Quyết định 23/2010/QĐ-UBND do thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu văn bản: 39/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Ngày ban hành: 29-10-2014
  • Ngày có hiệu lực: 08-11-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3670 ngày (10 năm 20 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2014/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 29 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 23/2010/QĐ-UBND NGÀY 10/8/2010 CỦA UBND THÀNH PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 35/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;

Căn cứ Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;

Căn cứ Thông tư số 22/2014/TT-BTNMT ngày 05/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định và hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 688/TTr-STNMT ngày 08/9/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bảo vệ môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 10/8/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng như sau:

1. Sửa đổi Điều 4 như sau:

Điều 4. Đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản

1. Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 29 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP Điều 10 và Điều 45 Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT và các quy định hiện hành.

2. Đối tượng phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2014/NĐ-CP Thông tư số 22/2014/TT-BTNMT và các quy định hiện hành.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường lập danh mục các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không bắt buộc lập thủ tục môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.”

2. Sửa đổi Điều 6 như sau:

“Điều 6. Ủy quyền thẩm định

Ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thành lập Đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra thực tế đối với cơ sở lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Thời gian thẩm định và phê duyệt

1. Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường

Thời hạn thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xem xét, trả lời hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 20 và Điều 33 của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và các quy định hiện hành.

2. Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản

Thời hạn thẩm định, phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết và thời hạn xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 10 và Điều 18 của Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT và các quy định hiện hành.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Có trách nhiệm chứng thực vào mặt sau của trang bìa hoặc trang phụ bìa của báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết về việc đã phê duyệt báo cáo, đề án này.

b) Gửi quyết định phê duyệt kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được chứng thực cho chủ dự án một (01) bản, Ủy ban nhân dân cấp huyện một (01) bản; gửi quyết định phê duyệt: báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án; gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định phê duyệt kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết một (01) bản khi được yêu cầu.

Trường hợp dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, cụm công nghiệp, làng nghề gửi một (01) quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho ban quản lý hoặc cơ quan quản lý có liên quan.

c) Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các hoạt động sau đây đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình:

- Kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đã được nêu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo quy định;

- Kiểm tra việc thực hiện các nội dung thay đổi so với nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt;

- Tiếp nhận và xử lý các ý kiến đề xuất, kiến nghị của chủ dự án, chủ cơ sở hoặc các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

d) Đối với dự án được đầu tư theo nhiều giai đoạn và chủ dự án có nhu cầu đưa một số hạng mục công trình đã đầu tư vào vận hành chính thức trước khi giai đoạn thi công xây dựng của dự án kết thúc, cơ quan kiểm tra, xác nhận có thể tổ chức kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các hạng mục công trình đã đầu tư theo đề nghị của chủ dự án.

đ) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt và các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án đối với các dự án, cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

e) Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện: Hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; hoạt động kiểm tra, xác nhận các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; hoạt động đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường; hoạt động đăng ký và kiểm tra thực hiện đề án bảo vệ môi trường đơn giản của năm trước trên địa bàn thành phố trước ngày 15 tháng 01 hàng năm.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Gửi bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản

- Cơ quan thường trực gửi bản cam kết bảo vệ môi trường đã đăng ký cho các cơ quan có liên quan được quy định tại Điều 34 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP Trường hợp dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, cụm công nghiệp, làng nghề phải gửi 01 (một) bản cho ban quản lý hoặc cơ quan quản lý có liên quan;

- Trong thời hạn hai (02) hai ngày làm việc, cơ quan thường trực gửi một (01) bản giấy xác nhận đăng ký kèm theo đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã chứng thực cho các cơ quan có liên quan được quy định tại Điều 20 Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT Trường hợp dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, cụm công nghiệp, làng nghề phải gửi một (01) bản cho ban quản lý hoặc cơ quan quản lý có liên quan.

d) Kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được đăng ký và các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

đ) Tiếp nhận và xử lý các ý kiến đề xuất, kiến nghị của chủ dự án, chủ cơ sở hoặc các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

e) Phối hợp với chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

f) Định kỳ 06 tháng một lần báo cáo về việc thực hiện hoạt động đăng ký và kiểm tra việc thực hiện bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản, đánh giá tình hình tuân thủ sau đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Thời gian báo cáo lần thứ nhất trước ngày 10 tháng 7 của năm thực hiện và lần thứ hai là ngày 10 tháng 01 của năm kế tiếp.

3. Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin; Cơ quan quản lý cụm công nghiệp, làng nghề.

a) Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đã được nêu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; kết quả thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được đăng ký đối với các dự án, cơ sở trong các khu công nghiệp và chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, cụm công nghiệp, làng nghề.

b) Tổ chức điều tra, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trong các khu công nghiệp và chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, cụm công nghiệp, làng nghề nhưng chưa thực hiện thủ tục về môi trường và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nói trên lập thủ tục môi trường theo quy định.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

“Điều 12. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

1. Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất được quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BTNMT và phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu tương ứng.

2. Đối tượng, điều kiện và thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu được thực hiện theo Điều 4, Điều 5, Điều 7 và Điều 8 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra sự phù hợp các quy định về bảo vệ môi trường đối với thương nhân nhập khẩu phế liệu và cấp Giấy chứng nhận cho thương nhân đã đáp ứng các điều kiện theo quy định.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

“Điều 14. Cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản

1. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường

Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố phải tiến hành ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại Quỹ bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng.

2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tổ chức thẩm định đề án, đề án bổ sung của các dự án khai thác khoáng sản quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo thẩm quyền.

b) Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo dự án, dự án bổ sung, đề án hoặc đề án bổ sung đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

c) Kiểm tra và xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.

d) Chậm nhất ngày 30 tháng 11 hàng năm, lập báo cáo kết quả thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; tình hình quản lý, sử dụng tiền ký quỹ và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố cho Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường.”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

Điều 15. Quy định ngành nghề không được phép hoạt động trong khu dân cư

1. Các ngành nghề sản xuất, kinh doanh không được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Các cơ sở thuộc danh mục ngành nghề sản xuất, kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này đang hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không thể khắc phục thì buộc phải di dời.

Trong thời gian chưa di dời phải cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, nghiêm cấm không được xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài, chất thải nguy hại vào các thành phần môi trường, không thải khói, bụi hoặc gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép.

3. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì rà soát lập danh sách các cơ sở thuộc khoản 2 Điều này, phân loại tình trạng ô nhiễm, yêu cầu lập hồ sơ môi trường và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, đồng thời trước 30 tháng 12 lập danh sách các đối tượng đề nghị xử lý và báo cáo về Ủy ban nhân thành phố qua Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai quy hoạch và bố trí quỹ đất để phục vụ công tác di dời trước ngày 01 tháng 01 năm 2015.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Xây dựng quy định chính sách hỗ trợ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho đối tượng thuộc khoản 2 Điều này;

b) Lập kế hoạch xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

c) Xây dựng tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi khu dân cư, khu đô thị trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.”

8. Sửa đổi Điều 16 như sau:

“Điều 16. Bảo vệ môi trường đối với các khu, lô đất chưa đưa vào đầu tư xây dựng (gọi tắt là lô đất trống)

1. Các chủ sử dụng đất có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường tại lô đất hiện do mình đang quản lý, sử dụng; khi có ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm dọn vệ sinh đảm bảo môi trường và cảnh quan đô thị.

2. Trong trường hợp có ô nhiễm đối với lô đất, nhưng chủ sử dụng không có các biện pháp khắc phục, thì cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ môi trường, giao tổ chức, cá nhân khác sử dụng tạm thời và chủ sử dụng đất phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí dọn vệ sinh theo quy định.

3. Chủ sử dụng đất phải hoàn thành việc chi trả chi phí theo khoản 2 Điều này (nếu có) trước khi giải quyết các thủ tục về cấp phép xây dựng, cấp, chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.

4. Việc quản lý, theo dõi bảo vệ môi trường

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

- Quản lý, theo dõi để đảm bảo môi trường đối với các lô đất trống trên địa bàn mình quản lý; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý theo quy định.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc địa bàn có trách nhiệm lập đường dây nóng, công khai và tiếp nhận các thông tin phản ánh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để có biện pháp xử lý kịp thời; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm vệ sinh môi trường tại các lô đất trống; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý theo quy định.

b) Kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2014, chủ sử dụng đất cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý môi trường cấp huyện trong trường hợp lô đất chưa được xây dựng đối với lô đất của mình ngay sau khi được cấp phép cấp, chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng giao đất hoặc quyết định giao đất.”

9. Sửa đổi Điều 35 như sau:

Điều 35. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Các nội dung còn lại của Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 10/8/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố vẫn còn hiệu lực thi hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các sở, ngành; Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Văn Hữu Chiến

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NGÀNH NGHỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CẤP MỚI GIẤY CHỨNG NHẬN KINH DOANH, KHÔNG CẤP MỚI HOẶC ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ TRONG KHU DÂN CƯ
(Kèm theo Quyết định số 39 /2014/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

1. Ngành hoá chất: sản xuất hoá chất cơ bản, sản xuất pin, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất làm lạnh, phèn, tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, sản xuất phân bón;

2. Ngành tái chế: Giấy, nhựa, kim loại, dầu nhớt cặn;

3. Ngành tẩy, nhộm, hồ, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt, may, đan;

4. Ngành luyện cán cao su, đúc lốp xe bằng cao su…

5. Ngành thuộc da;

6. Ngành xi mạ điện;

7. Ngành gia công cơ khí: Rèn, đúc, cán kéo kim loại, dập, cắt, gò, hàn, sơn;

8. Ngành in, tráng bao bì kim loại;

9. Ngành sản xuất bột giấy;

10. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm sứ, thuỷ tinh;

11. Ngành chế biến gỗ (trừ điêu khắc gỗ và mộc gia dụng không phun véc ni);

12. Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm các loại, muối, dầu ăn, phơi hải sản;

13. Ngành sản xuất thuốc lá;

14. Ngành sản xuất cồn, rượu, bia, nước giải khát (trừ nước uống tinh khiết);

15. Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm (trong nội thị);

16. Ngành giết mổ gia súc, gia cầm;

17. Ngành chế biến than;

18. Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản, phơi các nguyên vật liệu thuỷ hải sản như đầu tôm, cá,…;

19. Ngành chế biến sắn, chế biến nông sản khác.